Lựa chọn nghiệt ngã trong đại dịch
Sau Italy, đến lượt các bác sĩ Mỹ phải đưa ra lựa chọn: bệnh nhân nào sẽ vào danh sách được cứu, và bệnh nhân nào không.
Tại Bệnh viện Bellevue ở thành phố New York, y bác sĩ đang phải gồng mình đối phó với lượng bệnh nhân khổng lồ. Cơn bão Sandy quét qua năm 2012 đã khiến các máy phát điện chính hư hại phần nhiều. Bác sĩ Laura Evans chỉ còn sử dụng được 6 ổ cắm điện cho 50 bệnh nhân ở khu cách ly.
Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu cô lựa chọn người được ưu tiên sử dụng các thiết bị y tế.
“Laura, chúng ta cần lập một danh sách”, một cấp trên nói với cô. Sau khi thảo luận với các chuyên gia khác, cô đã liệt kê tên của những bệnh nhân “may mắn”.
Các bác sĩ ở khắp nơi tại Mỹ cũng đứng trước tình hống tương tự, lựa chọn có phần nghiệt ngã được thực hiện ở quy mô rộng lớn hơn nhiều. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo về sự bùng nổ số lượng bệnh nhân nguy kịch, kết hợp với tình trạng thiếu thiết bị, vật tư, nhân viên và giường bệnh nghiêm trọng. Điểm nóng bao gồm các bang như New York, California và Washington.
Bác sĩ Laura Evans bên ngoài Trung tâm Y tế Đại học Washington ở Seattle. Ảnh: NY Times
Bác sĩ đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát, mở rộng năng lực y tế để hạn chế việc lựa chọn bệnh nhân. Song nếu tình thế ép buộc, câu hỏi được đặt ra là họ sẽ đưa ra quyết định theo tiêu chí gì, giảm thiểu số người chết ra sao, ai là người có quyền lựa chọn và hợp thức hoá điều này với công chúng thế nào?
Các bệnh viện đang xem xét dựa trên những diễn biến ban đầu ở Trung Quốc, nơi có nhiều bệnh nhân bị từ chối cho nhập viện. Tình trạng tương tự diễn ra ở Italy. Các bác sĩ bị quá tải và phải từ chối điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi có tỷ lệ tử vong cao để dành máy thở cho bệnh nhân khoẻ mạnh, nhiều khả năng sống sót hơn.
“Việc lựa chọn đi ngược lại những gì chúng ta từng nghĩ về nghề nghiệp của mình, trái với hành vi cần có của bác sĩ đối với bệnh nhân”, tiến sĩ Marco Metra, trưởng khoa tim mạch tại một bệnh viện ở Italy cho biết.
Ở Mỹ, có một số hướng dẫn đã tồn tại trước đây liên quan đến nhiệm vụ “nghiệt ngã” này. Chương trình hỗ trợ liên bang đối với các bệnh viện, bang và Cơ quan Quản lý Y tế Cựu chiến binh từng phát triển kế hoạch cơ bản ứng phó với đại dịch nghiêm trọng. Dù được ít người biết đến và có vài điểm lỗi thời, bộ hướng dẫn dẫn đang được xem xét dùng lại trong đợt đại dịch lần này.
Song hiện chưa có nhiều nghiên cứu để đánh giá liệu các chiến lược này có thể cứu chữa thêm các bệnh nhân hoặc duy trì sự sống cho họ lâu hơn so với việc lựa chọn ngẫu nhiên hay không.
Video đang HOT
“Cần phải xác định mục tiêu một cách rõ ràng. Có thể bạn cứu được nhiều người hơn nhưng cuối cùng tạo ra một xã hội tranh đấu vì chính điều này. Một số công dân sẽ cho rằng mạng sống của họ là không xứng đáng”, Christina Pagel, một chuyên gia người Anh từng nghiên cứu về vấn đề tương tự trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009 nhận định.
Bệnh nhân xếp hàng bên ngoài Bệnh viện Brooklyn, New York để chờ thăm khám. Ảnh: NY Times
Nhiều công dân lo ngại việc lựa chọn bệnh nhân dựa trên tỷ lệ sống sót có thể là một hình thức phân biệt đối xử. Những người Mỹ gốc Phi nhập cư vốn đã không nhận được sự chăm sóc sức khoẻ tương đương với người bản địa từ trước đó.
Ngay trước khi Covid-19 bùng phát, bác sĩ Laura Evans đã chỉ đạo hoạt động cho các phòng chăm sóc đặc biệt của Trung tâm Y tế Đại học Washington, Seattle. Thành phố là khu vực đầu tiên của Mỹ ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng.
Bệnh viện đang làm hết sức mình để tránh phải lựa chọn bệnh nhân. Bác sĩ Evans gọi đây là “nghĩa vụ đạo đức”. Giống như các tổ chức khác, họ cố gắng đảm bảo nguồn cung, đào tạo nhân viên y tế cho các vai trò nằm ngoài công việc thường ngày, hoãn một số ca phẫu thuật tự chọn để tạo thêm không gian điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Một số thành phố trên cả nước đang chạy đua để xây dựng các bệnh viện mới.
Chuyên gia đề xuất một số hướng giải quyết tình trạng khan hiếm máy thở như nhường cho người đến trước. Song một số người cho rằng điều này gây bất lợi cho các bệnh nhân sống xa bệnh viện và lựa chọn ngẫu nhiên vẫn công bằng hơn.
Thục Linh
Y bác sĩ Mỹ 'khủng hoảng' vì thiếu đồ bảo hộ
CDC khuyến cáo y bác sĩ tái sử dụng khẩu trang, tự chế khẩu trang thay thế trước nguy cơ cạn kiệt vật tư và phải làm việc dù có triệu chứng lây nhiễm nhẹ.
Đây là tình trạng các bệnh viện ở Mỹ phải đối mặt trong trường hợp đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn, theo kế hoạch dự phòng được đưa ra bởi các quan chức y tế Mỹ.
Các biện pháp này được thiết kế để theo kịp đà tăng số bệnh nhân và được nêu trong hướng dẫn do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ban hành. Chúng phản ánh một cuộc khủng hoảng đang gia tăng tại các bệnh viện trên khắp nước Mỹ: có quá nhiều bệnh nhân và các bác sĩ không đủ nguồn lực để điều trị cho họ.
"Tình huống chưa tồi tệ đến mức đó, nhưng chúng tôi đang phải đối mặt với sự khủng hoảng trong bệnh viện", một bác sĩ gây mê ở Boston nói, anh giấu tên vì lo lắng cho công việc của mình. "Tôi đoán sẽ sớm thôi chúng tôi sẽ không có những gì cần thiết để bảo vệ bản thân".
Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định có sự gia tăng "kịch tính" trong sản xuất khẩu trang giữa bối cảnh nhân viên y tế Mỹ thiếu hụt đồ bảo hộ. Ảnh: AFP.
Các cơ sở y tế đang đối mặt với "khủng hoảng" có thể cần phải phân chia số lượng khẩu trang trong suốt đại dịch, dù việc này "không đúng với tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe của Mỹ", theo CDC.
Khi thiếu hụt vật tư y tế, CDC cho rằng các cơ sở chăm sóc sức khỏe nên cân nhắc sử dụng khẩu trang vượt quá thời gian chỉ định và dùng lại khẩu trang giữa nhiều bệnh nhân.
"Bệnh viện thông báo rằng chúng tôi sẽ phải tái sử dụng đồ bảo hộ y tế, CDC vừa đưa ra hướng dẫn về việc này", bác sĩ gây mê giấu tên ở Boston nói. "Tôi không tin biện pháp này có thể an toàn. Tôi nghĩ điều này có thể khiến nhân viên y tế gặp rủi ro không cần thiết".
Tuy nhiên, bác sĩ này thừa nhận tái sử dụng vẫn tốt hơn so với việc thiết bị bảo hộ cạn kiệt hoàn toàn - một thực tế không quá xa vời, đặc biệt với các bệnh viện nhỏ.
Scott Steiner, chủ tịch và CEO của hệ thống sức khỏe Phoebe Putney ở tây nam Georgia nói với CNN: "Chúng tôi đã dùng hết số vật tư của 5-6 tháng chỉ trong chưa đầy một tuần. Với lượng vật tư chỉ còn đủ dùng trong vài ngày, chúng tôi đang phải giành giật".
CDC khuyên nhân viên y tế sử dụng khăn quàng cổ hoặc khăn đội đầu thay khẩu trang trong trường hợp khẩn cấp. Ảnh: AFP.
