Lực của các thói quen và cách đối trị
Trẻ con bây giờ, trong khoảng thời gian và không gian mà tôi có thể cảm nhận được bằng mắt và tai của chính mình, thấy không mấy hạnh phúc: đói khát rách rưới, bệnh tật ốm đau, cờ bạc hút chích, xâm hại tình dục, lợi dụng kiếm ăn, đam mê điện tử v.v… Vô vàn thứ khiến mình không khỏi thở dài.
Người xưa nói “Dạy con từ thuở lên ba…”, là độ tuổi chưa kịp phát huy những chủng tử xấu. Ảnh minh họa
Trong khi phương cách, mình chỉ có thể làm trong khả năng ít ỏi của mình, trong những ràng buộc có giới hạn. Bởi con mình, mình có thể tận dụng niềm tin vào giáo pháp đã học, vào sự định tĩnh cũng như những hiểu biết đang có, để trường viễn với những gì đã lên kế hoạch. Con của người, khó mà vượt khỏi những giới hạn mà chúng đang vướng.
Thằng nhóc, cờ bạc đến mức không thể kiềm chế bản thân. Mẹ tự tử mấy lần. Cha lao đao khốn khổ. Một loại cờ bạc không cần đến nhà cửa chỗ ngồi, chỉ cần một chiếc điện thoại di động là đủ. Tiền không cần chung liền, sẽ được gửi tới cha mẹ đòi sau. Hoàn toàn thuận lợi cho một kẻ vừa nhàn rỗi, vừa quen chong mắt với màn đêm.
Nhà đã phải bán bớt để cứu con. Gia đình cũng tìm mọi cách để tháo gỡ, nhưng vô công. Nghe đâu bà vừa tự tử lần nữa. Một việc chẳng làm thằng nhỏ động sắc thái, chỉ khiến gia đình thêm rối ren. Vì mọi thứ đã thành thói. Quen phung phí tiền vào những trò vô bổ, quen nhìn thấy việc kiếm tiền quá dễ của cha, quen thấy mẹ tự tử nhiều lần. Thứ gì là quen đều trở thành bình thường, không có gì để thắc mắc, ngược lại mới là lạ.
Quen là một hình thức của Tập đế thuộc Tứ đế. Tập là tích tụ. Một sự tích tụ khiến con người trở thành nạn nhân của chính những gì mình đã tích tụ. Thứ gì thành quen, nó có sức mạnh dẫn con người theo đó.
Con người trở thành một loại thiêu thân với những gì mình từng gây tạo dù là thiện hay ác nghiệp. Con người thành không chủ khi cuộc đời được xây dựng bằng những mốc thói quen, bằng những chuỗi nhân duyên liên tiếp trong đời sống này, chưa hề một lần tỉnh giác để ý thức hết những gì mình đã gây tạo.
Nhưng vẫn lầm tưởng đây là thân tôi, tâm tôi, ý muốn của tôi, tôi đang…; luôn có một cái tôi làm chủ mọi hành động và ưa thích của mình, mà thật chỉ là kế thừa những gì đã thành tập. Kế thừa những thói quen cũ và tạo thêm những thói quen mới do hoàn cảnh đưa tới.
Con tôi, chẳng phải là một đứa trẻ ngoan. Mê game đến mức bỏ tốt nghiệp đại học, chứng chỉ chồng như núi. Sự việc chỉ được nhận ra khi tôi từ bỏ cuộc chơi, quay về thu gọn chi tiêu với ngôi nhà cha mẹ để lại, ngừng bươn chải để còn quay đầu, kịp thời gian để nhìn lại con.
Tiền kiếm ra không phải từ nguồn bất chính, nhân duyên đưa đến cướp ngày, thiên tai, con phá… Nhờ đó tôi không phải đối diện với những tai quái mà người phụ nữ kia phải đối diện: nợ đòi liên tiếp, không phải vài chục triệu mà lên đến hàng trăm triệu, những món tiền mà với thằng bé, chỉ là hạt cát trong biển sa mạc mà cha kiếm được.
