Lửa đạn Trung Đông lan rộng khó lường
Việc Iran phóng tên lửa tấn công Israel cũng như những hành động quyết đoán của Tel Aviv là những chỉ dấu cho thấy xung đột ở Trung Đông ngày càng khó lường.
Đêm 1.10 rạng sáng 2.10 (theo giờ VN), Iran đã tập kích Israel với khoảng 200 tên lửa đạn đạo. Đây được xem là bước leo thang mới nhất và đầy căng thẳng tại khu vực Trung Đông – vốn đang là “chảo lửa” chưa có bất cứ dấu hiệu khả dĩ nào để hạ nhiệt.
Phóng khoảng 200 tên lửa
Theo truyền thông Israel, nước này phải gánh chịu đợt tấn công từ Iran với khoảng 200 tên lửa. Trong đó, nhiều tên lửa Tehran phóng đi được cho là loại tên lửa đạn đạo Fattah-1 với tầm bắn khoảng 1.400 km và đạt tốc độ bội siêu thanh hơn 16.000 km/giờ. Israel tuyên bố đã đánh chặn hầu hết số tên lửa được Iran phóng đi, nhưng Tehran cho rằng đã “đạt mục tiêu”.
Lược đồ chiến sự Trung Đông và chi tiết vụ tấn công của Iran nhằm vào Israel ngày 1.10. NGUỒN: TỔNG HỢP
Theo các báo cáo sơ bộ ban đầu từ Israel, có 2 người bị thương và 1 người thiệt mạng do các vụ tấn công của Iran. Nạn nhân thiệt mạng là một người Palestine đến từ Dải Gaza nhưng đang lánh nạn ở TP.Jericho – nơi Israel đang kiểm soát ở Bờ Tây. Kèm theo đó, một số cơ sở hạ tầng cũng bị thiệt hại. Mục tiêu của Tehran nhắm đến là 2 căn cứ không quân cùng trụ sở của lực lượng tình báo Mossad (Israel), nhưng chưa rõ các mục tiêu này có thiệt hại hay không.
Hãng thông tấn Fars dẫn tin từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) cho biết cuộc tấn công bằng tên lửa đang diễn ra nhằm vào Israel là để đáp trả việc giết hại lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah hồi tuần trước. Đồng thời hành động này còn nhằm đáp trả vụ Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh bị giết hồi cuối tháng 7.
“Để đáp trả sự tử vì đạo của các thủ lĩnh Ismail Haniyeh, Hassan Nasrallah và một chỉ huy của IRGC là tướng Abbas Nilforoushan (người đã thiệt mạng cùng thủ lĩnh Nasrallah khi Israel tập kích một cơ sở ở Li Băng – NV), chúng tôi đã nhắm vào trái tim của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”, theo một tuyên bố của IRGC.
Trước khi Tehran tấn công, cùng ngày 1.10, Mỹ phát đi cảnh báo Iran chuẩn bị một vụ tấn công Israel bằng tên lửa đạn đạo. Kèm theo đó, Washington cũng cảnh báo rằng bất kỳ vụ tấn công nào như thế này sẽ mang đến những hậu quả khôn lường cho chính quyền Tehran.
Video đang HOT
Đây là lần thứ hai mà Iran tấn công trực tiếp Israel trong năm nay. Gần 6 tháng trước, rạng sáng 14.4, Iran đã triển khai máy bay không người lái và tên lửa để tấn công Israel nhằm trả đũa vụ Israel đã bắn tên lửa trúng Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria). Sau đó, khi Israel được cho là đã giết chết lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh và “phó tướng” Fuad Shukr của lực lượng Hezbollah vào cuối tháng 7, Tehran đã truyền đi thông điệp sẽ trả đũa Tel Aviv.
Động cơ của Iran
Trả lời Thanh Niên hôm qua (2.10), TS Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group (Mỹ) – đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, cho rằng: “Cuộc tấn công của Tehran nhằm thiết lập lại một số mức độ răn đe nhưng không gây ra sự trả đũa lớn từ Tel Aviv hay cũng không khiến người Mỹ tham gia vào xung đột nhiều hơn”.
Theo ông Bremmer dẫn tin tức giới truyền thông, Iran thực tế đã gửi thông tin trước cho Mỹ về vụ tấn công, kèm theo thông điệp sẽ không leo thang nếu Tel Aviv không tấn công lại. “Tehran ở một vị trí cực kỳ dễ bị tổn thương”, TS Bremmer đánh giá.
Trả lời Thanh Niên ngày 2.10, một chuyên gia tình báo quân sự chiến lược của Mỹ đánh giá: “Iran đang tấn công Israel để duy trì uy tín đối với các lực lượng vũ trang thân thiết với Tehran trong cuộc đối đầu trước Israel và phương Tây. Tehran đã đe dọa sẽ tấn công Tel Aviv nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tấn công Hezbollah. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu không chỉ tấn công mà còn “tàn phá” Hezbollah. Ông Netanyahu cũng tấn công cả cơ sở quan trọng của lực lượng Houthi ở Yemen, đặc biệt là cảng do Houthi kiểm soát ở Yemen – điều mà phương Tây từ chối tiến hành”.
“Vì thế, nếu Iran không trực tiếp tấn công Israel, thì các lực lượng thân Tehran ở Trung Đông có thể nghĩ rằng đang bị “lợi dụng”. Tất nhiên, Tehran không muốn như vậy nên cần khởi xướng một cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào Israel trong đêm 1.10″, vị chuyên gia phân tích và cho rằng: “Cuộc tấn công của Iran không phải là một chiến dịch kéo dài, mà chỉ là cuộc tập kích hạn chế bằng tên lửa. Tehran hy vọng cuộc tập kích sẽ khiến một số bên tác động để Tel Aviv giảm bớt “liều lượng” hoạt động quân sự như hiện nay”.
Sự đáp trả của Israel
AFP ngày 2.10 đưa tin sau khi bị Iran tấn công, Israel cùng ngày đã tiến hành không kích thủ đô Beirut của Li Băng. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thông báo tiếp tục tiến hành tấn công nhằm vào lực lượng Hezbollah ở Beirut. Không những vậy, IDP ngày 2.10 thông báo không quân Israel sẽ tiếp tục tấn công mạnh mẽ khắp Trung Đông.
Dự báo về động thái của Israel sắp tới, vị chuyên gia tình báo quân sự trên đánh giá: “Israel sẽ tiếp tục cuộc đột kích vào miền nam Li Băng nhằm phá hủy càng nhiều càng tốt các cơ sở hạ tầng quân sự của Hezbollah, đồng thời tịch thu tài liệu, thiết bị lưu trữ và bắt giữ các chỉ huy còn sống sót của Hezbollah. Thậm chí, trong vài ngày nữa, Israel sẽ tấn công mục tiêu gần một cơ sở quan trọng của Iran, có thể là tổ hợp khai thác dầu ở đảo Kharg (thuộc tỉnh Bushehr, Iran) vì đây là một trong những nơi đại diện cho nguồn thu từ dầu mỏ của Tehran để tài trợ cho một số lực lượng ở Trung Đông”.
Rủi ro lan rộng
Nếu Israel đáp trả lại Iran thì xung đột có thể lan rộng đến mức khó lường. Nhất là khi, động thái của Israel ngày 2.10 báo hiệu Tel Aviv nhiều khả năng sẽ không giảm “liều lượng hoạt động”, điều này đồng nghĩa với việc tình hình xung đột ở Trung Đông có thể tăng cao, thậm chí đến mức khó lường. Đó là vì trong thực tế, số lượng quốc gia đang liên quan đến tình hình Trung Đông nhiều hơn người ta nghĩ.
Khi bị Tel Aviv bị Tehran tấn công ngày 1.10, Mỹ một lần nữa ra tay hỗ trợ Israel. Trong cuộc họp báo ngày 1.10 (theo giờ Mỹ), Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết 2 tàu khu trục của hải quân Mỹ đóng tại phía đông Địa Trung Hải là USS Bulkeley và USS Cole, đã bắn hàng chục tên lửa đánh chặn nhằm vào loạt tên lửa của Iran lao tới Israel.
Trong vụ Iran tập kích Israel hồi tháng 4, Washington cũng đã hỗ trợ Tel Aviv đánh chặn tên lửa do Tehran phóng đi. Để đạt được hiệu quả cao, một mạng lưới dày đặc mà Mỹ đã thiết lập đã phối hợp đánh chặn. Khi đó, theo chuyên trang nghiên cứu The Intercept, các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) và phòng thủ tên lửa tầm xa Patriot đã được triển khai ở Iraq, Kuwait, UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út, Jordan và tại căn cứ bí mật mang mã 512 mà Mỹ đặt ở Israel. Các tàu chiến Mỹ ở khu vực, mạng lưới phòng thủ tên lửa vừa nêu cùng với các chiến đấu cơ Mỹ đồn trú ở Kuwait, Jordan, UAE, Qatar và Ả Rập Xê Út đủ sức phối hợp thành một mái vòm phòng thủ bao trùm Israel (và các căn cứ khu vực của chính Mỹ với các nước). Anh cũng gắn bó mật thiết với mạng lưới này, hay Bahrain đã mua tên lửa Patriot để trở thành một phần của mạng lưới.
Chính vì thế, nếu cộng thêm các bên trực tiếp can dự như Iran, Hezbollah (Li Băng), Houthi (Yemen), các tay súng ở Syria, Hamas (Palestine), thì xung đột của Israel ở Trung Đông đang có sự can dự từ không dưới 15 nước.
Phản ứng quốc tế sau vụ Iran không kích Israel
Phản ứng về vụ không kích của Iran, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris khẳng định sự ủng hộ không lay chuyển của nước này đối với an ninh của Israel. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ đã làm việc với Israel để đảm bảo rằng Iran “phải chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công”.
Theo CNN, các quan chức cấp cao từ Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Canada, Úc, Liên minh Châu Âu (EU) và LHQ đều lên án các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel, đồng thời cảnh báo về hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với toàn bộ khu vực. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chỉ trích cuộc không kích của Iran vào Israel, đồng thời nhấn mạnh sự kiện trên là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và kêu gọi các bên kiềm chế.
Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo cuộc xung đột Trung Đông ngày càng mở rộng với tình trạng leo thang liên tục, đồng thời kêu gọi ngừng bắn. Phản ứng của Tổng thư ký Guterres bị Tel Aviv đánh giá là “né tránh”. Đáp trả lại, Ngoại trưởng Israel Israel Katz ngày 2.10 tuyên bố sẽ không để Tổng thư ký Guterres đến nước này. Tel Aviv khi chỉ trích ông Guterres đã không lên án một cách rõ ràng cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel. Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp khẩn cấp để thảo bàn về sự vụ trên.
Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang ở Trung Đông như Hamas ở Dải Gaza và Houthi ở Yemen đã ca ngợi cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel. Ủy ban Điều phối Kháng chiến Iraq cảnh báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng nếu Mỹ can thiệp vào bất kỳ hành động thù địch nào chống lại Tehran hoặc nếu Tel Aviv thực hiện bất kỳ hoạt động ném bom nào vào không phận Iran, thì mọi căn cứ và lợi ích của Washington tại Iraq và khu vực sẽ trở thành mục tiêu.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết chính sách của Tổng thống Biden tại Trung Đông kém hiệu quả khi căng thẳng trong khu vực ngày càng leo thang.
Giá dầu tăng nóng sau khi Iran phóng tên lửa vào Israel
Giá dầu thế giới đã tăng mạnh sau khi Iran phóng một loạt tên lửa tấn công Israel. Các nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc tấn công của Iran vào Israel có thể làm leo thang căng thẳng tại Trung Đông.
Tối 1/10, Iran đã phóng tổng cộng gần 500 tên lửa nhằm vào Israel trong cuộc tấn công. Trước đó, phía Israel ước tính con số này chỉ khoảng 180 tên lửa.
Theo CNBC, kết phiên giao dịch hôm qua, giá dầu WTI đã tăng 2,44% lên 69,8 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI giảm hơn 2%. Dầu Brent cũng tăng gần 2,6% lên 73,5 USD/thùng. Từ đầu năm đến nay giá dầu Brent giảm hơn 4%.
Bà Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, cho rằng cuộc chiến này đã bị đánh giá quá chủ quan. Bà cho biết các nhà giao dịch phần lớn đã không quan tâm nhiều đến nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Theo bà, vấn đề hiện nay là liệu Israel có thể tấn công vào các cơ sở hạt nhân hoặc cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran để trả đũa hay không. Sản lượng dầu của Iran đang ở mức cao nhất trong 5 năm, hơn 3 triệu thùng/ngày.
"Chúng ta cần suy nghĩ đến kịch bản trong đó nguồn cung dầu từ Iran có thể gặp rủi ro", bà Croft nói với CNBC.
Ông Clay Seigle, một chiến lược gia về rủi ro chính trị, cho rằng các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu của Iran rất có thể nằm trong mục tiêu tấn công trả đũa của Israel. Động thái này có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng, có khả năng khiến sản lượng của Iran giảm hơn 1 triệu thùng/ngày.
Các chuyên gia cho rằng nguồn cung dầu từ Iran có thể bị gián đoạn (Ảnh: Market Watch).
Cùng quan điểm, ông Tamas Varga, chuyên gia phân tích của công ty môi giới và tư vấn PVM, cho rằng trong trường hợp leo thang căng thẳng có thể sẽ xảy ra các cuộc tấn công vào các nước sản xuất dầu ở Trung Đông.
Chuyên gia này cho biết thị trường đang thực sự lo ngại rằng nguồn cung dầu sẽ bị ảnh hưởng, và tâm lý này sẽ chi phối hoạt động giao dịch cho đến khi tình hình sáng tỏ hơn.
Theo Reuters, Iran là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và là nhà sản xuất dầu lớn trong khu vực. Công ty nghiên cứu ANZ Research nhận định rằng việc Iran trực tiếp tham gia xung đột, làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu.
ANZ cũng cho biết sản lượng dầu của Iran đã đạt mức cao nhất trong 5 năm, với 3,7 triệu thùng/ngày vào tháng 8. Từ tháng 12, OPEC dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày.
Mỹ cảnh báo tự hành động trước cuộc tập kích căn cứ nếu Iraq 'ngồi im' Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nước này mong đợi Iraq sẽ có hành động thích hợp đối với những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công vào Căn cứ không quân Al Asad khiến 5 quân nhân bị thương vào đầu tuần. Căn cứ không quân Al-Asad của Mỹ tại tỉnh al-Anbar, Iraq ngày 13/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN "Khi các vụ tấn...