Luật sư của tử tù Hồ Duy Hải: Xin Chủ tịch nước thu hồi quyết định bác đơn ân xá
Luật sư (LS) Trần Văn Tạo – nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, người tham gia tư vấn pháp lý cho gia đình bị án Hồ Duy Hải (Long An) vừa có thư gửi Chủ tịch nước kiến nghị những vấn đề xung quanh vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự
Trong đơn kiến nghị, LS Tạo đánh giá: “Tôi viết đơn kiến nghị này sau khi nghe Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cũng như lãnh đạo khác của tòa án giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 10.4.2015) rằng bản án tử hình của Hồ Duy Hải phải được thi hành sau khi được xem xét lại. Chánh án Trương Hòa Bình nói, theo quy định của pháp luật bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật, không có kháng nghị của TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao. Hơn nữa, Chủ tịch nước cũng đã bác đơn xin ân xá thì phải thi hành án”.
LS Trần Văn Tạo. Ảnh: N.L
“Dựa vào phát biểu này có thể hiểu, bản án tử hình của Hồ Duy Hải hoàn toàn không còn điều kiện để xem xét lại. Điều này không đúng với quy định pháp luật hình sự vì bản án được xác lập theo một trình tự vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật tố tụng, những vi phạm này ảnh hưởng trực tiếp đến việc buộc tội” – LS Tạo bày tỏ.
LS Tạo đã chỉ ra những sai sót của vụ án: Tại biên bản khám nghiệm hiện trường có ghi và mô tả rõ đặc điểm của các đồ vật như tấm thớt, cái ghế có dính màu… có liên quan trực tiếp đến vụ án nhưng cơ quan điều tra đã không thu giữ ngay tại thời điểm khám nghiệm. Như vậy là đã bỏ qua các chứng cứ trực tiếp có thể xác định tội phạm, làm ảnh hưởng lớn đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, vi phạm khoản 3 Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Mặc dù cơ quan điều tra đã không thu giữ các đồ vật tại hiện trường như ghế, thớt nhưng cơ quan điều tra vẫn dùng hai đồ vật kể trên coi như hung khí để thực hiện hành vi phạm tội của Hải bằng cách thu giữ một cái ghế khác tại Bưu điện Cầu voi (2 tháng sau khi khám nghiệm hiện trường), không liên quan gì đến vụ án. Tấm thớt cũng là một tấm thớt khác không giống tấm thớt đã được mô tả trong biên bản khám nghiệm hiện trường. Về dấu vân tay, cơ quan điều tra đã kết luận khác hoàn toàn với kết luận của cơ quan giám định (không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải).
Còn máu thì cơ quan điều tra đã để quá lâu nên bị phân hủy không giám định được là máu của người nào. Việc thu thập và xác định các đồ vật là chứng cứ của vụ án đã vi phạm nghiêm trọng Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự bởi mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án.
Không áp dụng đúng luật sao chứng minh được án?
Video đang HOT
Ngoài việc đưa ra những lập luận, phân tích trên, LS Tạo cũng kiến nghị Chủ tịch nước thu hồi lại quyết định bác đơn xin ân xá của tử tù Hồ Duy Hải để Tòa án và Viện Kiểm sát xem xét lại vụ án khách quan thận trọng hơn.
Phóng viên NTNN đặt câu hỏi: Nếu như vụ án Hồ Duy Hải có sai sót trong việc thu thập chứng cứ, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án?
LS Tạo khẳng định: Tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải là sai nghiêm trọng nên không thể nói cơ quan tố tụng đã chứng minh đúng bản chất vụ án được. Vấn đề luật hình thức (Bộ luật Tố tụng hình sự) và luật nội dung (Bộ luật Hình sự) có liên quan chặt chẽ với nhau. “Luật hình thức mà không được tôn trọng, không được thực hiện nghiêm túc thì làm sao đảm bảo được tính khách quan của nội dung vụ án” – LS Tạo nhấn mạnh.
