Luật sư mệt mỏi khi xin gặp thân chủ trong trại giam
Ngoài chuyện bị làm khó khi xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa, các luật sư còn mệt mỏi trước việc cứ mỗi giai đoạn tố tụng lại phải làm thủ tục cấp giấy mới.
Ảnh minh họa
Luật sư Lê Quang Y (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) kể ông nhận bào chữa cho một bị can bị tạm giam song nhiều lần gặp khó khi đề nghị cơ quan điều tra làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của luật sư kèm theo giấy tờ liên quan, cơ quan tố tụng phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa, nếu từ chối thì phải nêu rõ lý do. Nhìn qua quy định, tưởng chừng việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa rất đơn giản. Thế nhưng suốt nửa năm sau đó, luật sư Y đã phải “trầy vi tróc vảy” vì chuyện này.
Đầu tiên, cơ quan điều tra liên tục trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho ông với nhiều lý do. Chỉ khi ông gửi đơn qua đường bưu điện thì mới nhận được văn bản trả lời là bị can “từ chối yêu cầu luật sư”. Không đồng ý, ông trực tiếp đến cơ quan điều tra làm việc thì nơi này cho biết đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ cho VKS, “luật sư qua đó mà làm việc”.
Qua VKS, luật sư Y mới được biết thì ra bị can không hề từ chối yêu cầu luật sư như cơ quan điều tra viện dẫn. Sau đó, ông đã được VKS cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Vụ án bị VKS trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Luật sư Y cầm giấy chứng nhận người bào chữa do VKS cấp đến cơ quan điều tra làm việc. Lúc này cơ quan điều tra bảo giấy chứng nhận người bào chữa của ông không còn giá trị, ông cần phải làm thủ tục xin cơ quan điều tra cấp lại giấy mới.
Mỗi giai đoạn một giấy chứng nhận
Câu chuyện của luật sư Y là một thực tế phổ biến hiện nay đối với giới luật sư khi tham gia tố tụng hình sự (trừ trường hợp bào chữa theo chỉ định). Ngoài chuyện bị làm khó khi xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa, các luật sư còn mệt mỏi trước việc cứ mỗi giai đoạn tố tụng lại phải làm thủ tục xin cấp giấy mới.
“Rất mệt mỏi và phiền hà”, luật sư Lê Dũng (Đoàn Luật sư TP HCM) nói. Ông kể mình nhận bào chữa cho một bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích ở huyện Đăk R’lấp (Đắk Nông). Ông làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa để tham gia phiên tòa sơ thẩm. Sau đó, vụ án được chuyển lên TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm. Một lần nữa, ông lại phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận mới.
Tương tự, luật sư Phan Trung Hoài (Ủy viên Ban Thường vụ – Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam) kể: Vừa qua, ông tham gia bảo vệ quyền lợi cho một bị cáo từ giai đoạn điều tra cho đến giai đoạn xét xử phúc thẩm. Cứ mỗi giai đoạn tố tụng, ông đều phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Sau đó, bản án sơ thẩm bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM hủy để điều tra lại. Để tiếp tục tham gia tố tụng, ông phải tiếp tục làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa.
Video đang HOT
Nghị định cao hơn luật?
Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), Điều 27 Luật Luật sư 2006 quy định: “Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi, luật sư bị thay đổi hoặc không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”. Tiếp đó, Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung 2012 cũng giữ nguyên quy định trên.
Như vậy, nếu thực hiện đúng Luật Luật sư thì giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị xuyên suốt các giai đoạn tố tụng nếu luật sư không bị thay đổi, không thuộc các trường hợp không được tham gia tố tụng. Tức là nếu luật sư đã được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì VKS, TAND sau đó không cần phải cấp lại giấy chứng nhận nữa.
Thế nhưng cho đến nay, các cơ quan tố tụng các cấp vẫn yêu cầu luật sư làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho từng giai đoạn tố tụng. Sở dĩ có tình trạng này là do các cơ quan tố tụng không tuân thủ Luật Luật sư mà vận dụng hướng dẫn trong Nghị quyết số 03 ngày 2/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình 2003).
Theo nhiều luật sư, hướng dẫn trong Nghị quyết 03 chỉ nói tòa thay đổi người tiến hành tố tụng (thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án), cấp lại cấp giấy chứng nhận người bào chữa nếu có căn cứ cho thấy người bào chữa có quan hệ thân thích với người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, không hiểu sao nó lại trở thành “thông lệ” để các cơ quan tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa “ngắt khúc” cho từng giai đoạn tố tụng.
“Chuyện mỗi giai đoạn tố tụng một giấy này là máy móc, không cần thiết, làm lãng phí thời gian, gây tốn kém cho luật sư, là rào cản cho quyền bào chữa của bị can, bị cáo, không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp”, luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) khẳng định.
