Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: “Ngày xưa chỉ dạy trẻ tránh xa người ngoài, bây giờ đến cha, dượng, cậu cũng xâm hại trẻ”
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, ngày xưa chỉ tuyên truyền cho trẻ tránh xa người lạ. Gần đây liên tục phát hiện các vụ người trong nhà như cha, dượng, cậu xâm hại con, cháu nên Hội bị “cháy giáo trình”, phải thay đổi cách truyền thông.
Thông tin trên được đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM chia sẻ trong buổi toạ đàm “Nhận diện, phòng chống bạo hành và xâm hại phụ nữ, trẻ em” nhân Ngày Văn hoá Hoà bình 2019, diễn ra tại TP.HCM.
Tại buổi toạ đàm, trước câu hỏi về dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành, xâm hại, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, tác giả cuốn sách “ Dạy con trong hoang mang” cho biết cha mẹ có thể nhìn các dấu hiệu bên ngoài như quần áo, dấu vết trên cơ thể trẻ.
Với trẻ bị xâm hại hay bạo hành về tâm lý thường có những biểu hiện như bỗng dưng giàn giụa nước mắt, trời nóng vẫn mặc đồ kín, sợ hãi khi bạn bè trêu chọc, chạm vào người.
Tuy nhiên sẽ có những trường hợp phản ứng ngược như mặc hở hang quá mức cần thiết, gợi dục. Trẻ luôn cúi đầu, có tâm lý tự dằn vặt.
Vê vân đê bạo hành trong gia đình, những người vợ bị bạo hành thường không có tâm lý thoải mái. Chỉ cần nghe tiếng xe chồng về đã giật bắn mình. Chưa nấu cơm hay chưa làm những việc nhỏ nhặt cũng dễ lo sợ, dằn vặt.
Buổi toạ đàm “Nhận diện, phòng chống bạo hành và xâm hại phụ nữ, trẻ em”.
Tiến sĩ Phương khẳng định phụ nữ đừng nên xem tờ giấy hôn thú như là tờ giây xác nhận cho người đàn ông muốn xâm hại, hiếp dâm mình bất cứ lúc nào.
Chia sẻ về vấn nạn buôn bán phụ nữ, chị Mimi Vũ, người có nhiều năm hoạt động độc lập chống nạn buôn người và buôn bán phụ nữ tại Việt Nam cho biết tình trạng trên ở Việt Nam là rất lớn.
80% người Việt bị bán đi Trung Quốc và 80% người bị bán là phụ nữ và trẻ em gái.
Chị Mimi Vũ chia sẻ về vấn nạn buôn bán phụ nữ Việt.
“Cái gốc của việc bán phụ nữ qua Trung Quốc là việc trọng nam khinh nữ.
Video đang HOT
Từ lúc ra đạo luật mỗi nhà chỉ sinh 1 đứa con, 30-60 triệu nam giới không có vợ. Lấy phụ nữ từ đâu? Việt Nam là số 1. Ngoài ra còn có Myanmar, Lào, Paskistan…
Khi mua về, họ sẽ kiểm soát “thương phẩm” của họ bằng bạo lực thể xác, bạo lực tình dục. Mục đích mua phụ nữ chủ yếu là làm vợ, sinh con và mại dâm.
Khi nhận nạn nhân Việt bị bán từ Trung Quốc trở về, có nhiều vấn đề cần giải quyết như tâm lý, sức khỏe cho họ…” – chị Mimi Vũ nói.
Trong phần trao đổi về việc hỗ trợ trẻ em bị bạo hành và xâm hại, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết, để các bước hỗ trợ trẻ thành công nhất là khi người nhà biết và đưa trẻ lên Hội ngay khi xảy ra sự việc để đưa đi Công an trưng cầu giám định pháp y.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trong lần hỗ trợ pháp lý cho trẻ bị xâm hại tại TAND huyện Bến Lức (Long An).
Nhờ đó, chứng cứ phạm tội được lưu giữ.
“Chúng tôi luôn hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nhiều trường hợp 2-3h sáng tiếp nhận vẫn đưa trẻ đi làm việc.
Phụ huynh phải nhạy bén, khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường phải cởi quần áo kiểm tra xem có dấu vết gì trên người không.
Bình thường bé sẽ vui vẻ, đòi mua đồ này ăn đồ kia. Tự dưng hôm ấy bé bất ngờ sợ hãi, rụt tay khi ba tiếp xúc, quấy khóc, sợ đến trường thì phải nghi ngờ.
Nếu bị xâm hại tình dục, trẻ sẽ có xu hướng khép kín, không muốn tiếp xúc với cha” – luật sư Nữ phân tích.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại các trường tiểu học, THCS.
Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết thêm, tại các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM, Hội thường xuyên đi tuyên truyền Luật trẻ em năm 2016.
“ Ngày xưa chỉ tuyên truyền tránh xa người lạ, giờ ngay cả người trong nhà như cha, dượng, cậu cũng vậy. Nên chúng tôi bị “cháy giáo án”, phải thay đổi cách truyền thông. Bây giờ, chúng tôi yêu cầu trẻ phải giữ khoảng cách 1 mét với mọi người…” – luật sư dẫn chứng.
Với vấn đề xâm hại tình dục học đường, luật sư Ngọc Nữ cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến học sinh và gia đình không dám nói ra vì ngại. Thứ hai là sợ nhớ lại cảnh đau khổ nên thường sẽ tìm cách chuyển trường.
Tuy nhiên chuyên gia cho rằng đó là cách giải quyết sai lầm.
“Phụ huynh hãy nhớ rằng im lặng là tội ác. Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ bằng hành động” – Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ.
“Hiện nay với các vụ việc xâm hại trẻ, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đều xử kín. Thẩm phán cũng ăn mặc như bình thường để cho các em không sợ, không thấy mình như tội phạm. Mọi thông tin về nhân thân đều được bảo vệ.
Phụ huynh hãy nhớ rằng im lặng là tội ác. Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ bằng hành động” – luật sư Nữ nhắn nhủ đến các bậc làm cha mẹ.
Theo Helino
Trái tim của người nữ luật sư dành cho trẻ em
Ở tuổi ngoài 60, sức làm việc của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ thật đáng nể. Hễ có cuộc gọi đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM báo có trẻ em bị xâm hại, dù đó là ở tỉnh xa, bà vẫn sẵn sàng mau chóng lên đường.
Hơn sáu năm trước, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM quyết định thành lập chi hội luật sư để trợ giúp pháp lý cho những trường hợp trẻ em bị xâm hại hiệu quả hơn, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ được bầu làm chi hội trưởng. Chi hội luật sư hiện nay có hơn 20 luật sư là những luật sư, thẩm phán đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em hoàn toàn miễn phí tại các phiên tòa.
Gia đình còn lơ là trước an nguy của trẻ
Bé C. học khá giỏi và được cha mẹ gửi đến lớp học thêm của thầy Đ. Có một lần cô bé về kể với cha mẹ việc thầy mặc quần đùi, có biểu hiện không đứng đắn thì phụ huynh không tin bởi thầy đã lớn tuổi và có vẻ rất đứng đắn, nổi tiếng dạy giỏi. Cô bé đã bí mật ghi âm và quay phim lại buổi học hôm đó bị thầy sàm sỡ, gia đình mới té ngửa và làm đơn tố cáo. Luật sư Ngọc Nữ cho biết: "Đây cũng là điểm yếu của nhiều cha mẹ khi quá tin tưởng ai đó mà không để ý tới an toàn của con mình. Đến khi có bằng chứng họ mới hoảng hốt nhận ra thì đã muộn".
Bà Ngọc Nữ nhận định khi làm các vụ án dâm ô, khó khăn nhất là phải tìm ra chứng cứ.
Nhiều vụ việc khi tố cáo, bên kia còn dọa ngược lại sẽ tố cáo gia đình người bị hại tội vu khống vì không có chứng cứ. Họ còn hăm dọa, thậm chí đuổi đánh luật sư khi bà tìm gặp để nói chuyện. Không nao núng, bà Ngọc Nữ động viên gia đình: "Anh chị không cần phải sợ hãi lời đe dọa, có tôi ở đây. Chứng minh được hay không là ở cơ quan điều tra. Con trẻ bị tổn thương, chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ, đó là đạo lý".
Luật sư Ngọc Nữ dạy kỹ năng phòng, chống xâm hại cho các em học sinh ở địa bàn TP.HCM trong tháng 10-2019. Ảnh: HM
Hỗ trợ pháp lý và cả... tiền xe ôm
Có cô bé tên B., 12 tuổi, bị câm điếc ở quận Bình Tân bị kẻ xấu xâm hại. Mẹ của em tìm gặp bà Ngọc Nữ, rụt rè tâm sự: "Con gái em bị xâm hại, em muốn đưa kẻ ác ra trước pháp luật nhưng em không có tiền thuê luật sư". Luật sư Ngọc Nữ và các luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã lập tức đi thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ, hết lòng hỗ trợ pháp lý cho gia đình. Đầu tháng 10 vừa qua, kẻ thủ ác đã bị tòa phúc thẩm tuyên 13 năm tù. Nỗi đau của em nhỏ và gia đình phần nào được xoa dịu.
Nhiều trường hợp khó khăn như em B. đã được bà Ngọc Nữ hỗ trợ tiền xét nghiệm, giám định và chữa trị. Mỗi lần tòa xử, bà hỗ trợ tiền xe ôm đi lại cho gia đình. Ngày Quốc tế Thiếu nhi, bà lại quay lại thăm vì sợ em B. chưa hòa nhập được ở môi trường mới và tủi thân. Bà chia sẻ với các đồng nghiệp là nếu không có sự trợ giúp đó, rất có thể gia đình họ vì nghèo khó mà phải bỏ cuộc trên hành trình theo đuổi công lý gian nan và mất thời gian, trong khi còn phải bạc mặt với nỗi lo cơm áo.
Cần hỗ trợ tối đa cho các em
Tương lai và sức khỏe của các em luôn khiến tôi trăn trở. Trong nhiều cuộc họp liên ngành, tôi thiết tha đề nghị ngành bảo hiểm xã hội cần hỗ trợ tối đa cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại như chế độ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi. Vì có nhiều gia đình nghèo, không có điều kiện đưa con đi xét nghiệm, chạy chữa cho con thì rất tội nghiệp.
Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ
Tìm lại tuổi thơ cho trẻ
Bé Đ. (Vĩnh Long) từng bị cha và ông nội hiếp dâm khi mới 11 tuổi, cô bé gần như đã bị cướp mất tuổi thơ và đầy mặc cảm, học hành sa sút. Bà Ngọc Nữ đã trợ giúp và theo dõi cô bé cho đến khi em được đưa vào một mái ấm dành cho những trẻ em gái bị xâm hại. Mới đây, bà Ngọc Nữ đến thăm, cô bé chạy ra ôm bà và vui vẻ kể: "Con đã quên hết chuyện cũ rồi. Bây giờ con thích đi học thôi". Bà Ngọc Nữ thở phào. Sau những ngày lặn lội với các cuộc chiến pháp lý, bà Ngọc Nữ chỉ mong nhận lại nụ cười và sự thanh thản phần nào từ nạn nhân và gia đình nạn nhân. Bà cũng đã thiết lập được mạng lưới trợ giúp hiệu quả từ sự phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng hỗ trợ trẻ em để các em được đến học tập, sinh hoạt trong những môi trường phù hợp và được hỗ trợ về tâm lý.
Có nhiều vụ án ở tỉnh xa, lặn lội đi đến nơi tốn khá nhiều chi phí nhưng khi đến nơi bà lại "tốn thêm một khúc hỗ trợ gia đình nạn nhân". Chi phí này bà dành dụm từ thù lao dạy đại học, thù lao từ các buổi giảng về phòng, chống xâm hại tình dục, thù lao từ các vụ án khác... Bà cho biết nhu cầu chi tiêu cho bản thân không nhiều nhưng bà luôn thôi thúc bởi những mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ. Bà nói: "Ai hỏi nhiêu tuổi mà đi khỏe dữ vậy, tôi cũng giật mình, ủa vậy là tôi 64 tuổi rồi đó hả".
Giải KOVA - hạng mục "Sống đẹp"
Ngày 16-11 sắp tới, giải thưởng KOVA sẽ được tổ chức tại TP.HCM. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ được trao giải thưởng ở hạng mục "Sống đẹp".
Giải thưởng KOVA là giải thưởng uy tín được tổ chức thường niên từ năm 2002 đến nay, chủ tịch ủy ban giải thưởng là nguyên Phó Chủ tịch nước - TSKH Nguyễn Thị Doan. Giải thưởng và học bổng KOVA được trao tặng hằng năm nhằm khuyến khích các nhà khoa học có nhiều cống hiến cho cộng đồng; cổ vũ và nhân rộng các tấm gương nhân văn, cao thượng; ươm mầm tài năng trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, có đóng góp cho xã hội, cho đất nước.
HỒNG MINH
Theo PLO
Đưa kiến thức bình đẳng giới vào trường học Không chỉ là sân chơi để nâng cao kiến thức, hội thi tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới do Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai diễn ra lần lượt ở các cụm trường THPT trong tỉnh còn là dịp để học sinh bày tỏ, nêu lên thực trạng còn tồn tại về những bất bình đẳng trong xã hội...