Tôi không phải đối diện với những thứ đó. Chỉ phải đối diện với những gì con đã tích tụ trong bao năm, game điện tử. Từ những ngày nó mới bốn tuổi, cho đến ngày nó vào đại học và ra trường. Khoảng thời gian tôi phải bươn chải kiếm ăn, không có thời gian gần con.
Vấn đề là, tôi không hề ý thức rằng một sự quan tâm đúng mức đến con là cần thiết. Cũng không biết gì về những tích tụ nguy hiểm, những tích tụ quyết định sự có mặt của một sinh linh, lên voi hay xuống chó là từ đó, sống lâu hay đoản mạng cũng từ đó… Không biết gì, cho đến khi lặn dần vào biển giáo pháp của Như Lai. Không biết gì, nên không lường hết những gì đang xảy ra dưới một vỏ bọc tốt đẹp.
Thứ tôi phải giải quyết bấy giờ là thói quen chơi game của con. Làm sao để nó có thể từ bỏ thói quen đó. Những gì thuộc thói quen, thiếu nó con người thấy mất sức sống, không còn năng lực để làm gì, chán nản, buồn bã, không chỗ bám víu, chỉ còn một suy nghĩ duy nhất trong đầu, phải tìm mọi cách để tiếp tục…
Đó là cái khó cho những kẻ muốn cai nghiện. Phàm phu không có khả năng nhìn lại bản thân để chấm dứt một sự lệ thuộc, chỉ làm sao giải quyết những phiền não trước mắt một cách đơn giản nhất, tiếp tục và tiếp tục, những thói quen phải được tiếp tục để giải quyết những phiền não đang hoành hành cả thân lẫn tâm.
Song, muốn chấm dứt một thói quen, đầu tiên phải tìm cách không cho nó có điều kiện phát triển, tức không cho thói quen ấy huân tiếp vào tạng thức. Chơi game phải được chấm dứt. Chừng đó đủ để gặp nan giải khi thằng bé không còn bé nữa. Mười tám tuổi, đủ để mình không thể can thiệp vào đời sống của nó, đừng nói là hăm mấy.
May ở Việt Nam, vẫn còn cái gọi là “phép vua thua lệ làng”. Con cái lớn bao nhiêu vẫn chịu ít nhiều sự quản thúc của cha mẹ là cái lệ trong tâm trí người Việt. Thằng bé vẫn bị chi phối bởi lệ ấy. Nó thấy việc bỏ thi ra trường, chồng chất các chứng chỉ, là trái tự nhiên, là tội lỗi với cha mẹ.
Nhưng quay đầu làm lại thì khó hơn nhiều so với việc tiếp tục chơi game. Bởi việc chơi được thực hiện nhiều hơn việc học. Chủng chơi được huân mạnh hơn chủng học. Học sau chơi hai năm. Trong suốt những năm đi học, dù lên lớp đều đều, dù đậu một lúc ba trường đại học, thực tế vẫn là chơi nhiều hơn học. Chủng chơi có lực mạnh hơn chủng học nên để nó tự ý thức buông bỏ là việc không thể.
Không nắm được quy tắc đó nên tôi đã để thằng bé như nguyện, tự ý thức với việc học của mình trong ngần ấy năm đại học, thay vì phải bị quản thúc như những kẻ cai nghiện. Vậy là thêm bốn năm huân tập tật xấu sau những cố gắng và vất vả kìm kẹp của mình, chơi có lực càng mạnh. Kết quả là quả đắng cầm tay. Tập là nhân mà khổ là quả. Con người không lường hết sự nguy hại của Tập đế nên khổ nạn mới nhiều ở thế giới này.
Chuyển hóa thói quen của mình đã khó, chuyển hóa thói quen của người càng khó hơn, nhất là với người chưa tự ý thức buông bỏ. Quy tắc đã nắm, phương pháp dù có, cũng nhiều nan giải khi ứng dụng vào thực tế.
