“Luật Biểu tình đặt ra từ lâu nhưng lại chưa xây dựng”
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa bám sát vào biến động của thực tiễn để xây dựng luật cho phù hợp. Nhiều đạo luật như Luật Biểu tình là vấn đề bức xúc đặt ra từ lâu nhưng lại chưa xây dựng, chưa có lộ trình giải quyết theo trật tự ưu tiên.
Thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh năm 2018 sáng 30/5, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng những yếu kém trong công tác xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế yếu kém do việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu tác động còn hình thức, chưa đầy đủ.
Theo đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên), xây dựng luật có nhiều hạn chế kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa khắc phục được như một số dự án luật chất lượng thấp, nhiều kỳ mới thông qua, có luật phải rút ra khỏi chương trình do chồng chéo. Nhiều luật thông qua còn chồng chéo gây lãng phí thời gian.
Vị đại biểu đề nghị phát huy trí tuệ toàn dân, cơ quan thẩm định phải có quan điểm nhằm tránh việc chạy theo. Đồng thời tăng cường giám sát việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giám sát các cơ quan ban hành văn bản dưới luật và việc phổ biến triển khai luật trong đời sống xã hội.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Ảnh: QH)
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) băn khoăn trước tình trạng nhiều dự án luật đưa vào chương trình rồi nhưng “nay lại xin rút, mai xin lùi” có xu hướng gia tăng. Vì vậy phải tăng cường kỷ luật, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản và kịp thời xử lý phát sinh để tháo gỡ kịp thời. “Không để luật sau ra đời phủ nhận luật trước”- ông Lộc nói.
Cũng phản ánh về chất lượng của các dự án luật, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhận định, nhiều dự án luật dù mới đưa ra nhưng đã nhận được sự phản đối quyết liệt, gay gắt.
“Đại biểu Quốc hội đã nói, quy định pháp luật trên trời, cuộc đời ở dưới đất. Nhiều dự án luật chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng, khi đi vào cuộc sống còn làm cản trở sự phát triển của kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, xác định trách nhiệm từ ai, cơ quan nào thì hầu hết chưa làm được”- vị đại biểu Hà Nội thẳng thắn.
Chung quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận định chất lượng các đạo luật chưa đạt yêu cầu, quy trình xây dựng luật còn nhiều vấn đề mà nguyên nhân căn cốt nhất là thiếu tầm nhìn lập pháp, chưa có chiến lược dài hạn.
“Chưa bám sát vào biến động của thực tiễn để xây dựng luật cho phù hợp. Nhiều đạo luật như Luật Biểu tình, Luật về Hội là vấn đề bức xúc đặt ra từ lâu nhưng chưa xây dựng, chưa có lộ trình giải quyết theo trật tự ưu tiên nên vấn đề căn cơ lâu dài chưa giải quyết, cứ vấn đề bức xúc thì giải quyết trước”- ông Vân nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau).
Phần lớn các đạo luật được khởi xướng từ phía Chính phủ, trong khi Quốc hội là cơ quan ban hành luật, giám sát thực hiện luật còn thiếu chặt chẽ, sáng kiến lập pháp chưa có.
Video đang HOT
“Báo cáo của Thường vụ Quốc hội năm 2016 đã đưa ra thực trạng này, đưa ra cả việc xem xét trách nhiệm của người soạn thảo, trình dự án luật ra Quốc hội. Tôi cho rằng đã đến lúc Quốc hội phải có kỳ họp chuyên đề bàn nghiêm túc về kỷ luật lập pháp, có lộ trình giải quyết, dự báo quan hệ xã hội, xác định thứ tự ưu tiên ban hành luật. Hiện nay chạy theo đề xuất của Chính phủ thì vai trò lập pháp của Quốc hội ở đâu?”- vị đại biểu tỉnh Cà Mau nói và đề nghị Quốc hội phải khẩn trương chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm để chuẩn bị trình Quốc hội Luật Biểu tình, Luật về Hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thừa nhận tình trạng đại biểu nói “các Ủy ban có nể nang, có né tránh, thuận theo cơ quan trình” là có thật. Nhưng khi đưa ra Thường vụ Quốc hội có thể bị bác, yêu cầu làm lại để có các bản thẩm tra đưa ra trước Quốc hội rất thẳng thắn, trách nhiệm.
