‘Lực cản’ Mỹ – Triều tái khởi động đối thoại
Trong chưa đầy một tuần, Triều Tiên đã hai lần phóng các vật thể bay mà Hàn Quốc cho là tên lửa đạn đạo.
Các vụ phóng ngày 25/7 và 31/7 diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa thể tổ chức cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa ở cấp chuyên viên như lãnh đạo hai nước đã nhất trí tại cuộc gặp bất ngờ ở làng đình chiến Panmunjom cuối tháng Sáu, được cho là động thái nhằm thúc ép Washington sớm có hành động cụ thể.
Người dân theo dõi về vụ phóng vật thể bay của Triều Tiên qua truyền hình ở nhà ga Seoul, Hàn Quốc ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Tương tự như hai vụ phóng vật thể bay trong vòng 5 ngày hồi tháng 5 vừa qua tại cùng một địa điểm, khi đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên lâm vào bế tắc, động thái liên tiếp thử nghiệm “vũ khí chiến thuật” lần này, như thông báo của Triều Tiên, thể hiện Bình Nhưỡng không hài lòng với những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên. Sau cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 30/6 ở Panmunjom, bất chấp những tuyên bố mang tính lạc quan và tín hiệu thiện chí của hai nhà lãnh đạo, tiến trình đàm phán hạt nhân vẫn chưa thể khởi động lại.
Kéo theo đó, Triều Tiên tiếp tục hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ; Washington và đồng minh Hàn Quốc tiếp tục tổ chức tập trận chung, như cuộc tập trận chung 19-2 Dong Maeng (Đồng Minh) vào tháng 8 tới, bất chấp Triều Tiên vẫn coi những cuộc diễn tập như vậy là hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lược Bình Nhưỡng, nhất là trong bối cảnh hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố: “Trong khi đang nỗ lực dàn xếp các cuộc đàm phán cấp chuyên viên sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Panmunjom, Mỹ lại lên kế hoạch tập trận chung với Hàn Quốc… vi phạm tinh thần của thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần đầu tiên” ở Singapore hồi tháng 6/2018. Phía Triều Tiên nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng sẽ không còn lý do gì để thực hiện các cam kết đã đưa ra nếu Washington không tôn trọng các cam kết của mình.
Trong hơn một năm qua kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tháng 6/2018, Triều Tiên đã có một số bước đi thể hiện thiện chí và có thể coi là nhằm xây dựng lòng tin, từ ngừng các cuộc thử hạt nhân, dỡ bỏ một số cơ sở hạt nhân và tên lửa… Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên không thu được nhiều lợi ích thực tế khi nước này chưa được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, các dự án kinh tế liên Triều cũng vì thế không thể khởi động, tiến trình phi hạt nhân hóa trì trệ gây bất ổn môi trường an ninh, khiến những động thái “hòa dịu” của Triều Tiên bị biến thành “đơn phương nhượng bộ”.
Hồi tháng 4/2019, trong bài phát biểu về chính sách, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nêu rõ đối thoại Mỹ-Triều có thể khởi động lại hay không hoàn toàn do thái độ và lựa chọn của Mỹ. Tuy nhiên, tới nay Mỹ tỏ ra khăng khăng với lập trường yêu cầu Triều Tiên phải “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, trước khi được dỡ bỏ trừng phạt, trái với quan điểm của Bình Nhưỡng về một tiến trình “có đi có lại” từng bước, chí ít là những động thái nhượng bộ mang tính cân xứng lẫn nhau. Washington cũng không mấy mặn mà với vấn đề chuyển từ thỏa thuận đình chiến sang một hiệp định hòa bình như mong muốn của Bình Nhưỡng, bởi ký được một hiệp định như vậy cũng đồng nghĩa với việc bán đảo Triều Tiên phải được phi hạt nhân hóa triệt để, tức là cả Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đồn trú tại đây cũng phải đảm bảo không có vũ khí hạt nhân. Hiện lập trường đối lập giữa hai bên về phương thức và lộ trình phi hạt nhân hóa tỏ ra khó dung hòa, đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào thế bế tắc.