Sự phản kháng của đương sự, những phiền não yếu đuối của phụ nữ v.v… rất nhiều diễn biến không thuận chiều xảy ra để sự việc không như mình tính. Trên lý, hai với hai là bốn. Trên sự, để đạt được điều đó, là cả một chặng đường phát sinh trở ngại. Việc khó của những bà mẹ là sự yếu đuối, thấy con buồn buồn, mất nhuệ khí, lòng liền xiêu. Thêm cái bệnh thiếu thực tế và kém hiểu biết.
Video đang HOT
Tôi từng lên kế hoạch cho người mẹ có cậu con đánh bạc. Các bạn trẻ trong đạo tràng sẽ chịu trách nhiệm về mọi sinh soạt của cậu, từ chỗ ngủ, ăn uống cho đến công việc. Thiện nguyện, công quả, vui chơi và kiếm tiền bằng chính sức lao động của cậu sẽ được tính toán chặt chẽ, để thời gian không thừa cho việc đánh bạc, để cậu không còn sức nghĩ tới trò chơi không lành mạnh.
Một phương pháp tôi đã áp dụng thành công cho con trai. Đầu tiên, phải nghỉ học đi làm. Vì học hành mà không có ý thức cho một tương lai tốt đẹp thì học hành trở thành nhàn hạ, nhân duyên phục vụ rất tốt cho một thói quen mà mình không thể kiểm soát khi không theo sát nó. Dù theo sát, đậu đại học rồi ra trường, vẫn không thể đi làm cùng nó, không thể cả đời chạy theo nó khi thói quen chơi game của nó ngày càng mạnh.
Học hành phải được thay thế bằng một công việc và nhiều công tác xã hội khác. Công việc không đủ mệt để đêm không thức chơi game, thì công việc đó phải được thay thế bằng một công việc nặng hơn. Khuân vác nặng khiến nó không còn sức để thức đêm. Về đến nhà chỉ để ăn rồi ngủ.
Sức đâu nữa mà chơi. Thông điệp cầu cứu được gửi tới. Dù đau lòng, tôi vẫn lắc đầu. Khi thói quen chưa thể hàng phục thì mọi lời hứa trở thành giả dối dù khi hứa rất thật lòng. Bởi người đang bị thói quen chi phối thì chỉ là nạn nhân của những thói quen đó, cứ theo thói đó mà đi, lời hứa chẳng có lực để thực hiện cho đến khi thói quen chấm dứt.
Tôi nghĩ kinh nghiệm đó có thể ứng dụng cho cậu con đánh bạc, vì tôi nhìn thấy tinh thần trách nhiệm cũng như sự hào hứng của nó trong thiện nguyện và công quả.
Sống cùng bạn đạo, từ sinh hoạt cho đến công việc là môi trường rất tốt cho việc chuyển hóa. Việc của cha mẹ chỉ là ngưng cung cấp tiền và đăng báo từ con cho đến khi thói quen đánh bạc chấm dứt. Bởi các vòi bạch tuột chẳng dừng vươn ra khi con mồi quá béo bở. Cần một sự cắt đứt, để duyên bên ngoài và nhân bên trong không có điều kiện tụ hội mà phát triển.
Nhưng…
Cha đồng ý mà mẹ thì không.
Bà sợ mất danh dự của gia đình. Quan trọng, con bà không thể cực nhọc như thế khi gia đình đang có tiền. Con bà không thể là công nhân khi anh là bác sĩ, cha là giám đốc một bệnh viện. Nó phải được gửi vào, ít nhất là một trường cao đẳng. Bà không hiểu, thuốc đắng mới dã được tật. Bà không biết, công thức đánh bạc không phải là công thức hóa học để nó có thể tiếp thu bài vở mà phá được thói quen đánh bạc của nó.
Chỉ là tạo thêm điều kiện béo bở để nhân đánh bạc được tăng thượng, duyên bòn rút thêm phát triển. Cờ bạc điện tử không cần nơi chốn. Nó vô trụ nên chỗ nào cũng trụ được. Quảng Ngãi hay Quy Nhơn, Phan Thiết hay Bạc Liêu, chỗ nào có di động, chỗ đó có trụ sở. Cho nên, sang đến Âu Mỹ thì giấy nợ vẫn được báo về tận nhà, nhằm nhò gì thành phố Hồ Chí Minh mà chúng nỡ từ bỏ một mối quá ngon.
Bà không hiểu rất nhiều thứ. Không hiểu thương con không đúng cách chính là hại con. Danh dự chỉ là khái niệm rỗng, nó chẳng có nghĩa gì nếu không giúp con người dừng các bất thiện nghiệp. Càng không hiểu, thói quen đánh bạc một khi chưa được phá bỏ thì không có gì có thể gầy dựng trên nền tảng đó. Không phải chỉ kiếp này mà vô lượng kiếp về sau. Chính vì thế, có khi phải hy sinh kiếp này để cứu gỡ những kiếp sau.
Không ai muốn con mình, nhất là con trai, có một đời sống cơ cực thấp hèn trong xã hội khi nó có điều kiện và khả năng để vươn lên, nhưng có khi phải chọn cách như thế, để chấm dứt một thói quen, để nó đủ thời gian trưởng thành, ý thức rõ hơn về nhân cách của một con người, lý tưởng phải được khơi dậy, để không còn vấp sai lầm như thế trong tương lai. Quá nhiều thứ không hiểu nên không thể giúp gì được. Chỉ biết trơ mắt nhìn.
Trong suốt quá trình chuyển hóa, có một việc mà nhiều người lấy làm lạ, là thằng nhóc cứ một mực chịu sự quản thúc mà không biến mất, dù đã từng như thế. Trong một xã hội mà thế lực đen luôn chực chờ nhòm ngó những con thiêu thân, thì việc nhận tiền để bị lợi dụng, không phải là việc khó xảy ra.
Nhưng thằng bé vẫn yên ổn, không bỏ nhà ra đi. Nhờ đó tôi mới có thể thực hiện những biện pháp đề ra. Tôi nghĩ đến sự hộ trì. Một sự hộ trì bình đẳng cho tất cả chúng sinh ở mười phương pháp giới. Chỉ là nhân sinh có đủ niềm tin và thiện nghiệp để nhận sự hộ trì đó không.
Tôi cũng nghĩ đến vận nghiệp của mình. Thói quen là của con mà nghiệp nạn là của mình. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa con cái và cha mẹ trong vấn đề này. Cho nên, chỉ tìm cách chuyển hóa thói quen của con mà không tự chuyển nghiệp của chính mình thì khó mà có cơ duyên thực hiện các biện pháp mang lại kết quả tốt đẹp cho mình và người.
Phật dạy, con phá là một trong năm cái quả mà nhân của nó là trộm cắp. Đồng tiền có được từ những cái nhân bất chính sẽ đưa đến cái quả như thế. Cho nên, không chỉ tìm cách phá bỏ thói quen của con mà còn phải tìm cách chuyển hóa tư tưởng và hành vi của chính mình.
Nhân gây ra quả phải được từ bỏ thì quả có từ nhân mới không trổ ra. Việc kiếm tiền bất chính phải được chấm dứt. Phụ trợ cho việc từ bỏ này là thiện nghiệp của bản thân, để sự chuyển hóa có kết quả tốt hơn. Tọa thiền, niệm Phật, tham gia các khóa tu, chuyển hóa thân tâm, cho đến các thiện nguyện trong xã hội, khéo làm thì quả tốt nhanh ra. Muốn dứt quả mà không trừ nhân thì không cách gì dứt được.
Hiểu biết là cần thiết
Thói quen nắm giữ một vị thế quan trọng trong đời sống nhân sinh, không chỉ đưa đến sự lệ thuộc ràng buộc mà còn là tác nhân đưa đến luân hồi sinh tử. Giải thoát nói trong đạo Phật, chính là thoát khỏi mọi trói buộc của thói quen, nhất là thói quen sinh khởi của tâm. Bởi nó là đầu mối của mọi tập nghiệp.
Muốn giải thoát, thói quen phải được trừ bỏ. Chấm dứt sinh tử, cũng chính là chấm dứt các lực có từ thói quen. Bởi lực này là tác nhân chính dẫn chúng sinh luân hồi khi đủ duyên, gọi là lực nghiệp. Lực này có khả năng làm mê mờ tâm trí con người, lôi con người theo nó, biến con người trở thành những con thiêu thân với các thói quen của mình. Lời hứa không thể thực hiện cũng do lực này, trở thành gian dối cũng do lực này v.v…
Tuy vậy, thói quen chỉ là thứ được lặp đi lặp lại mà thành, không có gốc thật, bản chất là không, chỉ do huân tập mà thành có1. Do huân tập mà thành có, nên không huân tập nữa sẽ thành không. Đó là lý do vì sao muốn phá bỏ một thói quen, phải không để thói quen đó tiếp diễn, tránh việc huân tập thêm vào tạng thức.
Nhà thiền có môn Chỉ Quán, là hai pháp giúp hành giả trừ bỏ một thói quen. Tác dụng chính của hai pháp này là giúp dừng dứt sự sinh khởi của tâm. Mọi suy nghĩ, cảm xúc, quan niệm… đều phải mất lực, hiện nguyên hình là vọng.
Chỉ là dừng lại, tỉnh giác không để những vọng niệm sinh khởi rồi nối tiếp. Với người tu Phật, không để vọng niệm sinh khởi, chủ yếu là giúp làm giảm lực nghiệp, cho đến khi lực này mất hẳn. Không như Nhị thừa, diệt vọng tưởng là để dứt hẳn dòng vọng niệm, trú vào Niết-bàn hữu dư.
Chỉ này giúp sinh định lực. Chỉ là nhân mà quả là định. Nhờ lực của định mà việc dừng bỏ các thói quen còn lại không còn khó. Nó là pháp không thể thiếu trong việc trừ bỏ tập nghiệp.
Chỉ, với người niệm Phật, là dùng hình tượng Phật hay danh hiệu Phật thay thế các niệm chúng sinh. Niệm Phật là để dứt vọng niệm.
Muốn có kết quả, dù là thiền hay niệm Phật, đều cần một sự miên mật và trường viễn. Chính yếu là để dứt trừ thói quen sinh khởi các niệm chúng sinh, gầy dựng lực tỉnh giác và định lực. Định lực chỉ xuất hiện khi tâm không, hoặc chỉ chuyên nhất với một niệm, gọi là nhất tâm.
Tôi đã ứng dụng pháp Chỉ ấy trong việc trừ bỏ thói quen xấu của con trai. Đó là lý do không thể để việc chơi được tiếp tục. Không cho đi học, bắt làm việc nặng v.v… là những pháp giúp thói quen xấu không có điều kiện tiếp tục. Như dùng danh hiệu Phật thay thế các niệm chúng sinh. Việc thay thế này rất cần thiết khi hành giả chưa thể đối diện và tự ngưng dứt dòng vọng niệm của mình, cũng như chưa thể tự ngừng một thói xấu mà không cần đến pháp thay thế.
Cũng như việc dứt trừ sự sinh khởi của tâm, việc ngưng chơi phải được thực hiện miên mật và trường viễn, cho đến ngày lực chơi không còn sức lôi nó. Công việc và thiện nguyện, ngoài việc giúp phá trừ thói quen, còn là pháp giúp thằng nhóc ổn định tâm sinh lý hơn khi thói quen bị cản trở.
