Lừa đảo hứa hẹn lãi suất cao, nhiều người cao tuổi “dính bẫy”
Với những lời hứa hẹn lãi suất cao từ 36% đến 45% một năm, 4 bị cáo đã khiến 611 khách hàng “dính bẫy”, trong đó có nhiều người cao tuổi.
Mô hình đầu tư lừa đảo với lãi suất “khủng”
Ngày 11/9, TAND Hà Nội đưa ra xét xử vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với 4 bị cáo là Lâm Hữu Sơn (43 tuổi, quê Bến Tre) nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng địa ốc King Việt Nam ( Công ty King), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư 5F Capital (Công ty 5F); Phan Văn Cường (tên gọi khác là Phan Tuấn Anh, quê Điện Biên), nguyên Tổng giám đốc Công ty King; Nguyễn Hồng Minh (42 tuổi, quê Bình Định) nguyên Phó tổng giám đốc Công ty 5F và Đào Văn Ý ( 46 tuổi, quê TP. HCM) nguyên cố vấn kinh doanh, Phòng kinh doanh Công ty 5F.
Lâm Hữu Sơn (giữa) lập ra các công ty với chiêu trò kêu gọi đầu tư lãi suất cao để lừa đảo.(Ảnh: 5F Capital)
Theo cáo trạng cũng như diễn biến phiên tòa, Lâm Hữu Sơn và Phan Văn Cường là cổ đông sáng lập đồng thời làm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty King. Sau khi lập công ty, Sơn và Cường bàn bạc với các thành viên trong HĐQT về việc thiết kế, in catalogue giới thiệu về tiềm năng của công ty với 9 dự án đầu tư và 3 đối tác chiến lược, nhưng thực tế không có thật hoặc không liên quan đến Công ty King.
Sau đó, Lâm Hữu Sơn đưa ra chiến lược thu hút “nhà đầu tư” với hứa hẹn lãi suất cao, từ 36% đến 45% một năm, với gói tối thiểu là 30 triệu đồng. Càng đầu tư với số tiền lớn, “nhà đầu tư” được hứa hẹn trả ưu đãi bằng tiền và hiện vật lớn.
Từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2014, Công ty King đã huy động vốn của 140 khách hàng với số tiền 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai lãnh đạo của công ty này đã sử dụng số tiền trên cho mục đích cá nhân, dùng tiền của người sau để trả lãi cho người trước, chi phí cho hoạt động của công ty… dẫn đến không thanh toán được cho 97 khách hàng số tiền gốc là 19,6 tỷ đồng.
Dựng công ty đa cấp để tiếp tục lừa đảo
Thấy công ty King có dấu hiệu “vỡ”, Lâm Hữu Sơn tiếp tục dựng nên công ty 5F do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT. Từ tháng 7/2015 đến 4/2016, Sơn trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Hồng Minh, Đào Văn Ý và một số nhân viên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm giới thiệu, tuyên truyền với khách hàng về Công ty 5F có 14 dự án kinh doanh rất hiệu quả. Nếu góp vốn, nhà đầu tư được hưởng lãi suất 36-72%/năm.
Video đang HOT
Công ty 5F hoạt động với hình thức đa cấp, người đến trước sẽ được hưởng hoa hồng và nhiều quyền lợi, nếu giới thiệu thêm người đến sau tham gia các dự án.
Dự phiên tòa 11/9 có nhiều người cao tuổi, đã về hưu là nạn nhân của công ty lừa đảo 5F.
Bằng chiêu trò này, từ tháng 7/2015 đến tháng 5/2016, công ty 5F đã ký 947 “hợp đồng hợp tác đầu tư” hoặc “hợp đồng góp vốn” với 568 nhà đầu tư, số tiền trên hợp đồng là hơn 173 tỷ đồng, thực thu hơn 153 tỷ đồng. Trong số các nhà đầu tư, chiếm phần đông là những người cao tuổi, hiểu biết hạn chế, bị dẫn dụ vào “ma trận” của Lâm Hữu Sơn. Nhiều người đã giới thiệu bạn bè, người thân tham gia vào dự án và đều bị lừa.
Bà Phạm Thị L.A (65 tuổi, Hà Nội) là một nạn nhân của Công ty 5F cho biết: “Đầu tiên, công ty này mời chúng tôi đến tham dự hội thảo dự án. Bị cáo Nguyễn Hồng Minh là người đứng ra nói chuyện, giới thiệu về dự án. Các đối tượng thực hiện rất bài bản, hứa hẹn về một viễn cảnh tốt đẹp, đầu tư sinh lời. Thời gian ban đầu, các đối tượng cũng trả lãi đúng hạn, khiến chúng tôi tin tưởng và giới thiệu thêm người thân, bạn bè cùng tham gia để kiếm tiền dưỡng già”.
Một nạn nhân khác là bà Bùi Thị N. (67 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị bệnh tim mấy năm nay, được bạn bè giới thiệu công ty này làm ăn đàng hoàng, trả lãi cao nên rút hết tiền tiết kiệm để đầu tư với hi vọng có tiền chữa bệnh lâu dài. Tuy nhiên, sau khi tôi đầu tư và lấy lãi được 4 tháng thì công ty này không trả tiền nữa. Rồi sau đó nghe tin lãnh đạo công ty đã bị bắt khiến chúng tôi rất hoang mang”.
