Luật Biểu tình lại lùi cho Quốc hội… khóa tới?
Trình xin ý kiến Quốc hội về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và chương trình năm 2016 sáng 21/5, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề xuất lùi lịch làm luật Biểu tình sang cho Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (đang diễn ra) và dự án Luật về hội từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (sẽ diễn ra vào cuối năm nay) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016).
Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, UB thường vụ Quốc hội nhận định, đây là những dự án luật quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp và tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị, UB Thường vụ Quốc hội đồng ý cho lùi hạn trình với luật Biểu tình. Dù vậy, Thường vụ chỉ chấp nhận đề nghị Quốc hội cho lùi từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 (kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII này, dự kiến tổ chức vào tháng 3/2016).
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý.
Theo quy trình đầy đủ, một dự án luật phải làm qua 2 kỳ họp. Như vậy, nếu Quốc hội cho ý kiến lần đầu với luật Biểu tình vào kỳ họp cuối cùng của khóa này thì nhiệm vụ “quyết” đạo luật rất được mong chờ này sẽ chuyển lại cho Quốc hội khóa sau.
Còn đối với dự án Luật về hội, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ đúng hạn trình tại kỳ họp thứ 10 như Nghị quyết trước đó của Quốc hội.
Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật biểu tình, dự án Luật về hội trình Quốc hội theo tiến độ.
Video đang HOT
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, UB Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội ban hành văn bản pháp luật để thực hiện Điều 53 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Tuy nhiên, hiện nay Đề án cơ chế kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn chỉnh.
Do vậy, UB Thường vụ đề nghị Quốc hội xem xét việc ban hành văn bản quy định về vấn đề này khi sửa Luật phòng, chống tham nhũng hoặc đưa nội dung này vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Ngoài ra, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 còn được đề nghị điều chỉnh theo hướng bổ sung them 9 dự án luật. UB Thường vụ Quốc hội chỉ “gật đầu” với 2 trong số 9 dự án đó là Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp) và Luật Dược sửa đổi (sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11).
Về chương trình của 2016 (là năm cuối của của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với 2 kỳ họp kế tiếp nhau thời gian tổ chức thường chỉ giới hạn trong khoảng 2 tuần), UB Thường vụ Quốc hội xác định ba ưu tiên.
Thứ nhất là ưu tiên các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.
Ưu tiên thứ hai là các dự án tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thứ ba là những dự án còn lại thuộc chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13 mà thấy cần thiết phải ban hành và đã được chuẩn bị kỹ.
Với thứ tự ưu tiên này, dự kiến tại kỳ họp thứ 11 (dự kiến tháng 3/2016) sẽ trình Quốc hội thông qua 6 dự án, trong đó có Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí (sửa đổi)… Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14 (dự kiến tháng 7/2016) chỉ có ba dự án luật được trình cho ý kiến. Đến kỳ họp thứ 2 (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2016), Quốc hội khóa mới sẽ thông qua dự án Luật Biểu tình cho ý kiến 15 dự án khác. Trong đó có Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
P.Thảo
Theo Dantri
Lập mới 3 toà cấp cao: Không hoạt động được Chánh án tối cao chịu trách nhiệm
Thống nhất thông qua phương án thành lập 3 TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM theo đề xuất nhưng UB Thường vụ Quốc hội cũng nêu "điều kiện" với Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình là đảm bảo hoạt động của bộ máy, không làm ảnh hưởng đến công tác xét xử.
Chiều 14/5, trình UB Thường vụ Quốc hội đề án tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TAND tối cao; thành lập TAND cấp cao, số lượng TAND cấp cao và phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi TAND cấp cao, Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình đưa ra 2 phương án.
Phương án 1 là thành lập 3 toà cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Phương án 2, Chánh án tối cao xin ý kiến về việc lập thêm TAND cấp cao tại Cần Thơ.
Thẩm tra nội dung này, UB Tư pháp của Quốc hội nêu quan điểm trước mắt chỉ lập 3 toà cấp cao được trên cơ sở 3 Tòa phúc thẩm của TAND tối cao hiện nay tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM để không gây xáo trộn lớn, ổn định ngay tổ chức, tận dụng khai thác cơ sở vật chất sẵn có.
Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình phân trần, với 3 toà cấp cao lập mới, số lượng thẩm phán không tăng thêm sẽ quá tải án.
Một nguyên tắc cơ quan thẩm tra đưa ra là thực hiện đúng Kết luận số 79 và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị bảo đảm không tăng tổng biên chế, các đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có.
Đây là câu trả lời cho đề xuất tăng thêm số lượng thẩm phán tại các TAND cấp cao của Chánh án tối cao. UB Tư pháp yêu cầu các đơn vị trong ngành tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có với 120 thẩm phán.
Trước quan điểm này, Chánh án Trương Hòa Bình phân trần, việc đề nghị tăng số lượng Thẩm phán là trên cơ sở khối lượng công việc, đáp ứng yêu cầu 1 Thẩm phán thụ lý số lượng giới hạn nhất định các vụ án để tập trung chuyên sâu vào việc xét xử và dành thời gian nghiên cứu, học tập...
Ông Bình than, số lượng án hàng năm tăng rất cao (dự kiến năm 2015 có thể có tới 500.000 vụ), sẽ quá tải với số thẩm phán hiện nay, khó đảm bảo chất lượng án tuyên xử. Ngoài ra, Chánh án tối cao cũng giải thích chỉ "xin trước" số lượng biên chế vì không phải ngày một ngày hai có thể bổ nhiệm được ngay số lượng đó mà nhiều trường hợp phải mất vài năm mới hoàn thành quy trình vì cần chờ người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện mới bổ nhiệm được.
Trong buổi làm việc, Chánh án TAND tối cao cũng trình UB Thường vụ Quốc hội phê chuẩn danh sách Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; dự kiến nhân sự trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao.
Theo đó, TAND tối cao sẽ thành lập mới 3 đơn vị gồm, Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự hành chính; Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự, kinh tế, lao động, gia đình và người chưa thành niên và Vụ Pháp luật.
Về số lượng cấp phó trong hệ thống tòa án từ Trung ương đến địa phương cũng đã được quy định cụ thể, như số lượng cấp phó của TAND tối cao không quá 5, cấp phó tòa án nhân dân cấp cao không quá 4.
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc các cơ quan mới thành lập phải quyết tâm thực hiện các công việc, đảm bảo từ 1/6/2015, khi Luật tổ chức TAND 2014 có hiệu lực, bộ máy ngành tòa án đi vào hoạt động, không làm ảnh hưởng đến công tác xét xử, nếu không thì Chánh án phải chịu trách nhiệm.
UB Thường vụ Quốc hội sau đó đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về các nội dung đệ trình của TAND tối cao.
P.Thảo
Theo Dantri
Chủ tịch Quốc hội: Không cắt thưởng vượt thu ngân sách của địa phương Chiều 8/4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 37, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về luật Ngân sách nhà nước sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu không cắt phần thưởng 30% số vượt thu của địa phương nhưng phải chặt chẽ với vấn đề bội chi ngân sách. Không phải lần đầu tiên được trình...