Luật sư cho rằng Trịnh Xuân Thanh có “chứng cứ ngoại phạm”
Theo trình bày của luật sư Nguyễn Quốc Hùng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có “chứng cứ ngoại phạm” vì bị cáo này phải lên đường ra sân bay trước khoảng thời gian mà lái xe của Lương Văn Hòa khai thực hiện việc chuyển tiền thông qua lái xe của bị cáo.
Sáng 12/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, tập trung quanh hành vi tham ô tài sản.
Theo cáo buộc, tháng 7/2011, Nguyễn Anh Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC, được phân công phụ trách Ban điều hành dự án (ĐHDA) Vũng Áng – Quảng Trạch. Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (Tổng Giám đốc PVC) giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa, Giám đốc Ban ĐHDA, chuyển tiền để Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh sử dụng.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 12/1.
Việc chuyển tiền được Lương Văn Hòa thực hiện thông qua đầu mối tiếp nhận là Bùi Mạnh Hiển – nguyên Chánh Văn phòng PVC – quản lý chi theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, hoặc đưa cho Nguyễn Anh Minh.
Có chứng cứ ngoại phạm?
Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh liên quan đến cáo buộc nhận 4 tỷ đồng, luật sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, thân chủ của ông có “chứng cứ ngoại phạm”. Ông Hùng trình bày, ngày xảy ra sự việc như cáo buộc, bị cáo Thanh bay đi TP.HCM lúc 16h nên phải lên đường ra sân bay trước đó ít nhất 2 tiếng rưỡi.
Tuy nhiên, trước đó, kết quả điều tra và lời khai tại phiên tòa của lái xe cho Lương Văn Hòa lại thể hiện, lúc 14h, tài xế này chuyển tiền cho lái xe riêng của Trịnh Xuân Thanh để chuyển cho bị cáo Thanh.
Theo luật sư Hùng, đây là sự mâu thuẫn, đề nghị HĐXX làm rõ.
Video đang HOT
Luật sư Trần Hồng Phúc tiến hành phần bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Liên quan đến hành vi đưa – nhận tiền này, trước đó, tại phiên xử chiều 9/1, HĐXX đã công bố bút lục lời khai của lái xe cho Trịnh Xuân Thanh. Lời khai cho thấy, khoảng 14h, lái xe của Thanh được lái xe của Hòa gọi xuống, chuyển sang xe của Thanh cho một túi quà, bảo chuyển cho Thanh. Sau đó, Thanh được đưa về nhà bằng ô tô riêng, cầm túi quà vào trong nhà.
Về lời khai trên, Trịnh Xuân Thanh cho rằng bản thân lần đầu được nghe. Bị cáo Thanh cũng đề nghị HĐXX xem xét lại một số chi tiết như thời điểm diễn ra sự việc, lời khai của lái xe…
Cùng bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, một số lời khai của nhân chứng, bị cáo trong hồ sơ vụ án có sự mâu thuẫn.
Đồng thời, luật sư Phúc cũng đề nghị HĐXX lưu tâm xem xét đến “chứng cứ ngoại phạm” như luật sư Nguyễn Quốc Hùng nêu.
Đề nghị dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản đối với con trai Trịnh Xuân Thanh
Tiếp tục phần bào chữa của mình, luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị HĐXX xem xét xử lý dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản đối với anh Trịnh Hùng Cường, con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Đại diện VKS nhắc nhở các luật sư tập trung bào chữa cho thân chủ một cách ngắn gọn, có trọng tâm.
Theo đó, luật sư Phúc đề nghị HĐXX xem xét lại việc kê biên ô tô và các căn hộ hiện nay đang mua trả góp của anh Trịnh Hùng Cường. Luật sư Phúc cho rằng, việc kê biên tài sản trước đây là hoàn toàn đúng pháp luật. Nếu xác định đây là tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham ô của bị cáo (nếu có) thì đây là biện pháp để bảo đảm thi hành án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo lời khai của anh Cường, những tài sản nói trên là tài sản ông bà nội anh Cường cho. Anh Cường hoàn toàn không có lời khai nào xác định đây là tài sản mua bằng tiền do bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho mình.
Dẫn chứng cụ thể, luật sư Phúc đưa ra hợp đồng cho, tặng tiền, thể hiện ông bà Trịnh Xuân Giới (bố bị cáo Trịnh Xuân Thanh) tặng anh Trịnh Hùng Cường số tiền tại 6 sổ tiết kiệm. Anh Cường khai, anh mua các tài sản (đã bị kê biên) bằng số tiền ở 6 sổ tiết kiệm ông bà nội cho.
Theo luật sư Trần Hồng Phúc, hợp đồng cho, tặng tiền trên được lập năm 2011, thời điểm chưa xảy ra hành vi tham ô ở PVC nên số tài sản bị kê biên không phải là tài sản có được từ nguồn tiền tham ô của Trịnh Xuân Thanh (nếu có).
“Trách nhiệm chứng minh vấn đề này thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị HĐXX xem xét xử lý giải quyết việc dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản.” – luật sư Phúc đề nghị.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Trịnh Xuân Thanh: "Mua 30 triệu đồng/m2, bán 10 triệu chẳng ai mua"
Sáng nay (9.1), phiên tòa xét xử vụ ông Đinh La Thăng và các đồng phạm tiếp tục, HĐXX tiến hành thẩm vấn bị cáo Trịnh Xuân Thanh. HĐXX cho cách ly với một số bị cáo có liên quan.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cho biết, việc được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo biết năng lực của PVC chưa đạt để có thể làm một dự án như vậy. Theo bị cáo Thanh, ở Việt Nam chỉ có đơn vị làm được dự án như vậy, đó là Lilama.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Vẫn theo bị cáo Thanh, trước đó, PVC có liên doanh với Lilama thực hiện một dự án. PVC làm phần xây dựng còn Lilama đóng máy, dự án đó rất thành công.
Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi: "Với năng lực tài chính của PVC đã có vấn đề, cùng với năng lực như vậy việc gánh thêm dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là tổng thầu, bị cáo thấy thế nào?".
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết, việc đơn vị mất cân đối là chưa có vốn, khi một nhận được dự án để thực hiện là rất tốt. Thứ nhất có công ăn việc làm, có thu nhập năng cao năng lực của PVC. "Biết dự án lớn, PVC chưa đảm đương được nhưng tinh thần của PVN là quyết tâm thực hiện, trong quá trình làm sẽ có sự phối với các chuyên gia tư vấn nước ngoài", bị cáo Thanh nói.
"Nhận dự án lớn đấy là thuận lợi hay khó khăn thêm?", thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi.
"Tổng công ty bị thua lỗ là năm 2009 - 2010 đã đầu tư vào bất động sản, bất động sản đóng băng nên Tổng công ty rơi vào khủng hoảng. Có những khoản đầu tư vào đất với 25 - 30 triệu đồng/m2, bán 10 triệu đồng/m2 nhưng không ai mua. Thua lỗ là do vấn đề bất động sản, còn nhận dự án, có việc làm là rất tốt", bị cáo Thanh nói.
Nói về hợp đồng số 33, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết: "Toàn bộ phần phụ lục không có. Tại thời điểm đó, bị cáo có khuyết điểm". Bị cáo Thanh cho biết bị cáo "không đọc hợp đồng, nếu như đọc hợp đồng sẽ không xảy ra thiếu nội dung".
Bị cáo Thanh khai thêm, thẩm quyền, trách nhiệm của Ban giám đốc, công văn ký cấp tạm ứng không cần báo cáo bị cáo. Việc chi khoản tiền tạm ứng cũng là trách nhiệm của Ban giám đốc PVC. "Khi có tiền tạm ứng rồi thì việc chi tiêu thuộc thẩm quyền của Ban giám đốc, đúng luật hay không là kế toán trưởng có trách nhiệm báo cáo tổng giám đốc. Về sau, bị cáo phát hiện ra việc chi tiêu không đúng, bị cáo đã yêu cầu báo cáo và trực tiếp báo cáo PVC", bị cáo Thanh nói.
Vẫn theo bị cáo Thanh, việc chi 10 khoản vào công ty khác là của Ban giám đốc. Việc chi tiêu góp vốn là phải được HĐQT ra nghị quyết trong đó ghi rõ góp tiền bằng cách nào. "Thời điểm đấy khó khăn về tài chính nhưng Tổng công ty mẹ PVC lúc nào cũng có thể vay ngân hàng để góp vốn. Chủ trương góp vốn là có, còn dòng tiền là yêu cầu phải đúng pháp luật", bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói.
Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) có 22 bị cáo.Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, bị cáo Đinh La Thăng trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.Sau đó, bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn gần 120 tỷ đồng.Với hành vi nêu trên, bị cáo Đinh La Thăng bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự. Tội phạm và hình phạt được quy định: Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Theo Danviet
Sếp PVN ép chi nghìn tỷ cho Trịnh Xuân Thanh trong ngày "Tôi phải chịu sức ép ghê gớm quá, ai đời lại yêu cầu chuyển số tiền lớn vậy trong ngày", cựu trưởng ban quản lý Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khai trước toà. Chiều 8.1, khác với các phiên xét xử đại án, mở đầu phần thẩm vấn vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản...