Luật sư của Saddam Hussein định bào chữa cho Gaddafi
Roland Dumas, cựu Ngoại trưởng Pháp, đã có mặt tại Tripoli với tư cách luật sư để sẵn sàng đứng ra bào chữa cho Muammar Gaddafi nếu ông bị đưa ra xét xử. Dumas cũng từng biện hộ cho cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein trước đây.
Cựu Ngoại trưởng Pháp Roland Dumas sẵn sàng bào chữa cho Gaddafi.
Song kiếm hợp bích
Nếu phải ra đứng trước vành móng ngựa tại Tòa án quốc tế ở The Hague, Gaddafi sẽ cần tới luật sư bào chữa cho mình. Ngay từ bây giờ, có ít nhất 2 luật sư khét tiếng sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ này.
Cái tên đầu tiên đáng nhắc tới là Roland Dumas, cựu Ngoại trưởng Pháp, người mà sự nghiệp chính trị bị tan vỡ sau một bê bối tham nhũng. Luật sư từng bào chữa cho ông Saddam Hussein cho biết đã sẵn sàng đứng ra nhận cãi cho Tổng thống Libya Muammar Gaddafi.
Video đang HOT
Luật sư Jacques Verges, người chuyên nhận cãi cho các nhân vật khét tiếng.
Cái tên thứ hai là luật sư Jacques Verges, cũng là người Pháp. Jacques Verges, người có biệt danh “luật sư của ma quỷ”, được xem là người chuyên nhận các vụ án của những nhân vật khét tiếng với các tội danh như thảm sát hàng loạt, tội phạm chiến tranh.
Một trong những khách hàng của Verges là Klaus Barbie, tội phạm chiến tranh Đức quốc xã. Verges cũng từng đứng ra cãi cho Khieu Sampan, người đứng đầu Đoàn chủ tịch Dân chủ Campuchia, tại phiên tòa xét xử tội danh giết hại hai triệu người dân.
“Nếu ông ấy đề nghị, đương nhiên, tôi sẽ nhận lời. Tuy nhiên, tôi không nghĩ nó có thể xảy ra”, Dumas nói với hãng tin Reuters.
Nhận thù lao từ Gaddafi
Về phần mình, chính quyền Libya cho biết, cả Dumas và Verges đề nghị làm việc như “tình nguyện viên” để đại diện cho các nạn nhân trong những vụ ném bom của NATO trước luật pháp.
Gaddafi và các con trai đang đối mặt với tội danh thảm sát hàng loạt dân thường Libya.
Cả hai tới thủ đô Libya hôm qua 29.5 để chuẩn bị các thủ tục cho vụ kiện cáo NATO ném bom sát hại dân thường.
Mặc dù là một luật sư có thành tích “khét tiếng” nhưng chính Verges từng không cầm được nước mắt khi chứng kiến những người dân thường Libya bị thương trong bệnh viện chỉ vì “họ là người Libya”. Verges cho biết, mục tiêu của ông là “lật tẩy mặt nạ của những kẻ ám sát” đang đội lốt dưới các cuộc không kích của NATO.
Dumas cũng từ chối trả lời việc ông và Verges có định nhận tiền thù lao từ Gaddafi cho việc tham gia kiện cáo này hay không. Tuy nhiên, khi được hỏi đã nhận tiền của Gaddafi chưa, Dumas trả lời: “Không, không. Đến giờ phút này không có gì hết”.
Như vậy, 2 ngày sau khi Nga đứng ra tuyên bố Gaddafi phải từ chức, sự có mặt của Dumas và Verges ở Tripoli có thể được xem như một dấu hiệu cho thấy Đại tá Muammar Gaddafi đang càng ngày bị cộng đồng thế giới cô lập.
Theo Lao Động
Ai nhận 25 triệu USD tiền thưởng cho đầu Bin Laden?
Các quan chức chính phủ Mỹ tiết lộ, sẽ không có một cá nhân hay tổ chức nào nhận được món thưởng 25 triệu USD vốn treo trên cái đầu của trùm khủng bố Bin Laden.
Ba tuần sau khi thủ lĩnh mạng lưới Al Qaeda bị đội SEAL bắn chết tại nơi ẩn náu ở Abbottabad, Pakistan, giới chức Mỹ tuyên bố, cái chết của Bin Laden là kết quả của tình báo điện tử chứ không phải thông tin của bất kỳ người chỉ điểm nào.
Quyết định trên đã chấm dứt những lời đồn thổi rằng một tay trong trong nhóm khủng bố đã giúp CIA tìm tới nơi ở của Bin Laden tại Pakistan.
Thông tin trên cũng là tin xấu đối với Gary Faulkner, kẻ đơn thương độc mã tới Pakistan vào năm ngoái nhằm lùng tìm Bin Laden. Faulkner được tìm ra khi đang lang thang trong các khu rừng ở bắc Pakistan với một khẩu súng ngắn, ống nhòm nhìn vào ban đêm và một thanh gươm. Nhân vật này cho hay, đã giúp một tay buộc Bin Laden phải rời khu vực núi non, nơi tên này đang lẩn trốn.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Mỹ nắm được thông tin về cuộc truy lùng Bin Laden nói: "Chúng tôi cho rằng khoản thưởng sẽ không được trao cho ai".
Khoản thưởng 25 triệu USD cho cái đầu của Bin Laden bắt đầu được treo lên sau vụ Al Qaeda tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001 và khi tên này được FBI xếp vào vị trí thứ 1 trong danh sách tội phạm bị truy nã.
Trùm khủng bố đã bị tiêu diệt - Bin Laden bị truy nã không phải chỉ vì có liên quan tới vụ 11/9 mà còn dính tới vụ đánh bom các đại sứ quán Mỹ ở Dar es Salaam, Tanzania, và Nairobi, Kenya vào tháng 8/1998. Tiền thưởng cho cái đầu Bin Laden sẽ phải giải ngân theo chương trình Phần thưởng cho Công lý, vốn được đưa ra sau vụ 11/9.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ nói, họ không nhận được sự trợ giúp bên ngoài nào trong việc tìm ra Bin Laden. Bin Laden bị theo dấu tới Abbottabad sau khi CIA lần theo một kẻ đưa thư, chuyên phát tán thông điệp của trùm khủng bố. CIA cũng giám sát điện tử bằng vệ tinh để biết rằng một nhân vật quan trọng đang trốn trong một dinh thự.
Trong cuộc săn lùng trước đó, như vụ tóm Khalid Sheikh Mohammed hoặc Saddam Hussein, tình báo và đặc nhiệm Mỹ có được sự trợ giúp của một tay trong và các nguồn tin khác. Trong từng trường hợp, một số người đã nhận được hàng triệu USD cho nỗ lực của họ.
Theo VietNamNet