Các vụ thử “vũ khí chiến thuật tầm ngắn” của Triều Tiên có thể hiểu ra như “quân bài” mặc cả và gây sức ép đối với Mỹ, và một phần nào đó cả Hàn Quốc, khi các yêu cầu của Bình Nhưỡng không được đáp ứng. Tuy nhiên, các vụ phóng vật thể bay của Triều Tiên có thể tác động tới Mỹ hay không, thì chưa rõ ràng. Sau hai vụ phóng vừa qua, thái độ của chính quyền Mỹ tỏ ra thận trọng. Sau vụ phóng mới nhất của Triều Tiên ngày 31/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo (Mai Pôm-pê-ô) cũng mô tả đây là một “chiến thuật thương lượng” của Bình Nhưỡng, đồng thời bày tỏ hy vọng đàm phán sẽ sớm được nối lại. Tổng thống Mỹ Trump từ lâu nói rằng các nỗ lực ngoại giao sẽ tiếp diễn chừng nào Triều Tiên không thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa, bởi Nhà Trắng chỉ tập trung vào việc đạt một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên. Căn cứ vào phản ứng của Mỹ, có thể thấy các vụ phóng thử vũ khí tầm ngắn vừa qua của Triều Tiên chưa vượt “giới hạn đỏ” mà ông Trump vạch ra. Điều đó cũng chứng tỏ rằng dù có những động thái mang tính cảnh cáo và gây sức ép, song không bên nào muốn đẩy vấn đề vượt quá tầm kiểm soát, nói cách khác không bên nào muốn đóng cánh cửa đối thoại. Vấn đề là hai bên sẽ phải thỏa hiệp những gì để có thể cân bằng lợi ích của Mỹ và Triều Tiên.
Giới phân tích cũng cho rằng phe diều hâu trên chính trường Mỹ có thể sẽ tìm cách gây sức ép để buộc Tổng thống Trump cứng rắn hơn trong vấn đề Triều Tiên. Dù vậy, việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên báo đảo Triều Tiên tỏ ra không phải là ưu tiên số 1 của ông chủ Nhà Trắng trong lúc này, khi Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho cuộc tái tranh cử nhiệm kỳ hai. Tình trạng căng thẳng tột độ trong quan hệ Mỹ-Triều đã tạm lắng dịu, bầu không khí hòa hoãn đang được duy trì trên bán đảo Triều Tiên. Việc đẩy căng thẳng lên cao sẽ chỉ khiến cục diện xấu đi. Càng tới gần cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ông Donald Trunm được cho sẽ càng phải hành động thận trọng. Bởi vậy, khó có khả năng Tổng thống Mỹ lựa chọn giải pháp cứng rắn trước các vụ thử như vụ ngày 31/7, song có vẻ ông cũng không nhượng bộ trước sức ép của Triều Tiên để tránh bị phe diều hâu chỉ trích. Tổng thống Trump cũng luôn tuyên bố “Mỹ không vội vàng” trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đây có thể là chiến thuật của Mỹ thử “sức chịu đựng” của Bình Nhưỡng và “gây sức ép ngược” với Triều Tiên.
Có một thực tế rằng, dù các nỗ lực ngoại giao hạt nhân chưa đạt tiến triển trong thời gian gần đây, nhưng cả Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết vẫn duy trì quan hệ cá nhân tốt đẹp và vẫn tuyên bố mong muốn tiếp tục đối thoại. Đây là cơ sở để tin rằng vấn đề hạt nhân trên bán đạo Triều Tiên vẫn chưa vượt quá “quỹ đạo ngoại giao”. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình chính trị nội bộ phức tạp ở Mỹ, những khó khăn nội tại của Triều Tiên khi kinh tế bị o ép, lập trường khác biệt và những mâu thuẫn đan xen… đều có thể trở thành “lực cản” lớn, khiến triển vọng khởi động lại đối thoại giữa hai bên vẫn khá mờ mịt.
Theo Bạch Dương (TTXVN)
Video đang HOT
Con đường gập ghềnh dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3
Để có thể đi đến được cuộc gặp được đánh giá là "tuyệt vời đối với thế giới," cả Mỹ và Triều Tiên đã phải trải qua một con đường đầy chông gai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjom tại Khu phi quân sự (DMZ) chiều 30/6/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử tại Khu phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Đây là cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều trong vòng hơn 1 năm qua.
Cuộc gặp được đánh giá là "tuyệt vời đối với thế giới" với dấu mốc lịch sử là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bước qua ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại Khu phi quân sự, sang lãnh thổ Triều Tiên, thể hiện quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng trong việc đảo ngược những gì đã diễn ra trong quá khứ và mở ra tương lai mới.
[Tìm lại lòng tin từ đường ranh giới ở làng đình chiến Panmunjom]
Để có thể đi đến được những bước tiến tích cực này, cả Mỹ và Triều Tiên đã phải trải qua một con đường đầy chông gai. Dưới đây là những mốc sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ-Triều Tiên.
- Tháng 7-1953: Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng hiệp định đình chiến.
- Đầu những năm 1980: Triều Tiên xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên Yongbyon, khẳng định là nhằm mục tiêu hòa bình.
- Đầu năm 1994: Triều Tiên đe dọa tái xử lý các thanh nhiên liệu từ lò phản ứng hạt nhân. Mỹ chọn phương án đàm phán với Triều Tiên.
- Tháng 10/1994: Đàm phán Mỹ-Triều đưa ra được Thỏa thuận khung. Theo đó, Triều Tiên nhất trí đóng băng và cuối cùng sẽ dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân để đổi lại bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
- Năm 1998: Triều Tiên đồng ý tạm ngừng thử tên lửa tầm xa và tầm trung miễn là đàm phán với Mỹ vẫn tiếp diễn.
- Năm 2001: Tổng thống George W. Bush nhậm chức, Mỹ chuyển hướng ngừng đàm phán và tiếp cận cứng rắn hơn với Triều Tiên.
- Cuối năm 2002: Triều Tiên yêu cầu các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rời đất nước. Thỏa thuận khung sụp đổ.
- Năm 2003: Khởi động Đàm phán 6 bên (gồm Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc) nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
- Nửa cuối năm 2006: Triều Tiên tăng cường các hoạt động thử tên lửa tầm xa và thực hiện vụ nổ hạt nhân ngầm đầu tiên.
- Tháng 2-2007: Vòng Đàm phán sáu bên thứ 6 đạt được kế hoạch phi hạt nhân hóa, ra hạn chót cho Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ.
- Cuối năm 2007: Triều Tiên vô hiệu hóa nhà máy Yongbyon, dỡ bỏ hàng nghìn thanh nhiên liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Mỹ.
- Giữa năm 2008: Bình Nhưỡng cung cấp cho Mỹ chi tiết về chương trình hạt nhân và tháo dỡ thêm cơ sở Yongbyon. Đáp lại, Mỹ giảm nhẹ trừng phạt và đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.
- Cuối năm 2008: Triều Tiên khởi động lại chương trình hạt nhân, cấm hoạt động thanh sát hạt nhân. Đàm phán sáu bên rơi vào bế tắc.
- Tháng 5/2009: Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 2
- Tháng 7 và 10/2011: Mỹ-Triều đàm phán song phương. Triều Tiên cho biết chỉ quay trở lại Đàm phán 6 bên nếu không có điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc đòi Triều Tiên thể hiện cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi nối lại đàm phán.
- Tháng 2/2012: Triều Tiên đồng ý ngừng thử hạt nhân, cho phép IAEA quay trở lại giám sát hoạt động tại Yongbyon.
- Từ năm 2012 đến 2017: Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa và 4 vụ thử hạt nhân, bất chấp việc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp đặt các vòng trừng phạt ngày càng mạnh mẽ hơn.
- Ngày 12/6/2018: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 1 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un diễn ra tại Singapore, được đánh giá là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước.
- Ngày 1/1/2019: Trong thông điệp Năm mới 2019, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết sẵn sàng gặp Tổng thống Donald Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp đối với đàm phán phi hạt nhân hóa.
- Ngày 27 và 28/2/2019: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã không ra được Tuyên bố chung và hai bên cũng không ký kết bất kỳ văn bản nào.
- Ngày 18/4/2019: Triều Tiên thử nghiệm một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật thế hệ mới. Đây là vụ thử vũ khí đầu tiên của Triều Tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2.
- Từ ngày 4 đến 9/5/2019: Triều Tiên phóng các vật thể bay nghi là tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản. Đây được xem là những động thái cứng rắn nhưng là bước đi chiến thuật của Triều Tiên nhằm gây sức ép buộc Mỹ phải mềm dẻo hơn trong đàm phán hạt nhân.
- Tháng 5/2019: Lần đầu tiên Mỹ bắt giữ một tàu chở hàng của Triều Tiên do cáo buộc vận chuyển than trái phép vi phạm lệnh trừng phạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjom tại Khu phi quân sự (DMZ) chiều 30/6/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
- Ngày 14/6/2019: Nhân thời điểm đánh dấu 1 năm thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 1, Tổng thống Trump cho biết đã nhận được một bức thư có nội dung "nồng ấm" từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
- Ngày 23/6/2019: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã nhận được một lá thư "tuyệt vời" từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và rất "hài lòng" khi đọc thư. Tuy nhiên KCNA không tiết lộ nội dung cụ thể.
- Ngày 29/6/2019: Trên Twitter, Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu Phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên để "bắt tay và gửi lời chào."
- Ngày 30/6/2019: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử tại Khu phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên./.
Theo Diệp Ninh (TTXVN/Vietnam )
Tổng thống Trump: "Ông Kim Jong-un ít khi cười, nhưng ông ấy đã cười khi gặp tôi" Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây lại nhắc về cuộc gặp lịch sử giữa ông và Chủ tịch Triều tiên Kim Jong-un, nói rằng ông đã "quyến rũ" được ông Kim trong lúc hai người gặp gỡ ở khu vực biên giới chia tách hai miền Triều Tiên. Lãnh đạo Mỹ, Triều cười nói khi có cuộc gặp tại Panmunjom hôm 30/6/2019...