Luật Giao thông đường bộ còn nhiều điều chưa phù hợp
UBND TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 trên địa bàn TP (giai đoạn 2016-2019).
Cụ thể, qua tình hình thực tế triển khai Luật GTĐB tại TP, UBND TP ghi nhận một số quy định chưa hợp với thực tế ở các đô thị lớn.
Theo đó, Điều 18 Luật GTĐB quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ như sau: “Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác”. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều tài xế đối phó lực lượng chức năng bằng cách nổ máy xe hoặc cho rằng “đang thực hiện công việc khác”. Điều này gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm và là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.
Đồng thời, tại điểm b khoản 2 Điều 37 Luật GTĐB quy định “chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý”. Song đến nay chưa có quy định cụ thể nội dung về tổ chức giao thông trên các hệ thống đường. Do đó, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
UBND TP cũng cho rằng một số quy định về trật tự an toàn GTĐB của Công ước Vienna 1968 mà Việt Nam tham gia chưa được luật hóa vào Luật GTĐB hiện hành.
Video đang HOT
Điển hình, tại khoản 2 Điều 9 quy định ô tô phải có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong ô tô phải thắt dây an toàn. Trong khi đó, Công ước Vienna lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn.
Trước tình hình trên, UBND TP kiến nghị Bộ GTVT sớm trình thông qua dự thảo đề cương sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB cho phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, TP.HCM cho rằng cần lưu ý một số nội dung như sau: Quy định rõ về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông và công tác xử phạt vi phạm hành chính, nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện.
Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về thẩm quyền tổ chức giao thông. Đồng thời quy định mở về thẩm quyền quản lý nhà nước về giao thông đô thị trong lĩnh vực tổ chức giao thông, vận tải, khí thải, quy định về biển số… cho chủ tịch UBND TP (loại đô thị đặc biệt).
Bên cạnh đó, xem xét, bổ sung quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy nhằm hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định bắt buộc chủ phương tiện tham gia giao thông phải có một tài khoản để phục vụ công tác xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực giao thông (xử phạt tự động).
THU TRINH
Cần siết chặt công tác cấp giấy phép lái xe mô tô tại Việt Nam
Đó là đề xuất của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia tại Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2019.
Ông Khuất Việt Hùng phát biểu bế mạc Hội nghị
Phát biểu bế mạc Hội nghị ATGT năm 2019 chiều ngày 29/11, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá sau một ngày làm việc, các đại biểu đã có nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực về đảm bảo ATGT, các kiến nghị này sẽ được văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp nhận và báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia.
Trao đổi thêm về vấn đề đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, trong thời gian tới, trọng tâm của công tác quản lý ATGT sẽ là tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm. Theo ông Hùng, Luật Giao thông đường bộ đã thực hiện hơn 10 năm. Các vấn đề quy định ATGT đã được tuyên truyền dày đặc. Người dân đa số đã hiểu luật và được tiếp cận luật, giờ là lúc công tác xử phạt phải được tăng cường, nếu không có xử phạt, luật pháp, chế tài sẽ không có tác dụng.
Cũng theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, thực tế hiện nay tại Việt Nam, mô tô, xe máy đáp ứng trên 80% nhu cầu đi lại của người dân, chiếm hơn 90% tổng số phương tiện giao thông đường bộ, song, đến giờ, trong Luật Giao thông đường bộ, những vấn đề dành cho xe máy quá ít.
"Chúng ta đang đi ngược với thế giới. Ở nhiều nước, để có một giấy phép lái xe mô tô là cực khó, khó hơn nhiều so với lái xe ô tô. Trong khi ở Việt Nam, giấy phép lái xe mô tô lại quá dễ, quy trình sát hạch lái xe mô tô quá đơn giản", ông Hùng nói.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị Bộ GTVT và các đơn vị liên quan cần quan tâm siết chặt lại nội dung này, kể cả việc bổ sung quy định những người 16 tuổi phải đáp ứng yêu cầu như thế nào mới được điều khiển xe máy 50 phân khối và xe máy điện.
Trước đó tại Hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề ATGT của tất cả các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Trong đó lĩnh vực đường bộ được đặc biệt chú trọng, với các phiên thảo luận chuyên sâu về quản lý an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT. Phiên quốc tế chia sẻ các nội dung về kinh nghiệm quốc tế trong bảo đảm TTATGT và các đề xuất, khuyến cáo cho Việt Nam.
HẠ LIÊN
Theo GTVT
Từ ngày 1-7, xe tải dưới 1,5 tấn không còn là 'xe con' Quy chuẩn 41:2019 của Bộ GTVT đã bỏ quy định xe tải dưới 1,5 tấn là "xe con". Ngày 1-7, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 của Bộ GTVT sẽ có hiệu lực. Điểm đáng chú ý, Quy chuẩn 41:2019 quy định ô tô con (hay còn gọi là xe con) là ô tô được xác...