Luật sư khuyên Hoàng Công Lương nên chấp hành án tù giam
Luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết, ông khuyên bác sĩ Hoàng Công Lương không nên khiếu nạn bản án lên cấp giám đốc thẩm nữa, mà sẽ chấp hành hình phạt sớm, để có thể được tha tù trước thời hạn.
Ngày 19.6, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình tuyên án 30 tháng tù giam với bị cáo Hoàng Công Lương tội Vô ý làm chết người, trong vụ xét xử sự cố y khoa chạy thận xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5.2017.
Mặc dù nam bác sĩ có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Nguyễn Văn Vận cho rằng, hậu quả của vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên không cho hưởng án treo.
Chiều 20.6, trả lời PV Lao Động, luật sư Hoàng Văn Hướng (người bào chữa cho Hoàng Công Lương) cho biết, bản án 30 tháng tù đối với bác sĩ Lương là quá nghiêm khắc, bởi bác sĩ Lương có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1, điều 46 Bộ luật Hình sự 1999.
“Quá trình công tác, Hoàng Công Lương là bác sĩ mẫu mực, có nhiều thành tích, chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Hoàng Công Lương có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự; có các điều kiện cho hưởng án treo áp dụng theo Nghị quyết 02 của TAND tối cao, như gia đình có công với cách mạng, ông nội nhận nhiều huân, huy chương cách mạng, bác ruột là liệt sĩ”, luật sư nói.
Theo ông Hoàng Văn Hướng, trong vụ án này, bác sĩ Lương có lỗi vô ý. Lỗi này mang tính chủ quan của nam bác sĩ rất thấp, mà gần như hoàn toàn là khách quan.
Bác sĩ Hoàng Công Lương (áo xanh nhạt) tại tòa. Ảnh: Cường Ngô
Video đang HOT
“Sự cố y khoa chạy thận Hòa Bình lỗi không phải do Hoàng Công Lương, mà lỗi cơ chế, lỗi hệ thống, quy trình quản lý thiết bị bảo dưỡng sửa chữa đối với hệ thống lọc nước chạy thận. Lương chỉ là một “mắt xích” rất nhỏ trong hệ thống đó. Không phải Lương thì cũng là người khác với vai trò, vị trí như vậy”, luật sư nói.
Theo luật sư Hướng, ông sẽ khuyên Hoàng Công Lương không nên khiếu nạn bản án lên cấp giám đốc thẩm nữa, mà sẽ chấp hành hình phạt sớm, để có thể được tha tù trước thời hạn. Bởi cấp giám đốc thẩm có thể chỉ đánh giá lại tính chất, mức độ, vai trò và lỗi của Hoàng Công Lương, chứ không thay đổi về mặt tố tụng và định lại tội danh.
“Sau khi nghe bản án phúc thẩm, Hoàng Công Lương rất buồn. Nam bác sĩ bị trầm cảm và đang phải điều trị. Mong muốn của anh lúc này là sớm được hành nghề trở lại”, luật sư Hướng cho biết.
Nhiều người thắc mắc, việc Hoàng Công Lương phải chấp hành án tù giam, liệu anh có thể quay trở lại hành nghề bác sĩ?
Luật sư Hướng nói, Luật Khám chữa bệnh và các hướng dẫn liên quan có quy định nếu bị truy tố hoặc bị kết án thì trước hoặc trong thời gian chấp hành hình phạt tù, bác sĩ sẽ bị thu hồi thẻ hành nghề khám chữa bệnh. Khi nào chấp hành xong án phạt tù, bác sĩ Lương phải chứng minh đủ các điều kiện để xin cấp lại.
Về hồ sơ xin cấp lại chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, Luật Khám chữa bệnh đã có quy định rất rõ. Hồ sơ này bao gồm đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, bản sao văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, văn bản xác nhận quá trình thực hành, giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề, phiếu lý lịch tư pháp…
CƯỜNG NGÔ
Theo LĐO
Bộ Y tế gửi công văn phản đối tội "Vô ý làm chết người" của bác sĩ Lương
Bộ Y tế ngày 10.5 đã có công văn gửi Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc xét xử phúc thẩm vụ án chạy thận nhân tạo khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Cơ quan điều tra lúng túng, 3 lần thay đổi tội danh
Theo Bộ Y tế, ngày 30.1 Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, 42 tháng tù với tội danh "Vô ý làm chết người". Mức án này có phần khiên cưỡng, quy chụp, chưa đúng tội danh và thậm chí oan sai.
Theo Bộ Y tế, trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT tỉnh Hòa Bình đã 3 lần thay đổi tội danh đối với bị cáo Hoàng Công Lương, từ tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", sang tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" cho đến tội "Vô ý làm chết người".
Điều này cho thấy, cơ quan này khá lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội. Ngay cả việc TAND TP. Hòa Bình tuyên xử phạt bị cáo Hoàng Công Lương về tội "Vô ý làm chết người" cũng chưa phù hợp.
Chưa phù hợp - theo Bộ Y tế là vì tội "Vô ý làm chết người" là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình tác động vào cơ thể nạn nhân có khả năng gây ra chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước, hoặc tuy thấy trước hành vi tác động vào cơ thể nạn nhân của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
Chủ thể của tội danh này, trong quan hệ pháp luật là chủ thể thường như lái xe vô ý gây chết người hay người vô tình đẩy ngã, bắn nhầm, cho ăn gây chết người.
Nhưng ở vụ án này, bị cáo Lương là bác sĩ - là chủ thể đặc thù nên hành vi của Hoàng Công Lương khi ra y lệnh là hành vi cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, trong hoạt động chuyên môn kỹ thuật. Do đó, xác định chủ thể tội danh này đối với bác sĩ Lương là không thuyết phục.
Về khách thể, người phạm tội "Vô ý làm chết người" cũng có những hành động tương tự hành vi của tội "Giết người", chỉ khác ở chỗ thái độ tâm lý của người phạm tội đối với cái chết của nạn nhân là không mong muốn, không bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra, nên nếu không có sự tác động đến thân thể nạn nhân thì không phải là hành vi khách quan của tội danh này.
Bác sĩ Lương tại phiên tòa sơ thẩm.
"Do đó, bản án cho rằng bị cáo Lương "ký đề xuất sửa chữa, nhưng chưa nhận lại bàn giao, hoặc chưa hỏi người có trách nhiệm sửa chữa, hay có thẩm quyền để biết nước chạy thận đã an toàn mà đã ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả. Xác định lỗi "vô ý do cẩu thả" là chưa phù hợp với hành vi khách quan của của tội danh này, vì lỗi này là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp lên cái chết của nạn nhân", Bộ Y tế cho hay.
Từ các phân tích trên cho thấy, Bộ Y tế cho rằng, việc xác định bị cáo Lương phạm tội "Vô ý làm chết người" là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể, khách quan.
Bộ Y tế đề nghị tòa "công tâm" khi xử phúc thẩm vụ án chạy thận Hòa Bình
Trong trường hợp tòa án phúc thẩm vẫn xác định tội danh "Vô ý làm chết người" với bác sĩ Lương, Bộ Y tế cho rằng sẽ là "tiền lệ rất xấu", tạo ra tâm lý bất an cho toàn thể thầy thuốc, nhân viên y tế trong cả nước.
"Nhân viên y tế nào dám trực tiếp tham gia công tác cứu chữa người bệnh khi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không trừ ai". Từ đây, các thầy thuốc, nhân viên y tế để thủ thân, an toàn cho mình, sẽ bám vào các thủ tục hành chính, mất thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay vì tận tâm chữa bệnh, cứu người.
"Hậu quả cuối cùng, chịu thiệt thòi nhất là người bệnh vì họ sẽ chết, chết rất đúng thủ tục, đúng quy trình và các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ không bắt bẻ họ vào đâu được", Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ Y tế kiến nghị, vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, nên việc xác định nguyên nhân tử vong, bản chất vụ án phải thận trọng, kỹ lưỡng.
Chuẩn bị cho phiên xử phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 13.5 tới, Bộ Y tế đã tổng hợp các ý kiến chuyên gia về pháp lý, trang thiết bị y tế, hóa học "để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ cho các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình trong vụ án này, mà còn cho cả ngành y tế trong hiện tại và tương lai".
CƯỜNG NGÔ
Theo LĐO
Bác sĩ Hoàng Công Lương bị tuyên phạt 42 tháng tù Sau 5 ngày nghị án, tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình tuyên án sơ thẩm sẽ đưa ra phán quyết đối với Hoàng Công Lương và 6 bị cáo trong vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bác sĩ Lương bị tuyên 42 tháng tù. Chiều 30/1, sau 5 ngày nghị án,...