Lục địa thứ 8 của Trái Đất bị thất lạc
7 lục địa được công nhận hiện nay là: Á, Phi, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Âu, Úc và Nam Cực. Lục địa thứ 8 bí ẩn của Trái Đất không được in trên các tấm bản đồ thông thường.
Bản đồ đo sâu của lục địa Zealandia.
Đó là vì 95% diện tích của nó chìm sâu hàng nghìn mét dưới Thái Bình Dương.
Lục địa này có tên Zealandia hay Te Riu-a-Mui trong tiếng Mori bản địa. Nó có diện tích 5 triệu km2, nằm ở phía Đông nước Úc, phía dưới của New Zealand ngày nay. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã phát hiện ra khối lục địa này chìm dưới nước và năm 2017 họ đã chính thức công nhận nó là một lục địa của Trái Đất. Tuy vậy, “lục địa bị mất” này vẫn chưa được nhiều người biết đến và kể cả giới khoa học cũng mới nghiên cứu rất ít về nó.
Hiện nay, tổ chức nghiên cứu tai biến địa chất của New Zealand rất muốn nâng cao nhận thức của mọi người về lục địa này bằng một bộ bản đồ mới cùng các công cụ tương tác, qua đó lục địa này được mô tả vô cùng chi tiết.
Video đang HOT
Tác giả chính của bộ bản đồ này, nhà địa chất học Nick Mortimer cho biết các nhà khoa học đã xây dựng bộ bản đồ này để đưa ra một bức tranh chính xác, đầy đủ và cập nhật các đặc điểm địa lý của New Zealand và khu vực Tây Nam Thái Bình Dương. Bộ bản đồ mới này tốt hơn nhiều so với các bộ bản đồ trước đây. Giá trị lớn nhất của nó nằm ở chỗ nó cho biết tình hình, bối cảnh và dẫn giải về các núi lửa ở New Zealand, đường ranh giới của các mảng kiến tạo và các bồn trầm tích.
Các tấm bản đồ này thể hiện phép đo sâu của lục địa Zealandia (hình dạng thềm đáy biển) cũng như lịch sử kiến tạo của nó, mô tả các hoạt động núi lửa và chuyển động kiến tạo đã hình thành nên lục địa này như thế nào qua hàng triệu năm. Dữ liệu để xây dựng nên bản đồ đo sâu được dự án Thềm đáy biển 2030 cung cấp, dự án này là dự án toàn cầu có mục đích lập bản đồ toàn bộ thềm đáy biển cho đến năm 2030 và đến nay đã hoàn thành được khoảng 20%.
Bản đồ kiến tạo cho thấy tuổi và loại đá bên dưới Zealandia.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa các phiên bản tương tác của bộ bản đồ này lên website riêng về Zealandia ( Zealandia webpage ). Bạn có thể dành vài phút ghé thăm trang web này, nhấp vài cú bấm chuột vào các hình ảnh siêu chi tiết và khi ai đó hỏi bạn đang làm gì, đơn giản hãy trả lời họ rằng bạn đang khám phá lục địa bị thất lạc của Trái Đất.
Sao Hỏa đã từng có những dòng sông lớn
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng hành tinh Đỏ đã từng có nước khi mà sự sống bắt đầu hình thành trên Trái Đất.
Đây là hình ảnh mô phỏng sao Hỏa trông ra sao khi có nước.
Lần đầu tiên, chúng ta biết được rất nhiều chi tiết về những dấu vết được cho là của những dòng sông tồn tại trên sao Hỏa vào thời cổ đại. Nghiên cứu này nằm trong kế hoạch tìm hiểu về sao Hỏa trước khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu phóng tàu thám hiểm Rosalind Franklin ExoMars lên hành tinh này vào năm 2022.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy thêm nhiều bằng chứng của nước trên bề mặt sao Hỏa, dựa vào đó họ có thêm những bước tiến trong việc tìm kiếm sự sống đã từng tồn tại ở nơi đây.
Các nhà nghiên cứu tìm hiểu những bức ảnh này và tìm thấy bằng chứng của những dòng sông cổ.
Các nhà nghiên cứu đã dựa vào những hình ảnh mặt vách đứng của sao Hỏa do tàu vũ trụ Mars Reconnaissance Orbiter chụp được và kết luận rằng những hình ảnh có độ phân giải cao này cho thấy một vùng đất đã từng có nhiều dòng sông cách đây hơn 3,7 tỷ năm.
Sự sống trên Trái Đất bắt đầu từ 4,5 tỷ năm trước, điều này đã được xác định bằng nhiều bằng chứng khoa học. Tiến sĩ Joel Davis, nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London, Anh, một trong những người tham gia vào nghiên cứu này, cho biết phát hiện mới này về sao Hỏa là một mảnh ghép trong bức tranh toàn diện về sao Hỏa hàng tỷ năm về trước.
"Chúng tôi chưa từng thấy những bằng chứng chi tiết như thế này của những dòng sông cổ và rộng lớn trên sao Hỏa" - ông nói - "Bước tiếp theo chúng tôi sẽ đưa những con tàu thám hiểm lên đúng những nơi này hoặc những nơi tương tự để bắt đầu trực tiếp tìm kiếm dấu hiệu của sự sống thời cổ xưa ở nơi đây."
Các bức ảnh này là ảnh chụp bên trong hố va chạm Hellas ở bán cầu Nam của sao Hỏa. Đây là một trong những hố va chạm lớn nhất tính trong cả hệ Mặt Trời. Tàu vũ trụ Mars Reconnaissance Orbiter đã chụp được những bức ảnh chi tiết này từ khoảng cách 400 km.
Từ các bức ảnh, có thể thấy một tầng đá nhiều lớp dày 200 mét nằm phía trong các vách của hố va chạm. Trông chúng giống như được hình thành do một dòng nước chảy qua. Tiến sĩ Davis giải thích rằng những dòng sông này đã tạo nên những khối đá đó không chỉ trong một sự kiện mà có thể là qua quá trình hàng trăm nghìn năm.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng những khối đá này sẽ lưu trữ bằng chứng của sự sống cổ xưa trên sao Hỏa. Trong tương lai, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ vấn đề này.
Ông William McMahon, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết trên Trái Đất, các lớp đá trầm tích đã được các nhà địa chất học sử dụng qua nhiều thế hệ để tìm hiểu các điều kiện trên hành tinh chúng ta hàng tỷ năm về trước.
Ngày nay chúng ta có công nghệ để mở rộng áp dụng phương pháp này cho các hành tinh khác, cụ thể là sao Hỏa, nơi có rất nhiều đá trầm tích cổ lưu giữ những thông tin về thời kỳ cổ đại xưa cũ hơn cả trên Trái Đất của chúng ta.
Từng tồn tại một "trái đất đại dương" trong Hệ Mặt trời 3,2 triệu năm trước, hành tinh thứ 3 của Hệ Mặt trời là một quả cầu nước với những dạng sống nguyên thủy kỳ dị lang thang trong đại dương vô tận: đó chính là trái đất sơ khai! Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience đã đưa ra một bức chân dung hoàn toàn xa lạ...