“Thường vụ cũng đã khắc phục ở khâu Thường vụ xem xét và có những dự án luật đã được Thường vụ nghe đi, nghe lại đến 4 lần”- ông Định nhấn mạnh.
Thế Kha
Theo Dantri
ĐB chất vấn Quốc hội vụ Mobifone - AVG nói gì về kết luận thanh tra?
"Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành để xảy ra sai phạm trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG" - Đây là quan điểm được ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nêu ra khi trả lời PV Dân Việt.
Kết luận thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG vừa được công bố thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Theo kết luận thanh tra, quá trình thực hiện Dự án đầu tư, Mobifone, Bộ Thông tin truyền thông (TTTT) và nhiều bộ ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Tài Chính, Công an.... đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Xung quanh kết luận này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội.
Ông Lê Thanh Vân là người đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn trước nghị trường Quốc hội sáng ngày 17.11.2017 về thương vụ AVG - Mobifone với câu hỏi :
"Từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone đã dùng vốn chủ sở hữu nhà nước để mua AVG? Giá trị đích thực của thương vụ này là bao nhiêu? Từ ngày được Mobifone mua về đến nay, AVG hoạt động như thế nào, có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra hay không?"
Đại biểu Lê Thanh Vân
Thưa ông, là người đã từng chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ TTTT trước Quốc hội về hàng loạt vấn đề khi Mobifone mua 95% cổ phần AVG, tuy nhiên thời điểm đó ông không nhận được câu trả lời cụ thể. Giờ kết luận thanh tra vụ việc đã có, ông đón nhận kết quả này như thế nào?
Thực ra, khi đọc kết luận của TTCP, tôi không ngạc nhiên, vì sau khi chất vấn 3 câu hỏi về vụ việc này trước QH, tôi và Tổng TTCP thường xuyên liên lạc với nhau về tiến độ xử lý kết luận thanh tra.
Tôi còn nhớ, sau khi chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn về vấn đề này, thì có không ít ĐBQH hỏi lại tôi "AVG là vụ gì vậy? Sao ông biết mà chất vấn".
Tôi nói ban đầu thì tôi đọc thông tin này trên mạng. Sau đó, thì tôi kiểm định thông tin trên thực tế, và sau nữa là theo dõi sự kiện. Tôi thấy, từ giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thanh tra, nhưng xem ra rất chậm.
Và, đặc biệt, đến tháng 7.2017, thì đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo công việc này trong một của họp của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng.
Đến kỳ họp thứ tư cuối năm 2017, tôi trăn trở mãi về những câu hỏi đối với vụ chuyển nhượng trái pháp luật này. Cũng có người căn ngăn tôi, nhưng cứ nghĩ đến một khoản tiền lớn từ ngân sách nhà nước, vốn dĩ là mồ hôi, nước mắt của nhân dân bị sử dụng trái pháp luật, nên tôi đã quyết định chất vấn vụ việc bằng 3 câu hỏi trước QH như mọi người đã biết.
Sau kỳ họp QH, tôi và anh Lê Minh Khái (Tổng thanh tra Chính phủ - PV) thường liên lạc với nhau để đôn đốc tiến độ thanh tra. Có thể nói, anh Khái vào cuộc rất trách nhiệm và với tinh thần cầu thị. Những ý kiến của tôi, được anh Khái trân trọng tiếp thu.
Đến ngày 8.3.2018, sau khi nghe Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo, Ban Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo rất rõ ràng, mạch lạc: "Ban Bí thư cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dự luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát".
Mấy ngày sau đó, tiến độ hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra được đẩy nhanh.
Chiều 14.3, sau khi ký bản chính thức kết luận và đăng công khai trên trang web của TTCP, anh Khái gọi cho tôi, hỏi có hài lòng không? Tôi nói rất hài lòng.
Tôi vào mạng xã hội thấy tràn ngập bản kết luận này và hầu như ai ai cũng vui mừng, vì sự việc đã được đưa ra ánh sáng.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm "khủng" của Mobifone trong thương vụ mua 95% cổ phần AVG.
Ông nói "rất hài lòng", vậy có nghĩa kết luận thanh tra đã hoàn toàn khách quan, đáp ứng được các yêu cầu pháp lý?
Với tôi, thì đây là bản kết luận khá minh bạch, phản ánh đúng sự thật khách quan. Lý lẽ, lập luận, căn cứ pháp lý để kết luận từng hành vi của các bộ, ngành và cá nhân có liên quan đều tường minh, khá thuyết phục.
Chỉ có điều, nếu như bản kết luận ấy mà đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành liên quan sẽ thuyết phục hơn.
Vì sao tôi lại nói vậy? Vì các bộ, ngành là những cơ quan hành chính nhà nước, tức là chấp hành pháp luật, điều hành pháp luật và làm việc theo chế độ thủ trưởng. Vậy nên, khi nói đến những việc đúng, sai của cơ quan, tổ chức, thì việc đầu tiên là phải nói đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Kết luận của TTCP đã kiến nghị BCT, BBT, UBKTTW xem xét, kỷ luật những cán bộ có liên quan là một kiến nghị đúng với vị thế của TTCP. Nếu các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh những sai phạm của cán bộ do mình quản lý, thì trước hết sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân, vốn dĩ đang thất vọng về việc bố trí nhân sự chưa ngang tầm nhiệm vụ.
Sau nữa, là việc xử lý nghiêm minh ấy chính là thông điệp thuyết phục nhất gửi đến những ai mà tự thấy mình tài hèn, đức mỏng nhận thức ra vị trí của mình đang ở đâu. Xử lý nghiêm minh cũng là cách để cảnh tỉnh họ, thấy mình không đảm đương được trọng trách, thì tốt nhất, nên tự giác trả lại ngôi vị cho người hiền tài. Đây cũng là cách thức để triển khai một yêu cầu đang đặt ra, là bằng thể chế chính sách để tạo ra một cơ chế tự kiểm soát quyền lực, ấy là "không thể, không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền",
Đó chính là bài học sâu sắc về công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự nói riêng được rút ra từ những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đang thụ lý giải quyết hiện nay.
Dư luận nhiều ngày qua cho rằng, vụ hủy hợp đồng mua bán giữa Mobifone và AVG đã được thiết lập sẽ khiến tình hình trở nên "dịu hơn", quan điểm của ông trước vụ việc này?
Về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa AVG và Mobifone, tuy kết luận của TTCP không đề cập đến, nhưng cũng cần xem xét ở những khía cạnh cụ thể.
Có hàng loạt câu hỏi được đặt ra ở đây: Nếu không có chỉ đạo rõ ràng, mạch lạc từ cuộc họp của Ban Bí thư, do đích thân Tổng Bí thư chủ trì, thì liệu có diễn ra và diễn ra nhanh chóng việc này không? Tại sao trong một thời gian dài, những bên có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan không tự giác xử lý? Việc hủy Hợp đồng này xuất phát từ động cơ, mục đích gì? Căn cứ vào đâu và căn cứ ấy có đủ thuyết phục không?
Xin dành việc trả lời những câu hỏi này cho các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử, như kiến nghị mà TTCP đã nêu.
Tuy nhiên, dù sao thì mục đích thu hồi tài sản của Nhà nước cũng là điều quan trọng lúc này, bởi đó là tiền thuế từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân, phải hết sức trân trọng và bảo vệ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Luật Biểu tình, cử tri sốt ruột, Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị xong Cử tri thắc mắc, Quốc hội đã có dự kiến nhưng đến nay Luật Biểu tình chưa được ban hành. UB Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, dự án luật này vẫn chưa được đưa vào... Tập hợp kiến nghị cử tri từ Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội...