Lúa gạo ướt nhoẹt bùn đất, dân ăn mì tôm chống đói
Vét lại một ít lúa, gạo dự trữ bấy lâu bị vùi lấp trong đống bùn, đất nhão nhoẹt, bốc mùi, nhiều người dân chỉ biết ngậm nước mắt vào trong. Để cầm cự với bão lũ, họ phải ăn mì tôm qua bữa…
Cơn lũ và lốc xoáy đi qua đã cuốn trôi, làm hư hại toàn bộ lương thực bấy lâu người dân quần quật, lam lũ mới làm được. Từng bao lúa được đánh đổi biết bao mồ hôi của nông dân nay bị ngâm nước và bùn, đất, một số bị lên mầm…khiến người dân vùng lũ đang đối diện với nguy cơ thiếu đói dài ngày.
Những ngày sống với người dân vùng lũ, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một thực trạng đến nghẹn lòng. Bão, lũ đi qua đã gieo thêm nỗi đau cho những phận nông dân quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Người nông dân vốn đã cơ cực, nay bị thiên tai hành hạ khiến họ càng rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Lốc xoáy đã khiến hàng trăm ngôi nhà dân bị sập đổ, hư hỏng nặng
Tại xã Quảng Sơn và Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, mưa, lũ đã gây thiệt hại quá nặng nề. Chỉ trong phút chốc, toàn bộ gia sản làm được bấy lâu đã tan tành theo mây khói. Mất người, tài sản bị hủy hoại… là những đau đớn thể hiện rõ bên ngoài ai cũng nhìn thấy được. Còn bên trong là cảnh đói, rét… đang từng ngày hiện hiện, đe dọa cuộc sống người dân vùng lũ.
Đối với người nông dân, các loại gia súc, gia cầm là “cơ nghiệp” làm ra lương thực, của cải. Ấy thế mà cơn lũ đi qua, rất nhiều gia súc, gia cầm của người dân cũng bị cuốn đi theo, mất đi phương tiện kiếm sống cũng đồng nghĩa với cái đói đang cận kề. Thêm vào đó, số lương thực được họ tích trữ bấy lâu cũng đã bị hư hại hoàn toàn.
Chị Lan đưa số lúa, gạo bị ướt ra phơi gió mong cầm cự được vài ngày
Đang vớt lại ít lúa, gạo từ trong đống đổ nát, để đem phơi gió mong cầm cự được thêm vài ngày, chị Nguyễn Thị Lan nói trong nghẹn ngào: “Vợ chồng tui lam lũ cả năm trời mới trữ được mấy tạ lúa để đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho cả gia đình. Thế nhưng, giờ đã bị ướt sũng hết cả, chỗ thì dính đầy bùn đất, chỗ thì lên mầm, ngay cả ít gạo vừa xay trước bão giờ cũng mốc meo, lên men rồi. Còn vài tháng nữa mới đến vụ mới nhưng từ đây đến lúc đó không biết lấy gì để ăn, lấy gì để sống”.
Bà Liến đau đớn nhìn số lúa, gạo bị ướt sũng trong nước
Video đang HOT
Còn vợ chồng ông Lới, bà Liến cũng đã ngoài 70 tuổi, làm được mấy bao lúa để dành giờ cũng đành ngậm ngùi chua xót. Toàn bộ lúa gạo được ông cất giữ rất cẩn thận, nhưng trận lốc vừa qua đã đánh sập tường nhà, mưa lũ tràn vào khiến lúa gạo cũng bị ướt và lên mầm. Mở cho tôi xem bao gạo vừa đi xay cách đó mấy ngày, bà Liến chảy nước mắt khi thấy chúng đã mốc meo và lên mùi chua. Bà không biết những ngày tới lấy gì mà sống tiếp.
Chị Trần Thị Tình cho biết, do lốc xoáy vừa quét qua gây sập hết nhà cửa của người dân. Thêm vào đó, lũ lại ập đến bất ngờ, mưa xối xả khiến người dân chúng tôi quay cuồng, không kịp đưa tài sản đi bảo quản. “Nhà nào nhanh thì sơ tán được bao gạo mà sống tạm vài ngày, tuy bị ướt chút ít nhưng còn ăn được, còn không thì chịu hư hỏng hết. Cũng may là còn bảo toàn được mạng sống. Tui cũng chưa biết lấy tiền đâu mà đong gạo trong những ngày tới đây” – chị Tình lo lắng.
Để kịp thời giúp người dân, ngay sau khi cơn lũ đến, chính quyền các địa phương, các cơ quan, ban ngành đã chia sẻ, động viên kịp thời để giúp bà con vùng lũ vượt qua khó khăn. Ngoài việc giúp họ sửa lại nhà cửa đã đổ nát, hỗ trợ vật chất, tinh thần thì các loại lương thực, nhu yếu phẩm, nước uống, quần áo, chăn màn…cũng đã được chuyển đến tận tay các hộ dân vùng bị thiệt hại. Đây là những thứ rất cần thiết đối với người dân để họ có thể đảm bảo được cuộc sống trong lúc này.
Hàng cứu trợ đến với người dân vùng lũ
Bên cạnh đó, nhiều chuyến hàng cứu trợ bao gồm nhu yếu phẩm, gạo, mì tôm, nước uống… từ các cá nhân, tổ chức hảo tâm khắp mọi miền đất nước cũng đã được vận chuyển đến trao tận tay từng hộ gia đình. Những nghĩa cử thiết thực thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” đã làm ấm lòng người dân vùng lũ trong cơn khốn khó. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự giúp đỡ tạm thời, có thể giúp họ cầm cự thêm 1 – 2 tháng, còn vấn đề là làm sao để người dân không phải thiếu đói cho đến vụ cận kề thì cần rất nhiều tấm lòng hảo tâm ngoài xã hội quan tâm, chia sẻ.
Đăng Đức
Theo Dantri
Gượng dậy trong hoang tàn và nước mắt!
Chỉ trong phút chốc, cả ngôi làng đã trở nên tan hoang, xơ xác. Nhà cửa sập, đổ, người mất mạng, người bị thương...dân tình gọi nhau trong nước mắt. Trận lốc xoáy quét qua như một trận bom kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn.
Trở lại xã Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), sau vài ngày xảy ra trận lốc xoáy kinh hoàng, không một ai dấu được xót xa trước cảnh tượng tan hoang, đổ nát của vùng đất này. Trong đó, các thôn Hà Sơn, Linh Cận Sơn (xã Quảng Sơn) hầu như bị san phẳng hoàn toàn.
Tang thương, mất mát vẫn còn đó. Nhưng không còn cách nào khác, người dân nơi đây phải gượng dậy để khắc phục khó khăn, xây dựng lại cuộc sống. Chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung ruột thịt, người dân khắp mọi miền đất nước cũng bằng tấm lòng hảo tâm hướng về nơi vừa chịu hậu quả nặng nề của bão, lũ và lốc xoáy. Hàng trăm chuyến hàng cứu trợ từ các nơi đã được chuyển đến người dân vùng lũ để giúp họ vượt qua giai đoạn khốn khó ban đầu.
Nhiều bình nước được các nhà hảo tâm hỗ trợ cho người dân vùng lũ
Trên con thuyền chở hàng cứu trợ của các tấm lòng hảo tâm vượt sông Rào Nan hung dữ, đang đỏ ngầu phù sa sau trận lũ lịch sử, chúng tôi đã tìm đến vùng "tâm lũ" Quảng Sơn. Chỉ cách đó ít ngày, trận lốc xoáy ập đến đã khiến hàng trăm ngôi nhà bị đổ, sập. Người chết, nhà cửa cũng tan hoang, người dân phải lật từng viên gạch, ngói mới đưa được thi thể của những nạn nhân xấu số ra ngoài.
Tại nhà ông Nguyễn Văn Lới và bà Trần Thị Liến, đều ở tuổi ngoài 70, ông Lới đang kê lại những vật dụng còn sót lên mái nhà cho khỏi bị ướt mà lòng nghẹn ngào chua xót. Bà Liến thì lúi húi lau chùi lại bàn ghế, giường tủ. Cơn lốc xoáy đi qua khiến nhà ông bị tốc phần lớn mái, trống hoác chưa biết lấy gì lợp lại, bức tường phía sau cũng bị sập đổ hoàn toàn. Những ngày này, bộ đội cùng một số người dân trong xóm đã giúp gia đình ông thu dọn những phần bị đổ nát.
Vùng đất Quảng Sơn tan hoang sau trận lũ, lốc dồn dập
Bà Liến đang lo lắng vì số lương thực dự trữ bị ướt
Chúng tôi tìm đến nhà mệ Mai Thị Quy (82 tuổi), nạn nhân bị chết do tường nhà bị đổ đè lên người. Nhà bà Quy đã bị sập hoàn toàn. Trân lốc xoáy xảy ra quá bất ngờ khiến tường đè lên 2 bà cháu đang ngủ. Mệ Quy bị chấn thương sọ não nên đã chết ngay sau đó vài giờ, còn cháu Trần Thị Mỹ Linh thị bị thương nặng, gãy chân tay và đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Trạch.
Nhà bà Quy bị sập hoàn toàn
Bên đống đổ nát, chị Nguyễn Thị Lan (con dâu mệ Quy) đau xót kể: Hôm đó, mọi người đang ngủ thì trận lốc xáy ập tới. Trong nhà chỉ có 2 bà cháu ngủ ở 2 ngăn cạnh nhau, vợ chồng tui nghe tiếng kêu cứu liền chạy sang thì thấy nhà sập hết cả. Ngay trong đêm, vợ chồng tui gọi thêm một số hàng xóm để đưa mẹ và cháu ra ngoài. Không may, đến được bệnh viện ít lâu thì mẹ mất, cháu Linh hiện vẫn đang điều trị ở bệnh viện.
Rời nhà mệ Quy, chúng tôi tiếp tục đến nhà ông Nguyễn Ngọc Tý. Chồng đang điều trị ở bệnh viện, nhưng bà Hoàng Thị Hương phải thu dọn lại nhà cửa để có chốn nương thân. Ngoài trời mưa vẫn đổ như xối, bà Hương vừa thu dọn, lau chùi những đồ đạc còn sót mà nước mắt cứ trào ra không ngớt. Mấy chục năm nay bà mới thấy cảnh tượng kinh hoàng như chiến tranh xảy ra với vùng đất này.
Bà Hương chua xót nhìn cảnh tượng tan hoang do lốc xoáy quét qua nhà mình
Để giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, các lực lượng vũ trang đã điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ xuống từng địa phương để giúp dân khắc phục hậu quả. Từ trong khốn khó mới thấy hết tình người, tình quân dân chan chứa và sâu nặng đến nhường nào.
Các chiến sĩ bộ đội đơn vị 968, Quân khu 4 đang giúp dân sửa nhà, dọn vệ sinh
Sau cơn lũ và lốc xoáy, nhà anh Trần Ngọc Tiến bị hư hại nặng nề. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Đơn vị 968 đã ngày đêm giúp anh sửa lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. Nhà anh Nguyễn Tiến Hừng cũng bị sập, đổ phần lớn và cũng được các chiến sĩ bộ đội giúp đỡ, thu dọn gạch, ngói trong những đống đổ nát.
Theo đó, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình cũng điều về các địa phương hàng trăm cán bộ, chiến sĩ xuống để giúp dân vùng lũ. Các chiến sĩ này không quản gian khó, ban đêm họ sinh hoạt cùng dân trong những ngôi nhà rách nát, mưa ướt sũng. Ban ngày, họ lại tỏa ra các hướng để làm việc cùng người dân, thu dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng, giúp dân căng bạt trên mái nhà tránh mưa...
Nhiều đoàn thanh niên tình nguyện thuộc tỉnh Đoàn Quảng Bình những ngày qua đã lăn lộn khắp những vùng bị bão, lũ tàn phá để tham gia cùng người dân khắc phục hậu quả. Trong hiểm nguy, khốn khó, sự có mặt kịp thời của các chiến sĩ quân đội, bộ đội biên phòng, thanh niên, đoàn viên... đã làm ấm lòng người dân.
Đăng Đức
Theo Dantri
Nhiều đoàn khách đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp Mỗi ngày có khoảng 1.000 người từ khắp các nơi đến viếng Đại tướng tại Vũng Chùa - đảo Yến, tỉnh Quảng Bình. Mặc dù thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người từ khắp mọi miền của tổ quốc vẫn về Vũng Chùa - đảo Yến để tỏ lòng thành kính trước anh linh của...