Lực cản phục hồi kinh tế
Từ động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sự giảm sút của thương mại thế giới đang là một lực cản không nhỏ đối với tốc độ phục hồi vốn còn khá mong manh của kinh tế toàn cầu.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh hơn 7% trong quý I-2014
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ( OECD) ngày 27-5 cảnh báo xuất khẩu từ các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới giảm mạnh trong quý đầu tiên năm 2014 đã làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Theo OECD, kim ngạch xuất khẩu của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) giảm tới 2,6% trong quý I-2014, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 0,1%. Trong cả 2 nhóm G7 và BRICS, chỉ có Đức và Italia có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.
Với tổng kim ngạch thương mại trên 3.900 tỷ USD năm 2013, sự tăng hay giảm của trao đổi mậu dịch của kinh tế Mỹ ảnh hưởng rất lớn tới thương mại toàn cầu. Trong khi đó, do thời tiết khắc nghiệt trong mùa Đông vừa qua ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng ở Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế đầu tàu thế giới này đã giảm 1,3% trong quý I-2014, mặc dù kim ngạch nhập khẩu tăng 0,8%.
Video đang HOT
Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đứng đầu về thương mại với tổng kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 4.160 tỷ USD năm 2013 – đã giảm xuất khẩu tới 7,3% trong quý I năm nay (Trung Quốc xuất khẩu 2.210 tỷ USD năm 2013). Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất trong khối BRICS có kim ngạch xuất khẩu giảm sút khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Nga cũng giảm gần 3%, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ giảm 3% và kim ngạch nhập khẩu giảm 0,9%; kim ngạch xuất-nhập khẩu Nam Phi cũng giảm lần lượt là 4,3% và 1,5%.
Số liệu cập nhật mới nhất về kim ngạch buôn bán thế giới đã khiến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2014 này có thể chỉ tăng 4,5% so với dự báo 4,7% vừa đưa ra tháng trước với nhận định rằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại trên thế giới. Tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này cho rằng thương mại toàn cầu chững lại sẽ làm giảm tốc độ phục hồi vốn còn mong manh của kinh tế thế giới.
Trao đổi buôn bán trên thế giới từ lâu đã là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như mỗi quốc gia, điển hình là Trung Quốc, nước có tốc độ gia tăng thương mại nhanh nhất và cũng là nước tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Thống kê giai đoạn 1980-2011 cho thấy trao đổi hàng hoá và dịch vụ tăng trung bình gần 7%/năm (dù tốc độ tăng có chậm lại nhiều từ khi khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ năm 2008) trong khi nền kinh tế toàn cầu tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 3,4% cùng giai đoạn.
Để thương mại tiếp tục là động lực thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế thế giới, WTO cho rằng cần sớm khai thông Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu nhằm giúp GDP toàn cầu tăng thêm 1.000 tỷ USD. Bên cạnh đó cũng cần đẩy nhanh đàm phán để sớm hoàn tất Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)…
Theo ANTD
Giữ nhịp phục hồi kinh tế
Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) C. Lagarde vừa lên tiếng hối thúc các nền kinh tế triển khai những bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới vốn đang trên đà phục hồi "khiêm tốn".
Kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu tăng trưởng đáng lạc quan
Theo bà C. Lagarde, kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoàng tài chính-kinh tế bùng phát năm 2008 từ Mỹ. Báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới mà IMF vừa công bố dự báo kinh tế thế giới năm 2014 sẽ tăng trưởng ở mức 3,6% và năm 2015 sẽ là 3,9%, so với mức 3% của năm 2013. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thậm chí còn khẳng định kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn mong đợi.
Có được tín hiệu tích cực này là nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ với khả năng tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 3% vào năm 2015. Với một nền kinh tế quy mô lớn như Mỹ, tốc độ tăng trưởng như vậy quả là ấn tượng. Nền kinh tế thứ hai thế giới - Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 8,2% trong năm 2014, so với mức 7,7% của năm 2013. Khu vực đồng euro tuy phục hồi chậm hơn nhưng cũng ở mức chấp nhận được là khoảng 1,2% trong năm 2014.
Riêng với Nhóm 20 nước phát triển và nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hiện chiếm khoảng 85% kinh tế thế giới, tháng 2 vừa rồi, nhóm này đã nhất trí về mục tiêu nâng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới thêm ít nhất 2% (tương đương khoảng 2.000 tỷ USD) trong 5 năm tới. Đây là lần đầu tiên G20 đề ra mục tiêu tăng trưởng bằng một con số cụ thể, cho thấy họ đang thoát khỏi mô hình kinh tế với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát khủng hoảng và tin tưởng sẽ vượt qua những bất ổn kinh tế thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn còn yếu và tồn tại nhiều nguy cơ, nhất là trong bối cảnh trên thế giới có tới 200 triệu người thất nghiệp. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi, nguy cơ giảm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, hệ thống tài chính dễ bị tổn thương của hai nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cộng với những biến động thị trường tài chính thế giới chính là những thách thức cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, điều quan trọng hiện nay là các nước không được đưa ra những quyết sách sai lầm có thể vô hiệu hóa những nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới.
Đi vào cụ thể từng nước, IMF cho rằng dù kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực và mạnh mẽ, nhưng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn cần có những bước đi thận trọng khi thực thi lộ trình thu hẹp gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất cơ bản vốn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục 0-0,25%. Mỹ cũng cần sớm giải quyết các nguy cơ mới trong vấn đề nợ công ty, cho vay mua cổ phiếu, đòn bẩy tài chính...
Đối với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), IMF kêu gọi thực hiện chính sách giảm tỷ lệ lãi suất tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để đảm bảo lạm phát thấp không kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu không có những biện pháp tiền tệ đặc biệt và được thực thi nhanh chóng, châu Âu có thể sẽ rơi vào tình trạng giảm phát, làm đảo ngược sự phục hồi kinh tế tại châu lục này. Với Trung Quốc, IMF cảnh báo cần khéo léo giải quyết tình trạng "bong bóng tín dụng" phi ngân hàng, trong khi vấn đề cấp bách với Nhật Bản là cải tổ cấu trúc tài chính. Nếu các nước thận trọng trong các bước đi, đà phục hồi của kinh tế thế giới mới có thể được bảo đảm.
Theo ANTD
Giấc mơ đổi ngôi Trước triển vọng kinh tế có phần sáng sủa, Bộ trưởng Tài chính Anh G. Osborne vẫn khẳng định nước này sẽ tiếp tục thi hành chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" trong năm 2014. Kinh tế Anh đang phục hồi thuận lợi Phát biểu khi thăm một nhà máy ở Birmingham về chính sách tài chính công trong những năm...