Luật sư kiến nghị không cùm chân bầu Kiên
Trước khi bắt đầu phiên tòa vào 20/5, các luật sư bào chữa cho các bị can trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã gửi văn bản kiến nghị đến Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, Trại tạm giam Bộ Công an với nhiều nội dung.
Trong đó, “ nóng” nhất là kiến nghị không cùm chân bầu Kiên như phiên tòa ngày 16/4 và việc triệu tập thêm người ra tòa.
Các luật sư cho rằng, tại phiên tòa ngày 16/4, hình ảnh bầu Kiên xuất hiện với sợi xích ràng cả chân và tay đã gây nhiều tranh cãi. Ông Kiên cho rằng ông bị cùm chân vì không chịu mặc đồng phục của trại.
Dự kiến vào ngày 20/5 – 5/6 tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở lại phiên xét xử vụ án “bầu” Kiên cùng đồng phạm.
Theo các luật sư, năm 2004 Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành Nghị quyết về trang phục của bị cáo tại phiên tòa hình sự, trong đó nêu rõ “Tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải bảo đảm sự trang nghiêm”. Như vậy, việc ông Kiên yêu cầu được mặc thường phục là phù hợp và việc cùm chân là chưa thỏa đáng.
Video đang HOT
Pháp luật quy định biện pháp xích chân bị cáo trong quá trình dẫn giải được áp dụng khi cần thiết, đối với các bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ hung hãn, manh động. Luật sư Hoàng Đôn Hùng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Nguyễn Đức Kiên dẫn lại phiên xử bị cáo Hồ Duy Trúc, phạm tội cướp, chặt tay chân, bị kết án tử hình ở cả hai cấp xét xử cũng chỉ bị còng tay, không xích chân và được mặc thường phục.
“Ông Kiên, với nhân thân là doanh nhân như vậy, không phạm tội mang tính côn đồ, hung hãn, thì việc xích chân liệu có cần thiết không, tại sao các bị cáo khác trong cùng vụ án lại không bị như vậy? Đề nghị cơ quan thi hành tố tụng lưu tâm”, ông Hoàng Đôn Hùng nói.
Bên cạnh đó, các luật sư cũng đưa ra kiến nghị triệu tập nhiều đại diện cơ quan khác.
Ngày 3/5, các luật sư bào chữa cho các bị can trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) cũng đã ký vào bản kiến nghị gửi các đại biểu Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Ban Cải cách tư pháp trung ương, Văn phòng Quốc hội đề nghị các cơ quan này giám sát việc xét xử hai vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (xử phúc thẩm) và vụ án Nguyễn Đức Kiên (xử sơ thẩm).
Các luật sư cho rằng hai vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên có sự liên quan chặt chẽ với nhau, bởi vậy việc xác định vụ án Nguyễn Đức Kiên là đại án tham nhũng thì không đúng bản chất vụ việc. Ngoài ra, các luật sư cũng kiến nghị được gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các đại biểu Quốc hội và mong muốn các đại biểu theo dõi trực tiếp các phiên xét xử của cả hai vụ án trên.
Minh Anh
Theo dantri
Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương rà soát vụ án Huyền Như
TTXVN ngày 9/5 đưa tin, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm.
Cụ thể, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo trên cơ sở đó xác định tội danh và quyết định mức hình phạt theo đúng luật định, xét xử công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để sót người, lọt tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội.
Đồng thời, cần làm rõ và đầy đủ những vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào, có hình thức xử lý tương xứng, đáp ứng kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân, có tác dụng tốt trong việc răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, trong đó có tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và làm cho kinh tế-xã hội phát triển lành mạnh hơn.
Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn nêu rõ yêu cầu nói trên của Chủ tịch nước, gửi tới các cơ quan pháp luật hữu quan.
Trước đó, sau khi TAND TP Hồ Chí Minh kết thúc xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Cho vay nặng lãi", có nhiều ý kiến khác nhau về bản án mà Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên.
Huỳnh Thị Huyền Như (áo hồng) tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: VOV)
Nhiều bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án này có đơn kháng cáo. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng có kháng nghị phúc thẩm. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang xem xét, giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
Liên quan đến vụ án Huyền Như, bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Như mức án tù chung thân vì đã có hành vi làm giả nhiều chữ ký, con dấu của các cá nhân, tổ chức để chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của nhiều tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, 22 bị cáo khác trong vụ án cũng bị tuyên án tù.
Theo Dantri
Chủ tịch nước yêu cầu xem xét vụ 'siêu lừa' Huyền Như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Sau khi Tòa án nhân dân TP HCM kết thúc xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài...