Lựa hái quả chín, giá cà phê honey ở đây luôn cao hơn 10.000 đ/kg
Năm 2016, HTX Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) lần đầu tiên nhận được hỗ trợ từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Với nguồn vốn 50% từ dự án, còn 50% do nông dân đóng góp, HTX Quyết Tiến đã lắp đặt hệ thống công nghệ tưới nước tiết kiệm tại một số vườn rẫy của các thành viên.
Ông Nguyễn Ngọc Trìu – thành viên HTX Quyết Tiến cho biết: “Nhà tôi hiện có 2ha cà phê lắp đặt hệ thống tưới nước tự động được 1 năm nay. Với hệ thống mới, nhà tôi giảm được rất nhiều công tưới. Nó đặc biệt hữu ích trong mùa khô hạn vì tiết kiệm nước mà độ ẩm vẫn đảm bảo”.
Nhà màng sử dụng trong chế biến cà phê bán ướt tại HTX Quyết Tiến. Ảnh: P.L
Nhìn nhận những thay đổi lớn về cách thức chăm sóc cây cà phê, ông Trương Hoàng Trung – Chủ tịch HĐQT HTX Quyết Tiến khẳng định: “Với hệ thống tưới nước tiết kiệm, người làm cà phê không còn vất cả như trước. Lượng phân bón được sử dụng rất cân đối, tiết kiệm được hơn 40% nhờ hệ thống tự động, tránh tồn dư trong đất. Lượng nước cho từng cây cũng được đồng hồ đo đạc vừa đủ giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm điện”.
Ông Trung cũng cho rằng, từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ đã làm thay đổi nhanh chóng tư duy làm nông nghiệp của người nông dân ở Cư M’gar. Với cách phơi và xay xát cà phê truyền thống, giá bán sản phẩm trên thị trường những năm gần đây khá ảm đạm.
“Nhờ được dự án VnSAT đầu tư các loại máy móc và nhà màng để chế biến cà phê theo phương pháp bán ướt (honey), giá trị hạt cà phê đã được nâng cao. Giá bán cà phê honey nhân xanh ở thời điểm thấp nhất luôn cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với cà phê thương phẩm” – ông Trương Hoàng Trung nói.
Video đang HOT
Theo đó, các thành viên của HTX chọn hái cà phê chín thay cho thu hái ồ ạt. Quả cà phê sau khi hái được đưa qua máy, lựa ra quả chín đạt 90% để sơ chế, phơi trong nhà màng với nhiệt độ ổn định sẽ cho ra hương vị đặc trưng. Năm 2019, sản lượng cà phê chất lượng cao của HTX Quyết Tiến đạt 60 tấn, được các công ty đặt hàng, mua hết từ rất sớm.
Từ Dự án VnSat, HTX được hỗ trợ vốn đối ứng 50% cho thiết bị chế biến, hệ thống tưới. Với một số hạ tầng khác, VnSAT hỗ trợ 80% kinh phí. Sau 4 năm, qua 3 đợt, tổng nguồn vốn mà dự án đã hỗ trợ cho HTX này đã lên đến gần 8 tỷ đồng.
Ông Trung cũng cho biết thêm, HTX Quyết Tiến đang xây dựng 1 nhà sơ chế, 1 nhà kho và 1 sân phơi rộng 2.000m2 tại xã Quảng Hiệp, tổng dự toán khoảng 3,65 tỷ đồng từ nguồn vốn của VnSAT.
HTX Quyết Tiến thành lập vào tháng 6/2015, đến nay có 150 thành viên với diện tích 230ha trồng cà phê và xen canh cây ăn quả. HTX định hướng xây dựng chuỗi sản xuất bền vững với 30 thành viên đang chuyển dần canh tác cà phê theo phương pháp hữu cơ như: Cắt cỏ bằng máy, giảm dần lượng phân bón hóa học, dùng thay thế bằng phân vi sinh và các loại thuốc từ chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của HTX… nhằm nâng cao giá trị hạt cà phê tại Cư M’gar.
Theo Danviet
Đắk Lắk mời 16 giám khảo nếm thử, tuyển chọn cà phê đặc sản
Sản xuất cà phê đặc sản đang được tỉnh Đăk Lăk- thủ phủ cà phê Việt Nam- chú trọng. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm khai thác một phân khúc mới của thị trường cà phê có giá trị cao hơn.
Tìm kiếm cà phê đặc sản
Nhằm mục đích phát hiện và tôn vinh những lô cà phê và đơn vị sản xuất cà phê nhân đạt tiêu chuẩn đặc sản, từ ngày 1- 8/3, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã tổ chức cuộc thi Cà phê đặc sản năm 2020. Đây là lần thứ hai hiệp hội tổ chức cuộc thi này với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân trong chuỗi cung ứng cà phê trong nước và quốc tế.
Các giám khảo nước ngoài được mời đánh giá cà phê tại cuộc thi. Ảnh: Duy Hậu
Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cuộc thi đã thu hút được 36 đơn vị đến từ các tỉnh Tây Nguyên và Sơn La tham gia gửi 56 mẫu dự thi (trong đó có 33 mẫu cà phê Rubusta và 22 mẫu cà phê Arabica).
So với lần thứ nhất, cuộc thi Cà phê đặc sản lần thứ hai được cải tiến, tổ chức bài bản hơn. Cuộc thi đã mời được 4 giám khảo nước ngoài và 12 giám khảo trong nước. Các giám khảo tham gia thử nếm đều bảo đảm yêu cầu của Hiệp hội Cà phê hảo hạng Mỹ (SCA) là có chứng nhận Q-Grader do SCA cấp.
Các mẫu cà phê trước khi đưa vào thử nếm chính thức sẽ được đánh giá vật lý để loại bớt những mẫu xấu. Nhằm đảm bảo tính khách quan, các mẫu tham dự cuộc thi sẽ được mã hóa hai lần trước và sau khi rang xay.
Ngoài ra, cuộc thi còn tổ chức 2 phiên thử nếm dành cho bên mua là những nhà rang xay, thu mua và cho chính các đơn vị tham gia cuộc thi.
"Mục đích của việc này, đối với nhà rang xay, thu mua là để họ chọn được những mẫu mình thích nhất. Đối với đơn vị dự thi, việc thử nếm nhằm để đối chiếu, rút kinh nghiệm, điều chỉnh quá trình sản xuất, chế biến của mình để làm cà phê đặc sản tốt hơn"- ông Minh nói.
Giải pháp nâng cao giá trị
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk, ngoài mục đích tôn vinh những lô cà phê đặc sản, cuộc thi Cà phê đặc sản năm 2020 còn hướng đến mục tiêu kết nối trực tiếp nhà nhà rang xay với đơn vị sản xuất cà phê đặc sản. Cuộc thi còn tạo động lực cho người trồng cà phê quan tâm đến việc nâng cao chất lượng; bước đầu phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ và giá trị gia tăng cho cà phê đặc sản của Việt Nam.
Theo ông Trịnh Đức Minh, sau cuộc thi, Ban tổ chức sẽ chọn những mẫu tốt nhất (dự kiến 6 mẫu) để gửi đi các Viện chất lượng cà phê quốc tế cho Hội đồng thử nếm quốc tế thử. Sau đó, các mẫu này sẽ được tiếp tục gửi cho các nhà rang xay quốc tế để chào hàng.
Cũng theo ông Minh, thông tin từ những nhà sản xuất, cung ứng, các lô cà phê đạt chứng nhận đặc sản trong cuộc thi lần thứ nhất đã có giá bán cao hơn thị trường từ 2-3 lần tùy theo điểm đạt được. 3 năm vừa qua, ngành cà phê thế giới cũng như Việt Nam đều trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn, do giá cà phê thấp. Cho nên, việc làm cà phê đặc sản coi như là một trong những giải pháp cần thiết, mới để khai thác một phân khúc thị trường có giá trị cao hơn.
Đối với cuộc thi năm nay, các nhà sản xuất cà phê đặc sản đã tổ chức mua của nông dân những quả cà phê chất lượng cao với giá rất cao. Như vậy, đối với nông dân, nếu không đủ điều kiện để chế biến sau thu hoạch, họ chỉ cần bán quả đã có một khoản tiền chênh lệch lớn so với giá thương mại. Trong khi đó, nông dân không phải đầu tư cho khoản chế biến sau thu hoạch.
"Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 đã đem đến những hiệu ứng tích cực cho ngành hàng. Bản thân người sản xuất, kinh doanh cà phê ngày càng quan tâm đến vấn đề chất lượng và tự tin với sản phẩm của mình, họ thể hiện mong muốn gắn bó với cà phê bằng hành động, cùng tìm giải pháp phát triển ngành trong bối cảnh giá cả thị trường khó khăn. Cuộc thi năm nay tiếp tục giới thiệu sản phẩm cà phê nhân đặc sản của Việt Nam đến với người tiêu dùng, nhà rang xay trong và ngoài nước; kết nối trực tiếp nhà rang xay với đơn vị sản xuất cà phê đặc sản; bước đầu phát triển thị trường, nâng cao giá trị tăng cho cà phê đặc sản Việt Nam"- ông Minh nói.
Theo Danviet
Café sữa đá Việt Nam lọt danh sách những cốc cà phê ngon nhất thế giới Cà phê là một phần văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Thật thú vị khi cà phê sữa đá Việt Nam được trang web du lịch Cntraveler xếp vào danh sách những cốc cà phê ngon nhất thế giới. 1. Cafe sữa đá, Việt Nam Cốc cà phê kiểu cổ điển của Việt Nam phổ biến rộng rãi trên toàn...