Lựa chọn sinh tử của thủy thủ chiến hạm Mỹ bị đâm
Khi USS Fitzgerald chìm dần sau cú đâm của tàu hàng, các thủy thủ phải đối diện quyết định cứu đồng đội mắc kẹt hay cứu tàu.
Khu trục hạm USS Fitzgerald Mỹ bị hư hại nghiêm trọng sau cú va chạm với tàu hàng Philippines. Ảnh: Reuters.
Khu trục hạm USS Fitzgerald rạng sáng ngày 17/6 va chạm với tàu hàng Philippines ngoài khơi Nhật Bản. Cú đâm làm tàu chiến Mỹ thủng lỗ lớn, nước liên tục tràn vào khoang ngủ của các thủy thủ.
Video đang HOT
Khi sự việc xảy ra, những thủy thủ ở các khoang không bị ảnh hưởng đã nỗ lực xông vào khoang ngập nước trên tàu để giải cứu người mắc kẹt nhưng không hề biết bao nhiêu đồng đội của mình vẫn còn sống bên trong. Khi nước tiếp tục ồ ạt tràn vào, con tàu nghiêng dần sang phải, họ biết rằng thời gian đang dần hết, theo Washington Post.
Ba nguồn tin am hiểu vụ việc cho biết thủy thủ đoàn lúc bấy giờ phải đối diện với lựa chọn khó khăn: Nên đóng chặt cửa khẩn cấp ở khu vực ngập nước để ngăn nước tràn ra những khoang khác hay không. Nếu cửa khoang không được đóng lại, con tàu chắc chắn sẽ nhanh chóng bị ngập nước và chìm xuống biển. Nhưng nếu đóng cửa, họ sẽ chặn hết con đường thoát thân của những đồng đội đang mắc kẹt.
Cuối cùng, thủy thủ trên tàu Fitzgerald được lệnh đóng cửa, ngăn nước tràn vào để cứu tàu. Hiện vẫn chưa rõ ai là người ra mệnh lệnh này, nhưng các chuyên gia đều cho rằng đó là quyết định đúng đắn trong thời khắc sinh tử. “Họ đứng trước tình cảnh phải đưa ra những lựa chọn cực kỳ khó khăn”, một quan chức hải quân Mỹ giấu tên biết về sự việc nhận xét.
7 thủy thủ trên tàu thiệt mạng khi mắc kẹt bên trong khoang ngủ ngập nước. Theo các nguồn tin, 5 người trong số đó nhiều khả năng đã tử vong ngay sau cú đâm, hai người còn lại còn sống nhưng không thể thoát được ra ngoài.
Các nhà điều tra đang tìm hiểu nguyên nhân vì sao một chiến hạm có khả năng đạt vận tốc trên 48 km/h, thủy thủ đoàn 300 người, trang bị những hệ thống cảm biến hiện đại nhất thế giới, lại va chạm được với một tàu hàng.
Theo các tài liệu từ hải quân Mỹ, trong những ngày tới, họ sẽ tải dữ liệu từ Hệ thống Vũ khí Aegis trên tàu Fitzgerald để giúp xây dựng lại bối cảnh vụ tai nạn, đồng thời thẩm vấn thủy thủ đoàn của cả hai tàu.
Đô đốc John Richardson, quan chức cấp cao hải quân Mỹ, đến Nhật Bản hôm 20/6 để nhận bàn giao tàu Fitzgerald. Richardson cho hay ông thấy vô cùng cảm động trước những câu chuyện về lòng dũng cảm, sự hy sinh của các thủy thủ trên khu trục hạm Fitzgerald cũng như gia đình họ.
Đô đốc hải quân về hưu James Stavridis, người từng đảm nhận vị trí hạm trưởng khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Barry, cho biết theo nguyên tắc chung, chỉ huy sẽ không ra lệnh phong tỏa một khu vực bị tràn nước trên tàu nếu “chưa biết rõ các đồng đội đều đã thoát thân an toàn”. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số trường hợp ngoại lệ.
“Trong một tình huống cực đoan, nếu an nguy của tàu bị đe dọa, đồng nghĩa tính mạng tất cả các thành viên trên tàu cũng gặp nguy hiểm, đội kiểm soát thiệt hại sẽ ra quyết định” như đối với khu trục hạm Fitzgerald, Stavridis nói.
Theo ông, lệnh đóng cửa cách ly khu vực ngập nước sẽ do trợ lý đội kiểm soát thiệt hại đưa ra sau khi đã liên lạc với hạm trưởng hoặc sĩ quan chịu trách nhiệm lúc đó.
Tàu Fitzgerald lúc đó hứng chịu lượng nước “khổng lồ” tràn vào, phó đô đốc Joseph P. Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, nhấn mạnh. “Họ phải chiến đấu để giữ tàu nổi trên mặt nước. Thật sự đau thương”.
Một quan chức hải quân quen thuộc với những sự việc tương tự cho rằng nếu so sánh với các vụ va chạm tương tự trong quá khứ, tàu Fitzgerald ít có khả năng chìm. Tuy nhiên, ông đánh giá cao việc thủy thủ đoàn đã phản ứng nhanh chóng để kiểm soát tình hình và đảm bảo rằng con tàu có thể quay trở về cảng.
Theo Vũ Hoàng (Vnexpress)