Trong sáng 11/9, TAND TP Hà Nội đã tiến hành đọc cáo trạng và xét hỏi nhân thân các bị cáo. Với tính chất phức tạp của vụ việc cùng số lượng bị hại lớn, phiên tòa dự kiến sẽ tuyên án trong ngày 13/9 tới./
Theo Trọng Phú/VOV.VN
Đại gia dùng chiêu 'dụ mồi' chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
Vẽ ra các dự án không có thật, "dụ mồi" bằng lãi suất cao, đại gia này khiến nhiều người sập bẫy lừa, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.
Từ ngày 6- 9/5, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty CP Xây dựng địa ốc King Việt Nam.
4 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Lâm Hữu Sơn (SN 1975, ở TP.HCM, cựu Chủ tịch HĐQT công ty King, Công ty 5F); Phan Văn Cường (tên khác là Phan Tuấn Anh, SN 1985, cựu TGĐ công ty King); Nguyễn Hồng Minh (SN 1976, cựu Phó TGĐ công ty 5F) và Đào Văn Ý (SN 1972, cựu cố vấn kinh doanh công ty 5F).
Các bị cáo tại tòa
Công ty King được thành lập năm 2014, do Lâm Hữu Sơn là Chủ tịch HĐQT, Phan Văn Cường là TGĐ. Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cổ đông chưa góp vốn vào công ty.
Cáo buộc cho rằng, sau khi công ty King được thành lập, các bị cáo đã tung tin về việc công ty có các đối tác chiến lược là những nhà môi giới quốc tế, chuyên cung cấp dịch vụ đầu tư tài chính hàng đầu như quỹ CM Group, công ty FBS Markets Inc...
Ngoài ra, công ty còn sở hữu dự án chung cư cao cấp Hòa Bình Green City, dự án nhà máy chế biến khí hiếm tại Bắc Ninh, chuỗi nhà hàng, quán cà phê, bar thương hiệu Bar of King, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Venus Cát Bà...
Kết quả xác minh cho thấy, công ty King không có mối liên hệ nào với các tổ chức, quỹ đầu tư trên thế giới. Có 5 dự án không có thật, 4 dự án không phải của công ty King.
Dù vậy, Sơn tổ chức buổi ra mắt văn phòng đại diện hoành tráng tại khách sạn 5 sao để khuyếch trương tên tuổi. Anh ta còn giới thiệu các gói lợi nhuận lãi suất cao, từ 36%/năm (thời hạn 3 tháng) - 45,6%/năm (thời hạn 12 tháng).
Với nhân viên, bị cáo quy định chế độ thưởng hoa hồng hấp dẫn để họ quảng bá về công ty.
Từ tháng 4-11/2014, King đã huy động vốn của 140 khách hàng dưới hình thức hợp đồng vay vốn, hợp đồng góp vốn, thu tổng số tiền 42 tỷ đồng.
Số tiền thu được, Sơn và Cường sử dụng một phần trả tiền gốc, lãi, tiền thưởng cho khách hàng, chi tiêu cá nhân.
Đến tháng 7/2015, công ty ngừng hoạt động, Sơn tiếp tục thành lập công ty CP tư vấn và quản lý đầu tư 5F với quy mô lớn hơn.
Bị cáo tiếp tục chỉ đạo cấp dưới quảng bá thông tin gian dối về việc công ty có 14 dự án kinh doanh hiệu quả.
Công ty 5F đưa ra các gói đầu tư lãi suất cao đến 72%/năm và chính sách trả hoa hồng cho người giới thiệu từ 35- 50% lợi nhuận một tháng của người vào sau.
Để "nhử mồi", tùy từng thời điểm, công ty đưa ra chương trình khuyến mại như trả trước 3 tháng lợi nhuận, tặng chuyến du lịch Thái Lan, Nha Trang, tặng vàng, máy tính bảng Ipad, điện thoại...
Theo kết quả điều tra, Sơn biết rõ trong 11 dự án thì có 4 dự án "ma", 7 dự án chỉ góp một phần vốn. Có 10 dự án có triển khai thì chỉ có 1 dự án có hiệu quả nhưng không cao, 6 dự án không có hiệu quả, không có lợi nhuận, 2 dự án thua lỗ.
CQĐT xác định, từ cuối tháng 7/2015-5/2016, công ty 5F đã ký 947 hợp đồng hợp tác đầu tư với 566 nhà đầu tư, thu 153 tỷ đồng. Tiền thu được, Sơn sử dụng cá nhân 37 tỷ đồng, số tiền còn lại chi vào việc trả tiền gốc, lãi...
Sau nhiều ngày xét xử, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung danh sách bị hại vì một số người bị hại chưa được cơ quan điều tra lấy lời khai.
T.Nhung
Theo VTC
Cựu Chủ tịch Công ty địa ốc King Việt Nam chuẩn bị tái hầu tòa Với kết quả điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vừa chuyển hồ sơ vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Công ty CP Xây dựng địa ốc King Việt Nam (gọi tắt là Công ty King Việt Nam) đến TAND TP Hà Nội để đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ hai....