Lúa đông xuân chưa gặt xong đã cầu cứu Trung ương hỗ trợ vụ hè thu
Sáng 26-4, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, mưa lớn từ ngày 24-4 kéo dài đến sáng 26-4, kết hợp với triều cường dâng cao đã khiến 16.000ha lúa giai đoạn chuẩn bị thu hoạch tại các địa phương trên địa bàn bị ngã đổ và ngập úng từ 0,2-0,3m, gây thiệt hại nặng nề.
Tính chung thiệt hại đợt mưa ngày từ ngày 12 đến 14-4, vụ lúa đông xuân 2020 của Thừa Thiên – Huế ước giảm 15% năng suất (tương đương 270.000 tấn thóc) trên tổng số diện tích gieo cấy 28.667ha, với năng suất ước tính 62,8tạ/ha. Ngoài ra, kinh phí phục vụ tiêu úng cho diện tích bị ảnh hưởng do mưa lớn còn mất thêm 831 triệu đồng.
Hiện ngoài việc khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, ngành nông nghiệp còn cử cán bộ về hướng dẫn nông dân triển khai nhiều giải pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại về năng suất do lúa ngập úng, đổ ngã.
Đồng thời, Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ NN-PTNT quan tâm hỗ trợ tỉnh trước mắt 1.000 tấn lúa giống (loại Khang Dân 18, HT1, HN6) phục vụ nhân dân gieo sạ vụ hè thu năm 2020.
16.000ha lúa giai đoạn chuẩn bị thu hoạch tại Thừa Thiên – Huế bị ngã đổ và ngập từ 0,2-0,3m, gây thiệt hại nặng nề.
Nhằm hạn chế một phần thiệt hại do mưa lớn gây ra cho vụ đông xuân, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế sau khi đi kiểm tra và thăm hỏi, động viên bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề ngay tại đồng ruộng có lúa đổ ngã, ngập úng đã có Công văn số 3265/UBND-NN chỉ đạo các sở ban ngành và các địa phương khắc phục thiệt hại.
Video đang HOT
Theo đó, yêu cầu Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương huy động tối đa nhân lực, vật lực để bơm tiêu úng nội đồng, khoanh vùng để tiêu úng kịp thời cho cây lúa; tập trung nhân lực để thu hoạch kịp thời diện tích lúa đã chín theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”.
Đối với diện tích lúa giai đoạn chín sữa, chín sáp cần vận động người dân chủ động nguyên vật liệu để dựng lúa đứng lên: có thể dùng dây chuối hoặc dây rơm túm 3-4 khóm lúa với nhau thành hình chân kiềng để cho cây đứng; có thể dùng dây dài, chắc chắn buộc hai đầu dây 2 cọc cắm xuống ruộng để nâng lúa lên theo hàng băng, mỗi băng từ 4-5 hàng lúa. Tăng cường kiểm tra các sinh vật gây hại như bệnh lem lép hạt, khô vằn, rầy nâu,… để chỉ đạo phun trừ kịp thời, hạn chế thiệt hại. Đối với diện tích lúa chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát.
Nông dân cố gắng thu hoạch từng bông lúa đổ ngã, ngập úng
Đồng thời, thống kê, phân loại, thiệt hại đối với từng vùng, từng đối tượng; đánh giá mức độ thiệt hại tương ứng với từng trà lúa để có cơ sở hỗ trợ và rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo. Đánh giá thiệt hại theo các mức 30%-70% và trên 70% (theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh) và dự kiến bị thiệt hại về năng suất, sản lượng… gửi về Sở NN-PTNT qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, phần lớn lúa bị ngã độ tập trung chủ yếu vào nhóm lúa Khang Dân 18 nên đề nghị Sở NN-NNPT, nghiên cứu, bố trí cơ cấu nhóm giống lúa có khả năng chống đổ ngã như ĐT100 (KH1),… để thay thế giống Khang Dân 18 trong những vụ mùa tiếp theo; chỉ đạo Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương có kế hoạch, phương án, tổ chức tốt việc tiêu úng. Chủ động điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất, không để xảy ra tình trạng úng ở vùng trũng.
VĂN THẮNG
Khôi phục sản xuất sau hạn mặn
Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang bước vào giai đoạn cuối. Cùng với việc tiếp tục ứng phó để giảm thiểu thiệt hại, các địa phương trong vùng đang khẩn trương triển khai những phương án khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống...
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt trong thời gian tới.
Bài học từ sự chủ quan
Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô năm nay kéo dài đã gây nhiều thiệt hại tại ĐBSCL, đặc biệt là đối với thủy sản nuôi, lúa và rau màu. Những thiệt hại này nguyên nhân chính do thiên tai nhưng trong đó một phần cũng xuất phát từ sự chủ quan trong sản xuất của bà con nông dân. Ông Trang Lương, ngụ xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Do vụ mùa năm ngoái thu hoạch muộn, vì vậy vụ Đông Xuân 2019-2020 bà con nông dân không thể xuống giống sớm. Huyện Trà Cú thông báo lịch thời vụ gieo sạ dứt điểm trong tháng 12-2019 nhằm tránh bị hạn mặn uy hiếp. Tuy nhiên, nông dân không thể lường trước tình hình hạn mặn năm nay quá khốc liệt, nên nhiều hộ vẫn xuống giống vào thời điểm tháng 1-2020. Do sạ trễ và gặp hạn mặn về sớm, nhiều diện tích bị thiếu nước tưới, lúa chết tràn lan.
