Luật gia Mỹ: Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông là quá mơ hồ
Theo giáo sư luật học của trường luật Loyola Law (Los Angeles, Mỹ), cho dù các cuộc đụng độ trên Biển Đông giữa một số quốc gia ASEAN với Trung Quốc khó có thể biến thành các cuộc xung đột quy mô lớn nhưng vấn đề này gây căng thẳng kéo dài bởi sự thiếu hụt một diễn đàn luật pháp có đủ quyền tài phán.
Những tuyên bố ngang ngược cùng với những hành động cố tình gây căng thẳng tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc không chỉ gây phẫn nộ với các quốc gia láng giềng mà còn thu hút sự chú ý của giới luật gia quốc tế.
Đường “lưỡi bò” (màu đỏ) sai trái và phi pháp của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia ASEAN (đường đứt đoạn màu xanh).
Trong bài trả lời phỏng vấn của tờ International Business Times, khi được hỏi về ý kiến đánh giá đối với tuyên bố chủ quyền của các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines trên Biển Đông, ông Jeffery Atik – giáo sư luật học thuộc trường ĐH Luật Loyola (Los Angeles, Mỹ) đã khẳng định: “Các tuyên bố của Việt Nam và Philippines về chủ quyền và quyền khai thác tài nguyên trên một số khu vực thuộc biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, bao gồm cả vùng thềm lục địa. Trong các văn bản luật pháp quốc tế hiện hành cũng đều thể hiện rõ và khẳng định quyền đối với khu vực biển có phạm vi 200 hải lý từ bờ biển của các quốc gia này. Trong khi đó, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc lại rất mơ hồ. Trung Quốc thường xuyên mang tấm bản đồ do chính họ vẽ từ năm 1947 với đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) để làm căn cứ lịch sử hỗ trợ cho lập luận và đòi hỏi chủ quyền của họ. Tuyên bố này của Trung Quốc đã nuốt phần lớn Biển Đông và chiếm luôn các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia Đông Nam Á khác”.
Trong câu hỏi, giải pháp nào có thể được đưa ra nhằm giải quyết những mối căng thẳng này và đâu là vai trò của tổ chức ASEAN, ông Jeffery Atik cho rằng một giải pháp mang tính pháp lý sẽ rất khó hiện diện bởi đến nay Trung Quốc vẫn phủ nhận hầu hết các luật pháp quốc tế và thiếu hụt một diễn đàn pháp luật có đủ quyền tài phán. Trong mối xung đột với ASEAN, Trung Quốc lựa chọn giải pháp “giải quyết song phương” trong khi Việt Nam và Philippines ủng hộ việc thành lập một mặt trận “đa phương” với sự tham gia của cộng đồng quốc tế.
Hồi đầu tháng 7/2012, tại Hội thảo An ninh Biển Đông diễn ra ở thủ đô Washington của Mỹ các học giả quốc tế đều đã khẳng định rằng Trung Quốc không có cơ sở để tuyên bố đường lưỡi bò tại khu vực Biển Đông và các nước trên thế giới không thể chấp nhận tuyên bố đó.
Giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng: Đường lưỡi bò do Trung Quốc được vẽ ra vào năm 1948 và Trung Quốc chính thức tuyên bố vào năm 2009 không phải là một yêu sách rõ ràng và tuân theo đúng luật pháp quốc tế.
“Các chuyên gia luật pháp khi nhìn vào bản đồ do Trung Quốc nộp cho LHQ năm 2009 thấy rằng, nó không phù hợp với cách vẽ bản đồ thông thường, hay thậm chí tuân theo cơ sở lịch sử. Theo luật pháp quốc tế, đất liền chi phối biển, bởi vậy tuyên bố chủ quyền trên biển phải dựa vào đất liền. Ví dụ bờ biển Việt Nam là đất liền thì Việt Nam có thể tuyên bố chủ quyền 200 hải lý, nhưng đối với trường hợp của Trung Quốc là một sự không rõ ràng, chúng ta không thể hiểu được là đường lưỡi bò đó đại diện cho cái gì, nó chỉ là những đường đứt đoạn được thể hiện trên bản đồ. Cách vẽ đường lưỡi bò không phù hợp với cách vẽ bản đồ quốc tế chuẩn, và tuyên bố chủ quyền của Trung quốc không phù hợp với luật quốc tế. Đường lưỡi bò được vẽ ra trước khi có Công ước Luật Biển của LHQ và nó cũng không liên quan gì với Công ước này”, ông Carlyle Thayer khẳng định.
Theo Infonet