Phương án cuối cùng, CDC nói, các cơ sở y tế có thể xem xét sử dụng "khẩu trang tự chế", như khăn quàng cổ hoặc khăn đội đầu để chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus, tốt nhất là kết hợp với tấm chắn bảo vệ.
Các giải pháp trên đỡ hơn là không có gì, nhưng chúng cũng không thể thay thế thiết bị bảo hộ mà các bác sĩ cần để giữ an toàn, và khả năng bảo vệ của chúng là "không xác định", theo CDC.
Nếu virus xâm nhập vào cơ thể đội ngũ chăm sóc sức khỏe, "mọi thứ sẽ kết thúc", Tiến sĩ Peter Hotez, giáo sư và trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor (Mỹ), chia sẻ. "Nếu nhiều bác sĩ cấp cứu, y tá ở tuyến đầu bị nhiễm bệnh, các đồng nghiệp sẽ phải điều trị cho nhau trong phòng chăm sóc đặc biệt, đó là một điều cực kỳ bất ổn đối với Mỹ. Chúng ta phải đặt sự an toàn cho họ lên ưu tiên hàng đầu", Tiến sĩ Hotez nói thêm.
Nhiều nhân viên y tế giấu tên nói rằng họ cảm thấy việc bị nhiễm bệnh là không thể tránh khỏi. "Tôi không nghĩ bệnh viện sẽ thực sự giữ an toàn cho chúng tôi", một bác sĩ sản khoa ở thành phố New York cho biết. "Nhưng đây là nghề nghiệp", người này nói thêm.
Lãnh đạo bệnh viện "bảo chúng tôi đến làm việc, ngay cả khi chúng tôi đã xác nhận có tiếp xúc với người bệnh, miễn là không có triệu chứng", một người làm việc tại khoa ung thư và xạ trị ở một bệnh viện thuộc thành phố New York nói. Cô mô tả trạng thái tâm lý sẵn sàng chiến đấu trong bệnh viện.
"Tôi và các đồng nghiệp trong khoa lúc nào cũng cảm thấy bản thân chuẩn bị được chọn và lo sợ phải đặt nội khí quản cho bệnh nhân", cô nói về các can thiệp y tế cho những người không thể tự thở, thường không được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên điều trị ung thư như cô.
Y tá ở Đức mặc hai lớp đồ bảo hộ. Ảnh: AFP.
Theo khuyến cáo của CDC, các nhân viên y tế tiếp xúc với virus, ngay cả những người có triệu chứng nhẹ, cũng có thể đeo khẩu trang và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.
Các nhân viên y tế nói rằng họ lo lắng về việc thiếu đồ bảo hộ và các xét nghiệm cần thiết để xác định người nhiễm nCoV, nghĩa là họ đang đặt gia đình mình và bệnh nhân vào tình huống nguy hiểm.
"Tôi đặt nội khí quản cho bệnh nhân cả ngày", bác sĩ gây mê ở Boston nói. "Một trong số họ bị sốt. Rất ít người được kiểm tra bởi vì chúng tôi không có đủ xét ngiệm. Và thật đáng sợ khi nghĩ rằng tôi mang virus về nhà cho người vợ đang mang thai của mình".
Bác sĩ sản khoa vừa làm mẹ ở New York kể rằng cô không dám hút sữa cho con ở nơi làm việc vì sợ có thể để lại virus trên máy hút sữa và lây sang cho con trai cũng như những người khác trong gia đình. Khi cho con bú ở nhà, stress vì virus khiến lượng sữa của cô bị giảm.
Đối với các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác, tiếp tục điều trị cho bệnh nhân là lựa chọn duy nhất, bất chấp rủi ro. "Tôi vẫn đi làm mỗi ngày, bởi vì phải có ai đó làm điều này", bác sĩ gây mê ở Boston nói.
Huyền Vũ (Theo CNN)
Bệnh viện Thái Lan triển khai robot ninja chiến đấu với Covid-19 Robot ninja được sử dụng để kiểm tra thân nhiệt, nói chuyện với bệnh nhân giúp bảo vệ các nhân viên y tế ở tuyến đầu trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Các bệnh viện ở Thái Lan bắt đầu đưa vào sử dụng robot để hỗ trợ cho các nhân viên y tế trong cuộc chiến với virus corona, AFP đưa...