Quán là phần không thể thiếu đối với một Phật tử. Nhờ Quán khổ, không, vô thường, vô ngã mà hàng Nhị thừa đạt được Niết-bàn vô sinh, không rơi vào các cõi trời vô tưởng v.v… Nhờ Quán trung đạo mà người tu Phật thấu đạt được tánh Phật của mình, không theo lối tẻ mà đi. Chỉ không thể lìa Quán. Quán không thể lìa Chỉ. Chỉ Quán song hành, quả vô sinh mới thành tựu.
Việc dứt bỏ một thói quen xấu cũng cần đến phần Quán này. Với người tự ý thức lìa bỏ một thói quen xấu, Quán chính là nhận ra tác hại của thói quen xấu, cần phải từ bỏ. Với những kẻ buộc phải từ bỏ một thói quen xấu, như thằng nhóc nhà tôi, thì Quán chính là phần tư tưởng mình phải trang bị cho nó trong suốt quá trình cai nghiện, hầu giúp nó phát triển bổn phận, trách nhiệm, cũng như lý tưởng sống của nó. Nói chung là giúp nó ý thức hơn về những gì nó đang làm.
Bởi thói quen chơi game dù mất lực rồi, cũng không có nghĩa là mất hẳn khi thói quen được huân tập quá lâu. Nếu phần tư tưởng không được chỉn chu để chủ nhân có ý thức, xóa bỏ sự dồn nén, thì việc tái chơi là không tránh khỏi. Vì thế trong quá trình dùng Chỉ để phá bỏ thói quen chơi game, việc chuyển hóa tư tưởng của con là cần thiết. Nhằm giải quyết những dồn nén và tạo ý thức cho thằng nhóc có cái nhìn khác đi với cuộc sống.
Tóm lại, nếu chỉ dạy con trẻ ý thức trên mặt tư tưởng mà không giúp nó ngưng dứt lực của thói quen thì khó mà phần ý thức đó có thể phát huy giúp tạo ra một kết quả tốt. Nếu chỉ giúp nó ngưng dứt lực của thói quen mà không chuẩn bị tư tưởng tâm lý cho nó thì việc cai nghiện trở thành công cóc khi đủ duyên. Cả hai phải được tiến hành song song thì kết quả mới khả quan. Đó không phải là một quá trình đơn giản. Cần chuẩn bị tâm trường viễn và nhẫn nại.
Định tĩnh không kém quan trọng
Muốn trường viễn và nhẫn nại, ngoài sự hiểu biết cần có, định tĩnh là quan trọng. Định tĩnh trước những phản ứng bất ngờ của con trẻ. Định tĩnh để yên lắng, không bị cảnh dẫn chạy. Định tĩnh để mọi phán xét được đúng đắn và kịp thời. Định tĩnh để mềm dẻo. Định tĩnh để tiếp nhận một sự hộ trì. Định tĩnh để vượt qua nghiệp của chính mình. Định tĩnh và trí tuệ, rất cần thiết trong cuộc sống này.
Ngừa bệnh hơn trị bệnh
Tốt nhất vẫn là ngừa bệnh hơn trị bệnh. Con cá tự do thế nào cũng không thể sống khi nó không còn trong nước. Dù còn trong nước mà nước bẩn nhiễm thì cũng không sống được. Vì thế con trẻ phải được quan tâm đúng mức ngay khi chúng vừa có sự hiểu biết. Người xưa nói “Dạy con từ thuở lên ba…”, là độ tuổi chưa kịp phát huy những chủng tử xấu2, có thể tiếp thu và đủ thời gian huân tập để gầy dựng những thói quen tốt.
Mọi thứ đều do quen mà ra. Thứ gì thành quen đều có lực khiến con trẻ không dám làm việc ngược lại. Học quen thì chơi hơi quá là thấy bứt rứt thân tâm. Vì thế tạo cho con những thói quen tốt, từ tư tưởng cho đến hành vi, ngay khi còn rất nhỏ, là việc cần thiết. Việc cần thiết nữa là sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái, cho đến khi không thể quan tâm.