Ông Thạch Sô Phal, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, cho biết, vụ này toàn huyện xuống giống hơn 10.310ha lúa. Mặc dù huyện đã chủ động nhiều giải pháp ứng phó, nhưng do hạn mặn khốc liệt đã khiến hơn 5.148ha lúa bị thiệt hại. Trong đó, phần diện tích sạ muộn không theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp, bị thiệt hại nặng nhất. "Đây là bài học cần rút kinh nghiệm cho các vụ tiếp theo, bởi thời tiết ngày càng khắc nghiệt"- ông Phal nói.
Ngoài Trà Vinh, nhiều địa phương khác tại ĐBSCL cũng thiệt hại rất nặng với nhiều diện tích lúa, hoa màu chết khô do bà con chủ quan. Tại Sóc Trăng, mặc dù ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo không sản xuất trà lúa Đông Xuân muộn nhưng nhiều nông dân vẫn xuống giống, dẫn đến có khoảng 4.000ha lúa bị thiệt hại, chủ yếu ở các huyện Long Phú, Trần Đề, Châu Thành, Kế Sách. Tại Bến Tre, có hơn 5.000ha lúa thiệt hại do người dân xuống giống tự phát không theo khuyến cáo của ngành chức năng. Cùng với cây lúa, nhiều diện tích rau màu ở ĐBSCL cũng bị thiệt hại do han mặn. Ngoài ra, tại Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh... tôm nuôi và nghêu nuôi bị chết khá nhiều do độ mặn cao, thời tiết bất lợi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, vụ lúa Đông Xuân ở ĐBSCL xem như hoàn thành tốt với sản lượng đạt 10,7 triệu tấn; nông dân bán có giá nên lời 30-40%. Mặt được là vậy, nhưng vẫn còn một số nơi chủ quan, thiếu phối hợp chặt chẽ, nông dân thiếu thông tin nên xuống giống không theo khuyến cáo; lịch thời vụ chưa được kiểm tra thường xuyên, chưa rà soát kỹ về nguồn nước nên cơ cấu mùa vụ còn lúng túng... Từ đó, toàn vùng ĐBSCL có hơn 33.800ha lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng hạn mặn ở các mức độ khác nhau. Dù thấp hơn so với năm 2016, song cần tổ chức sản xuất hợp lý trong thời gian tới.
Nhanh chóng gia tăng sản xuất
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL lúc này là khắc phục hậu quả hạn mặn và ổn định sản xuất trở lại. Ở vùng ven biển Bến Tre, sau khi nghêu bị chết cả ngàn tấn, mất hơn 23 tỉ đồng, các hợp tác xã và người dân dồn sức vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, không để ô nhiễm, theo dõi diễn biến độ mặn, khi điều kiện thuận lợi sẽ gia tăng thả nuôi nghêu thương phẩm phục vụ xuất khẩu.
Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết: "Thời gian qua do độ mặn quá cao nên gần 1.900ha tôm nuôi bị chậm lịch thời vụ. Để tránh thiệt hại, chính quyền khuyến cáo người nuôi thả cầm chừng, rải rác với mật độ thưa; đồng thời theo dõi chờ độ mặn giảm thì sẽ gia tăng xuống giống trong thời gian tới". Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, cho biết: Hằng năm, toàn tỉnh thả nuôi 25.000ha tôm các loại, nhưng đến nay tỷ lệ xuống giống chỉ bằng 30% so cùng kỳ. Hiện tại, ngành chuyên môn tích cực hỗ trợ người dân các phương án sản xuất và chỉ cần thời tiết ổn định, cộng với giá tôm cải thiện thì diện tích nuôi sẽ nhanh chóng khôi phục...
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cuối tháng 4, khả năng độ mặn sẽ giảm nhanh ở các cửa sông Cửu Long... Vì vậy, chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp cần theo dõi chặt diễn biến nhằm chủ động gia tăng sản xuất khi điều kiện cho phép. Tổng cục Thủy lợi lưu ý, để đảm bảo an toàn cho sản xuất 1,5 triệu héc-ta lúa Hè Thu ở ĐBSCL, việc xuống giống có thể thực hiện đồng loạt từ cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020 khi nguồn nước ngọt về nhiều; đối với những khu vực bị ảnh hưởng xâm nhập mặn thì phải rửa mặn thật kỹ trước khi gieo sạ. Riêng các vùng thuận lợi về nguồn nước ngọt, có thể tranh thủ xuống giống sớm hơn.
Bài, ảnh: Phước Bình
TT-Huế quy định các lĩnh vực tiếp tục phải tạm dừng hoạt động ở tỉnh Văn bản Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký ban hành trưa 23/4 đã quy định những lĩnh vực tiếp tục phải tạm dừng hoạt động và những lĩnh vực được phép hoạt động có kiểm soát ở tỉnh. Trưa 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký ban hành văn bản về việc thực hiện các biện...