Lừa đảo dưới mác cán bộ ngân hàng
Tự xưng cán bộ tín dụng ngân hàng và đề nghị vay tiền với lãi suất cao, Lê Kim Nữ (SN 1983, trú xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã chiếm đoạt của nhiều người với số tiền hơn 450 triệu đồng rồi bỏ trốn, khiến các chủ nợ phải làm đơn kêu cứu. Ngày 24-10-2011 Công an huyện Tuy An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm Lê Kim Nữ đi khỏi nơi cư trú để điều tra làm rõ.
LÒNG TỐT CỦA… NGƯỜI DƯNG
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, giữa tháng 9-2010, trong một lần đến thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An mua hàng về kinh doanh, chị Nguyễn Thị Quyền (SN 1972, ngụ thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông) tình cờ gặp một cô gái ăn mặc lịch sự, dáng vẻ sang trọng, đi xe tay ga chủ động đến bắt chuyện làm quen. Sau màn chào hỏi xã giao, cô gái tự giới thiệu tên Lê Thị Dạ Thảo, hiện là cán bộ tín dụng công tác ở ngân hàng huyện. Sau một hồi thăm hỏi về nhân thân, gia cảnh, cô gái nhanh nhảu rút tiền mua tặng chị Quyền giỏ trái cây cùng một kí thịt bò làm quà biếu gia đình. Thấy cô gái mới quen tốt bụng và hào phóng, chị Quyền vô cùng xúc động mời cô về nhà mình chơi. Cô gái vui vẻ nhận lời rồi hẹn hôm khác vì “đang bận trông coi việc kinh doanh cửa hàng xe máy ở trung tâm huyện”.
Vài ngày sau, trong lúc dọn dẹp cửa tiệm, chị Quyền hết sức mừng rỡ khi thấy cô gái hôm nọ xách giỏ trái cây bất ngờ đến thăm. Để khỏi phụ lòng khách, chị Quyền giục chồng con nhanh chóng nấu nước làm gà tiếp đãi. Trong lúc hàn huyên tâm sự, người phụ nữ tự xưng là cán bộ ngân hàng ngỏ ý muốn mượn vốn chị Quyền để mở rộng chi nhánh làm ăn và sẵn sàng trả lãi suất cao. Thấy chị Quyền còn ngần ngại, “nữ cán bộ ngân hàng” liền viết giấy vay nợ 30 triệu đồng với lãi suất 30%, hẹn 10 ngày sau sẽ hoàn lại toàn bộ. Những lần đầu, vừa đến ngày hẹn đã thấy “nữ cán bộ ngân hàng” đi xe ô tô mang tiền đến tận nhà trả đủ cả vốn lẫn lời nên chị Quyền hoàn toàn tin tưởng, mượn tiền của bà con, bạn bè đưa hết cho “cán bộ ngân hàng” nhằm hưởng lãi suất cao.
Thấy “cá đã cắn câu”, Thảo đã sáu lần đến nhà chị Quyền vay 165 triệu đồng rồi ậm ừ không chịu trả. Chị Quyền sốt ruột gọi điện thoại thúc giục thì máy luôn ò í e. Thấy có dấu hiệu khuất tất, chị Quyền vội chạy đôn chạy đáo đến ngân hàng và các cửa hàng mua bán xe máy trên huyện hỏi thăm, thì té ngửa khi phát hiện không có cán bộ, chủ doanh nghiệp nào tên là Lê Thị Dạ Thảo. Biết đã trúng kế kẻ gian, nạn nhân liền làm đơn gửi đến Công an huyện Tuy An tố cáo.
CHÂN DUNG KẺ LỪA ĐẢO
Từ đơn thư tố cáo của người bị hại, Công an huyện Tuy An đã tiến hành xác minh và nhanh chóng xác định đối tượng giả danh cán bộ tín dụng ngân hàng để lừa đảo chính là Lê Kim Nữ (ảnh, tên thường gọi là Tịt, SN 1983, ở thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An). Nữ là đối tượng không nghề nghiệp, có thời gian theo học ngành ngân hàng nhưng sớm yêu đương, chơi bời rồi bỏ học. Với thủ đoạn vay vốn nóng trả lãi suất cao, nhiều nạn nhân đã sập bẫy lừa của Nữ với số tiền hơn 320 triệu đồng.
Không chỉ lừa chị Quyền, Nữ còn lừa chị Phạm Thị Cúc (SN 1960, trú thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) chiếm đoạt 157 triệu đồng. Ngoài hai nạn nhân trên, Nữ còn bịa ra nhiều lý do như: “đi đón đứa bạn là Việt kiều ở Mỹ mới về” hoặc “cần vốn đưa ông anh đi buôn bò”, để “mượn tạm” của nhiều người hơn 100 triệu đồng cùng năm chỉ vàng rồi chây ỳ, tuyên bố mất khả năng chi trả. Táo tợn hơn, Nữ còn đến tiệm cầm đồ Thùy Trang của chị Lê Thị Lý (SN 1963, ở xã An Thạch, huyện Tuy An) thế chấp xe mô tô lấy 13 triệu đồng, sau đó giả vờ để quên giấy tờ rồi đón xe đò lên TP.Buôn Ma Thuột lẩn trốn. Khi đã ăn tiêu hết tiền, biết không thể thoát tội, Lê Kim Nữ đã đến cơ quan công an đầu thú.
Theo CATP
Video đang HOT
Những phi vụ biển thủ tiền tỷ của cán bộ ngân hàng
"Nướng" vào cá độ bóng đá có ngày vài trăm triệu đồng, ba nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp đã thông đồng làm thủ tục tất toán khống 185 sổ tiết kiệm của khách hàng, chiếm đoạt hơn 45 tỷ đồng.
Đội điều tra chống tham nhũng (PC46, Công an Hà Nội) cho VnExpress.net biết, kiểm tra hồ sơ lưu tại Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Mỹ Đức, đơn vị phát hiện 185 khách hàng gửi tiết kiệm tại đây đã làm thủ tục thanh toán hơn 45 tỷ đồng, nhưng không có sổ gốc thu về.
Cảnh sát kinh tế làm rõ 4 cán bộ ngân hàng có liên quan việc mất tiền bí ẩn này. Họ gồm: Lê Văn Hiển (43 tuổi, trưởng phòng kế toán ngân hàng trung tâm huyện Mỹ Đức), Nguyễn Văn Nghị (48 tuổi, Giám đốc phòng giao dịch Kênh Đào), Lê Quang Khải (29 tuổi, phòng giao dịch Kênh Đào) và Nguyễn Thanh Hải (31 tuổi, phòng giao dịch Hương Sơn).
Hiện các nghi phạm Khải, Hải và Hiển đã bị khởi tố về hành vi tham ô tài sản. Riêng ông Nghị do không làm đúng quy trình (đối chiếu giấy tờ gốc với tài liệu tất toán trên mạng) nên không phát hiện sự gian trá của nhân viên, bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiển, Khải và Hải. Ảnh: An ninh Thế giới.
Khải khai được Phạm Văn Quyết (30 tuổi) rủ rê tham gia đường dây cá độ bóng đá quốc tế trên mạng. Quyết cấp cho Khải tài khoản riêng với số tiền có sẵn 100 triệu đồng. Từ khi có tài khoản, Khải rủ thêm 2 đồng nghiệp có "máu cờ bạc" là Hải và Hiển cùng nhập cuộc. Các giải bóng đá vô địch bóng đá Anh, Tây Ba Nha, Italia hay các giải châu Á, "bộ ba" này... đều tham gia cá độ.
"Có ngày, nhóm này đặt cửa cá độ lên đến vài trăm triệu đồng. Hôm nào nhiều lên đến tiền tỷ. Họ thỏa thuận sáng thứ 2 hàng tuần sẽ gặp nhau để thanh toán", cán bộ điều tra vụ án nói.
Sau những lần chơi, tiền thua lên đến nhiều tỷ đồng khiến 3 cán bộ ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn càng muốn gỡ gạc. Họ bàn cách "rút ruột" nhà băng bằng cách làm thủ tục tất toán khống tiền gửi tiết kiệm của khách tại hai phòng giao dịch.
Theo trung tá Mai Trọng Thắng (Đội trưởng điều tra chống tham nhũng), những cán bộ trên dễ dàng chiếm đoạt được tiền của nhà băng là do khâu quản lý hậu kiểm, giám sát chứng từ giao dịch và công tác bảo mật của lãnh đạo không được kiểm soát chặt chẽ.
"Họ để nhân viên vào mạng nội bộ chuyển tiền từ ngân hàng vào các tài khoản "ảo" rồi duyệt các khoản tất toán khống đó. Từ đây, tiền được chuyển cho Quyết thanh toán thua cá độ", ông Thắng nói.
Quá trình điều tra xác định, những ngày đầu Khải và Hải chuyển hàng chục tỷ đồng vào các khoản mang tên người thân của Quyết. Sau đó để tránh bị nhà chức trách phát hiện, Khải nhờ người thân cho mượn tài khoản để chuyển tiền vào đây sau đó rút ra trả cho Quyết. Đầu tháng 5, khi sự việc bại lộ, Quyết bỏ trốn.
"Chúng tôi đã phát lệnh truy nã với Quyết. Vụ việc đang được xác minh để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan...", Đội trưởng điều tra chống tham nhũng cho hay.
Một vụ tham ô tiền tỷ nữa cũng bị phanh phui tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lần này là chi nhánh huyện Thường Tín, Hà Nội.
Cơ quan điều tra phát hiện, hai nhân viên ở đây là Nguyễn Thị Nhung (46 tuổi) và Ngô Thị Mỹ Liên (31 tuổi) đã lợi dụng kẽ hở của ngân hàng để tất toán khống 10 sổ tiết kiệm của khách hàng với số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Hai nghi can bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tham ô tài sản này thừa nhận do không có khả năng các khoản nợ đã vay nên thông đồng với nhau thực hiện vụ "rút ruột" nhà băng. Theo điều tra viên, hành vi tất toán khống của các nhân viên ngân hàng này không mới, song nhà băng không cảnh giác trong quản lý nên nhiều "con sâu" kiểu này vẫn tiếp tục ra tay.
Mới đây, một cựu cán bộ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Củ Chi (TP HCM) đã bị phạt 18 năm tù cũng do có sai phạm tương tự.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (29 tuổi) khai trong 2 năm làm việc tại ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn (chi nhánh Củ Chi, TP HCM) được giao nhiệm vụ làm giao dịch viên phụ trách tài khoản cá nhân, bảo hiểm tài sản và chuyển tiền.
Nước mắt Hương ướt nhòe trong giờ nghị án. Ảnh: Vũ Mai.
Theo quy định về việc áp dụng quy chế giao dịch một cửa, giao dịch viên được quyền cho khách hàng rút hoặc nộp tiền tối đa 50 triệu đồng mà không cần thông qua lãnh đạo xét duyệt. Thấy quy định trên có nhiều sơ hở, Hương lập chứng từ khống để rút tiền trong tài khoản tiền gửi của khách, lập ủy nhiệm chi giả, không lập chứng từ theo quy định để rút tiền mặt, chuyển tiền từ tài khoản của người này sang người khác rồi sau đó lấy "bỏ túi" mình.
Tránh bị khách hàng phát hiện, Hương lập giả chứng từ nộp tiền mặt vào tài khoản của khách; hoặc tự hạch toán bút toán chuyển tiền từ tài khoản khách hàng này sang khách hàng kia sao cho khớp với số tiền đã rút ra.
Với thủ đoạn trên, 6 tháng đầu năm 2008, Hương đã chiếm đoạt được gần 3 tỷ đồng. Khi bị phát hiện, nữ nhân viên ngân hàng này bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã.
Hỏi về nguyên nhân phạm tội, Hương khai tập tành kinh doanh vàng và bất động sản song không có vốn nên "mượn tạm" tiền của khách ngân hàng.
Theo VNExpress
Nghệ An: Cán bộ ngân hàng lập hồ sơ khống chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng Lợi dụng chức vụ là Trưởng phòng khách hàng cá nhân và thẩm định, Hải đã lập 5 bộ hồ sơ khống, chiếm đoạt của Ngân hàng Eximbank chi nhánh Nghệ An gần 4 tỷ đồng. Ngân hàng Eximbank chi nhánh Nghệ An Sáng ngày 25/10, Đại tá Đào Hồng Lập - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An...