Quan tâm vừa tầm, đúng mức. Để con không mất tính độc lập của nó mà vẫn theo những gì mình đã hướng dẫn. Quan tâm đúng cách khác xa với việc bảo bọc con trẻ chặt chẽ trong vòng tay mình, làm hết mọi thứ cho con, khiến nó sinh biếng nhác với việc bổn phận của nó.
Nhìn cách giáo dục con cái ở một gia đình bên Canada, tôi thấy rất hay.
Dù chỉ mới sáu tuổi, con bé đã phải làm hết mọi việc của bản thân, từ tắm rửa cho đến dọn dẹp giường ngủ sau khi thức dậy. Không có việc “tối cũng ngủ tiếp, cần gì dọn dẹp”. Sự ngăn nắp được thực hiện trên từng hành vi. Một thói quen rất tốt, không chỉ lợi ích cho bản thân mà còn lợi ích cho cộng đồng xã hội sau này.
Chơi xong phải dọn, không thì sau khỏi chơi. Tắm chưa sạch, được chỉ lại để tắm cho sạch. Không có việc “Nói còn mệt hơn làm, thôi để làm luôn cho khỏe”. Vấn đề ở đây không phải là người lớn mệt hay không mệt mà là tập cho con trẻ những thói quen tốt, cần thiết cho hiện tại và tương lai của nó. Vì thế dù khá mệt nhọc, con bé vẫn được hướng dẫn làm những việc cho bản thân. Không bỏ mặc cũng không quan tâm quá mức.
Thứ con bé được tự do chọn lựa là sở thích áo quần. Nó có thể chọn những gì nó thích mặc, dù đó không phải là ý thích của cha mẹ. Đương nhiên không thể mặc áo mỏng khi trời có tuyết. Trời có tuyết thì sở thích chỉ được phát huy với những bộ đồ chống lạnh. Cũng được mua bất cứ những gì nó thích khi đi chợ, với điều kiện không quá mười đô. Mọi thứ đều được quy ước và giải thích rõ ràng vì sao chỉ được như thế.
Vì tiền còn phải để ăn, để mặc, để trả các sinh hoạt phí… Những quy ước trở thành lẽ tự nhiên, như sinh ra là phải chết, không có gì để phản ứng hay bất mãn khi đã có sự thỏa thuận của đôi bên. Con bé chỉ được thực hiện ý thích của nó trong điều kiện nó đang có.
Đó là một cách giáo dục hay. Tôi từng chịu sự giáo dục như thế từ cha. Tư tưởng và hành vi như thế trở thành thói quen khá tốt khi tôi trưởng thành. Không phải cứ thích là làm, cứ thích là mua, không cần biết kết quả thế nào, ảnh hưởng đến người chung quanh ra sao. Không có chuyện đó. Ý thích luôn được cân nhắc bởi một tư tưởng “Có thật cần thiết không khi mình chưa đủ tiền, khi mình còn rất nhiều trách nhiệm khác phải lo…” Khi đủ tiền và dư tiền, cũng luôn có sự cân nhắc, thích nhưng được bao lâu hay mua về rồi bỏ, trong khi tiền ấy có thể giúp người khác v.v…
Vấn đề là ý thích luôn được dẹp bỏ không mấy khó khăn. Vì hành tác “dẹp bỏ những gì vượt quá tầm cho phép” đã được huân tập từ những ngày còn rất nhỏ, đã thành có lực, giữ sự lôi kéo của ý thích.
Con bé có thể nói về những kẻ đang yêu nó một cách thoải mái, dù chỉ mới sáu tuổi. Nếu thích, nó vẫn có thể nói huyên thuyên với cha mẹ về những gì nó cảm thấy. Không có sự rầy la hay ngăn cấm. Quan niệm của họ là không tạo ra bức tường ngăn cấm với những phát triển tâm sinh lý của trẻ. Nó phải được bộc lộ để còn hướng dẫn.
