Luật sư của Trump từng đề nghị người ngồi cạnh tháo khẩu trang
Luật sư Giuliani đề nghị nhân chứng về gian lận bầu cử ngồi cạnh ông tháo khẩu trang hôm 2/12, bốn ngày trước khi ông được xác nhận nhiễm nCoV.
Trước khi được thông báo nhiễm nCoV và phải nhập viện hôm 6/12, Rudy Giuliani, luật sư dẫn dắt nỗ lực pháp lý về các cáo buộc gian lận bầu cử của chiến dịch Trump, thường hiếm khi đeo khẩu trang.
Luật sư 76 tuổi hôm 1/12 đã dành ba tiếng ở Lansing, Michigan, để đưa ra những cáo buộc về gian lận bầu cử và một lần nữa không đưa ra được bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Giuliani đã đề nghị Jessy Jacob, một nhân chứng khi ấy ngồi ngay cạnh ông, “tháo khẩu trang để mọi người nghe rõ hơn”.
“Tôi không muốn bạn làm điều này nếu bạn cảm thấy không thoải mái, nhưng bạn có thể tháo khẩu trang ra để chúng tôi nghe thấy bạn nói rõ ràng hơn không?”, Giuliani hỏi Jacob, người đang làm việc tại văn phòng thư ký thành phố Detroit và là nhân chứng đầu tiên được ông mời.
Trước đề nghị của Giuliani, Jacob có vẻ ngập ngừng không muốn tháo khẩu trang và quay ra hỏi hội đồng: “Mọi người nghe thấy tôi nói chứ?”. Khi nhiều người nói họ vẫn nghe được, Jacob tiếp tục đeo khẩu trang, trong khi Giuliani nhún vai và nói: “Được thôi”.
Luật sư Rudy Giuliani đề nghị nhân chứng ngồi cạnh tháo khẩu trang hôm 2/12. Video: Twitter/ Eric Feigl-Ding.
Một nguồn thạo tin hôm 6/12 cho hay luật sư Giuliani đã được đưa tới Trung tâm Y tế Đại học Georgetown ở Washington sau khi có chẩn đoán dương tính với nCoV.
Ở tuổi ngoài 70, cựu thị trưởng New York được coi là thuộc nhóm có nguy cơ cao. Con trai ông, Andrew, cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV hồi cuối tháng 11.
Thông tin Giuliani nhiễm virus cũng được đưa ra một ngày sau khi Trump tổ chức cuộc mít tinh quy mô lớn với rất nhiều người tham dự không đeo khẩu trang ở Georgia.
Tổng thống Mỹ hồi tháng 10 đã nhiễm nCoV và phải nhập viện điều trị, trong khi Nhà Trắng cũng từng là cụm dịch khi hàng chục trợ lý, nhân viên chiến dịch và các quan chức chính quyền Trump được xác nhận dương tính với virus. Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 15 triệu ca nhiễm và gần 289.000 ca tử vong do nCoV.
Mỹ lỡ thời cơ vàng chống Covid-19 vì kỳ thị khẩu trang
Mike DeWine, thống đốc Ohio, được ca ngợi vì nhanh chóng đóng cửa bang ngăn Covid-19, nhưng lại hứng chỉ trích vì yêu cầu người dân đeo khẩu trang.
DeWine hồi tháng 3 là một trong những lãnh đạo cấp bang đầu tiên ở Mỹ đưa ra phản ứng quyết liệt với Covid-19: ra lệnh đóng cửa toàn bộ bang Ohio để ngăn đại dịch. Một tháng sau, Thống đốc Ohio đưa ra một đề xuất được đánh giá khiêm nhường hơn: nếu doanh nghiệp muốn mở cửa, khách hàng và nhân viên phải đeo khẩu trang.
Đề xuất của ông lập tức vấp phản ứng gay gắt, từ chỉ trích trên mạng xã hội, đến các cuộc gọi liên tiếp từ người dân, thậm chí là những lời đe dọa.
