Luật sư: Cần truy tố phụ huynh tội đưa hối lộ tác động sửa, nâng điểm cho thí sinh
Theo Luật sư Lê Văn Luân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các phụ huynh/ người thân trong vụ án gian lận thi cử ở một số tỉnh thành trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có thể bị xem xét truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi hoặc tội đưa hối lộ để tác động sửa nâng điểm cho thí sinh – là con cái hoặc người nhà của mình.
Ít nhất 12/44 thí sinh được nâng điểm là con em của những người làm giáo dục của tỉnh Sơn La.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Lê Văn Luân cho rằng, cần làm rõ các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật tất cả các đối tượng có liên quan.
“Phụ huynh, người thân của các thí sinh được sửa nâng điểm thi THPT Quốc gia 2018 có thể bị xem xét truy cứu xử lý theo pháp luật. Cụ thể, nếu các phụ huynh là người có chức vụ hoặc quan hệ với người đã nâng điểm mà tác động tới người này thì có thể phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Nếu đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác để những người này nâng điểm thì phạm tội đưa hối lộ”, luật sư Luân cho hay.
Theo đó, đưa hối lộ được hiểu là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (của hối lộ) dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Việc đưa của hối lộ có thể là do người phạm tội chủ động đưa cho người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng có thể đưa của hối lộ theo gợi ý, đòi hỏi của người có chức vụ, quyền hạn.
Việc đưa hối lộ có thể thực hiện một cách trực tiếp, nhưng cũng có thể thực hiện một cách gián tiếp (qua người môi giới).
Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ thời điểm một bên chấp nhận đề nghị hoặc yêu cầu của bên kia. Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự 2015.
Video đang HOT
Luật sư Luân cho rằng, cần phải công khai danh tính phụ huynh có học sinh đã được nâng điểm vì đó là những người đã thực hiện hành vi phạm tội trong lĩnh vực giáo dục, cho nên cần phải nêu danh tính trước toàn xã hội để cảnh báo cho những trường hợp khác trong tương lai.
Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 2 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 7 đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.
Lệ Thu (ghi)
Theo Dân trí
Ba thí sinh được nâng điểm đang học tại Đại học Y Hà Nội
Hòa Bình có hai thí sinh được nâng điểm học Y đa khoa, một em chắc chắn bị đuổi do điểm chấm lại thấp hơn điểm trúng tuyển rất nhiều.
Chiều 11/4, PGS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó Đại học Y Hà Nội cho biết, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm thẩm định điểm thi THPT quốc gia của ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La thì có ba trường hợp đỗ vào ngành Y đa khoa có điểm thấp hơn điểm đã công bố.
Trong đó, hai thí sinh (một Sơn La và một Hòa Bình) chắc chắn bị đuổi học do điểm chấm lại thấp hơn điểm trúng tuyển. Một thí sinh Hòa Bình điểm chấm lại đủ điểm chuẩn, nhưng điểm thi môn khác (không phải tổ hợp xét tuyển vào trường) bị xuống 2 điểm. "Nếu em này đủ điều kiện tốt nghiệp thì tiếp tục được học Y đa khoa", ông Tú nói.
Ba thí sinh được nâng điểm đang học tại Đại học Y Hà Nội.
Hiệu phó Đại học Y Hà Nội cho hay đã gọi điện trực tiếp cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La yêu cầu fax kết quả cho trường, nhưng hai Sở nói "thông tin mật nên không gửi fax". Nhà trường sau đó yêu cầu hai Sở chuyển phát nhanh kết quả của thí sinh.
"Hiện các thí sinh này vẫn đi học. Cuối tuần này, khi có đầy đủ dữ liệu chứng minh thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển, chúng tôi sẽ họp Hội đồng tuyển sinh, ra quyết định buộc thôi học", ông Tú nói.
Ông Tú khẳng định hệ thống sàng lọc của trường rất tốt, thi đều thực hiện trên máy tính với ngân hàng câu hỏi khách quan nên sẽ không ai có thể tác động vào kết quả học tập của sinh viên. Vì vậy, thí sinh nào được nâng điểm mà chưa bị phát hiện thì hai năm học đầu tiên chắc chắn cũng sẽ bị nhà trường loại ra.
Ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội có điểm đầu vào rất cao nên việc có thí sinh gian lận không chỉ ảnh hưởng đến đào tạo chung của trường mà còn làm mất đi cơ hội của những thí sinh khác. Dù vậy, đã gần hết một năm học, nên Đại học Y Hà Nội không thể gọi bổ sung sinh viên.
Trước đó chiều 2/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời báo chí về việc công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết những em đang học đại học sẽ phải nghỉ để "đảm bảo công bằng". "Chúng tôi hiểu một số em không tham gia, việc điều chỉnh điểm do người lớn thực hiện", ông Độ nói.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng quyền công bố thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, mức độ công bố thế nào thì phải xem xét. Danh sách học sinh được nâng điểm sẽ được gửi đến Cục Nhà trường, các trường đại học.
"Chúng ta xử lý phải nhân văn, không nên làm ảnh hưởng đến các cháu, vì có thể do tác động nào đó, các cháu cũng không biết việc gian lận điểm. Chúng ta phải nêu đúng, trúng, khách quan, nhưng cũng đừng để tạo ra sự phức tạp khác", ông Dũng nói.
Tháng 8/2018, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, để điều tra những sai phạm tại Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018.
Ba người bị truy tố gồm: Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng, Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục Hòa Bình); Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên hiệu phó Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) và Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục Hòa Bình)
Trước đó, tỉnh Hòa Bình khiến dư luận nghi ngờ khi có số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên là 27, chiếm 4,7% cả nước. Xét theo khối thi truyền thống (A, A1, B, C, C3, D1), địa phương này có 22 trên tổng số 324 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên. Rất đông thí sinh của Hòa Bình, Sơn La và Lạng Sơn (địa phương có nghi vấn gian lận) đã có tên trong danh sách trúng tuyển với điểm xét tuyển cao nhất khối trường "hot" là quân đội, công an.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress)
Gian lận điểm thi ở Hà Giang: Nhiều con cháu lãnh đạo tỉnh được nâng điểm? Nhiều thí sinh được nâng điểm trong vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang có không ít con em của lãnh đạo tỉnh này. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã xác định một số người có chức vụ quyền hạn tại Sở GDĐT và Công an tỉnh đã tiếp tay cho hành vi gian lận điểm...