Luật Hồi tỵ thời phong kiến đã cấm ‘cả họ làm quan’ ở một nơi
Viện dẫn Luật Hồi tỵ từ thời phong kiến, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, từ xưa đã có những quy định chặt chẽ để ngăn cấm “ cả họ làm quan” ở một địa phương.
Gần đây, thông tin việc hàng loạt người thân của ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang giữ các vị trí lãnh đạo tại các cơ quan ở địa phương lan truyền trên mạng xã hội, gây nhiều ý kiến tranh cãi. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng đã trả lời báo chí khẳng định những người thân của ông (vợ, em trai, em gái, em rể) được đề bạt theo đúng quy trình, tuy nhiên dư luận vẫn không khỏi ngờ vực băn khoăn.
Không bình luận sâu về trường hợp cụ thể này, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ viện dẫn Luật Hồi tỵ có từ thời vua Lê Thánh Tông để nói về các quy định bổ nhiệm quan lại xưa.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, Luật Hồi Tỵ quy định những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ. Nếu ai gặp những trường hợp nói trên thì phải tâu báo lên triều đình và các cơ quan chức năng để bố trí chuyển đi chỗ khác.
“Luật này cũng được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Nguyên tắc nói trên nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân (quan hệ gia đình, dòng họ, thầy trò, địa phương) thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền” – nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.
Luật Hồi tỵ được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông về việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến thời đó trong cuộc cải cách nền hành chính quốc gia.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là Hồng Đức) có quy định: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.
Đến thời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới, bao gồm:
Quan lại ở các bộ, trong Kinh và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác. Đối với Viện thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối thì không phải áp dụng Luật Hồi tỵ. Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy.
Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc. Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ. Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.
Đặc biệt, trong luật cũng nêu rõ việc nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng… trong địa hạt cai quản của mình.
Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, bên hành lang Quốc hội, cũng nói về việc bổ nhiệm cán bộ, ĐBQH Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: Có điệp khúc mà mọi người hay nói “quy trình thì đúng mà kết quả thì sai” thì vấn đề ở đâu?
“Rõ ràng có kẽ hở để người ta lách. Họ tinh vi lắm chứ không yếu kém chút nào. Điều này trở thành không bình thường. Người có trách nhiệm, làm thất thoát tài sản như Trịnh Xuân Thanh lại được thăng chức. Trong khi đó, chúng ta luôn luôn nói đến trách nhiệm, nhưng trách nhiệm lại là khái niệm rất trừu tượng. Chúng tôi nghĩ lúc này phải gắn với trách nhiệm cá nhân là hết sức quan trọng. Khen chê là phải rõ, cụ thể” – nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Theo ông Dương Trung Quốc thì cái gì cũng do con người làm, tức là phẩm chất của người thực hiện. Cái quan trọng thứ hai là sự giám sát của nhân dân, không có sự giám sát đó nên xảy ra những sai phạm xung quanh việc bổ nhiệm cán bộ.
Theo Infonet
Đề nghị kiểm tra, xử lý việc bổ nhiệm ồ ạt người thân
Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước...
Sáng 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã nghe hai báo cáo quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
"Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân;
Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết đây là vấn đề được đông đảo đại biểu QH, dư luận cử tri và báo chí phản ánh.
Theo Ủy ban Tư pháp, thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
"UBTP đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu QH và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm phải kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới" - bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.
Đáng chú ý, cũng liên quan đến công tác cán bộ, báo cáo của Chính phủ lần đầu tiên cũng thừa nhận: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân và có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật".
Ủy ban Tư pháp cho rằng hiện còn thiếu tiêu chí khoa học, khách quan để người đứng đầu đánh giá chính xác cán bộ, công chức. Sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu.
Với quy định"biên chế suốt đời", "có vào không có ra", "có lên không có xuống"đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ. Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng"dĩ hòa vi quý", "dễ mình dễ ta".
"Đây là những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị phục vụ phòng, chống tham nhũng hiệu quả hạn chế" - bà Nga nói.
Theo Đức Minh (Pháp luật TP.HCM)
Phải chặn đứng "nhất hậu duệ, nhì quan hệ" Muốn loại bỏ được tình trạng "nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ rồi thứ tư mới đến trí tuệ", phải công tâm, dân chủ. Việc hàng loạt họ hàng của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh, nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy tỉnh này đã gây nhiều phản ứng của dư luận....