Lừa cả người tâm thần đi làm ngư phủ
Châu Hoài Tâm (ngụ ấp 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) là thương binh 4/4. Do bị thương ở đầu nên Tâm có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Tâm bị một số đối tượng cưỡng bức đưa đi làm ngư phủ, nếu không được giải cứu kịp thời, Tâm có thể chết trên biển.
Châu Hoài Tâm (áo đỏ) và Danh Thanh Hùng kể lại sự việc.
Không tin còn sống, trở về
Châu Hoài Tâm đi bộ đội ở chiến trường Campuchia, trong một trận đánh anh bị thương khắp người, những vết đạn còn sót lại trên thân thể. Có vết găm vào đỉnh đầu khiến anh đau nhức khó chịu. Mỗi khi trời nắng, nhiệt độ ngoài trời cao anh “căng thần kinh” la làng, quậy phá. Gia đình từng đưa Tâm vào Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang.
Chị Châu Thị Lan Mai (ấp 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh trị, Sóc Trăng) là chị ruột của Tâm, kể trong nước mắt: “Em tôi có tiền sử bị tâm thần, hằng ngày phải uống thuốc. Tối ngủ một mình, hằng ngày tôi lo cơm nước. Khoảng tháng 7.2018, Tâm và Danh Thanh Hùng, cùng ấp xuống xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) nhậu rồi mất tích”.
4 ngày không thấy Tâm về, gia đình dáo dác đi tìm. Hình ảnh của Tâm được chia sẻ trên mạng xã hội. Nỗi lo của gia đình càng tăng thêm khi hiểu rằng, càng lâu ngày Tâm có nguy cơ tái phát bệnh sẽ vô cùng nguy hiểm đến Tâm và những người xung quanh.
Gia đình đang lúc gần như tuyệt vọng thì nửa đêm nhận được điện thoại của chị Đào – công tác tại thị trấn Phú Lộc, (người phát tiền trợ cấp hằng tháng cho Tâm) thông báo Tâm đang đi tàu biển tại khu vực cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu (cách nhà trên 100km).
Còn Danh Thanh Hùng sống một mình tại thị trấn Phú Lộc, vợ chồng đã ly thân, con trai làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Hằng ngày hay đi cùng với Tâm và một người tên Dũng (biệt danh là Cá Sấu) ấp 2, thị Trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.
Cá Sấu (điện thoại xxxxxx4006) rủ Hùng và Tâm xuống Bạc Liêu nhậu tại quán Mỹ Thi. Do Tâm và Hùng không đủ tiền trả cho chủ quán (Cá Sấu thì biến mất) nên bị giữ lại quán nhậu này. Một người phụ nữ tên Mỹ Thi có số điện thoại xxxxxxx575 giữ hai người lại bắt phải trả nợ.
Vì không có tiền nên Tâm và Hùng bị người này nói sẽ đưa đi Gành Hào lựa cá với mức thu nhập từ 4-10 triệu đồng/tháng. Mỹ Thi hứa sau khi xuống tàu lựa cá mỗi người nhận được 10 triệu đồng. Tâm và Hùng đều ký, lăn tay vào tờ giấy đã được viết sẵn. Họ hoàn toàn không biết đây là giấy nhận nợ đối với chủ tàu cá tên Hiếu (ĐT: xxxxxxx114) mỗi người nợ 10 triệu đồng.
Khi xuống tàu cá Tâm và Hùng mới biết mình đi làm ngư phủ. Những ngày lênh đênh trên biển, có lúc Tâm định nhảy xuống biển nhưng Hùng can ngăn. Do lần đầu tiên đi biển nên khi sóng to, gió lớn, Hùng không đứng vững trên tàu. Không làm việc bị các bạn ghe cho là làm biếng, không chịu làm việc, Hùng bị đánh đập, dọa cho nhịn đói, đạp xuống biển.
Còn Tâm bị bạn ghe đánh nhiều lần khiến anh bị thương tích nhiều chỗ vì tội không làm mà đòi ăn nhiều lần trong ngày. Chỉ những vết thương còn ở tay, Tâm kể lại cảnh bị đánh: “Bạn ghe tên Linh đánh vào tay, thoi vào bụng tôi. Ở biển thiếu thuốc, thiếu dầu nên tay bị sưng lên, vết thương bị lở hết luôn”. Hùng không thể tin là mình còn sống trở về.
Video đang HOT
Cũng liên quan đến đường dây môi giới cung cấp LĐ làm ngư phủ của Cá Sấu, anh Lê Thanh Việt (31 tuổi, ấp Thạch Điền, thị trấn Phú Lộc, huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng) là nạn nhân từ tháng 2.2018, theo “kịch bản”: Đi nhậu, nợ tiền chủ quán, chủ quán nhậu đưa xuống tàu cá làm ngư phủ.
Chuyến đi của Việt kéo dài hơn 3 tháng. Sau chuyến đi Việt được chủ tàu chia 17 triệu đồng, Việt phải trả cho “cò” 13 triệu đồng, còn 4 triệu đồng Cá Sấu mượn đến nay chưa trả. Việt kể: “Anh Tâm, anh Hùng như vậy là còn may mắn. Chủ tàu họ không biết mình bị lừa đâu, nếu trả về thì các “cò” cũng bắt đi tàu khác để trừ cho hết nợ. Em liều đi cho hết chuyến biển trả hết nợ mới yên thân”.
Giấy biên nhận giao nhận tiền chuộc. Ảnh: PV
Chuộc người và khiếu nại
Dù chắc chắn rằng Tâm và Hùng đã bị đưa đi làm ngư phủ thông qua chủ quán Mỹ Thi ở Long Thạnh, Bạc Liêu, nhưng khi gia đình liên hệ nhiều lần với chủ quán Mỹ Thi, đều được trả lời không có. Họ phải nhờ đến Công an huyện Thạnh Trị phối hợp với Công an xã Long Thạnh.
Dù vậy chủ quán Mỹ Thi vẫn khẳng định là không biết. Chị Lan Mai bèn đưa hình ảnh, y chứng khẳng định Châu Hoài Tâm có tiền sử tâm thần đang uống thuốc, nếu không đưa vào bờ sẽ nguy hiểm. Lúc này chủ quán Mỹ Thi mới liên hệ với chủ tàu cá tên Lâm Thị Hiếu (tên gọi khác là Oanh) mới đồng ý chuộc người.
Ngày 2.7 hai bên thỏa thuận để nhận Tâm và Hùng bằng giấy biên nhận có nội dung: “Tôi làm giấy này để làm bằng chứng có nhận 16 triệu đồng chẵn của chị Châu Thị Lan Mai, cư ngụ ấp 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng là bên gia đình của anh: Châu Hoài Tâm, Danh Thanh Hùng đi làm cá cho ghe tôi nhưng vì sức khỏe yếu nên gia đình gửi trả số tiền lại cho tôi mà hai bên đã mượn. Hiện giờ tôi nhận số tiền rồi, nhưng trong vòng 7 ngày nữa ghe mới chở hai anh này về. Nếu tôi nhận số tiền này mà trong tuần 2 anh không về tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Dù có giấy cam kết, nhưng gia đình chị Lan Mai cũng chưa thật sự yên tâm. Những chuỗi ngày chờ đợi đón anh Tâm là những giây phút sống trong âu lo, sợ hãi.
Đúng 7 ngày sau (tức 8.7) chị Hiếu thông báo cho gia đình Tâm và Hùng xuống cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đón hai người về. Chị Lan Mai không nhìn ra em mình do trên người có nhiều vết thương, mặt mũi hốc hác đầy vẻ hoảng sợ, mình hôi hám. Gia đình đưa Tâm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Trị (tỉnh Sóc Trăng) nhiều ngày mới hồi phục lại.
Chị Lan Mai ấm ức vì sao lại có đường dây lừa gạt người lương thiện đi tàu cá, chị bèn đi khiếu nại với Công an xã Long Thạnh, Công an huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) để ngăn chặn kịp thời đường dây buôn người đi biển. Chị Lan Mai liên tục gửi đơn đến cơ quan công an nhằm lật mặt đường dây này. Những nỗ lực của gia đình chị Lan Mai đã có kết quả. Ngày 8.8, Công an huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) chính thức mời những người có liên quan đến vụ việc để điều tra làm rõ.
Chị Lan Mai trầm tư: “Mình không trách các chủ tàu cá, đặc biệt là chị Hiếu, bởi các chủ tàu do khan khiếm người đi biển nên họ thông qua “cò”. Họ có biết người nào đi biển được hay không. Mình chỉ buồn và giận những người “cò”, lợi dụng điều này để đưa những người không có kinh nghiệm, thậm chí em tôi bị tâm thần họ cũng ép cung cấp cho các chủ tàu. Hành động này là không thể chấp nhận được”.
Hiện, Công an huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) đang củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc.
NHẬT HỒ
Theo LĐO
Hoạt động giám định pháp y tâm thần: Không thể để kẻ phạm tội lợi dụng
Mới đây, Công an TP Hà Nội cho biết về kết quả điều tra vụ án làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Thông tin này khiến dư luận xôn xao bởi công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một hoạt động bổ trợ tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần là một nguồn chứng cứ trong giải quyết vụ án nhưng đã có kẽ hở để tội phạm lợi dụng để "chạy" tội.
Bệnh án tâm thần có thể làm giả
Bỏ 85 triệu đồng "mua" hồ sơ bệnh án tâm thần
Vụ việc được cơ quan điều tra (CQĐT) phát hiện cách đây khoảng 2 tháng khi Lê Thành Tùng (đối tượng cầm đầu băng nhóm gây ra vụ án cố ý gây thương tích), xuất trình bệnh án tâm thần. Qua xác minh, CQĐT làm rõ bệnh án này là giả. Tùng đã bỏ ra 85 triệu đồng để có được hồ sơ bệnh án tâm thần phân liệt thể hoang tưởng.
Sau đó, CQĐT phát hiện có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả (có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ) nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 cán bộ, nhân viên bệnh viện tâm thần để điều tra.
Liên quan đến vụ việc, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo một số bệnh viện tâm thần trên địa bàn TP Hà Nội. GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.
Cùng với đó, Bộ yêu cầu các cục, vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành tâm thần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.
Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước công việc hàng ngày, trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. Những trường hợp khó kết luận, các tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác.
Quy trình chặt chẽ sao vẫn "chạy" bệnh án?
Công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Vì thế, quy trình để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần đòi hỏi phải được tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt.
Theo TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần phải tuân thủ theo một quy trình rất nghiêm ngặt của Hội đồng giám định y khoa. Hội đồng chuyên môn là những người có năng lực chuyên môn cao của bệnh viện tham gia vào hội chẩn, khám lâm sàng để tăng chất lượng chẩn đoán bệnh nhân có bị tâm thần hay không. Đối với các trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự sẽ phải thực hiện giám định thông qua Hội đồng pháp y.
Theo Thông tư 18/2015/TT-BYT về quy trình giám định pháp y tâm thần, người giám định pháp y tâm thần là bác sỹ chuyên ngành tâm thần, đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm là giám định viên pháp y tâm thần hoặc là người giám định pháp y tâm thần theo vụ việc (gọi chung là giám định viên). Mỗi trường hợp giám định pháp y tâm thần thông thường có 03 giám định viên tham gia.
Trường hợp phức tạp, có khó khăn trong việc xác định bệnh cũng như đánh giá năng lực hành vi thì có thể có 05 giám định viên tham gia. Trường hợp giám định lại lần thứ hai, có tính chất phức tạp, có sự tham gia của nhiều chuyên khoa khác nhau thì có thể mời thêm chuyên gia về giám định pháp y tâm thần, nhưng tổng số không quá 09 người/01 ca giám định.
Theo quy định của pháp luật giám định tư pháp có 2 hình thức: giám định cá nhân và giám định tập thể. Việc yêu cầu hình thức giám định nào cho đối tượng sẽ phụ thuộc vào cơ quan tố tụng. Cá nhân giám định viên phải chịu trách nhiệm từ đầu tới cuối. Còn nếu trưng cầu tổ chức giám định thì tổ chức sẽ phân công giám định viên thực hiện và hội đồng đó phải chịu trách nhiệm nếu cùng một quyết định.
TS Ngô Văn Vinh - Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho hay cần phải phân định rõ ràng bệnh án tâm thần và bản kết luận giám định pháp y tâm thần. Kết luận giám định pháp y tâm thần là đánh giá, kết luận của cơ quan chuyên môn sau khi thực hiện trưng cầu giám định, còn bệnh án tâm thần là hồ sơ điều trị của bệnh nhân do cơ sở y tế xác lập để theo dõi.
Cơ quan giám định có quyền từ chối giám định cho đối tượng trong trường hợp không đủ thời gian, không đủ tài liệu, không đủ điều kiện (cơ sở vật chất). Khi thực hiện giám định tư pháp theo quy định tố tụng hình sự cá nhân, các giám định tham gia nếu cố ý làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, theo TS Vinh, công tác giám định tâm thần gặp những khó khăn nhất định như bệnh nhân giả bệnh hoặc giả tăng triệu chứng nên giám định viên cần phải thu thập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ của đối tượng. phải cảnh giác trước những "chiêu trò" giả mắc bệnh để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật của một số người.
Ổn định mô hình để nâng cao chất lượng giám định
Khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần nhưng Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng thông tin, vừa qua Bộ Y tế nhận được phản ánh của một số tỉnh đang có chủ trương sáp nhập Trung tâm pháp y (TTPY) tỉnh vào Bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc sáp nhập TTPY với Trung tâm giám định y khoa tỉnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012, đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố đã thành lập TTPY tỉnh (có con dấu và tài khoản riêng). Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp đã quy định TTPY cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo quy định của Luật Giám định tư pháp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nhằm tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Chính phủ đã triển khai thực hiện Đề án 258 về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp giai đoạn I. Tiếp theo, ngày 28/2/2018, Chính phủ ban hành Quyết định số 250/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Hệ thống Trung tâm giám định pháp y đang dần ổn định và hoạt động đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tố tụng.
Tuy nhiên, việc sáp nhập nói trên có thể gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và đời sống của các bác sĩ, giám định viên. Bởi vậy, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của TTPY tỉnh đã được quy định tại Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, đồng thời tránh được những vụ việc đáng tiếc như tại Hà Nội, Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền duy trì hệ thống tổ chức giám định pháp y được ổn định và phát triển theo mô hình đã được quy định tại Luật Giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, nhất là về chất lượng các kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần, không để lọt người, lọt tội.
Thục Quyên - Hoa Nguyễn
Theo baophapluat
Đạo đức ở đâu khi bác sĩ cấp khống bệnh án tâm thần! Bất kể nghề nghiệp nào cũng cần có đạo đức, đặc biệt nghề y liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người. ảnh minh họa Từ việc một đối tượng cộm cán ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã xuất trình bệnh án "tâm thần phân liệt thể hoang tưởng" sau khi bị bắt do gây án, công...