Ngày hôm sau, Thống đốc DeWine phải rút lại đề xuất. "Yêu cầu mọi người đeo khẩu trang là điều xúc phạm tới một số người dân Ohio. Tôi nhận ra điều này", ông buồn rầu nói.
Ba tháng trôi qua kể từ thời điểm đó và Mỹ đã ghi nhận thêm hàng chục nghìn ca nhiễm mới và hàng nghìn ca tử vong vì Covid-19. Thống đốc DeWine muốn thử đề xuất biện pháp này một lần nữa.
Khẩu trang là cách đơn giản nhất và là một trong những vũ khí hiệu quả nhất để chống nCoV. Tuy nhiên, ngay từ đầu, người Mỹ đã không hưởng ứng việc đeo khẩu trang.
Hướng dẫn sai lầm từ giới chức y tế, văn hóa kỳ thị khẩu trang và chia rẽ chính trị sâu sắc là các yếu tố gây ra tình trạng này. Ngoài ra, việc Tổng thống Donald Trump trước đây không ủng hộ đeo khẩu trang cũng khiến nhiều người Mỹ xem thường biện pháp đơn giản này.
Kết quả là Mỹ đã bỏ phí một trong những cơ hội tốt nhất để chống lại Covid-19.
"Một số quốc gia đã thực hiện đeo khẩu trang ngay khi dịch xảy ra và tỷ lệ tử vong của họ rất thấp", Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở San Francisco, cho hay.
Gandhi nhận định trong tất cả sai lầm của Mỹ về cách phản ứng với Covid-19, việc chần chừ sử dụng khẩu trang rộng rãi có thể là sai lầm lớn nhất.
Một người đàn ông đeo khẩu trang vào cổ tay khi đi bộ ở thủ đô Washington tuần trước. Ảnh: Washington Post.
Mỹ đang thay đổi quan điểm về khẩu trang trong tháng này, khi phần lớn các bang và các chuỗi bán lẻ lớn nhất đất nước đồng loạt yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc. Nhưng thay đổi này được đánh giá là quá chậm trễ, khi các nhà khoa học từ lâu đã chỉ ra hiệu quả của khẩu trang, thậm chí trước khi có hướng dẫn từ giới chức y tế.
Hồi tháng 2, khi nCoV âm thầm lây lan trong các cộng đồng, cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đều không khuyến nghị người khỏe mạnh đeo khẩu trang. Họ kêu gọi dành khẩu trang cho nhân viên y tế tuyến đầu, giữa lúc nguồn cung vật tư y tế thiếu hụt. Thông điệp này cũng được các quan chức hàng đầu của chính quyền Trump nhắc lại sau đó.
Giám đốc CDC Robert Redfield hồi tháng hai từng được hỏi liệu người khỏe mạnh có nên đeo khẩu trang và câu trả lời của ông trước quốc hội là "không".
Tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, từng nói rằng "không có lý do gì" để bất kỳ ai ở Mỹ phải đeo khẩu trang. Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams trong một bài đăng Twitter hôm 29/2 cũng cảnh báo mọi người "dừng mua khẩu trang".
Giới chức y tế Mỹ đưa ra khuyến nghị này dựa trên suy nghĩ sai lầm rằng hầu hết các ca lây nhiễm đều bắt nguồn từ người có triệu chứng bệnh rõ ràng. Họ cho rằng chỉ cần cách ly người bị sốt, ho và có một số triệu chứng khác, số ca nhiễm sẽ được kiểm soát.
Nhưng không lâu sau đó, các đội truy vết Covid-19 của CDC bắt đầu phát hiện bằng chứng về "mầm bệnh thầm lặng". Theo một báo cáo hồi cuối tháng 3, một cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Seattle phát hiện 13 trường hợp nhiễm không triệu chứng trong số 23 người dương tính với nCoV.
Nhiều chuyên gia ủng hộ không đeo khẩu trang tranh luận rằng họ không tin việc che mặt có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể. Họ lo lắng rằng khẩu trang có thể khiến mọi người ít tuân thủ cách biệt cộng đồng.