Cha mẹ là chỗ để con trẻ có thể nói ra mọi tâm tư nguyện vọng của mình, để còn có dịp giải thích và hướng dẫn theo chiều có lợi cho nó. Cha mẹ không phải là bức tường đồ sộ khiến con cái sợ hãi, để phải che giấu mọi thứ mà vẫn cứ hành động. Đó là việc không mấy hay khi tư tưởng của trẻ con chưa đủ chín chắn để nhận định một vấn đề.
Quan tâm đúng mức với con cái luôn là việc cần thiết mà cha mẹ nên có.
Chân Hiền Tâm
Theo giacngo.vn
Đau khổ khi bị chồng cũ xem như là "người dưng"
Sau ly hôn. tôi vẫn xem anh như người thân của mình. Ngược lại, anh đối xử với tôi như "người dưng nước lã"..
Chúng tôi mới ly hôn được hai tháng. Hôn nhân đổ vỡ là do cả hai luôn bất đồng quan điểm sống. Dù ly hôn nhưng tôi vẫn còn tình cảm với anh, xem anh như người thân của mình. Nhưng anh ấy thì lại không như vậy, mới đây gặp lại, anh xem tôi như người dưng thật sự. Điều này khiến tôi rất đau lòng.
Tại sao anh ấy lại dễ dàng quên tôi nhanh đến như vậy. Chẳng lẽ gần 5 năm chung sống với nhau, trước đó yêu nhau hơn 2 năm, tôi vẫn chẳng là gì trong anh hay sao? Mỗi lần anh sang đưa tiền cấp dưỡng cho con, chỉ hỏi han vồ vập con, còn lại không hỏi thăm tôi sống như thế nào? Anh chỉ chào hỏi lấy lệ rồi về. Tôi phải làm sao bây giờ Tâm Giao?
Người vợ đau khổ (Đống Đa, Hà Nội)
Về lý, vợ chồng ly hôn là chấm dứt mọi mối quan hệ pháp lý, tình cảm với nhau. Hai người thật sự là "người dưng" sau khi nhận quyết định ly hôn ở tòa. Việc một trong hai người có tình cảm với nhau thì chỉ là sự nuối tiếc những tháng ngày đẹp đẽ, hạnh phúc trong quá khứ. Ngoại trừ cả hai vẫn còn yêu nhau nhưng vì cái tôi quá lớn nên đã ly hôn vội vã, sau khi chia tay bình tĩnh lại thấy tình cảm vẫn còn, nên đau khổ hối hận, tìm cách quay lại.
Trong trường hợp của bạn, có vẻ như bạn vẫn còn nặng lòng với những ngày tháng đã sống cùng nhau, nhưng anh ấy thì mong muốn dừng lại.
Vì thế việc anh ấy chỉ quan tâm đến con và xem bạn như người dưng cũng là chuyện bình thường. Bạn không có chỗ đứng trong lòng anh ấy, cũng không còn là người anh ấy phải có trách nhiệm yêu thương, quan tâm. Giờ bạn chỉ là mẹ của con anh ấy, và anh ấy cố gắng phối hợp với bạn để cùng nuôi dạy con cho tốt sau khi gia đình đổ vỡ.
Bạn hãy nhanh chóng thoát khỏi sự hụt hẫng sau ly hôn, xem anh ấy như là một người bạn bình thường. Dù là vợ cũ thì bạn cũng không thể ép anh ấy phải quan tâm mình được. Hi vọng, thời gian sẽ giúp bạn vững vàng hơn trong cảm xúc và cuộc sống.
Tâm Giao
Theo Báo Phụ nữ thủ đô
Những điều đàn ông chỉ nói cho vui nhưng phụ nữ vẫn tin sái cổ Nếu đàn ông nói "anh nhất định sửa đổi" và bạn tin chàng sẽ sửa hết mọi tật xấu, thì sau khi làm vợ chàng, bạn có thể sẽ vỡ mộng. Làm vợ anh rồi thì em thích gì anh chiều Đàn ông khi yêu giỏi nhất là hứa hẹn và nói những lời hoa mỹ, còn phụ nữ dại mới đi chìm...