Một chi tiết đáng chú ý trong vụ án này là Hồ Duy Hải từng có lời khai nhận tội, tuy nhiên LS Tạo phân tích:”Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy lời khai của Hồ Duy Hải đầy mâu thuẫn, mâu thuẫn từ chỗ gây án, thời gian, có lúc lại kêu oan. Với lời khai mâu thuẫn như vậy làm sao dùng làm chứng cứ buộc tội được, mặc dù Hồ Duy Hải từng có lời khai nhận tội” – LS Tạo nói.
Trước đó, vào cuối năm 2014, LS Tạo cũng có đơn gửi Chủ tịch nước xin hoãn thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải để xem xét lại vụ án. Bản án của Hồ Duy Hải dự kiến được thi hành vào ngày 5.12.2014, nhưng đã được tạm hoãn để các cơ quan chức năng xem xét lại.
Theo cáo trạng, 19 giờ ngày 13.1.2008, Hồ Duy Hải đi môtô đến Bưu điện Cầu Voi để nói chuyện với chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (nhân viên bưu điện). Đến 20 giờ 30 Hải đưa tiền cho chị Nguyễn Thị Thu Vân (nhân viên bưu điện) đi mua trái cây. Sau khi Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với chị Hồng nhưng không được nên bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt và đầu chị Hồng. Chưa dừng lại, Hải lấy dao cắt cổ chị Hồng. Tiếp đó, Hải thấy chị Vân đi mua trái cây về liền dùng ghế inox đánh vào đầu làm chị Vân ngã xuống nền gạch. Chưa yên tâm, Hải kéo chị Vân đặt cạnh chị Hồng rồi lấy dao cắt cổ chị. Cuối cùng Hải mở tủ lấy 1.400.000 đồng cùng sim card, điện thoại rồi và nữ trang hai bị hại, về nhà ngủ.
Cả hai bản án sơ thẩm (TAND tỉnh Long An) và phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đều tuyên án tử hình với Hồ Duy Hải về hai tội giết người và cướp tài sản.
Theo Ngọc Lương (Danviet.vn)
Hé lộ nguyên nhân hàng loạt vụ án oan gây chấn động
Đối với một số vụ án từ năm 2011 - 2014, việc thu thập dấu vết, tài liệu chứng cứ và việc lập hồ sơ vụ án hình sự còn nhiều thiếu sót, vi phạm dẫn đến tình trạng xảy ra án oan.
Đó là nhận định được Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp, Phó trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Văn Hiện nêu ra trong ngày 10/4, khi trình bày báo cáo Kết quả giám sát về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật" trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Văn Hiện cho biết, những loại án thường dẫn đến oan chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không bắt quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, phần lớn các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội, kể cả những nơi mặc dù có lượng án rất lớn. Tuy nhiên, có một số địa phương tuy số lượng án không nhiều nhưng lại để xảy ra một số vụ làm oan nghiêm trọng như Sóc Trăng, Bình Phước, Bình Thuận, Bắc Giang.
"Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây được phát hiện, đều đã được khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên cũng có trường hợp bị oan chưa được xử lý kịp thời" - ông Hiện trình bày.
Theo báo cáo của Đoàn Giám sát, một trong những nguyên nhân chính được cho là dẫn đến một số vụ án oan chấn động dư luận là do thiếu sót, vi phạm trong thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án.
Trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, viêc khám nghiệm hiện trường và thu thập chứng cứ đã có sai sót
Cụ thể như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị kết án oan về tội giết người, cướp tài sản là do quá trình khám nghiệm hiện trường có thu giữ dấu chân nhưng không tiến hành giám định dấu vết chân này để truy nguyên cá biệt, xác định chính xác người có mặt tại hiện trường (sau này giám định lại thì không phải là dấu chân của ông Chấn mà đó chính là dấu chân của hung thủ Lý Nguyễn Chung), bỏ qua chứng cứ ngoại phạm khác rất quan trọng là tại thời điểm xảy ra vụ án có 02 nhân chứng xác nhận ông Chấn còn bấm giùm điện thoại cho người khác gọi. Sau 10 năm, đến nay ông Chấn mới được minh oan.
Vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội "Giết người" và "Tội cướp tài sản". Quá trình điều tra không có nhân chứng, không thu thập được dấu vết, vật chứng. Nén được xác định dùng dây thừng siết cổ bà Bông nhưng sợi dây mà CQĐT thu giữ được lại là sợi dây khác.
Hai dấu vết chân có kích thước khác nhau thu được tại hiện trường, giám định không trùng với kích thước dấu chân của Nén. Các lời khai của Huỳnh Văn Nén mâu thuẫn lúc nhận tội, lúc không nhận tội trong khi Nén khai bị mớm cung, nhục hình ngay từ khi bị bắt; phạm nhân Nguyễn Phúc Thành có đơn tố giác người khác phạm tội còn Nén bị oan từ năm 2000 nhưng không được xem xét, giải quyết. Vụ án này, năm 2014 đã phải giám đốc thẩm, hủy án để điều tra lại từ đầu.
Vụ Lê Bá Mai (Bình Phước) bị kết án về tội "Hiếp dâm trẻ em" và "Giết người", sai sót trong quá trình khám nghiệm hiện trường đã không tổ chức nhận dạng nạn nhân để xác định người bị giết có phải là cháu Út hay không; thu giữ đồ vật, tài sản không có lệnh của người có thẩm quyền, việc ghi biên bản mô tả đồ vật, tài sản thu giữ thiếu chính xác, dùng từ ngữ thể hiện tùy tiện làm cho cùng một vật chứng lại có cách hiểu khác nhau.
Điều tra viên ký vào biên bản lấy lời khai của nhiều cán bộ. Việc ghi lời khai nhân chứng có những chi tiết quan trọng lại không đúng với lời khai. Vụ án này không oan, nhưng do quá trình điều tra ban đầu có sai sót, vi phạm này dẫn đến vụ án phải xét xử đi, xét xử lại đến 7 lần, gần 10 năm mới kết thúc, gây dư luận xã hội không tốt.
Quá trình khám nghiệm hiện trường vụ án Hồ Duy Hải được cho là cũng có thiếu sót
Vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án về tội "Giết người" và "Cướp tài sản". Quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân vụ như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra đó là hung khí vụ án thì đã bị thất lạc không tìm lại được.
Việc lấy chiếc ghế khác để làm "vật chứng" thay cho chiếc ghế phản ánh trong Biên bản khám nghiệm hiện trường là ấu trĩ không đáng có dẫn đến hoài nghi về tính khách quan của kết quả điều tra. Không xác định thời gian chết của hai nạn nhân, kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án còn đơn giản thiếu chặt chẽ.
Có nhân chứng nhìn thấy một thanh niên ngồi trong phòng nạn nhân Hồng có đặc điểm (mặt tròn, da sáng, tóc cắt ngắn) tương đồng với đặc điểm của Hồ Duy Hải nhưng không được tổ chức nhận dạng. Đây là những thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng mà gia đình Hải và luật sư dựa vào đó để kêu oan cho Hải.
Vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về tội "Giết người" và tội "Cướp tài sản" đang có nhiều đơn kêu oan. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cho thấy Chưởng bị kết tội cùng các đồng phạm Trung và Hoàng về hai tội giết người và cướp tài sản là đúng, đủ căn cứ, không oan. Tuy nhiên vai trò của Chưởng như thế nào trong tội giết người như Chưởng có bàn bạc và có hành vi giết bị hại hay không chưa rõ. Đây là căn cứ rất quan trọng cần được làm rõ để quyết định hình phạt tương xứng với tính chất hành vi, vai trò của Chưởng trong tội giết người.
Vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội "Hiếp dâm trẻ em" và "Giết người", ngoài lời khai nhận của bị can, quá trình điều tra như khám nghiệm hiện trường không thu thập được dấu vết, chứng cứ khác về hành vi hiếp dâm, giết người; chưa làm rõ thời gian chết và việc sử dụng thời gian của bị can, chứng cứ trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn... năm 2014, TANDTC giám đốc thẩm, hủy án để điều tra, xét xử lại.
Theo Bao Giao thông
Hoa hậu bị bắt khẩn cấp vì nghi lừa đảo 16 tỷ đồng Ngày 19/3, công an TP.HCM (PC45) cho biết đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với hoa hậu T.H.P.N (28 tuổi) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tin tức trên báo Pháp luật TP HCM cho biết, ngày 19/3, cơ quan cảnh sát điều tra công an Tp HCM (PC45) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp...