“Luật An ninh mạng không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp”
Tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp Quốc hội chiều 15/6, ông Nguyễn Thanh Hồng- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh nói: “Nhiều ý kiến lo lắng Luật An ninh mạng ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng tôi khẳng định không có chuyện này, vì đây là tạo ra cơ sở pháp lý”.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và ông Nguyễn Thanh Hồng- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã trả lời các câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế.
-Phóng viên: Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã nêu rõ việc lùi dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án Luật; đồng thời giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân để hoàn thiện dự thảo. Xin hỏi việc lấy ý kiến nhân dân có tiến hành bài bản như với Bộ luật Đất đai, Bộ luật hình sự, hay vẫn tiếp thu trên cơ sở ý kiến đóng góp tại kỳ họp này?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Sau khi đã thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh luật này. Vừa qua cử tri, nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học có nhiều ý kiến đóng góp, tham gia. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng tổ chức nhiều cuộc xin ý kiến các nhà khoa học và đi tìm hiểu các đặc khu nước ngoài có sẵn để học tập.
Khi trao đổi về dự án luật có ý kiến khác nhau nên Quốc hội cho lui lại để tiếp tục nghiên cứu tiếp, trên cơ sở đó sẽ có nhiều cuộc nữa.
Vừa qua có nhiều điều khoản thấy chưa phù hợp, ví dụ như quy định cho thuê đất 99 năm có thể sẽ chỉ thực hiện theo quy định Luật Đất đai hiện hành thôi. Hay như quy định về thuế, chính sách thuế,… tới đây sẽ phải rà soát cho phù hợp.
Ý của phóng viên về việc có đưa luật này ra xin ý kiến nhân dân như Hiến pháp, Bộ luật Đất đai hay không, theo tôi chưa tới quy mô này. Trước mắt tiếp thu đầy đủ các ý kiến này đã tốt rồi để đảm bảo những yêu cầu đó.
-Tại kỳ họp này hai dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng được dư luận đặc biệt chú ý, quan tâm. Tuy nhiên, trong khi dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt đã được Quốc hội quyết định lùi lại rất nhanh thì Luật An ninh mạng lại được thông qua với số phiếu rất cao. Xin ý kiến của Tổng thư ký Quốc hội về việc này?. Ngoài ra, từ vụ việc ở Bình Thuận đã có nhiều ý kiến nói về Luật Biểu tình được đưa ra hơn 10 năm rồi nhưng vẫn chưa được xây dựng. Vậy đến khi nào Quốc hội mới bàn về Luật Biểu tình?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Bản chất của hai việc khác nhau. Luật An ninh mạng, Quốc hội đã có trao đổi, xin ý kiến của chuyên gia, cử tri.
Quốc hội lắng nghe rất nhiều, cơ quan soạn thảo, thẩm tra cũng tiếp thu rất kỹ nội dung này và đương nhiên đạt kết quả cao khi thông qua thôi. Cái chính là phải làm truyền thông để mọi người hiểu cái này bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Liên quan đến Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt thì có rất nhiều vấn đề, rộng hơn rất nhiều, cần có thời gian thêm để trao đổi thêm như tôi đã trả lời phía trên.
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Trong quá trình thẩm tra và giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý Luật An ninh mạng, Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội hết sức lắng nghe ý kiến của cử tri, chuyên gia và đặc biệt ý kiến của một số quốc gia như Mỹ, Australia, Liên minh Châu Âu, Hiệp hội viễn thông internet Châu Á-Thái Bình Dương, ý kiến của phóng viên báo chí trung ương, địa phương và cả nước ngoài. Chính vì thế nhiều vấn đề trong dự án luật mà Chính phủ trình sang đã được chỉnh lý làm sao đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng.
Không chỉ với riêng Việt Nam chúng ta, sự kiện Facebook sử dụng dữ liệu người dùng là vấn đề thách thức toàn cầu. Nhiều ý kiến lo lắng ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng tôi khẳng định không có chuyện này, vì đây là tạo ra cơ sở pháp lý.
Nhiều phóng viên cũng đặt ra câu hỏi, liệu Google, Facebook có rời bỏ Việt Nam không, thông tin chính thức tới nay hai tập đoàn này chưa có phản hồi chính thức nào để tham gia ý kiến, tham gia xây dựng Luật An ninh mạng này.
Chúng tôi cũng phấn khởi sau khi luật thông qua, nội dung dự án luật đã được truyền thông rộng rãi, sự đồng thuận rất cao trong nhận thức của nhân dân, trong việc ban hành luật này. Tôi thiết tha đề nghị các nhà báo, trên các diễn đàn, cộng động mạng phản hồi thông tin chính thức để tạo ra đồng thuận lớn nhất.
Ông Nguyễn Thanh Hồng trả lời tại cuộc họp báo.
-Được biết sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, có thông tin Hiệp hội các cơ quan internet của Châu Á – trong đó Facebook và Ggoole là thành viên- đã bày tỏ thái độ không đồng tình?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Thông tin chính thức từ Chính phủ thì chưa có thông tin về việc này. Trên cộng đồng mạng thì chúng tôi thấy đại diện Facebook đã có ý kiến sẽ nghiên cứu để triển khai nội dung quy định của luật này.
Xung quanh luật này doanh nghiệp quan tâm tới 2 nội dung, còn ý kiến khác nhau là việc đặt máy chủ tại Việt nam và lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau giữa nhiều quốc gia trên thế giới.
Báo cáo kiểm tra của Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho thấy hiện nay có 18 quốc gia yêu cầu nhà cung cấp mạng xã hội phải lưuu trữ giữ liệu người dùng tại quốc gia đó. Tháng 5 vừa rồi Liên minh Châu Âu cũng yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại các quốc gia – đó là yêu cầu vì lợi ích quốc gia.
Video đang HOT
Luật thông qua lần này chỉ lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam, theo Hiến pháp đây là quyền liên thông và được pháp luật bảo hộ, là tài sản của Việt Nam. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ bí mật người dùng tại Việt Nam. Tôi xin nhấn mạnh như thế. Nói tác động tới kinh tế, cản trở công nghiệp số, công nghiệp 4.0, theo chúng tôi thì không phải như vậy.
-Luật An ninh mạng có điều khoản cấm không được đăng tải thông tin mang tính chống đối nhà nước. Xin hỏi việc này có phải nhắm đến đối tượng chống đối Nhà nước hay không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Điều 16 Luật An ninh mạng quy định các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh quốc gia, nếu không vi phạm an ninh quốc gia thì thoải mái. Liên quan đến an ninh quốc gia thì phải cấm rồi. Chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đương nhiên phải ngăn chặn rồi.
- Có ý kiến đề nghị công bố tất cả danh tính đại biểu Quốc hội đã biểu quyết đồng ý thông qua và không thông qua Luật an ninh mạng?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Quốc hội thực hiện biểu quyết công khai kết quả và không công bố danh tính. Hiện nay thế giới có khoảng 1/4 nước công bố danh tính, 3/4 không công bố danh tính.
Vừa qua tôi tham gia vào Hiệp hội Tổng thư ký thế giới, tôi có hỏi thì họ nói tổng số 283 nghị viện thế giới chỉ có 70 nghị viện nghị quyết có danh, còn lại không có danh. Hình thức nào cũng có tích cực và không tích cực.
Tại kỳ họp, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng đề nghị có thêm hình thức có danh nhưng trong quá trình sửa nội quy họp đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị thực hiện như bây giờ. Luật pháp quy định thì chúng ta phải thực hiện như vậy.
Thế Kha (ghi)
Theo Dantri
Những hành vi nào bị cấm khi Luật An ninh mạng được thông qua?
Những điều luật gây tranh cãi trong dự thảo Luật An ninh mạng được chỉnh sửa thế nào trước khi thông qua?
Hơn 86% ĐBQH bấm nút thông qua Luật An ninh mạng
Sáng 12/6, với hơn 86% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng có 7 chương, 43 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2019.
Trước đó, trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến băn khoăn về một số điều khoản trong dự Luật, như: Điều 8 (Các hành vi bị nghiêm cấm); Điều 15 (Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 16 (Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế); Điều 24 (Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 29 (Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và đặc biệt là Điều 26 (Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng).
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết bản dự thảo luật trình Quốc hội thông qua sáng 12/6 đã được chỉnh sửa nhiều điểm so với bản được Quốc hội thảo luận tại đầu kỳ họp.
Dưới đây là nội dung các điều khoản nằm trong Luật An ninh mạng được dư luận quan tâm vừa được Quốc hội thông qua:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:
a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;
b) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng;
e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.
Điều 15. Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia
1. Hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm:a) Phát hiện, xác định sự cố an ninh mạng;b) Bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ;c) Phong tỏa, giới hạn phạm vi xảy ra sự cố an ninh mạng, hạn chế thiệt hại do dự cố an ninh mạng gây ra;d) Xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi cần ứng cứu;đ) Xác minh, phân tích, đánh giá, phân loại sự cố an ninh mạng;e) Triển khai các phương án xử lý, khắc phục sự cố an ninh mạng;g) Xác minh nguyên nhân và truy tìm nguồn gốc;h) Điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia xây dựng phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin do mình quản lý; triển khai phương án ứng phó, khắc phục khi sự cố an ninh mạng xảy ra và kịp thời báo cáo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có thẩm quyền.
3. Điều phối hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được quy định như sau: a) Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an chủ trì điều phối hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng xảy ra đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này; tham gia ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia khi có yêu cầu; thông báo cho các chủ quản hệ thống thông tin khi phát hiện có tấn công mạng, sự cố an ninh mạng;b) Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng chủ trì điều phối hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quân sự;c) Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì điều phối hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
4. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia khi có yêu cầu của lực lượng chủ trì điều phối.
Điều 16. Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
1. Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;b) Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước;c) Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
2. Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm:a) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân;b) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.
3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
4. Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm:a) Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác;b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.
5. Thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
6. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm triển khai biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
7. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp quy định tại các điểm h, i và l khoản 1 Điều 5 của Luật này để xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
8. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng và chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
9. Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia
1. Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong trường hợp sau đây:a) Khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng xâm phạm an ninh quốc gia hoặc gây tổn hại nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội; b) Khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin.
2. Đối tượng kiểm tra an ninh mạng bao gồm:a) Hệ thống phần cứng, phần mềm, thiết bị số được sử dụng trong hệ thống thông tin;b) Thông tin được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống thông tin;c) Các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước, phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật.
3. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm thông báo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trên hệ thống thông tin do mình quản lý.
4. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Trước thời điểm tiến hành kiểm tra, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thông báo bằng văn bản cho chủ quản hệ thống thông tin ít nhất 12 giờ.Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi kết thúc kiểm tra, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thông báo kết quả kiểm tra và đưa ra yêu cầu đối với chủ quản hệ thống thông tin trong trường hợp phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; hướng dẫn hoặc tham gia khắc phục khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin.
6. Kết quả kiểm tra an ninh mạng được bảo mật theo quy định của pháp luật.
7. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng quy định tại Điều này.
Điều 26. Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng
1. Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này và các thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.
2. Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:
a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng;
b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;
c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.
Điều 29. Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp không để gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin mạng gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.
4. Cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm trẻ em, quyền trẻ em.
Theo Ngọc Châu (Báo Giao thông)
Thông qua Luật Tố cáo, không chấp nhận tố cáo qua điện thoại Sáng 12/6, hơn 96% ĐBQH có mặt đã bấm nút tán thành thông qua dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi) Sáng nay, với tỷ lệ thông qua rất cao (96,10%), Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Với việc thông qua Luật...