Nhưng một số người khác, bao gồm cả George Gao, tổng giám đốc CDC Trung Quốc, cảnh báo Mỹ đang phạm phải "sai lầm lớn" khi không quy định đeo khẩu trang bắt buộc.
Zeynep Tufekci, giáo sư về khoa học thông tin tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, đã xem xét các bằng chứng về Covid-19 và biết rằng rửa tay, cách ly người nhiễm là không đủ để ngăn Covid-19. Nếu mọi người có thể lây virus trước khi họ xuất hiện triệu chứng, "nó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác", Tufekci từng cảnh báo.
Jeremy Howard, một chuyên gia về trí thông minh nhân tạo tại Đại học San Francisco, có chung quan điểm về vai trò của khẩu trang dù không có chuyên môn về y tế cộng đồng.
"Cá nhân tôi chưa từng đeo khẩu trang. Tôi từng nghĩ nó thật kỳ quái. Nhưng tôi nghe thấy rằng nó có thể giúp ích một chút", ông nói.
Các dữ liệu, đặc biệt là ở châu Á, nơi khẩu trang đã trở nên thông dụng trong đợt dịch SARS bùng phát và sau đó là Covid-19, đều cho thấy tác dụng của khẩu trang. Tại châu Âu, bằng chứng cũng rất thuyết phục: khẩu trang đã được sử dụng rộng rãi ở Cộng hòa Czech, nhờ chiến dịch của những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Tỷ lệ lây nhiễm đã nhanh chóng giảm xuống.
"Tôi thật sự bất ngờ. Dường như đây là một biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả nhất mà chúng ta có", Howard nói.
Tuy nhiên, trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, cuộc tranh luận về khẩu trang đã kéo dài nhiều tuần mà chưa thể tìm thấy tiếng nói chung về khuyến nghị cho công chúng.
Trong tuần cuối cùng của tháng 3, khi số ca nhiễm ở Mỹ đã xấp xỉ 100.000, CDC thay đổi quan điểm và đề xuất với Nhà Trắng đưa ra khuyến nghị công chúng đeo khẩu trang thường xuyên. Quan chức cấp cao, đặc viện là thành viên của đội phản ứng Covid-19 do Phó tổng thống Mike Pence dẫn đầu, phản đối vì cho rằng nó không cần thiết.
Trong hướng dẫn mới được đưa ra đầu tháng 4, Nhà Trắng chỉ khuyến khích, chứ không bắt buộc, người dân che mặt khi "ở nơi công cộng mà các biện pháp cách biệt cộng đồng khác khó được duy trì, như cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, đặc biệt là các khu vực có lây nhiễm cộng đồng".
Tổng thống Trump sau đó cho rằng "nó có thể là lời khuyên tốt", nhưng tuyên bố ông sẽ không đeo khẩu trang.
Ban đầu, một số trợ lý của Trump nói rằng họ không thích ý tưởng Tổng thống đeo khẩu trang ở nơi công cộng, bởi nó khiến ông trở nên yếu ớt và thể hiện hình ảnh không tốt về mặt chính trị. Họ nghĩ rằng nó sẽ khiến những người khác hoảng loạn hoặc nghĩ rằng dịch bệnh tồi tệ hơn báo cáo. Họ cũng sợ những người ủng hộ Trump sẽ phản đối bất kỳ chỉ thị nào từ chính phủ.
Nhiều cố vấn của Trump, trong đó có cả Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, cũng hoài nghi về việc khẩu trang liệu có thể tạo nên sự khác biệt.
Khi không tìm thấy tiến triển nào ở Nhà Trắng về khuyến nghị dùng khẩu trang, Howard khi đó chuyển mục tiêu sang đặt hy vọng vào các thống đốc, đặc biệt là những người thuộc đảng Cộng hòa sẵn sàng áp dụng cách tiếp cận khoa học để chống Covid-19. DeWine, thống đốc Ohio, đứng đầu danh sách này.
