Lựa chọn của Mỹ nếu Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa
Mỹ có thể tấn công phủ đầu, đánh chặn tên lửa Triều Tiên hoặc tiếp tục không can thiệp và lặng lẽ sử dụng các cuộc tấn công mạng.
Binh sĩ Triều Tiên tham gia sự kiện tôn vinh các nhà khoa học chế tạo bom nhiệt hạch. Ảnh: AFP.
Tình báo Hàn Quốc nói rằng trong vài ngày tới, Bình Nhưỡng có thể phóng thêm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhiều khả năng vào ngày 9/9, khi Triều Tiên kỷ niệm ngày thành lập đất nước.
Tại Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và ở Thái Bình Dương, các quan chức Mỹ đang cố gắng quyết định xem Mỹ sẽ phản ứng như thế nào, đặc biệt nếu Triều Tiên thể hiện rõ ràng rằng họ có thể đánh vào đảo Guam của Mỹ hay thậm chí vươn đến Bờ Tây nước Mỹ. Theo NY Times, Mỹ có 4 cách phản ứng.
Tấn công phủ đầu
Tổng thống Mỹ Trump nói với bạn bè rằng ông tự hào về quyết định hồi tháng 4, khi ông ra lệnh không kích căn cứ Syria sau khi chính quyền Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học. Vụ không kích diễn ra khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thăm Mỹ, ngầm gửi đi một thông điệp về chuyện sẽ xảy ra với Triều Tiên nếu nước này đi quá giới hạn.
Về mặt công nghệ, Mỹ không gặp nhiều khó khăn để phá hủy tên lửa Triều Tiên. Tàu chiến Mỹ ngoài khơi bờ biển bán đảo Triều Tiên có thể dễ dàng đánh trúng địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên ở gần biển Nhật Bản. Họ thậm chí có thể phát cảnh báo trước để người Triều Tiên sơ tán khỏi căn cứ.
Nhưng khác với Syria, Triều Tiên có thể trả đũa bằng cách tấn công vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc hoặc căn cứ Mỹ ở Nhật Bản. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông có quyền phản đối nếu Mỹ định tấn công vào Triều Tiên và hứa sẽ “không có chiến tranh” trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, người Mỹ có quan điểm khác, họ nói rằng trong vấn đề liên quan đến việc bảo vệ lãnh thổ Mỹ thì không một nước nào khác có quyền ngăn cản.
Tuy nhiên, việc phá hủy một tên lửa sẽ không có tác dụng gì nhiều vì Triều Tiên còn nhiều quả khác. Ngoài ra, Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn khi phải chứng minh rằng tên lửa Triều Tiên thật sự đe doạ họ nếu không có bằng chứng về nơi nó nhắm vào.
Các quan chức Mỹ có thể giải thích rằng ông Kim đã phát đi tín hiệu đe dọa Mỹ khi Triều Tiên đăng ảnh ông xem bản đồ các mục tiêu ở Guam, trong đó có một căn cứ không quân Mỹ chứa các máy bay ném bom từng xuất kích đến bán đảo Triều Tiên.
Bắn hạ trên Thái Bình Dương
Video đang HOT
Đây là giai đoạn hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhận được nhiều sự chú ý nhất, nhưng họ cũng rất miễn cưỡng sử dụng chúng.
Lầu Năm Góc đã nói với quốc hội Mỹ trong nhiều thập kỷ rằng đầu đạn tên lửa đối phương có thể được theo dõi và phá hủy khi đang bay hoặc gần chạm tới đích (gọi là giai đoạn cuối). Mỹ thường diễn tập đánh chặn nhưng kết quả không ổn định.
Nếu mục tiêu của tên lửa Triều Tiên là Guam hoặc vùng biển gần đó, Mỹ có thể đánh chặn bằng cách sử dụng tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa Standard, hệ thống phòng thủ tên lửa thành công nhất trong kho vũ khí Mỹ. Nhưng để đạt được hiệu quả, các tàu khu trục sẽ phải ở đúng nơi, một cựu quan chức cấp cao nói. Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), giống như hệ thống Mỹ đặt ở Hàn Quốc, cũng có thể được sử dụng.
Nếu tên lửa hướng tới lục địa Mỹ, nó có thể bị đánh chặn bởi một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa ở Alaska và California. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công trong các cuộc thử nghiệm chỉ ở khoảng 50 – 60%.
“Tôi sẽ chọn cách tiếp cận đó”, cựu bộ trưởng Quốc phòng William J. Perry nói. “10 năm trước, tôi sẽ ủng hộ việc phá hủy nó trên bệ phóng, nhưng hiện giờ việc đó quá mạo hiểm. Đánh chặn sẽ giống như biện pháp phòng thủ thuần túy”.
Nhưng các quan chức Mỹ bị ám ảnh bởi một câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu họ đánh chặn trượt? Ông Trump sẽ bẽ bàng và nghi ngờ về tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đã chi 300 tỷ USD để phát triển.
Không can thiệp
Đây là cách tiếp cận mà Mỹ đang áp dụng: Theo dõi tên lửa, xác định nhanh chóng liệu đó có phải là mối đe dọa đối với khu vực dân cư hay không và để nó rơi xuống biển. Đó là cách phản ứng thận trọng nhất và ông Trump có thể dựa vào việc này để thúc giục Trung Quốc và Nga từ bỏ việc phản đối các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, phương án này không phải không có rủi ro vì Triều Tiên đang ngày càng hoàn thiện công nghệ. Với việc đe dọa rằng bất kỳ mối đe dọa nào đối với Mỹ sẽ phải đối diện với “lửa và thịnh nộ”, Trump nhận thức sâu sắc rằng nếu Mỹ cứ tiếp tục không có phản ứng mạnh mẽ thì ông có thể bị coi là nhu nhược, tự lờ đi “lằn ranh đỏ” của mình – điều mà ông từng chỉ trích cựu tổng thống Barack Obama trong khủng hoảng Syria.
Lựa chọn khác
Trong thời đại công nghệ thông tin, có lẽ giải pháp hấp dẫn nhất cho tổng thống là sử dụng vũ khí âm thầm nhất của Mỹ. Đó là những gì Obama đã làm trong năm 2014, ông ra lệnh tăng tốc các cuộc tấn công mạng nhằm ngăn chặn các vụ phóng tên lửa.
Tuy nhiên, có ít bằng chứng rõ ràng rằng giải pháp này có hiệu quả khi Triều Tiên vẫn tiếp tục phóng tên lửa. Một nhà điều hành mạng cao cấp nói rằng Mỹ có thể đang chờ đợi thời điểm thích hợp để hành động, nhưng ông nhấn mạnh không có mục tiêu nào “khó nhằn” hơn Triều Tiên.
Và Triều Tiên biết điều đó.
Phương Vũ
Theo VNE
Lý do Triều Tiên tiến nhanh trong công nghệ tên lửa và hạt nhân
Triều Tiên đạt được nhiều tiến bộ có thể vì họ ưu ái các nhà khoa học và tự sản xuất linh kiện để không phụ thuộc vào bên ngoài.
Người dân Bình Nhưỡng ngày 6/9 vẫy hoa và bóng bay chào mừng những nhà khoa học liên quan đến vụ thử bom nhiệt hạch. Ảnh: Reuters.
Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-12 vào tháng 5, các nhà khoa học phát triển tên lửa đạn đạo đã được vinh danh trên đường phố Bình Nhưỡng như những anh hùng dân tộc.
"Những chiếc xe buýt chở họ đi qua những con đường đầy hoa", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin. "Người dân nhiệt liệt vẫy cờ và hoa chúc mừng họ". Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã "ôm chặt các quan chức trong lĩnh vực nghiên cứu tên lửa, nói rằng họ đã làm việc chăm chỉ và đạt được kết quả tuyệt vời".
Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa trong năm nay, trong số đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuần trước, họ khiến thế giới bất ngờ khi tuyên bố thử bom nhiệt hạch có thể gắn trên ICBM. Những thành tựu này rất ấn tượng vì Triều Tiên là một trong những quốc gia khép kín và bị trừng phạt nặng nề nhất thế giới, theo Atlantic.
Các nhà khoa học ở Triều Tiên được đối xử rất trọng vọng. Có rất nhiều dự án xây dựng nhà ở cao cấp dành cho họ và gia đình. Truyền thông nhà nước Triều Tiên luôn đưa tin về những khen thưởng họ nhận được sau khi thử thành công hạt nhân và tên lửa.
"Có thể nói đây hiện là công việc danh giá nhất nước này", Joshua Pollack, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey, nói. "Trước đây họ nhấn mạnh tầm quan trọng của quân đội trong chính trị. Bây giờ họ đã bắt đầu ngừng chú ý đến điều đó và nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học trong xã hội, để thúc đẩy nền kinh tế và phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa".
Mặc dù các nhà khoa học được vinh danh và khen thưởng, họ cũng chịu áp lực phải tạo ra những kết quả ngày càng tốt hơn. Theo Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại MIT, có khả năng rằng ông Kim, giống như cha mình, Kim Jong-il, "đe dọa lấy mạng các nhà khoa học nếu họ không tiến bộ. Đó có thể là động lực mạnh mẽ" để các nhà khoa học tích cực nghiên cứu.
Dù là do động lực nào thì kết quả họ đạt được cũng rất ấn tượng. Năm 2016, Triều Tiên thử nghiệm 26 tên lửa; 16 quả thành công và 10 quả thất bại, tỷ lệ thành công 62%, theo cơ sở dữ liệu của Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, tổ chức phi chính phủ tại Mỹ. Năm nay họ có 18 vụ thử: 12 vụ thành công, 5 vụ thất bại và một không rõ kết quả, tỷ lệ thành công 67%. Những con số cho thấy Triều Tiên rất "quyết tâm đạt được đột phá", theo Pollack.
Một yếu tố cần chú ý là số lượng các vụ thử. "Việc họ sẵn sàng thử tên lửa thường xuyên cho thấy họ không thực sự lo lắng về nguồn cung", Narang nói. "Nếu bạn không có khả năng sản xuất ra nhiều tên lửa thì bạn sẽ lưỡng lự khi thử chúng".
Có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã đẩy mạnh việc sản xuất trong nước các bộ phận cần thiết cho chương trình hạt nhân và tên lửa. Họ đang dần từ bỏ việc phụ thuộc vào chợ đen. Andrea Berger, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước rằng Triều Tiên đã gia tăng tự sản xuất. "Một số hàng hóa trước đây họ phải mua từ nước ngoài thì giờ họ đã có thể chế tạo trong nước, tạo ra một chuỗi cung cấp địa phương", bà nói.
Nhiều thiết kế của Triều Tiên có từ thời Chiến tranh lạnh, khi họ nhận được công nghệ hạt nhân từ Liên Xô. Trong những năm qua, họ đã mua lại công nghệ vũ khí từ Trung Quốc, Iran, Pakistan và những nước khác, theo Atlantic.
"Đó là điều tôi thấy thực sự ấn tượng", Narang nói. "Đó là một quốc gia bị trừng phạt, một đất nước bị đe doạ. Công nghệ, đào tạo và viện trợ mà Triều Tiên nhận được có thể đã cũ, nhưng khi bạn có một đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư quen thuộc với nó thì không có gì ngạc nhiên khi họ đạt được tiến bộ lớn", bà nói.
Pollack chỉ ra rằng mặc dù công nghệ của Triều Tiên không phải là "tối tân, chúng tương xứng với khả năng và mức độ nỗ lực mà họ bỏ ra". Ông nói rằng ngành công nghiệp quốc phòng của nước này phát triển mạnh mẽ; cơ sở khoa học và công nghiệp ngày càng mở rộng. Hình ảnh các cơ sở sản xuất cho thấy thiết bị của họ "ngày càng tinh vi".
Các chuyên gia không ngạc nhiên khi Triều Tiên có những tiến bộ như vậy, nhưng họ ngạc nhiên trước tốc độ tiến triển của Triều Tiên. Roger Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, nói rằng việc Bình Nhưỡng đạt được tăng trưởng nhanh như vậy là một "bí ẩn". Ông Pollack nhận xét Triều Tiên "đã bị đánh giá thấp trong nhiều năm". Bà Narang cho rằng tốc độ phát triển của Triều Tiên vượt qua các chương trình tương tự ở Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, Israel và thậm chí cả Pháp.
"Việc đó thật ấn tượng", Pollack nói. "Họ đã học được cách làm rất nhiều thứ. Họ cũng sẵn sàng đón nhận thất bại và ít phụ thuộc vào bên khác hơn". Đó có thể là lợi thế lớn nhất của Triều Tiên trong đối đầu với Mỹ và các đồng minh.
Narang chỉ ra rằng khả năng Triều Tiên có thể phóng đầu đạn hạt nhân đến San Francisco, Chicago, hoặc một thành phố ở Bờ Đông nước Mỹ không phải là 100% vì công nghệ của họ chưa chính xác đến mức đó. "Nhưng để răn de Mỹ thì dù tỷ lệ chính xác nhỏ cũng khiến Mỹ phải lo ngại. Anh có muốn mất khoảng 5.000 - 50.000 người Mỹ hay không? Chắc là không rồi".
Phương Vũ
Theo VNE
Nhật nói bom nhiệt hạch Triều Tiên mạnh gấp 10 lần bom thả xuống Hiroshima Nhật đưa ra đánh giá mới, nói rằng sức công phá của bom nhiệt hạch Triều Tiên là khoảng 160 kiloton. Người Nhật xem bản tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tại Tokyo. Ảnh: Reuters. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm nay nói với các phóng viên rằng bộ đã sửa đổi ước tính về sức công...