Luật chưa có hiệu lực cũng cần… sửa đổi
Chiều 16.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và luật Quản lý thuế.
Lắp ráp ô tô tại Công ty ô tô Trường Hải (Quảng Nam) – Ảnh: Đ.Mười
Mặc dù cho rằng việc sửa đổi, bổ sung cần rút kinh nghiệm do các luật này vừa được điều chỉnh, thậm chí có luật còn chưa có hiệu lực nhưng Ủy ban vẫn đồng ý để Chính phủ đưa dự luật ra trình tại kỳ họp sắp tới của QH và thông qua tại một kỳ họp.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình về dự luật, nêu việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách về thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) VN trong hội nhập, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, minh bạch hóa các hoạt động kinh tế…
Cụ thể, Chính phủ đề xuất bổ sung các giải pháp chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm thủ tục hành chính trong việc kê khai, nộp và hoàn thuế GTGT. Cần thiết phải sửa đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng ô tô phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng…
Về quản lý thuế, tờ trình của Chính phủ cho biết do kinh tế khó khăn, có tình trạng nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp khó có khả năng thanh toán. Nhiều trường hợp có nguyên nhân khách quan như do nhà nước chưa thanh toán, điều chỉnh quy hoạch, chậm giải phóng mặt bằng, khách hàng phá sản hoặc hủy hợp đồng… Nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế.
Chính sách thuế thiếu ổn định
Báo cáo thẩm tra về dự luật, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) cho biết đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự luật, trong đó sửa đổi bổ sung luật Thuế GTGT (2 nội dung), luật Thuế TTĐB (3 nội dung) và luật Quản lý thuế (2 nội dung) và thực hiện theo quy trình rút gọn, thông qua tại một kỳ họp QH. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng luật Thuế GTGT và luật Quản lý thuế mới được QH sửa đổi, bổ sung tại Luật số 71/2014/QH13, hiệu lực thi hành ngày 1.1.2015 và luật Thuế TTĐB sửa đổi hiện nay chưa đến thời điểm hiệu lực thi hành (1.1.2016), nay Chính phủ tiếp tục đề nghị sửa đổi là chưa thực sự hợp lý, chưa đủ thời gian để đánh giá quá trình thực hiện luật, dẫn đến thiếu ổn định trong chính sách về thu ngân sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cũng cho rằng việc sửa đổi dự án luật lần này cần được rút kinh nghiệm. “Thuế là việc cần được ổn định để người ta làm ăn, đầu tư, cứ thay đổi liên tục thế này không ổn. Đặc biệt cả 3 luật này QH mới sửa đổi, ban hành, có luật còn chưa có hiệu lực. Việc sửa đổi luật cần nghiên cứu kỹ để có sức sống lâu dài. Cần tránh tình trạng năm nay sửa năm sau lại sửa… Ảnh hưởng đến mức độ tin tưởng vào quy định, luật pháp”, ông Phan Trung Lý nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc xây dựng luật cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Chủ tịch QH đặt vấn đề liệu sắp tới khi thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một loạt hiệp định tự do thương mại khác có thể lại phải sửa luật nếu không phù hợp. “Các đồng chí phải tính kỹ, không sang năm lại sửa mấy điều vừa sửa xong thì dở lắm”, Chủ tịch QH nói.
Video đang HOT
Không xóa nợ với tài nguyên, đất đai, khoáng sản
Liên quan đến quy định về đối tượng không chịu thuế, Ủy ban TCNS nhất trí bổ sung quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến hoặc chỉ qua sơ chế… Quy định này nhằm khắc phục tình trạng nhiều DN lợi dụng quy định hiện hành để mua nông sản của nông dân (không chịu thuế GTGT) sau đó mua hóa đơn có thuế GTGT 5% nhằm hợp thức chi phí đầu vào để được hoàn thuế, trong khi người nông dân lại không được hưởng lợi từ chính sách này.
Ủy ban TCNS nhất trí về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh từ 1.7.2007 đến 1.7.2013 như Tờ trình của Chính phủ. Đồng tình với ý kiến này, Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng dự luật quy định nội dung xóa nợ tiền thuế, tiền phạt thuộc loại văn bản cá biệt, chỉ áp dụng một lần cho một đối tượng cụ thể. Vì vậy, đề nghị cần xem xét lại, có thể trình QH ban hành Nghị quyết để xóa nợ cho các đối tượng này nếu hợp lý và cần thiết.
Ủy ban TCNS cũng cho biết đa số ý kiến nhất trí xóa nợ tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp đối với các đối tượng như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị không xóa nợ tiền phạt, tiền chậm nộp đối với các khoản thu từ đất, các trường hợp kinh doanh bất động sản, khai thác kinh doanh tài nguyên khoáng sản vì đây là những khoản tiền nợ liên quan đến tài nguyên, khoảng sản và đất đai là tài sản quốc gia.
Giảm thuế với ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3
Về thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với phương án giảm thuế suất các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 và tăng thuế suất dòng xe có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3. Tuy nhiên, việc giảm thuế suất đối với xe ô tô điện 16 – 24 chỗ ngồi từ 10% xuống 0% là chưa hợp lý vì tất cả các dòng xe khác đều đang phải chịu thuế TTĐB. Ủy ban đề nghị chỉ nên điều chỉnh mức thuế suất giảm từ 10% xuống 5%. Có ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với việc nâng mức thuế suất cao hơn đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 (mức thuế từ 55 – 150%) nhưng chưa nhất trí phương án giảm thuế và phân loại quá chi tiết các dòng xe dưới 2.000 cm3 như dự luật.
Trường Sơn
Theo Thanhnien
Đề xuất xóa nợ thuế 1.000 tỷ đồng cho DNNN: Đừng tạo tiền lệ thiếu công bằng
Đây là quan điểm của ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với báo chí về đề xuất xóa nợ khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thuế cho DN của Bộ Tài chính.
Theo ông Bùi Đức Thụ, pháp luật về ngân sách cũng như thuế khá chặt chẽ. Việc xóa nợ, khoanh nợ đều phải thực hiện theo đúng nguyên tắc, trình tự không thể muốn làm thế nào cũng được.
- Vừa qua, Bộ Tài chính có đề nghị xoá nợ cho các DNNN với con số ước tới 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, DN tư nhân đã bỏ trốn, mất tích quá lâu, cơ quan thuế không xác minh được cũng sẽ có cơ hội được xoá nợ thuế. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?
Trong Luật Quản lý thuế cũng như tiền lệ từ trước đến nay chưa bao giờ có chuyện xóa nợ thuế một cách... có hệ thống như đề xuất của Bộ Tài chính. Vấn đề xóa nợ thuế phải tuân theo một quy trình rất chặt chẽ, cùng với đó là thẩm quyền phân cấp cụ thể nên hầu như chưa xử lý bao nhiêu. Đơn cử như việc xóa nợ cho các DN phá sản theo Luật Phá sản cũng thực hiện rất hạn chế. Bởi vì, các bên liên quan đến DN phá sản phải có đơn đề nghị. Nhưng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan lại không đồng đơn. Ví dụ ngân hàng cho DN vay không thu hồi vốn được, nhưng họ lại là đối tượng được thanh toán sau nên họ thường thà để nợ treo còn hơn là tuyên bố "trắng phớ" là... mất tiền.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, hiện nay, rất nhiều vấn đề liên quan đến trình tự thủ tục xóa nợ thuế còn đang bất cập, do đó chính sách liên quan đến thuế đang phải rà soát lại toàn bộ, phần lớn quy định thì có nhưng chưa thể triển khai được.
- Với đề xuất xóa phạt chậm nộp thuế đối với các DN, dưới góc độ Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông có ý kiến ra sao về vấn đề này?
Đây là vấn đề gần đây đã được Chính phủ đề nghị sang Quốc hội cho xóa tiền phạt chậm nộp thuế. Theo đề xuất này, DN nào nợ đọng thuế đã trả được gốc rồi thì xóa phạt lãi trả chậm. Lý lẽ Chính phủ đưa ra để khuyến khích DN trả nợ thuế. Pháp luật về thuế hiện hành, DN nợ thuế lâu ngày ngoài việc trả gốc phải trả cả lãi suất phạt 18%/năm.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách không đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Bởi vì, pháp luật thuế đã ban hành, các tổ chức, cá nhân phải nộp thuế đúng, nộp đủ, nộp kịp thời. DN rất có thể lợi dụng việc chậm nộp thuế để chiếm dụng vốn. Điều này vừa làm thiệt hại đến ngân sách nhà nước vừa làm kỷ cương pháp luật không nghiêm. Chính vì vậy, pháp luật về thuế có chế tài phạt, nặng hơn là phong tỏa tài sản, kê biên tài sản... Nếu bỏ phạt sẽ tạo ra hệ lụy là sự không công bằng người chấp hành nghiêm và người chây ỳ, đồng nghĩa với việc khuyến khích chây ỳ.
Đối với trường hợp xóa nợ thuế khi DN gặp rủi ro, phá sản, Luật Quản lý thuế đã quy định, nhưng cũng cần đưa ra mức nào, tiêu chí nào để việc áp dụng được dễ dàng. Thực tế, DN phải chịu rủi ro thị trường có nhiều lý do, được thì DN hưởng, thua thì họ phải chịu là quy luật. Gặp phải những rủi ro khách quan, bất khả kháng, DN phải có xác nhận, có hồ sơ đầy đủ thì cơ quan thuế mới được cho xóa nợ, khoanh nợ. Nếu cơ quan thuế làm không chặt sẽ dễ dẫn đến trốn lậu thuế.
- Một trong những lý do của đề xuất xóa nợ thuế được Bộ Tài chính đưa ra là để tạo điều kiện tái cấu trúc DNNN. Ông có ý kiến thế nào về lý do này?
Đúng là tiến trình cổ phần hóa (CPH) hiện nay đang vướng ở một số khâu, trong đó có vấn đề nợ thuế nói riêng và nợ của DNNN nói chung. Nói đến vấn đề nợ của DNNN, đầu tiên chúng ta phải quan tâm là vốn thực có của DN. Số liệu thực tế và số liệu trên sổ sách kế toán của nhiều DN thường khác nhau. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến khác nhau đối với việc có được bán dưới giá trị sổ sách không.
Vừa qua, chúng ta cũng đã gỡ vấn đề này, CPH phải dựa trên đánh giá tài sản thực của DN. Nhưng tài sản thực thì liên quan đến nợ phải thu, nợ phải trả, trong đó có nợ thuế. Nợ phải thu thì nhiều DN không thu được, trả thì nhiều DN nợ xấu lớn hơn giá trị tài sản DN. Vậy thì đánh giá thế nào. Nợ thuế thường chỉ là một phần trong khối nợ phải trả của DN.
Nếu nói về vấn đề nợ thuế không là chưa đầy đủ. Từ thực tiễn CPH thời gian qua, chúng ta cần đưa ra cơ chế để thúc đẩy tiến trình này. Đặc biệt là cơ chế định giá tài sản DN. Từ chính sách đến thực thi, chúng ta phải thực hiện thật nghiêm túc để đảm bảo không bị lợi dụng, gây thất thoát vốn nhà nước. Để giải quyết được việc này, việc sửa đổi Luật Kế toán lần này đang được Ủy ban Tài chính - Ngân sách quyết liệt đưa vào đó là hoạch toán, phải tính đúng giá trị tài sản DN theo thị trường tại thời điểm đó. Qua đó, những thông tin về giá trị DNNN và hiệu quả hoạt động của DNNN cũng được làm rõ.
Trở lại việc khoanh nợ, xóa nợ thuế cho DN, hiện nay pháp luật về thuế đã khá rõ ràng. Chúng ta phải làm cho đúng luật nếu không thì kiểm toán, thanh tra sẽ tìm ra những sai phạm để xử lý, khởi tố nếu cá nhân, tổ chức nào để mất vốn nhà nước.
