Lừa ký hợp đồng phát sóng quảng cáo trên truyền hình
Ngày 5.8, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt hai bị cáo Hoàng Anh Tiến (32 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) 14 năm tù và Hồ Bích Hằng (27 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) 11 năm tù, cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. HĐXX cũng buộc hai bị cáo liên đới bồi thường số tiền gần 1,3 tỉ đồng đã chiếm đoạt của bị hại.
Hai bị cáo đang nghe HĐXX tuyên án – Ảnh: Phan Thương
Theo cáo trạng, Tiến và Hằng sống chung như vợ chồng và thành lập Công ty TNHH Quả Cầu Vàng (trụ sở đặt tại Q.1, TP.HCM) kinh doanh về dịch vụ quảng cáo.
Năm 2012, cả hai ký hợp đồng quảng cáo với Công ty TNHH CP hàng tiêu dùng Provence. Theo hợp đồng, Công ty Quả Cầu Vàng có nhiệm vụ phát sóng quảng cáo sản phẩm của Công ty TNHH CP hàng tiêu dùng Provence trên hệ thống các đài truyền hình SCTV, HTV, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội với số lượng và thời gian nhất định theo thỏa thuận.
Nhưng thực tế, Tiến không thực hiện đầy đủ số lượng phát sóng như hợp đồng và còn làm giả giấy chứng nhận phát sóng của 3 kênh truyền hình trên nhằm hợp thức hóa số lượng ghi trong hợp đồng, tạo niềm tin với Công ty Provence rằng đã phát sóng quảng cáo sản phẩm đầy đủ để chiếm đoạt gần 400 triệu đồng.
Đáng chú ý, Tiến và Hằng còn ký hợp đồng thực hiện phát sóng quảng cáo sản phẩm cho Công ty TNHH SX-TM Đại Việt Hương chi nhánh Vĩnh Long để chiếm đoạt gần 750 triệu đồng.
Phan Thương
Video đang HOT
Theo Thanhnien
Ma trận quảng cáo cá độ bóng đá online kiểu "sấm trạng túc cầu"
"Công nghiệp" cá độ thể thao trực tuyến đang trong thời kỳ chuyển giao từ "cơ chế một cửa" sang "tay ngang". Bất cứ ai, có tiền hay không, cũng có thể trở thành "ông trùm" hút máu các con độ khác...
Và để quá trình ấy diễn ra với tốc độ chóng mặt, không thể không kể đến sự giúp sức đắc lực của "công nghệ" quảng cáo, PR cho các trang web cá độ, hầu hết núp bóng trang tin, quảng bá trá hình, chiêu dụ con độ...
Những "ông trùm" trong hoạt động quảng cáo cá độ
Ở Việt Nam, từ trước đến nay, tất cả các hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào đều được xem là bất hợp pháp. Luật pháp cũng quy định rõ về việc cấm tuyên truyền, phổ biến, quảng cáo cho hoạt động cá độ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có vô số các website đang ngang nhiên "treo" banner, "giăng" biển quảng cáo và các đường link cá độ trên giao diện trang chủ của mình.
Bongdaso.com - "anh cả" của ngành công nghiệp quảng cáo cá độ trực tuyến.
Trang web tiêu biểu nhất cho loại hình quảng cáo cá độ bóng đá trá hình tính đến thời điểm này, được điểm mặt chính là trang bongdaso.com. Đây là một trong những trang web thể thao có số lượng người truy cập "khủng" nhất tại Việt Nam hiện nay, với 307.687 thành viên và hơn 7 triệu bài viết. Ngoài việc cập nhật những tin tức nóng nhất về các hoạt động thể thao trong ngày, trong nước và thế giới, đây còn là kho dữ liệu kết quả các trận đấu, thông số cầu thủ, câu lạc bộ quy mô nhất tại Việt Nam. Không chỉ vậy, trang web bongdaso.com còn là một trong những công cụ đắc lực nhất cho việc "truyền bá" cá độ online tại Việt Nam từ trước tới nay.
Chỉ tính riêng trên giao diện trang chủ hiện tại của trang bongdaso.com, đã có ít nhất 10 banner quảng cáo cho các nhà cái cá độ quốc tế. Mỗi banner là một đường link dẫn trực tiếp đến giao diện trang chủ của nhà cái, kèm theo đó là những chỉ dẫn cụ thể từ cách lập tài khoản, gửi tiền, đến đặt cược như thế nào... Chưa kể những hộp thoại thường trực ở hai góc màn hình mà khách truy cập luôn phải kích vào để tắt đi nếu không muốn hộp thoại ấy che đi phần thông tin mình muốn đọc.
Tuy nhiên, ngay cả hộp thoại ấy nếu không biết tắt đúng cách, thì khách truy cập "click" vào hộp thoại ấy cũng sẽ dẫn đến một trang web cá độ liên kết khác. Cách duy nhất để tắt hộp thoại này là cố gắng đợi khoảng 3-5 giây, sẽ có một dấu X màu đen, nhỏ hơn, nằm ngay phía trên dấu X lớn. Chỉ khi click vào dấu x nhỏ này thì hộp thoại mới biến mất. "Đây là một thủ thuật được dùng khá phổ biến trên các trang web quảng cáo cá độ hiện nay", Đ.T. (27 tuổi, trú Đà Nẵng), một nhân viên kỹ thuật tiết lộ.
