Lừa ‘chạy án’, bị bắt giam mới chịu… nhận tội
Bị cáo bị tố nhận 250 triệu đồng để “chạy án” nhưng bị cáo không nhận dù có kết luận giám định giọng nói trong ghi âm là của bị cáo. Đến khi cơ quan điều tra bắt giam thì bị cáo mới thừa nhận giọng nói trong ghi âm là của mình.
Ngày 19-7, TAND quận Cái Răng (TP Cần Thơ) xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Kim Y (47 tuổi) chín năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, tòa còn phạt bổ sung đối với bị cáo 10 triệu đồng, buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại 250 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Kim Y nghe tòa tuyên án ngày 19-7. Ảnh: N.NAM
Theo cáo trạng, năm 2011, gia đình bà NTG làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế giữa mẹ ruột bà G. với hai người khác.
Qua những lần tiếp xúc với Nguyễn Kim Y, Y nói cho bà G. biết Y có quen biết với thẩm phán tòa án tối cao, nếu gia đình bà G. có yêu cầu nhờ Y giúp đỡ ở giai đoạn giám đốc thẩm thì đưa cho Y 250 triệu đồng. Bà G. đồng ý.
Từ tháng 9 đến tháng 10-2013, Bà G. cùng chồng đưa tiền cho Y ba lần tổng cộng 250 triệu đồng để lo cho gia đình bà G. thắng kiện.
Khi nhận tiền của bà G., Y không thực hiện như lời mình đã hứa nên nhiều lần bà G. tìm Y để hỏi chuyện nhưng Y. khất lần cho là đang chờ kết quả.
Đến ngày 10-6-2014, phiên tòa giám đốc thẩm đã diễn ra và sau đó bà G. đã nhận được quyết định giám đốc thẩm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Y không hay biết về phiên tòa này cũng như kết quả phiên tòa nên khi bà G. hỏi thì vẫn cứ… hứa hẹn với G. vụ án chưa giải quyết là do các thẩm phán đang bận hội họp.
Biết mình bị lừa nên ngày 11-9-2014, bà G. làm đơn tố cáo Y lừa đảo chiếm đoạt 250 triệu đồng của mình và giao nộp một máy ghi âm, hai đĩa CD có nội dung trao đổi giữa bà G., chồng bà G. và Y cho cơ quan chức năng để làm bằng chứng.
Quá trình điều tra, Y. không thừa nhận hành vi phạm tội và không thừa nhận người phụ nữ nói chuyện với vợ chồng bà G. trong các đoạn ghi âm do bà G. cung cấp chính là mình.
Sau đó, cơ quan điều tra trưng cầu giám định giọng nói của Y. Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự cho thấy giọng Y và giọng trong đoạn ghi âm là một.
Có kết luận giám định giọng nói Y vẫn không thừa nhận giọng nói người phụ nữ trong băng ghi âm là mình.
Ngày 12-8-2015, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam Y để phục vụ điều tra. Sau nhiều lần làm việc Y mới thừa nhận giọng nói trong đĩa ghi âm mà bà G. cung cấp là giọng nói của mình.
Theo đó, Y cũng thừa nhận có nhận tiền của vợ chồng bà G.
Tại tòa, khi nói lời nói sau cùng, bị cáo mong HĐXX xem xét khách quan, giải oan cho bị cáo. Tuy nhiên, tòa cho rằng bị cáo không quen biết ai ở tòa tối cao, bị cáo nói với bị hại tiền chi cho người này người kia là do bị cáo tự nại ra chứ không có thật. Tại tòa, bị cáo luôn quanh co chối tội nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ nào và bị tòa tuyên phạt như trên.
NHẪN NAM
Theo PLO
Đau lòng cảnh vợ chồng già hầu kiện con trai
Tòa vừa tuyên án xong, người cha 71 tuổi nghẹn ngào: "Con ơi, cha mẹ chỉ muốn con quay về vòng tay yêu thương của gia đình mình...".
Vợ chồng ông H. (71 tuổi) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nguyên đơn vụ kiện là vợ chồng chị D., người cháu dâu họ của ông, bị đơn là vợ chồng anh T., con trai ông.
Tòa vừa tuyên án xong, anh T. đi nhanh ra khỏi phòng xử án để gọi điện thoại cho ai đó. Ông H. nhìn với theo, nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, nám sạm mà nghẹn ngào: "Con ơi, cha mẹ chỉ muốn con quay về trong vòng tay yêu thương của gia đình mình...".
1. TAND quận Cái Răng (Cần Thơ) vừa xử sơ thẩm (lần hai) vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là vợ chồng chị D. và bị đơn là vợ chồng anh T. Theo đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng chị D., tuyên các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn với bị đơn và giữa bị đơn với một người thứ ba là vô hiệu.
Theo hồ sơ, ông bà H. có một căn nhà nhỏ (4 x 2,6 m) ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) làm nơi sinh sống. Sau đó, ông bà chuộc lại một phần đất do cha mẹ ông cầm cố từ mẹ chồng chị D. (miếng đất này do vợ chồng chị D. đứng tên). Khi người con thứ ba của ông bà H. (là anh T.) lấy vợ, ông bà cho anh này cất nhà trên mảnh đất chuộc lại này để giữ đất.
Ở được một thời gian, anh T. nói với chị D. (chị dâu họ) là đất cha mẹ anh cho anh rồi, nhờ chị đứng ra tách sổ, làm giấy tờ giùm. Từ đó, lần lượt hai hợp đồng chuyển nhượng ra đời, một là hợp đồng chuyển nhượng từ vợ chồng chị D. sang cho anh T., hai là hợp đồng chuyển nhượng từ anh T. sang cho người thứ ba khi vụ án đang còn tranh chấp ở tòa...
Như vậy, với bản án sơ thẩm lần hai nêu trên, nếu không có kháng cáo, kháng nghị thì nguyên đơn sẽ trả lại phần đất gần 300 m2 cho vợ chồng ông H. vì ông bà H. mới thực sự là người đã chuộc lại phần đất đó.
2. Ở tòa, nếu không nghe kỹ thì không ai biết mối quan hệ giữa người liên quan với bị đơn là cha con. Bởi khi trả lời tòa, người con cứ gọi cha, mẹ mình là "ông bà ấy" chứ không nói "cha mẹ tôi". Người con khỏe mạnh, tỏ ra đầy hiểu biết, luôn khẳng định việc mình làm là đúng pháp luật, rằng mẹ chồng chị D. là họ hàng xa nên mới cho anh cất nhà ở nhờ. Nhưng khi tòa hỏi họ hàng xa như thế nào mà cho ở nhờ thì anh bảo không biết. Anh nói nguyên đơn (tức chị D.) khó khăn nên bán đất cho anh với giá 30 triệu đồng nhưng tòa hỏi biên lai giao nhận tiền đâu thì anh bảo cái đó nguyên đơn - người nhận tiền phải chứng minh!
Ngược lại, chị D., người cháu dâu họ, cứ một hai xin tòa chấp nhận yêu cầu của mình để còn trả đất cho vợ chồng ông bà chứ ông bà khổ quá rồi. Và việc chị kiện ra tòa cũng là để bảo vệ quyền lợi cho ông bà H.
Trình bày trước tòa, ông H. nói mình phải bán nhà để chữa bệnh rồi đi ở thuê, sau đó phải thay đổi nhà thuê liên tục vì người ta sợ ông chết trong nhà trọ. Nghe vậy, nước mắt chị D. chảy tràn. Chị đọc yêu cầu của mình trong tiếng nấc nghẹn. Nhìn người cháu họ xa ấy người ta cứ nghĩ lầm đó mới chính là con của ông bà H. chứ không phải anh T.
Tòa vào nghị án. Con ngồi một hàng ghế, cha mẹ ngồi một hàng ghế. Mặt chỉ cách nhau mấy gang tay mà lòng xa vời vợi.
Người cha cất tiếng nói trước, đại ý muốn con mình thức tỉnh lương tri, rằng "con ơi, con tránh được người đời chứ lương tâm con con không tránh được đâu!". Người con trai nghe vậy thì bước ra ngoài.
Hỏi cha mẹ bị bệnh sao mà đến mức phải bán nhà, anh thản nhiên bảo cha anh chẳng có bệnh gì ngoài bệnh... mua vé số. Hỏi cha mẹ đi ở nhà thuê mà người ta đuổi khéo hoài vì sợ chết trong nhà họ, anh có suy nghĩ gì không. Anh nói chẳng chút đắn đo, rằng đã mời ông bà ấy về ở mà ông bà không chịu về thì thôi chứ biết làm sao...
3. Chiều tháng 3, nắng hầm hập trong căn nhà thuê lợp tôn ở trong một con hẻm bên sông Cần Thơ. Đáp lại tiếng gọi của khách là tiếng thở phì phì của người trong nhà. Một lúc sau tiếng thở nhẹ dần vì người ấy đã gắn ống thở ôxy vào mũi.
Trong căn nhà trọ bộn bề máy móc trợ thở, thuốc men, ông H. kể có lần nghe chủ nhà đuổi khéo vì sợ ông chết trong nhà trọ của họ, ông buồn tủi vô cùng. Trong câu chuyện của mình, ông chỉ mong con ông tỉnh ngộ mà quay về với cha mẹ và gia đình. "Dù nó có quấy cỡ nào nhưng nếu biết hướng thiện thì vợ chồng tôi vẫn sẵn lòng dang tay đón nó. Tôi vẫn thương nó như hồi nó còn nhỏ tôi hay để nó lên vai đi chơi...".
Căn nhà thuê từ đầu tháng 3 này là căn nhà trọ thứ tư mà ông bà tá túc sau bốn năm bán nhà. Chỗ này mở cửa nhìn ra là thấy ngay mảnh đất đang tranh chấp với con. Xóm giềng nói về ông mà ứa nước mắt. Ông Hai Tân, một người hàng xóm, bảo tình cảnh vợ chồng ông H. đúng là tận cùng của khổ đau. "Xóm này ai cũng biết hoàn cảnh của ông bà ấy. Ông ấy chắc chẳng còn bao lâu nữa, thế mà... Chỉ mong tòa xử công bằng và nhanh, không thì không kịp!".
Nước mắt ông Hai Tân ngân ngấn, giọng lạc đi khi nói về người hàng xóm của mình.
Theo Nhẫn Nam (Pháp luật TP.HCM)