Thống đốc 73 tuổi từng được giới chuyên gia y tế ca ngợi vì quyết định cấm tụ tập, đóng cửa trường học và cơ sở kinh doanh hồi tháng 3 khi nCoV bắt đầu xuất hiện ở Ohio. DeWine cũng từng tới châu Á trước đại dịch và thấy khẩu trang được sử dụng phổ biến.
Tuy nhiên, việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang không dễ dàng, bởi nó liên quan tới việc "hàng triệu người Ohio phải đưa ra các quyết định cá nhân hàng chục lần mỗi ngày". Người Mỹ cũng không có văn hóa đeo khẩu trang vì lợi ích của sức khỏe cộng đồng.
Việc Trump kiên quyết không đeo khẩu trang càng khiến nỗ lực Thống đốc Ohio trở nên khó khăn gấp bội. "Tôi thực sự mong muốn thấy Tổng thống đeo khẩu trang", DeWine từng nói.
Ông cho rằng ngay cả khi các bằng chứng về tác dụng của khẩu trang ngày càng rõ ràng, hướng dẫn về về biện pháp này từ giới chức y tế cộng đồng vẫn rất mâu thuẫn. Ngay cả khi tiến sĩ Fauci cùng nhiều quan chức khác đã thừa nhận thay đổi quan điểm về khẩu trang và thống nhất đưa ra khuyến nghị mới, một số quan chức cấp cao khác của chính quyền, đặc biệt là Tổng thống Trump, vẫn "không chung thuyền".
"Đây chính là vấn đề", Fauci nói.
Người dân biểu tình phản đối lệnh cách ly ở nhà bên ngoài trụ sở bang Ohio, hôm 13/4. Ảnh: AP.
Khi Covid-19 một lần nữa bùng phát mạnh ở nhiều bang ở Mỹ tháng trước, cuộc tranh luận về khẩu trang và các biện pháp kiểm soát Covid-19 lại tiếp tục.
Thành phố Joplin hồi đầu tháng 6 không ghi nhận ca nhiễm nCoV. Nhưng vài tuần sau, thành phố 50.000 dân ở tây nam bang Missouri trở thành một trong những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất Mỹ.
Hội đồng thành phố hồi cuối tháng 6 đã có cuộc tranh luận 5 tiếng về việc có nên yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc, nhưng đề xuất bị bãi bỏ khi chỉ có một phiếu ủng hộ. Hai tuần sau, khi các bệnh viện đối mặt tình trạng quá tải, hội đồng thành phố một lần nữa thảo luận về đề xuất đeo khẩu trang. Lần này, nó được thông qua với 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy phần lớn người Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ việc đeo khẩu trang bắt buộc. Nhiều bang, trong đó có Ohio, cũng bắt đầu áp dụng quy định này vài tuần gần đây.
Thậm chí Trump cũng đã thay đổi quan điểm về khẩu trang. Trong cuộc họp báo về Covid-19 ngày 21/7, Trump cho biết ông đang dần quen với việc đeo khẩu trang và sẽ đeo vật dụng này tại nơi đông người hoặc khi đi thang máy. "Tôi sẽ vui lòng sử dụng nó. Bất cứ điều gì có khả năng giúp ích đều là thứ tốt", ông chủ Nhà Trắng nói.
Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi này là quá muộn và chậm chạp, khi số ca nhiễm nCoV tăng mạnh tại nhiều bang trên cả nước, nhưng "muộn còn hơn không". Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 4,4 triệu ca nhiễm và hơn 150.000 người chết vì Covid-19.
Những người Mỹ coi Covid-19 là 'trò bịp' Đối với Davey, cư dân thành phố Huntington Beach ở nam California, quy định đeo khẩu trang để kiềm chế nCoV không phải là điều người Mỹ cần tuân thủ. "Đó là một trò lừa bịp", người đàn ông 51 tuổi nói khi rời một cửa hàng, đề cập đến quy định bang California đã áp đặt là người dân phải che mặt...