Không chỉ ngang nhiên "giăng" ma trận banner quảng cáo để "câu" con độ, ban quản trị bongdaso.com còn lập ra các chuyên trang dự đoán kết quả tỉ số các trận đấu, tư vấn về tỉ lệ kèo trên dưới, tài -xỉu, cùng với đó là những thang điểm chấm cụ thể cho các thành viên tham gia dự đoán. Những thành viên có số điểm cao nhất sẽ nhận được các phần thưởng hấp dẫn. Đặc biệt, từng có thời điểm bongdaso.com còn xây dựng và phát triển hẳn một chuyên trang với tên gọi "Sấm Trạng Túc Cầu".
Bóc mẽ bản chất những diễn đàn trá hình
Bongdaso.com có thể coi là con cá lớn trong ngành "công nghiệp" quảng cáo cá độ online, tại Việt Nam hiện nay. Nhưng không có nghĩa trang web này tự do thao túng thị trường quảng cáo cá độ, mà thực chất miếng bánh này đã "chia nghìn, xẻ vạn từ mấy năm trước. Những trang tin thể thao, cập nhật tin tức nóng hổi kiêm quảng cáo cá độ online theo kiểu của bongdaso.com ở Việt Nam không hiếm. Có thể điểm mặt một số "kẻ chia phần" trong làng trang tin "dỏm" như bong- dainfo.com, keobongda.vn, bongdatv.net...
Quảng cáo cá độ online núp bóng trang thông tin tổng hợp bongdainfo.com.
Diễn đàn cadovn.com bén duyên cùng nhà cái 188bet và M88.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, các trang tin kiểu này đa phần đều hoạt động theo phương thức dịch từ các báo điện tử nước ngoài nhưng chủ yếu vẫn là dẫn nguồn, thậm chí "xào nấu" bài viết của các báo chính thống về làm "của riêng".
Hầu hết các trang web dạng này đều không khai báo thông tin đăng ký tên miền, quyền sở hữu hoặc cố tình đăng ký sai lệch thông tin, đề phòng bị "tuýt còi" xử phạt. Chưa kể, các nhà cái trả cho chủ trang web để quảng cáo site cá độ của mình. Các trang tin thể thao tổng hợp không phải là những kẻ duy nhất muốn "nuốt" miếng bánh quảng cáo cá độ online mà các diễn đàn thể thao, đặc biệt là diễn đàn bóng đá đang nổi lên như một thế lực thực sự trong việc "câu" các hợp đồng quảng cáo kếch xù từ nhà cái quốc tế.
Theo tìm hiểu của PV, hai "ông lớn" trong hệ thống diễn đàn bóng đá Việt Nam hiện nay đang là AsianBookie Việt Nam và Cadovn.com. Trong đó, AsianBookie Việt Nam là một nhánh của diễn đàn AsianBookie nổi tiếng nhất châu Á, còn diễn đàn Cadovn.com là cộng đồng con độ "thuần Việt", số lượng thành viên của các diễn đàn này vào lúc cao điểm lên đến hàng chục thành viên, mà hầu hết là con nghiện cá độ. Một bài PR của một thành viên uy tín sẽ kéo rất nhiều con độ tới đánh độ tại nhà cái đó. Ngược lại, chỉ một thông tin bất lợi sẽ khiến con độ đùng đùng nổi giận, tẩy chay bất cứ nhà cái nào.
"Do đó, một banner quảng cáo đặt trên giao diện trang chủ của diễn đàn này có tác dụng gấp hàng chục lần các trang tin điện tử khác. Và số tiền nhà cái phải bỏ ra cho đội ngũ ban quản trị các diễn đàn này để lấy hợp đồng quảng cáo cũng cao hơn rất nhiều. Dao động tầm 50 triệu đồng/tháng hoặc 15 triệu/tuần. Tuy nhiên, một nguyên tắc mà không chỉ chúng tôi mà cả "đối thủ" AsianBookie đều áp dụng là không khai báo thông tin trang web, lý do thì ai cũng hiểu rồi đấy", Fiu_Xiu (Admin của diễn đàn Cadovn.com) tiết lộ.
Ngoài ra, công nghệ quảng cáo online còn có sự hiện diện của một đội ngũ IT, chuyên chia sẻ đường link của các nhà cái quốc tế lên các mạng xã hội, lập cả Fanpage để quảng cáo cá độ... Điều này đã gây không ít hệ lụy cho nhiều gia đình và cho cả xã hội vì các trang này tiếp tay cho nạn cờ bạc, vốn được xem là "mầm" của không ít loại tội phạm, gây bất ổn xã hội.
Quảng cáo cá độ là bất hợp pháp Trao đổi với PV, luật sư Phạm Văn Phúc (văn phòng Luật sư Dân Phúc) cho biết: "Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì dịch vụ cá độ vẫn là dịch vụ bị cấm kinh doanh. Do đó, theo khoản 1, Điều 7, luật Quảng cáo năm 2012 thì hành vi quảng cáo dịch vụ cá độ là hành vi bị pháp luật cấm. Tại khoản 2, Điều 50, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH VÀ QUẢNG CÁO thì hành vi quảng cáo dịch vụ bị cấm kinh doanh này có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng". Ngoài ra, cá nhân tổ chức thực hiện hành vi quảng cáo như trên còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại điểm h, khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Nguyễn Hưng
Theo_Người Đưa Tin
Từ một cú click, triệu tin nhắn rác "quấy quả" người dùng Rao bán chào mua các dự án bất động sản, tải nhạc, trò chơi, quảng cáo sim số đẹp, thậm chí tung cả tin đồn chính trị... là "nghìn lẻ một" kiểu tin nhắn rác đang trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều chủ thuê bao di động. Với cách thức phát tán vô cùng đơn giản, mức giá mỗi tin nhắn...