Theo luật sư Lương và luật sư Nguyễn Quang Mai (Đoàn Luật sư TP HCM), tới đây khi sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, cần phải bổ sung quy định như Luật Luật sư là giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi, luật sư bị thay đổi hoặc không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Hồng Hà đề xuất thêm: Chính phủ, TAND Tối cao cần sớm ban hành nghị định, nghị quyết hướng dẫn Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung năm 2012, trong đó hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư. “Nếu các luật và các văn bản hướng dẫn đều quy định thống nhất thì cơ quan tố tụng sẽ bắt buộc phải tuân thủ”, luật sư Hà nói.
Bỏ luôn giấy chứng nhận? Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đang trở thành điểm nóng trong vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của luật sư. Có lẽ chỉ ở nước ta mới còn tồn tại thủ tục này. Ngay cả ở Trung Quốc, vốn có mô hình tố tụng tương tự như Việt Nam cũng đã bãi bỏ việc này. Quyền bào chữa và quyền nhờ người bào chữa là quyền hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp. Luật sư là chủ thể để thực hiện chức năng tố tụng cơ bản, đó là chức năng bào chữa, có vị thế phản biện, đối trọng với chức năng buộc tội và xét xử. Do vậy, thủ tục quy định giấy chứng nhận bào chữa là rào cản, không phản ảnh vị thế bình đẳng. Mặt khác, mỗi giai đoạn tố tụng lại bắt làm thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa không những kéo dài thời gian giải quyết vụ án, hạn chế quyền tiếp cận vụ việc của luật sư mà còn thể hiện sự hành chính hóa thủ tục giấy tờ của cơ quan chức năng. Theo tôi, đã đến lúc cần thiết phải bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa. Theo đó, người bào chữa chỉ cần trình thẻ luật sư và giấy yêu cầu của khách hàng thì được tạo điều kiện ngay để thực hiện chức năng tố tụng và được hành nghề theo đúng quy định của pháp luật. Luật sư Phan Trung Hoài
Theo VNE
Xử thế nào khi nam giới bị... hiếp dâm?
Sau khi nhận được đơn tố cáo, các điều tra viên phát hiện nạn nhân bị hiếp dâm là nam giới vì 4 năm trước, cô gái" này đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Cô khẳng định mình giờ là phụ nữ và yêu cầu CQĐT xử lý những kẻ đã hiếp dâm cô.
Từ năm 1986 đến nay, ngành Luật Hình sự Việt Nam coi nguồn duy nhất của mình là Bộ luật Hình sự (BLHS). Cả BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 khi định nghĩa khái niệm tội phạm đều khẳng định, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội "được quy định trong bộ luật này", tức là một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội được quy định trong BLHS, các chuyên gia pháp luật gọi đây là dạng "nguồn đóng".
Bộ Tư pháp đang đề xuất phương án mở rộng nguồn của luật hình sự theo hướng tội phạm không chỉ được quy định trong BLHS mà có thể được quy định ở các văn bản khác.
Bị cáo được giải về trại tạm giam sau khi nhận bản án sơ thẩm về tội chống người thi hành công vụ. Ảnh: MH
Không xử lý hình sự được vì BLHS không quy định
Tối 7/4/2010, tại TP Đồng Hới, Quảng Bình, Nguyễn Văn Tình cùng một nhóm thanh niên đi uống rượu. Đến khuya, Tình cùng hai người bạn chở nhau trên xe máy về nhà. Thấy bên đường có một cô gái đi bộ một mình, ăn mặc gợi cảm, cả ba dừng xe tán tỉnh nhưng bị cô gái cự tuyệt.
Dục vọng nổi lên, Tình và các bạn bắt cô gái lên xe, chở đến bãi đất trống rồi thay phiên nhau hãm hiếp. Uất ức, nạn nhân đã đến cơ quan điều tra (CQĐT) tố cáo hành vi hiếp dâm của Nguyễn Văn Tình và đồng bọn, nộp kèm đơn là chiếc ví tiền mà Tình đánh rơi tại hiện trường.
Tại CQĐT, Tình và các bạn đã thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội đúng như nội dung tố cáo, nhưng có một tình huống trớ trêu là các điều tra viên phát hiện nạn nhân lại là nam giới vì 4 năm trước, "cô gái" này đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Cô khẳng định mình bây giờ là phụ nữ và yêu cầu CQĐT xử lý hình sự những kẻ đã hiếp dâm cô. Xác định đây là vụ án chưa từng xảy ra trong thực tế, Công an TP Đồng Hới đã chuyển vụ án lên cho CQĐT công an tỉnh Quảng Bình.
Lúc đầu, 3 ngành nội chính (CSĐT, VKS, TAND) đã thống nhất khởi tố các đối tượng về tội Hiếp dâm theo Điều 111, Bộ luật Hình sự. Thế nhưng, sau giai đoạn điều tra, trong nội bộ các ngành tố tung của tỉnh lại có những ý kiến không đồng thuận nên chưa thể ra cáo trạng truy tố.
Những người phản đối cho rằng về mặt pháp lý, nạn nhân vẫn là nam giới. Theo quy định của BLHS, nạn nhân trong một vụ hiếp dâm chỉ có thể là nữ giới, Tình và các bạn đã không xâm phạm đến khách thể của tội hiếp dâm, vì thế không đủ cơ sở để buộc họ phạm tội này. Đến nay, việc xử lý các đối tượng vẫn gặp nhiều khó khăn do còn có nhiều ý kiến trái chiều.
Trường hợp khác, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để xử lý hình sự đối với hành vi nợ đọng tiền Bảo hiểm Xã hội (BHXH). Lý do mà Bộ này đưa ra là năm 2012 số tiền nợ đọng BHXH lên tới trên 5.000 tỉ đồng, nguyên nhân cơ bản là do chế tài xử lý hành vi vi phạm còn nhẹ, chỉ giải quyết ở mức dân sự.
Do đó, cần phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp cố tình nợ BHXH bằng biện pháp hình sự. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi nợ đọng tiền BHXH chưa được quy định là tội phạm nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với DN hay cá nhân nợ đọng tiền BHXH.
Những trường hợp kể trên chỉ là 2 trong nhiều tình huống "bó tay" của các cơ quan chức năng trước các hành vi vi phạm pháp luật đáng ra phải xử lý hình sự nhưng không buộc tội được các đối tượng vi phạm vì BLHS không quy định.
Đề xuất mở rộng nguồn của luật Hình sự
Ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết: Tong khoảng gần 30 năm kể từ khi ra đời năm 1985, BLHS của nước ta đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, trong đó có 1 lần sửa đổi toàn diện vào năm 1999.
Bên cạnh mặt ưu điểm là làm cho các quy định của BLHS đáp ứng kịp thời với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trong từng giai đoạn phát triển thì việc sửa đổi, bổ sung quá nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn đã làm cho các quy định của BLHS không có tính ổn định cao. Điều này gây khó khăn rất lớn cho quá trình áp dụng các quy định của BLHS vào thực tiễn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoàn, mặc dù sửa đổi, bổ sung nhiều lần như vậy nhưng nhìn chung BLHS vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân của bất cập này là do BLHS quy định tất cả các tội phạm thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có những lĩnh vực tương đối ổn định, nhưng có nhiều lĩnh vực có tính biến động cao như kinh tế, khoa học, công nghệ.... Khi một lĩnh vực nào đó có thay đổi thì lại phải sửa đổi, bổ sung BLHS, nếu không sẽ nảy sinh bất cập.
"Điều này tạo ta áp lực không nhỏ về quy trình sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS với ý nghĩa là một trong những Bộ luật quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật ở nước ta" - ông Nguyễn Văn Hoàn khẳng định.
Giải pháp được Bộ Tư pháp đưa ra cho vấn đề này là nghiên cứu mở rộng nguồn của luật hình sự theo hướng tội phạm không chỉ được quy định trong BLHS như hiện nay mà có thể được quy định ở các văn bản luật khác như các luật chuyên ngành về kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ. Giải pháp này vừa bảo đảm tính ổn định của BLHS, vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong các lĩnh vực nhờ hệ thống các luật vệ tinh.
Tuy nhiên, trước đề xuất có tính chất đột phá này, nhiều chuyên gia pháp luật tỏ rõ sự quan ngại. PGS.TS Nguyễn Ngọc Trí - Khoa Luật, Đại học KHXH và NV Hà Nội - nhận định: "Việc mở rộng nguồn sẽ làm thay đổi toàn bộ cơ cấu BLHS và câu chuyện ở đây không chỉ là vấn đề lập pháp mà còn liên quan tới vấn đề chính trị".
Cùng quan điểm này, TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - cho rằng: "Việc mở rộng nguồn sẽ kéo theo việc thay đổi toàn bộ các quy định lõi về tội phạm của BLHS và để xử lý được điều này thì không hề đơn giản".
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, nếu mở rộng nguồn thì BLHS nên tính đến việc cho áp dụng trực tiếp một số điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. TS Hoàng Văn Hùng - Đại học Luật Hà Nội - thì nhận định: "Trước yêu cầu của thực tế và để phù hợp với pháp luật quốc tế thì nguồn của luật hình sự không thể đóng kín nữa, nhưng mở rộng nguồn đến các văn bản luật chuyên ngành, hay mở rộng tới cả án lệ, hay tới đâu nữa thì còn cần phải cân nhắc".
Việc có nên mở rộng "nguồn" của luật hình sự hay không, cho tới nay, vẫn đang là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận...
Theo Dantri
Đề xuất chỉ được nghe lén điện thoại khi VKS đồng ý VKSND Tối cao đề xuất, các biện pháp trinh sát ảnh hưởng trực tiếp tới quyền cơ bản của cá nhân, tổ chức như nghe lén điện thoại, đột nhập nhà riêng, mở bưu phẩm... chỉ được tiến hành sau khi có phê chuẩn của VKS. Ngày 6/12, VKSND Tối cao tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết thực tiễn thi hành...