Luật sư được quyền giữ bí mật thông tin của thân chủ?
Giới luật sư ủng hộ quan điểm người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa.
Có nhiều quan điểm trái chiều xung quanh Khoản 3 Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ghi nhận quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự của luật sư trong việc giữ bí mật thông tin của thân chủ. Theo đó người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện.
Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng luật sư Bross và cộng sự)
Theo Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng luật sư Bross và cộng sự), đây là điểm hoàn toàn mới trong hệ thống các quy định của pháp luật về hành nghề luật sư tại Việt Nam nói chung và trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nói riêng.
Bộ luật Hình sự hiện tại mới chỉ liệt kê 4 hành vi phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự, gồm: sự kiện bất ngờ (Điều 11); tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 13); phòng vệ chính đáng (Điều 15); tình thế cấp thiết (Điều 16).
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có nêu thêm 3 hành vi, gồm: gây thiệt hại trong khi bắt người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên được quy định tại các điều 24, 25, 26.
“Cùng với 3 hành vi mới được liệt kê, thì việc quy định thêm luật sư được miễn trách nhiệm hình sự trong việc giữ bí mật thông tin của khách hàng là phù hợp với chức năng nghề nghiệp và thông lệ trên thế giới”, luật sư Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh.
Video đang HOT
Ủng hộ quy định này, Luật sư Hoàng Văn Dũng phân tích, tính chất công việc của người bào chữa (bao gồm cả luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp pháp cho người bị tình nghi là tội phạm) cho phép họ có quyền tiếp cận với tất cả các thông tin từ người bị tình nghi, trong đó bao gồm cả những tình tiết liên quan đến vụ án mà họ đang tham gia bào chữa. Do vậy, người bào chữa là người trợ giúp, là đồng minh về mặt pháp lý của người bị tình nghi nên thông thường được chia sẻ thông tin dù người bào chữa có muốn tiếp nhận hay không. Bởi lẽ đó, người bào chữa hiển nhiên được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự trong việc giữ bí mật thông tin của khách hàng, ngay cả thông tin về việc phạm tội họ đã thực hiện hay tham gia thực hiện trong quá khứ.
Mặt khác, khi luật sư được khách hàng tiết lộ thông tin, chưa thể coi thông tin đó là căn cứ để xác định khách hàng đó đã phạm tội nên không thể xử lý luật sư hay người bào chữa về hành vi che giấu hay không tố giác tội phạm được.
“Xét dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, thông lệ trên thế giới cũng như ở Việt Nam nghiêm cấm luật sư tiết lộ bí mật thông tin của khách hàng, nếu việc làm đó không trái với pháp luật thực định. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc luật sư thực hiện chức năng nghề nghiệp của mình thì không thể coi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội”, luật sư Hoàng Văn Dũng nói.
Cùng quan điểm với luật sư Hoàng Văn Dũng, luật sư Nguyễn Thanh Bách (Văn phòng Luật sư Nhật Minh) nhấn mạnh, trên thực tế, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan pháp luật, do đó đặt ra yêu cầu đòi hỏi luật sư có nghĩa vụ tố cáo hành vi tội phạm của thân chủ mình là không thỏa đáng. Nghĩa vụ của luật sư là bảo vệ và làm nhẹ đi trách nhiệm của thân chủ chứ không thể cố ý làm trầm trọng thêm tình trạng của họ. Pháp luật thế giới và pháp luật Việt Nam (Luật Luật sư 2002, 2012) đều không buộc giới luật sư phải tố cáo thân chủ mình thậm chí còn không cho phép luật sư tiết lộ các bí mật của khách hàng.
“Quan hệ giữa luật sư và thân chủ xét trên nhiều phương diện không chỉ là quan hệ mang tính vật chất giữa một bên là khách hàng và bên kia là người cung cấp dịch vụ. Khi tìm đến luật sư, mỗi thân chủ đều mang trong họ nhiều vấn đề cần được chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp hiệu quả. Nhiều người còn tìm kiếm ở luật sư sự bảo vệ hoặc giải pháp pháp lý nhằm giảm nhẹ trách nhiệm của mình đối với những tội lỗi của họ gây ra. Như vậy, mối quan hệ đó hình thành từ sự tin tưởng và bao hàm trong nó quy phạm đạo đức thiêng liêng mà bắt buộc các bên phải trân trọng”, luật sư Bách phân tích.
Trong trường hợp đứng trước một tội ác có thể xảy ra, khi đó với sứ mệnh đạo đức, luật sư buộc phải thực hiện trách nhiệm công dân để tố cáo thân chủ nhằm ngăn chặn tội ác. Làm như vậy luật sư đã vi phạm Luật và Quy tắc hành nghề của mình, và sẵn sàng đánh đổi từ bỏ chức danh nghề nghiệp để bảo vệ con người./.
Thanh Hà
Theo_VOV
"Quyền im lặng" của luật sư: Ranh giới bảo vệ thân chủ và công lý
Lần đầu tiên vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự của luật sư trong giữ bí mật thông tin thân chủ được đề cập trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Giới luật sư mừng như cởi tấm lòng, trong khi có không ít người lại thấy lo lắng và đặt ra nhiều tình huống gây tranh cãi...
Những "con sâu làm rầu nồi canh"
Luật sư là một trong những nghề đặc thù - cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ khách hàng. Là người nắm rõ pháp luật, luật sư còn có trách nhiệm bảo vệ chính nghĩa và sự công bằng xã hội. Trong hầu hết các trường hợp, luật sư và thân chủ sẽ "cùng chung chiến tuyến" trên hành trình tìm công lý và sự thật. Thế nên, rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đều khẳng định trách nhiệm của luật sư trong giữ bí mật thông tin thân chủ.
Cụ thể, từ Pháp lệnh Tổ chức Luật sư 1987 đến luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) đều nghiêm cấm luật sư tiết lộ thông tin của khách hàng mà mình biết được, trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Về đạo đức hành nghề, luật sư cũng có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó. Thậm chí, như đề xuất trong dự thảo BLHS (sửa đổi), luật sư còn được loại trừ trách nhiệm hình sự trong giữ bí mật thông tin của thân chủ.
Được trang bị cho những "quyền lực" như vậy, hơn ai hết, luật sư phải sống và làm việc theo đúng pháp luật. Thế nhưng, bên cạnh những luật sư chân chính, hết lòng bảo vệ công lý, thực tế vẫn tồn tại một số "con sâu làm rầu nồi canh", vi phạm pháp luật hình sự để rồi bị khởi tố, kết án. Loại trừ tình huống bao che hay cấu kết, trong không ít trường hợp luật sư lại lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chính thân chủ.
Cách đây ít lâu, đầu tháng 8/2015, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Dương Kim Sơn (tại Hà Tĩnh), là luật sư, Giám đốc công ty Luật TNHH Minh Sơn về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công ty VN Pharma với số lượng lớn. VKSNDTC cũng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Dương Kim Sơn. Theo bộ Công an, hành vi vi phạm của Sơn là đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của bị can Dương Kim Sơn và những người có liên quan để xử lý trước pháp luật.
Hồi tháng 11/2014, Công an huyện Hớn Quản (Bình Phước) cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Trần Minh Tấn (43 tuổi, ngụ huyện Hớn Quản), Trưởng văn phòng luật sư Tấn Hùng (huyện Hớn Quản) để điều tra, làm rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hành vi của Tấn thường là nhận tiền ủy quyền tham gia tố tụng nhưng không thực hiện, nhận tiền thù lao và án phí nhưng không đóng cho tòa án, không thực hiện việc được ủy quyền, nhận tiền tham gia tố tụng nhưng không nộp đơn khởi kiện cho đương sự... Được biết, tổng số tiền Trần Minh Tấn chiếm đoạt của người dân là hơn 240 triệu đồng.
Trước đó, ngày 21/5/2014, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Lương Anh Tiến, nguyên là luật sư (SN 1967) 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng của VKSNDTC, Nguyễn Minh Tuấn là bị can trong một vụ án kinh tế và bị khởi tố tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình được thuê bào chữa cho Tuấn, biết Tuấn phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng vì ham tiền, Tiến đã nhiều lần tiếp xúc với người nhà của bị can Tuấn đặt vấn đề sẽ "chạy án" cho Tuấn được tại ngoại, được bỏ tội danh trên. Thậm chí Tiến hứa hẹn sẽ giúp Tuấn được tuyên trắng án hoặc bằng thời hạn tạm giam, được trả tự do tại tòa. Theo yêu cầu của Tiến, từ tháng 3/2011 - 9/2012, gia đình bị can Tuấn đã đưa cho Tiến 4 lần, tổng cộng 1,81 tỉ đồng để "chạy án" nhưng thực chất Tiến đã chiếm đoạt số tiền này.
Mâu thuẫn giữa lý và tình
Trở lại đề xuất miễn trừ trách nhiệm hình sự (TNHS) của luật sư trong giữ bí mật thông tin thân chủ như dự thảo BLHS (sửa đổi), dù được giới luật sư đánh giá là tiến bộ nhưng nó lại đặt ra không ít mâu thuẫn. Nếu là thông tin thông thường, việc luật sư giữ bí mật là lẽ đương nhiên, nhưng nếu bí mật đó là tội ác, liệu sự im lặng có thực sự đúng đắn? Nếu không tố giác tội phạm thì vi phạm pháp luật về nghĩa vụ tố giác tội phạm. Bởi luật sư cũng đồng thời là một công dân nên luật sư cũng có trách nhiệm tố giác tội phạm như những công dân khác. Nhiều ý kiến cho rằng, luật sư là người hiểu biết pháp luật, trách nhiệm bảo vệ cái đúng, ngăn ngừa cái sai, đặc biệt là cái ác. Xét đến cùng, việc luật sư tham gia bào chữa cho thân chủ cũng nhằm tìm ra sự thật vụ án, để áp dụng cho đúng luật, xử lý đúng người đúng tội. Thế nên, không ít người lo ngại, nếu loại trừ trách nhiệm hình sự đối với luật sư, không loại trừ khả năng sẽ tạo cơ hội để một số cá nhân thiếu bản lĩnh tiếp tay cho tội phạm, vượt quá rào cản của pháp luật.
Nếu bí mật thông tin của khách hàng là tội ác mà họ đang chuẩn bị thực hiện, đã thực hiện, đã tham gia... luật sư cũng không thể "im lặng". Đặc biệt, với những tội phạm có tính nguy hiểm cao như các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì lợi ích xã hội cần bảo vệ hơn đối với đạo đức nghề nghiệp. Do đó, hành vi không tố giác trong trường hợp này cần quy định là tội phạm.
Từng có quá trình cộng tác với nhiều luật sư, chúng tôi được chính người trong giới kể cho nghe những tình huống không dễ xử lý của họ. Có những khách hàng sau khi phạm tội liền đến "gõ cửa" luật sư nhờ tìm cách "gỡ rối"... Nghề nào cũng vậy, luôn có những cám dỗ hoặc "cạm bẫy" vô hình. Nghề luật sư cũng không ngoại lệ. Thế nên, câu chuyện làm thế nào để vừa không vi phạm đạo đức hành nghề, vừa tuân thủ pháp luật cần phải được nhìn nhận thấu đáo để luật được xây dựng đảm bảo vẹn cả đôi đường.
ĐBQH Vũ Xuân Trường Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nam Định: Phải đề cao việc phòng chống tội phạm BLHS hiện hành chỉ quy định miễn TNHS về hành vi không tố giác tội phạm cho những người là thân nhân (ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội; trừ trường hợp các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng) mà chưa đề cập đến miễn TNHS cho luật sư trong giữ bí mật thông tin thân chủ. Theo tôi, về vấn đề bảo vệ pháp luật, luật sư cũng phải có trách nhiệm. Đặt tình huống, một tên "đầu vụ" thuê luật sư bào chữa cho đàn em (đã bị bắt) nhưng không đơn thuần là bảo vệ mà nhằm khai thác xem CQĐT đã nắm vụ án đến đâu để tìm cách trốn tránh. Như thế sẽ rất nguy hiểm. Do đó, tôi đề cao việc phòng chống tội phạm và không nên miễn trừ TNHS cho luật sư trong trường hợp này. Ông Chu Văn Vẻ, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao: Cần quy định cụ thể phạm vi được, hay không được giữ bí mật Theo tôi, cần làm rõ hơn khái niệm "bí mật thông tin thân chủ". Trong trường hợp này, bí mật được hiểu như thế nào, phạm vi bí mật là gì? Bí mật trong hành nghề của luật sư gồm những gì? Luật sư bào chữa cho thân chủ, đương nhiên, họ sẽ nắm được rất nhiều bí mật của thân chủ, thậm chí cả người thân, họ hàng thân chủ. Nhưng cùng với việc bảo vệ thân chủ, luật sư còn phải có trách nhiệm bảo vệ pháp luật, cùng với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm... Do đó, cần quy định cụ thể phạm vi được hay không được giữ bí mật. Luật sư Triệu Viết Hanh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lào Cai, nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lào Cai: Luật sư cũng phải có " quyền im lặng"? Khi đã nhận tư vấn, bào chữa thì thân chủ mới tin tưởng nói tất cả mọi việc cho luật sư để nhận được sự bảo vệ. Chính vì thế, nếu luật sư lại quay ra tố giác chính thân chủ đó là không tuân thủ giao kết giữa hai bên. Hơn nữa, xét về mặt đạo đức hành nghề, luật sư đã không làm tròn. Xét về lý, chúng ta đang đề xuất "quyền im lặng" cho người bị bắt, người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo; thế nên tiến tới luật sư cũng phải có "quyền im lặng" trong những tình huống cụ thể. Do đó, tôi ủng hộ việc loại trừ trách nhiệm hình sự của luật sư trong giữ bí mật thông tin thân chủ. Tuy nhiên, trong trường hợp luật sư đang bảo vệ thân chủ ở tội này nhưng biết rõ hành vi phạm tội khác của thân chủ mà không tố giác, đương nhiên luật sư sẽ phải chịu TNHS về hành vi không tố giác tội phạm.
PV
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Cần lời xin lỗi chân thành 13 năm mang tội oan, gia đình tan nát, tài sản mất hết, sống không bằng chết để rồi được nhận 295 triệu đồng và một lời xin lỗi chóng vánh. Sáng 11-8, VKSND TP HCM đã tổ chức buổi xin lỗi, cải chính cho ông Trương Bá Nhàn (SN 1962) theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước tại UBND phường...