CPH tái cơ cấu DNNN là chủ trương đúng của chúng ta. Mục tiêu cuối cùng là thay đổi quản trị DN để DN hoạt động hiệu quả hơn. Việc chuyển nhượng một phần vốn, tài sản DNNN thay đổi quyền sở hữu mới là khởi điểm. Tiến trình CPH DNNN hiện đang mắc ở nhiều khâu như chủ trương, cán bộ DN nhất là người lãnh đạo DNNN không muốn CPH. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải tính toán đến cả yếu tố thị trường. Thị trường chứng khoán đang không thuận lợi cho việc đưa thêm nhiều sản phẩm lên sàn. Liệu chúng ta có nên bán cổ phần DN bằng mọi giá? Nếu bán giá quá thấp dẫn đến mất vốn nhà nước cũng là điều cần phải cân nhắc.
Việc CPH, tái cấu trúc DNNN nếu vướng ở cơ chế thì các cơ quan phải thống kê, tổng kết và có số liệu cụ thể. Nếu ở cấp nghị định thì đưa sang Chính phủ ban hành, ở cấp pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, ở cấp luật thì Quốc hội ban hành. Tất cả đã có quy định rất rõ ràng không có chuyện muốn khoanh, muốn xóa thế nào cũng được.
- Xin cảm ơn ông!
Bộ Tài chính đang đề nghị xoá nợ cho các DN Nhà nước (DNNN) với con số ước tới 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, DN tư nhân đã bỏ trốn, mất tích quá lâu cơ quan thuế không xác minh được cũng sẽ có cơ hội được xoá nợ thuế. *Bộ Tài chính dự kiến xin cơ chế xoá nợ thuế cho các DN gặp khó khăn trong thời gian qua. Trong đó, đối với DNNN, sẽ có hai nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ này.
Thứ nhất là các DN sắp xếp lại và đang có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN. Thứ hai là các DNNN đã cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại DN khi chuyển đổi sở hữu. *Bộ Tài chính cho hay, Điều 65 của Luật quản lý thuế hiện hành đã cho phép xoá nợ tiền thuế, tiền phạt khi DN bị tuyên bố phá sản, cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Luật cũng cho phép xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế khác đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, các quy định này chưa bao quát được hết các trường hợp nợ xấu, khó đòi, nhất là các khoản nợ phát sinh trong trường hợp DNNN thực hiện sắp xếp lại, hoặc cổ phần hóa như trên.
Theo Bộ này, việc xoá nợ thuế cho DNNN như vậy sẽ giải quyết dứt điểm những vướng mắc như DNNN đã có quyết định giải thể, hoặc đã chuyển đổi sở hữu chưa được xử lý nợ thuế, trong khi pháp nhân mới không chịu trách nhiệm về khoản nợ này. Như vậy, chính sách này cũng sẽ thúc đẩy tái cơ cấu lại DNNN thành công.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn dự kiến xin xoá nợ tiền thuế cho các DN ngoài quốc doanh khác gặp khó khăn khách quan đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2013. Nhóm thứ nhất là các DN cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước, có khoản tiền phạt chậm nộp trước ngày 1/1/2015 và chưa được gia hạn thời hạn nộp thuế. Trong đó, lý do khiến DN phát sinh nợ thuế là do ngân sách chưa thanh toán kịp thời. Nhóm đối tượng thứ hai là những DN phát sinh nợ thuế có nguyên nhân từ việc đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế. Điều kiện đi kèm là tất cả các DN trên đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015. Cùng đó, những khoản nợ thuế của các cá nhân, DN đã đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản mà cơ quan thuế đã xác minh thông tin nhưng không tìm được người nộp thuế thì cũng sẽ được xoá.
Các đề xuất trên sẽ được trình ra kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vào tháng 10 tới. Cuối năm 2014, Bộ Tài chính cũng đã từng trình Quốc hội gói hỗ trợ cho DN tư nhân như trên, nhưng với điều kiện đã nộp nợ gốc trước 31/12/2014 và số tiền ước là 4.800 tỷ đồng. Gần đây nhất, tháng 6, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư xoá nợ nhiều khoản thuế từ thuế môn bài, thuế doanh thu, thuế thu nhập, thuế GTGT, tiêu thụ đặc biệt... cho các cá nhân, hộ gia đình các khoản nợ thuế phát sinh trước 1/7/2007.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì xét duyệt hồ sơ đặc xá Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phân công Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt năm 2015. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2015, thay mặt Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao,...