Lừa người sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”
Thời gian gần đây, Công an tỉnh An Giang liên tiếp tiếp nhận các trình báo, vụ việc liên quan đến tình trạng người dân trên địa bàn bị lừa qua Campuchia để làm việc trong các công ty game online.
Nếu người lao động muốn trở về Việt Nam thì phải liên hệ người nhà chuyển tiền chuộc.
Đa phần các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội ( Zalo, Facebook…) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm làm “việc nhẹ, lương cao”, nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng… Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các cơ sở, tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo… trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác.
Công an xã trên địa bàn tỉnh An Giang tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Ngày 22/6, chị L.T.K.N. (SN 1986, ngụ TP Châu Đốc, An Giang) đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang trình báo về việc em trai là L.X.V. (SN 1988) vào giữa tháng 4/2022, đến TP Hồ Chí Minh tìm việc làm và bị lừa qua Campuchia.
Theo chị N., em trai chị nhiều lần gọi điện về nói nếu muốn được trở về Việt Nam thì gia đình phải lo tiền chuộc từ 6.000 – 7.000 USD. Chị N. cho biết, trong lúc V. đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh thì có quen biết với một người tên Mạnh qua Facebook.
Mạnh nói với V. sẽ giới thiệu đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) để làm thuê với tiền lương 10 triệu đồng/tháng, bao ăn, ở. Tin là thật, V. đồng ý và được xe ôtô đón tại một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh. Khi xe đến Tây Ninh, V. thấy có khoảng 20 người Việt Nam đang chờ tại một cánh đồng và tất cả được yêu cầu chạy qua cánh đồng đến Campuchia sẽ có người đón đưa về công ty. V. cùng mọi người được đưa về một căn nhà.
Tại đây V. bị bắt buộc làm quảng cáo cho game đánh bạc online và chịu sự quản lý, canh giữ của một người Trung Quốc. Ai bỏ trốn sẽ bị đánh đập, còn nếu muốn trở về Việt Nam thì gia đình phải gửi tiền chuộc từ 6.000 – 7.000 USD. Gia đình chị N. khó khăn, cha già bị bệnh nên không đủ khả năng lo tiền chuộc…
Video đang HOT
Có trường hợp gia đình đã trình báo sớm, phối hợp với cơ quan chức năng đã hướng dẫn, hỗ trợ nạn nhân được về nước an toàn. Đầu tháng 6/2022, ông N.V.S (SN 1947, ngụ TP Châu Đốc, An Giang) trình báo với Công an TP Châu Đốc về việc cháu nội là N.T.T (SN 2003) bị đưa qua Campuchia. Cụ thể, sau thời gian rời khỏi nhà đi thăm bạn, T. liên lạc với gia đình nói rằng đang cần 60 triệu đồng để chuộc thân nếu không sẽ bị đưa qua Campuchia bán thận.
Gia đình chuyển tiền vào số tài khoản T. gửi qua zalo. Một ngày sau, T. liên lạc lại gia đình và cho biết được đưa về đến Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Tiếp nhận thông tin chuyển đến từ Công an TP Châu Đốc, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang đã phân công cán bộ liên lạc với T. hướng dẫn nhập cảnh và đón xe về TP Hồ Chí Minh bố trí lưu trú, đồng thời hỗ trợ gia đình đón T. về nhà an toàn.
T. trình bày với cơ quan Công an, do cần tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân nên đã lên Facebook tìm các thông tin để bán thận. Trong hội nhóm công khai “Hiến thận hiến gan – giấu bố mẹ”, T. thấy bài viết của tài khoản tên “Quang Nhật” với nội dung: “Nhận làm thận không pháp lí, nhận anh em trốn nợ, trốn án, ai có nhu cầu inbox mình”. T. nhắn tin cho tài khoản “Quang Nhật” thì được trả lời giá bán thận từ 380 – 440 triệu đồng, việc bán thận diễn ra tại Campuchia. Ít ngày sau, khi đang đi thăm bạn ở Vũng Tàu, T. liên lạc lại với “Quang Nhật” thì được đưa ra 2 phương án là bán thận hoặc làm phụ xe cho “Quang Nhật” với số tiền 5 triệu đồng/chuyến, mỗi ngày 2 chuyến đưa người qua lại Campuchia. T. chọn phương án làm phụ xe. Tối đến, T. được tài khoản Zalo tên “Mei Cee” kết bạn, xin thông tin, số điện thoại và hướng dẫn T. di chuyển đến điểm đón tại TP Hồ Chí Minh.
Đến TP Hồ Chí Minh, T. được một người đàn ông mặc đồ Grab chạy xe máy chở đến khách sạn Thiên Phú (quận Tân Bình). 30 phút sau, xe ôtô 7 chỗ đến đón T.Trên đường sang Campuchia, T. phải thay đổi nhiều phương tiện và đi bộ qua nhiều cánh đồng, đến trưa hôm sau thì đến Campuchia. Tại đây, có người phụ nữ Việt Nam ra đón và đưa về một căn nhà với nhiều người khác. Thấy không đúng với những gì đã thỏa thuận với “Quang Nhật”, T. đã liên hệ lại “Quang Nhật” thì được trả lời vòng vo rồi tắt máy, chặn T. T. được người phụ nữ nói là đã bị bán với số tiền 2.500 USD, nếu muốn về Việt Nam thì phải đưa 60 triệu đồng…
Thượng tá Nguyễn Hữu Thơ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang cho biết, đầu năm đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận 5 vụ trình báo và nhờ Công an giải cứu người thân trên địa bàn An Giang bị lừa bán sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức. Có trường hợp đã được gia đình chuyển tiền chuộc và được đơn vị hướng dẫn hỗ trợ về nhà an toàn. Thượng tá Nguyễn Hữu Thơ khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Quan trọng là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.
Giải cứu nhiều nạn nhân bị lừa sang nước ngoài làm việc
Thời gian gần đây, mà đặc biệt từ tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng nhiều công dân được người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia lao động với mức thu nhập cao.
Thế nhưng, thực tế khi đặt chân đến "miền đất hứa", những công dân này bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, casino, game online, bị cưỡng bức lao động.
Thậm chí có người đã phải trả giá bằng cả tính mạng. Người nào muốn trở về quê thì phải nộp cho chủ một khoản tiền rất lớn... Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang còn ảo tưởng về chốn "việc nhẹ, lương cao" trên đất Campuchia...
"Trái đắng" trên miền đất hứa...
Những ngày gần đây, gia đình ông Tr.V.Tr., thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa bao trùm không khí u buồn kể từ khi nhận được tin người con trai Trần Văn Hiếu (SN 2002) đã mất trên đất Campuchia. Gạt dòng nước mắt, ông Tr., kể: Đầu năm 2022, Hiếu đi làm công nhân ở Bắc Ninh, Bắc Giang rồi được một người bạn giới thiệu sang Campuchia làm việc. Trước ngày đi, Hiếu đi có gọi điện về nhà nói sang Campuchia làm việc, còn làm việc gì thì Hiếu không nói rồi sau đó mất liên lạc.
Công an làm việc với gia đình ông Tr.V.Tr., thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, có con sang Campuchia lao động trái phép.
Một thời gian sau, vào đầu tháng 5/2022, một người bạn của Hiếu gọi điện về cho gia đình ông Tr. và nói muốn đưa Hiếu về thì phải nộp tiền chuộc cho công ty bên Campuchia 76 triệu đồng bằng cách gửi tiền vào tài khoản. Hơn 20 ngày sau (ngày 24/5/2022), ông Tr. nhận được tin từ bạn của Hiếu gọi điện thoại về nói Hiếu bị đánh đập dẫn đến tử vong. Muốn nhận được xác con về thì phải thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia can thiệp.
Trường hợp Tr.Tr.D., (SN 2003, trú tại TP Sầm Sơn) cũng vừa trở về sau khi nộp cho chủ sòng bạc bên Campuchia số tiền 140 triệu đồng. D kể về hành trình sang xứ người: "Em được một người giới thiệu vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Ở TP Hồ Chí Minh, ông chủ nơi làm hỏi có muốn đi làm ở Campuchia không? Công việc là bưng bê nước, dẫn khách vào casino, mức lương 20 triệu đồng/tháng". Từ lời giới thiệu, D và một người bạn đã đồng ý sang Campuchia. Không cần giấy tờ, không cần tiền, mọi chi phí sang Campuchia làm việc đều được người đàn ông này lo hết. Ngày 14/1 âm lịch năm 2022, D cùng bạn và người đàn ông đi xe 4 chỗ từ TP Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Long Bình (An Giang) và được đưa vào sòng bạc gần khu vực cửa khẩu.
Bước qua cánh cửa sòng bạc cũng là lúc D và người bạn đã không liên lạc được với người đàn ông đi cùng nữa và được thông báo đã bị bán với số tiền 2.700 USD/người, phải ở lại làm việc để trừ nợ. Làm việc cho cơ sở casino được 3 tháng với nhiệm vụ bưng bê nước phục vụ khách đến chơi thì D được thông báo bị bán tiếp cho một công ty khác với giá 4.600 USD. Công việc hằng ngày của D và người bạn đi cùng là ngồi máy tính, tư vấn đánh bạc cho khách và bị ép làm việc đến 2-3 giờ sáng, liên tục bị kiểm tra, đe dọa. Mọi sinh hoạt đều ở tại nơi làm việc và không được đi ra ngoài.
Trong khoảng thời làm việc, D không hề nhận được một đồng lương nào, lí do trừ vào chi phí sinh hoạt và tiền môi giới sang Campuchia. D và người bạn xin nghỉ việc thì được ông chủ sòng bạc nói phải nộp tiền chuộc với số tiền 140 triệu đồng/người, nếu không sẽ bị bán tiếp sang công ty khác. Sau khi cầu cứu gia đình nộp đủ tiền, ngày 7/6/2022, D và người bạn được trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Thủ đoạn cũ, "con mồi" mới
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa, tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có tổng số 381 trường hợp sang Campuchia lao động trái phép. Trong đó có 179 trường hợp đã trở về nước (bao gồm 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, casino, cơ sở game online được cơ quan chức năng giải cứu, 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc về nước trong năm 2022). Hiện nay còn 202/381 trường hợp lao động trái phép tại Campuchia, trong đó bước đầu xác định có 86 trường hợp thuộc diện xuất cảnh trái phép, 21 trường hợp đang bị khống chế, cưỡng bức lao động trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến, game online.
Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Qua xác minh, đấu tranh bước đầu chúng tôi nhận thấy phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia là lợi dụng mối quan hệ quen biết với nạn nhân hoặc thông qua ứng dụng mạng xã hội facebook, Zalo để đăng thông tin dụ dỗ, lôi kéo các bị hại sang Campuchia làm những công việc nhẹ nhàng, lương cao với mức lương từ 700 - 1.000 USD/tháng.
Nạn nhân mà các đối tượng này hướng tới là những thanh, thiếu niên, không có việc làm ổn định, ham chơi, đua đòi, thích hưởng thụ. Để củng cố niềm tin với các nạn nhân, các đối tượng môi giới chủ động mua vé máy bay và gửi cho nạn nhân một số tiền nhất định để phục vụ chi phí đi lại, sinh hoạt. Việc làm này cũng nhằm ấn định thời gian để thuận tiện trong tổ chức đưa người xuất cảnh ở biên giới Tây Nam sang Campuchia.
Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Công an trong tỉnh Thanh Hóa cũng đã điều tra làm rõ 4 vụ/8 đối tượng có hành vi đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia xảy ra trên địa bàn huyện Nông Cống, Thường Xuân, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn. Trong đó đã kết luận vụ án, chuyển Viện KSND các cấp đề nghị truy tố 2 vụ, 2 bị can. Trong tổng số 4 vụ đã khởi tố điều tra có thể nhắc đến trường hợp L.Q.M (thị xã Nghi Sơn).
Theo báo cáo của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, vào hồi 15h30 ngày 3/3/2022, trực ban hình sự tiếp nhận đối tượng L.Q.M (SN 1989, trú tại thị xã Nghi Sơn) đến tự thú và khai nhận: Vào tháng 3/2021, M. đã tổ chức cho 3 công dân ở thị xã Nghi Sơn và huyện Nông Cống trốn sang Campuchia để lao động. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập, ngày 4/3/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Ngày 7/3/2022 ra quyết định khởi tố bị can đối với L.Q.M về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" quy định tại khoản 1, Điều 349 Bộ luật Hình sự.
Tiếp đó, ngày 14/6/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận đơn xin đầu thú của đối tượng T.N.C (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn). T.N.C khai nhận đã rủ rê, lôi kéo, hướng dẫn cho 4 người vượt biên trái phép sang Campuchia và sẽ làm việc trong văn phòng, chủ yếu sử dụng máy tính với mức lương 500USD (khoảng 12 triệu đồng/tháng), không cần chuyên môn, không có hộ chiếu, đi theo đường tiểu ngạch vượt biên trái phép và không phải chuẩn bị kinh phí... Hiện, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác minh, điều tra củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý đối tượng.
Bên cạnh việc tiếp tục xác minh, điều tra củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng nghi vấn trong đường dây môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia và lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến đã phát hiện trên địa bàn, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện chính sách bảo hộ, giải cứu công dân bị khống chế, cưỡng bức lao động tại Campuchia trở về nước và tổ chức công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh sang Campuchia.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Công văn số 654-CV/TU về việc việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia và lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến.
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị mọi công dân đề cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình mình. Theo đó, cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân hoạt động tuyển dụng trên mạng không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân Việt Nam, tổ chức nhập cảnh sang Campuchia qua đường tiểu ngạch; từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không quen.
Hãy tuyên truyền, cảnh báo cho những người xung quanh về thủ đoạn của tội phạm buôn bán người; hiểu rõ hậu quả khi là nạn nhân của mua bán người. Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ với số điện thoại: 855-974056789 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân: 84-981848484.
Phát hiện nửa tạ ma tuý được "tàng hình" trong thùng lươn sống từ Campuchia về Việt Nam Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng đã giấu nửa tạ ma túy dưới thùng lươn sống để vận chuyển từ Campuchia qua tỉnh Long An, rồi đưa về TP.HCM tiêu thụ. Ngày 20/12, thông tin từ Đoàn 3 - Cục phòng chống ma túy, tội phạm - Bộ Tư lệnh biên phòng cho biết, đơn vị này phối hợp...