Luật sư day dứt “hậu” vụ án mẹ ghẻ hại con chồng
Trong quá khứ Nguyễn Thị Chinh (SN 1968, quê Thái Nguyên) đã từng là một người mẹ kế rất nhân hậu, ân tình. Chỉ vì mâu thuẫn trong việc phân chia khối di sản thừa kế mà người chồng để lại, bị các con chồng “trục xuất” Chinh đã thuê người giết con chồng…
Người đàn bà này từng là hoa khôi khu gang thép
Án mạng dốc Dây Diều
Khoảng 1h30′ 25/8/2010, xác một người đàn ông trẻ được phát hiện tại dốc Dây Diều (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn). Nạn nhân là anh N.V.N (34 tuổi, quê Thái Nguyên) tử vong do bị đầu độc bằng chất cực độc xyanuya.
Anh N. là một Luật sư, công tác tại bộ phận pháp chế của một ngân hàng thương mại. Hoàn cảnh của anh N. rất éo le. Anh là người con trai cả trong gia đình có ba anh em, mẹ qua đời từ năm anh mới khoảng hơn 14 tuổi.
Từ khi người cha lấy vợ kế là Nguyễn Thị Chinh, anh em anh N. ở cùng cha và mẹ kế. Đến đầu năm 2007, cha anh N. cũng qua đời vì trọng bệnh. Thời điểm này, anh N. cũng làm thủ tục ly hôn vợ, sau đó có xảy ra mâu thuẫn giữa anh N. với mẹ kế khá gay gắt, nguyên nhân là do chuyện tranh chấp tài sản thừa kế của người cha để lại.
Sau chưa đầy một tháng khẩn trương phá án, công an TP. Hà Nội đã xác định kẻ chủ mưu sát hại anh N. chính là Nguyễn Thị Chinh, mẹ kế của nạn nhân. Động cơ gây án được xác định là do mâu thuẫn trong việc phân chia di sản thừa kế, Nguyễn Thị Chinh đã nhờ người tình của mình thuê “đàn em” sát hại anh N. để tranh giành khối tài sản.
Từng là người mẹ nhân hậu, tảo tần
Có thể nói, bị cáo Nguyễn Thị Chinh là một người đàn bà đẹp, từng được mệnh danh “hoa khôi khu gang thép” nhưng tình duyên lại quá đa đoan. 20 tuổi Chinh đã thành thiếu phụ lỡ dở, hàng ngày bán quán ở cạnh cây xăng của vợ chồng ông Nh. (bố nạn nhân N. trong vụ án).
Số phận đưa đẩy thế nào mà sau đó gia đình ông Nh. xảy ra hỏa hoạn khiến vợ ông Nh. thiệt mạng. Thương cảm với hoàn cảnh của ông Nh. – thương binh 42 tuổi, góa vợ, phải một mình gà trống nuôi ba đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, Chinh khi đó mới 22 tuổi đã tự nguyện đến làm vợ người đàn ông góa, gần gấp đôi tuổi của mình.
Video đang HOT
Khi chung vai gánh vác gia đình cùng chồng trong hoàn cảnh như vậy, Chinh đã phải làm đủ thứ nghề từ bán hàng, tuyển quặng, thu gom gang sắt phế liệu… để nuôi các con chồng, lèo lái kinh tế gia đình. Vất vả, khó nhọc nhưng hạnh phúc vẫn nở hoa khi Chinh có với ông Nh. một cô con gái xinh ngoan. Ba anh em anh N. khôn lớn, trưởng thành, tốt nghiệp Đại học rồi yên bề gia thất đều có bàn tay chăm sóc và công lao gây dựng của Chinh.
Tình cảm và công lao đó của Chinh với các con chồng được họ hàng nhà chồng, hàng xóm, anh em bạn hữu đều xác nhận. Người lạ nhìn vào hạnh phúc êm ấm của gia đình họ, nhiều người còn chẳng biết hoàn cảnh của họ là mẹ kế con chồng.
Tháng 3/2007, ông Nh. mất không để lại di chúc. Vào dịp cúng 100 ngày người cha, anh N. đưa ra một bản di chúc có chữ ký của ông Nh. với nội dung: Để lại toàn bộ nhà đất cho ba anh em anh Nh. Điều này đồng nghĩa với việc Chinh và con gái không được hưởng thừa kế. Vì bản di chúc kia, sau ngày chồng mất, Chinh đã phải ra đường tay trắng.
Nghĩ mình cả đời một lòng một dạ tận tụy vì các con chồng, thế mà khi cha họ vừa qua đời, họ đã đuổi mình ra khỏi nhà nên Chinh rất uất hận. Chinh đã từng khởi kiện chia tài sản thừa kế của chồng nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết xong. Xuất phát từ mâu thuẫn trên, Chinh đã nảy sinh ý định sát hại anh N. để trả thù.
Tất cả nỗi uất ức, mâu thuẫn với con chồng, Chinh đã tâm sự với người tình của mình là Dương Quang Thái (đồng phạm trong vụ án). Thái kém Chinh 2 tuổi, là con trai của một quan chức địa phương. Ra tay nghĩa hiệp giúp người tình, Thái đã thuê nhóm đàn em với “giá” 150 triệu đồng để bắt anh N. về giao nộp cho Chinh “xử lý”. Chinh đã đưa ảnh anh N. cho nhóm “đâm thuê chém mướn” nhận diện, rồi đưa cả lọ thủy tinh đựng chất độc xyanua, đôi găng tay cao su và tiền mặt để “giải quyết” con mồi.
Bị cáo khóc xin lãnh án tử hình
Ngày 22/8/2010, anh N. từ Hà Nội lên Thái Nguyên để họp gia đình phân chia tài sản thừa kế. Hôm đó, anh N. đã nhận ra mình cư xử không phải với mẹ kế nên xin lỗi Chinh và đồng ý phân chia tài sản của người cha thành 4 phần, ba anh em anh N. mỗi người một phần, phần còn lại cho em gái (con của Chinh).
Theo Chinh khai, khi thấy sự việc được anh N. giải quyết có tình có lý như thế, Chinh đã gọi điện báo cho nhóm sát thủ được thuê dừng ngay kế hoạch giết người lại. Nhưng vì điện thoại không liên lạc được nên Chinh đành “bó tay” phó mặc.
Sáng 24/8, nhóm được thuê đã bám theo anh N., ép nạn nhân lên ô tô, ép uống thuốc độc cho tử vong rồi vứt xác nạn nhân xuống vệ đường tại dốc Dây Diều. Từ những dấu vết rất mong manh, mờ nhạt tại hiện trường, chỉ sau 22 ngày phá án, Cơ quan CSĐT công an TP. Hà Nội đã tóm gọn Chinh và đồng bọn.
Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội, bị cáo Nguyễn Thị Chinh tỏ ra vô cùng ân hận, thậm chí người đàn bà này xin được nhận án tử hình. Tuy nhiên, thời điểm gây án Chinh đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; bé trai này được sinh trong thời kỳ hôn nhân của Chinh và ông Nh nên vẫn khai sinh là con trai của hai người. Nhờ vậy, với vai trò kẻ chủ mưu gây ra vụ giết người có tổ chức nên Chinh chỉ bị tuyên án tù chung thân.
Là luật sư bảo vệ nữ thân chủ bất hạnh, tôi cảm thấy vô cùng tiếc, xót xa cho bị cáo. Tôi cho rằng, nguyên nhân vì bị cáo bột phát hành xử dã man không phải vì động cơ tranh chấp tài sản mà là do quá uất ức.
Một người đàn bà “đã từ hai mảnh tay không/ kể chi mẹ ghẻ, con chung, chồng người” nay bị con chồng ngược đãi, buộc phải bẽ bàng ra khỏi nhà chồng tay trắng nên Chinh mới không kiềm chế được cơn tức giận và lòng thù hận. Để rồi, tất cả ân nghĩa cũ vỡ tan tành, Chinh phải cả đời ôm nỗi ân hận trong tù, để lại con thơ nheo nhóc.
Phía nạn nhân N. mất đi cũng để lại cho người vợ mới ly hôn hai đứa con thơ… Giá như những người lớn biết kìm chế lòng tham, biết suy xét kỹ để kịp dừng lại trước những việc làm sai trái thì có thể đã tránh được thảm kịch…
Theo Dantri
Mẹ ghẻ, con chồng: Tình yêu thương kỳ lạ
Chị chưa bao giờ trở thành một người mẹ thực sự. Nhưng bản năng người mẹ đã thôi thúc chị yêu thương và che chở cho những đứa con không phải máu mủ của mình. Vì muốn che chở cho những đứa con ấy, chị đã vô tình phạm phải tội giết người.
LTS: Cả đời chị chưa từng có cơ hội được mang nặng đẻ đau và trải qua cảm giác hạnh phúc đến tột cùng khi đón chào đứa con của mình ra đời. Chị chưa bao giờ trở thành một người mẹ thực sự. Nhưng bản năng người mẹ trong chị thì vẫn luôn tồn tại. Bản năng đó đã thôi thúc chị yêu thương và che chở cho những đứa con không phải máu mủ của mình, nhưng lại được chị yêu thương với tất cả tấm lòng. Vì muốn che chở cho những đứa con ấy, chị đã vô tình phạm phải tội giết người. Nhưng phạm nhân Đ.T.H (trại giam An Phước, Bình Dương) bảo, chị đã không hề ân hận khi được làm mẹ của những đứa con ấy - những người con đã mang lại cho chị sức sống, niềm tin và hi vọng trong những năm tháng lao tù.
Hạnh phúc nhỏ nhoi của người đàn bà không có may mắn làm mẹ
Tôi đã trải qua 2 cuộc hôn nhân. Và 2 cuộc hôn nhân của tôi đều kết thúc trong bất hạnh, trở thành những ám ánh không bao giờ có thể quên.
Tôi lấy chồng đầu tiên năm 20 tuổi. Nhưng 5 năm sau, cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi đã kết thúc trong bi kịch. 5 năm làm dâu ở nhà chồng, tôi đã bị cả gia đình chồng đối xử như một kẻ hầu người hạ chỉ bởi tôi không thể sinh cho chồng một đứa con. Tất cả những cố gắng của tôi, sự đoan trang, đức hạnh và cần mẫn, chịu đựng của tôi cũng không giúp tôi cứu vãn được cuộc hôn nhân đó. 25 tuổi, tôi bị đuổi ra khỏi nhà chồng, chỉ với một chiếc túi xách đựng vài bộ quần áo. 25 tuổi - tôi trở thành một người phụ nữ hoàn toàn trắng tay: đã qua 1 đời chồng, không con cái, không tiền bạc, không tương lai.
Ngày tôi xách túi quần áo trở về nhà mẹ đẻ, mẹ cứ ôm lấy tôi mà khóc vì xót thương cho đứa con gái của mình đã gặp bất hạnh khi còn quá trẻ. Khi ấy bà đã nói: "Mẹ cả đời ăn ở lương thiện, hiền lành, không làm điều gì xấu với ai, mà sao con gái mẹ lại ra nông nỗi này".
Sau nỗi đau với cuộc hôn nhân đầu tiên, vì thương mẹ, tôi tự nhủ mình không được gục ngã. Tôi đứng dậy sau nỗi buồn, chấp nhận cuộc sống không chồng, không con, chấp nhận cái số phận thiếu may mắn của một người phụ nữ không bao giờ có cơ hội thực hiện thiên chức làm mẹ. Có những lúc tôi đã nghĩ mình sẽ an phận với cuộc sống đó cho đến cuối đời. Nhưng rồi tôi vẫn lấy chồng lần thứ 2, qua mai mối, với một người đàn ông đã góa vợ và có 2 đứa con, 1 trai, 1 gái. Tôi đã không định chấp nhận cuộc hôn nhân này. Vì cuộc hôn nhân đầu tiên với tôi đã là quá đủ.
Nhưng khi ấy, đêm nào mẹ tôi cũng khóc suốt đêm. Tôi biết mẹ lo lắng cho tôi và muốn tôi có một tấm chồng cho bằng chị bằng em. Vì thương bà, tôi đã đồng ý gặp mặt người đàn ông đó. Cuộc hôn nhân thứ hai của tôi diễn ra chóng vánh ngay sau đó 1 tháng. Tôi lấy một người đàn ông mình không hề yêu thương và cũng hoàn toàn không có sự đồng cảm trong tâm hồn. Nhưng tôi vẫn thấy mình được an ủi, vì dù sao trong cuộc hôn nhân này, tôi cũng tìm được niềm vui mới, đó là làm mẹ của 2 đứa trẻ mồ côi mẹ trong sáng và đáng yêu như thiên thần.
Người ta vẫn nói: "Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng", nhưng có lẽ vì không có được may mắn làm mẹ, nên tôi đã yêu những đứa con của chồng mình như chính máu mủ của mình. Tôi chưa bao giờ được làm mẹ, chưa bao giờ thực sự trải qua tình yêu của một người mẹ dành cho những đứa con ruột của mình. Nhưng tôi thường xuyên quên điều đó khi ở bên cạnh 2 đứa con riêng của chồng mình. Gia đình làm nông nghiệp, không lấy gì làm khá giả, nhưng tôi thương các con, không bao giờ bắt các con làm lụng vất vả. Từ chuyện cơm nước đến chuyện giặt giũ quần áo, gánh vác gia đình, tôi đều đảm đương, không bắt con làm bất cứ việc gì. Tôi bảo với các cháu: "Mẹ chỉ cần các con học hành chăm chỉ, giỏi giang, thành người có ích. Các con thành công đến đâu thì cuộc đời mẹ thành công đến đó. Nếu các con không thành người, mẹ sẽ có tội với bố con, với mẹ đẻ của các con".
Dần dần, khoảng cách mẹ ghẻ - con chồng giữa 3 mẹ con tôi cứ nhòa dần. Tôi nhớ những buổi chiều, khi tôi âu yếm chải tóc và múc từng gáo nước gội đầu cho đứa con gái nhỏ, hay những lúc tôi nhẹ nhàng, xuýt xoa chăm sóc vết thương cho đứa con trai lớn hiếu động, nghịch ngợm, thỉnh thoảng lại bị xây xát, lòng tôi dấy lên một cảm xúc lạ kỳ, như thể chúng là máu mủ của tôi. Nhưng đứa con của chồng tôi có lẽ cũng cảm nhận được tình yêu tôi dành cho chúng, nên chúng cũng dành cho tôi tình yêu như tình yêu của một đứa con dành cho mẹ ruột của mình. Những người hàng xóm xung quanh nhà tôi cũng đã quen với việc mẹ con tôi tíu tít đi chợ cùng nhau, vừa đi vừa trò chuyện "mẹ mẹ, con con" rôm rả cả góc đường. Đó là những ký ức đẹp đẽ và hạnh phúc nhất trong cuộc hôn nhân lần thứ hai của tôi, bên cạnh những góc tối mà tôi không bao giờ muốn nhớ tới.
Mẹ ghẻ - con chồng và tình yêu thương kỳ lạ trong bi kịch
Nếu tôi hạnh phúc vì có 2 đứa con ngoan hiền bao nhiêu, thì lại đau khổ về người chồng thứ hai bấy nhiêu. Chưa bao giờ tôi hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng. Ngay cả khi đã bước qua tuổi 40, chồng tôi vẫn đòi hỏi chuyện vợ chồng đều đặn mỗi ngày. Đêm nào cũng như đêm nào, tôi đều phải thực hiện nghĩa vụ của một người vợ, ngay cả mỗi khi đến kì kinh nguyệt. Nếu với nhiều người phụ nữ, sự gần gũi vợ chồng đó sẽ là hạnh phúc thăng hoa, thì với tôi, nó dần dần trở thành cơn ác mộng. Dần dần, tôi đã mắc phải căn bệnh lãnh cảm, không còn khả năng để phục vụ chồng. Khi ấy, tôi đã nghĩ mình đã được giải thoát khỏi mọi sự bất hạnh. Nhưng tội không biết rằng, kết thúc của một nỗi bất hạnh này đôi khi lại là khởi đầu của một sự bất hạnh khác.
Là mẹ, tôi biết con mình đã gặp chuyện gì không hay (ảnh minh họa)
Không còn được đáp ứng nhu cầu đàn ông, chồng tôi ngày càng trở nên cộc cằn, thô lỗ và thường xuyên bê tha rượu chè. Mỗi lần say rượu về, tôi và cô con gái yếu ớt luôn trở thành nơi để chồng tôi trút giận. Tôi chịu đựng tất cả những sự tàn tệ đó, vì nghĩ đến 2 đứa con dù không phải do tôi sinh ra nhưng đã cho tôi cảm giác được làm mẹ thực sự. Tôi muốn che chở cho chúng, bảo vệ cho chúng và nhìn thấy chúng trưởng thành. Đó sẽ là một cái kết đẹp cho cuộc đời nhiều gian truân của tôi, là ý nghĩa duy nhất của cuộc đời tôi.
Tôi đã đi được một nửa chặng đường mơ ước của mình, khi đứa con trai đầu tiên của tôi đỗ đại học. Cảm giác nhìn đứa con mình nuôi nấng khôn lớn thành người, là điều kỳ diệu nhất mà tôi đã từng trải qua trong cuộc đời mình. Nhưng số phận không buông tha tôi. Năm con gái tôi học lớp 12 thì tai họa ập đến. Lúc đó, nó đã là một đứa con gái phổng phao, xinh đẹp. Nó học giỏi, thông minh, ngoan ngoãn, tôi lúc nào cũng tin con bé sẽ đỗ đại học. Nhưng những ngày ôn thi cuối cấp và đại học, tôi thấy nó bỗng thay đổi lạ lùng. Nó xanh xao, gầy gò, gương mặt thất thần và lúc nào cũng có vẻ sợ hãi. Nhiều đêm tôi nghe thấy tiếng nó khóc tấm tức. Là mẹ, tôi biết con mình đã gặp chuyện gì không hay. Tôi gặng hỏi mãi hết ngày này qua ngày khác, nó mới thú nhận nó bị chồng tôi - đồng thời cũng là bố đẻ của nó lạm dụng tình dục. Khi nghe con thú nhận điều đó, tôi thấy đất trời như sụp đổ. Trong sâu thẳm trái tim mình, tôi ghê tởm người đàn ông mình đã lấy làm chồng. Hổ dữ không ăn thịt con, vậy mà ông ta lại đang tâm làm hoen ố tâm hồn trong trắng của đứa con gái ruột của chính ông ta.
Nhưng tôi hận ông ta một thì xót con gái tôi mười. Không biết làm cách nào để giúp con, tôi chỉ biết động viên nó cố gắng học tập để sớm thoát khỏi sự rình rập của người cha thiếu đạo đức. Kể từ khi biết chuyện đó, đi đâu để con gái ở nhà một mình, tôi cũng thấp thỏm lo sợ. Tôi luôn cố gắng ở bên cạnh nó để bảo vệ nó hết mức có thể. Nhưng không ai nắm tay từ sáng đến tối. Tôi không thể bảo vệ con gái tôi thoát hoàn toàn khỏi những hành động đê tiện của cha nó. Một buổi chiều tôi đi làm đồng về sớm, tôi đã bất ngờ chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đó. Chồng tôi đang làm nhục đứa con gái ruột của ông ta, bất chấp con bé khóc lóc, van xin trong sợ hãi. Lúc đó tôi đau đớn với tất cả sự đau đớn của một người mẹ chứng kiến con mình bị người ta cưỡng bức. Bản năng của tôi nói với tôi rằng tôi phải bảo vệ con tôi bằng mọi giá. Chỉ suy nghĩ như thế, tôi đã lao vào phía chồng tôi, dùng cái cuốc mình vừa đi làm đồng về để kết thúc cuộc đời ông ấy. Chồng tôi đã không bao giờ còn có thể hành hạ, giày vò con gái tôi được nữa. Nhưng cũng từ giây phút đó, tôi trở thành một kẻ giết người - một người đàn bà mang tội giết chồng.
Ngày tôi ra tòa, con gái tôi vừa đứng lên làm chứng trước tòa, vừa kể lại câu chuyện trong nước mắt. Lúc đó, nó đã nói: "Mẹ không sinh ra con nhưng với con, mẹ mãi mãi là người mẹ hiền nhân từ nhất". Tôi cứ khóc mãi vì hạnh phúc, hạnh phúc vì tôi biết mình được yêu thương.
Tất cả những người trong phiên tòa đều dành cho tôi sự cảm thông, thương xót. Ngay cả HĐXX, dù nghiêm khắc trong việc kết tội tôi, vẫn thấu hiểu và thông cảm với bi kịch của tôi. Nhờ những tình tiết giảm nhẹ vì gây án trong tình trạng kích động và nhờ đơn xin giảm nhẹ hình phạt của 2 đứa con của chồng, tôi chỉ bị kết án 8 năm tù giam.
Con trai tôi đã đi làm, còn con gái tôi đang học đại học. Đứa con gái bất hạnh của tôi cũng đã vượt qua những ám ảnh quá khứ để tìm kiếm hạnh phúc của mình. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng 2 đứa con của tôi vẫn luôn yêu thương, đùm bọc, che chở cho nhau. Cứ 1 - 2 tháng 1 lần, các con tôi lại vào trại giam thăm mẹ. 3 mẹ con tôi vẫn tíu tít mỗi khi gặp gỡ, vẫn yêu thương, vẫn dành cho nhau những tình cảm thật khó lý giải. Tôi nhận ra rằng, chẳng có ranh giới nào giữa mẹ ghẻ - con chồng, chẳng có ranh giới nào cho tình yêu thương, nếu ta thực sự mở lòng ra với mọi người.
Theo 24h
Ôtô vượt đèn đỏ tông thẳng vào xe cảnh sát Bị yêu cầu dừng xe kiểm tra, Nam nhấn ga bỏ chạy, tông thẳng vào xe đặc chủng của cảnh sát. Nam còn cố thủ trong xe hơn một giờ khiến cảnh sát phải cạy cửa, kiểm tra nồng độ cồn. Ngày 13/11, Công an TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết, đã tạm giữ Trần Văn Kỳ Nam (44 tuổi, ở TP...