Lũ lụt kinh hoàng tại Italy là do một hiện tượng thời tiết lạ
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn kết quả một nghiên cứu của tổ chức World Weather Attribution (WWA) cho biết một hiện tượng thời tiết lạ mới chính là nguyên nhân gây ra trận lũ lụt chết người vừa qua tại khu vực Emilia-Romagna, phía Đông Bắc Italy.
Cảnh ngập lụt tại Bologna, thuộc vùng Emilia-Romagna, Italy, ngày 17/5/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Nghiên cứu cho rằng vào tháng 5 vừa qua, khu vực này đã chứng kiến một hiện tượng thời tiết “200 năm mới có một lần”, gây mưa lớn chưa từng thấy trong hai thế kỷ.
Ngày 31/5, tại một cuộc hội thảo, đồng tác giả và là nhà nghiên cứu về vật lý khí hậu tại Viện Pierre-Simon Laplace (Pháp), ông Davide Faranda cho biết: “Hiện tượng này quá hiếm gặp. Trước đợt mưa lớn đầu tiên ngày 2/5, Italy đã trải qua một đợt hạn hán xảy ra do biến đổi khí hậu”.
Ông Faranda đề cập đến hai năm ít mưa, thậm chí không có mưa đã khiến cho đất đai tại vùng Emilia-Romagna khô cằn đến mức không thể hấp thụ được lượng nước. Ngoài ra, tình trạng hạn hán phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu tuyết rơi trên núi Alpine, vốn thường bổ sung nước cho sông Po và các tuyến đường thủy nhỏ khác ở phía Bắc Italy.
Người sáng lập tổ chức WWA, ông Friederike Otto từ Đại học Hoàng gia London nhấn mạnh, nghiên cứu này thực hiện để tìm ra sự liên kết giữa biến đổi khí hậu và tình trạng lũ lụt tại vùng Emilia-Romagna.
Sử dụng các mô phỏng trên máy tính và các quan sát trước đó, nhóm các nhà nghiên cứu của WWA đã tìm kiếm, nhưng không thấy bằng chứng nào về sự nóng lên do con người gây ra đằng sau hiện tượng thời tiết trên, không giống như trong nhiều nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, việc liên tiếp xảy ra ba trận mưa đặc biệt lớn, diễn ra trong một khoảng thời gian 3 tuần ngắn ngủi là rất hiếm, vì vậy các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng họ cần thêm thời gian để nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Theo nghiên cứu, mặc dù vùng Emilia-Romagna có lịch sử bị lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng, tuy nhiên khu vực chưa từng phải hứng chịu đợt mưa dữ dội như trong 3 tuần đầu của tháng 5. Các nhà khoa học cũng cho biết, trong số 19 mô phỏng được sử dụng, không có trường hợp nào cho thấy khả năng xảy ra một hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy, đồng nghĩa với việc không có dấu hiệu cho thấy mưa lớn có thể diễn ra ở vùng phía Bắc Italy vào mùa xuân.
Video đang HOT
Tuy nhiên, phát hiện này đã giúp chứng thực một nghiên cứu trước đó, cho rằng do biến đổi khí hậu, số lượng các hệ thống áp suất thấp ở trung tâm Địa Trung Hải đã giảm, dẫn đến việc giảm lượng mưa, bù đắp cho lượng mưa dự kiến tăng do sự nóng lên toàn cầu.
Trận lũ lụt lịch sử vừa qua tại Italy đã cướp đi sinh mạng của 15 người, gây ra khoảng 300 trận lở đất và khiến gần 20 con sông bị tràn bờ. Emilia-Romagna là một trong những khu vực sản xuất nông nghiệp và chế tạo lớn nhất tại Italy. Giống như những nơi khác ở vùng phía Bắc, trong thời kỳ bùng nổ kinh tế sau Thế chiến thứ hai, phần lớn khu vực này đã được đô thị hóa nhanh chóng, lấy đi diện tích cần thiết cho hệ thống thoát nước, khiến cho hầu hết cơ sở hạ tầng không được chuẩn bị để chống lại các trận mưa lớn và làm tăng nguy cơ lũ lụt.
Italy 'oằn mình' trước trận lụt lịch sử tồi tệ nhất trong 100 năm
Hai đợt mưa diễn ra cách nhau 15 ngày đã đổ xuống Emilia Romagna - một trong những vùng giàu có nhất tại Italy - lượng nước mưa bằng mức trung bình của cả năm, nhấn chìm hàng chục thành phố và thị trấn, gây ra hàng trăm vụ lở đất và làm tê liệt hơn 500 con đường.
Phần lớn diện tích của vùng Emilia Romagna chìm trong nước. Ảnh: AFP/TTXVN
Thiệt hại "không thể đong đếm"
Mưa lớn trút xuống vùng Emilia Romagna từ hôm 17/5, đã gây ra các vụ lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Lượng mưa lớn đã khiến các con sông bị vỡ bờ, đẩy nước tràn qua các thị trấn và nhấn chìm hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp.
Thống kê từ chính quyền địa phương cho thấy đã có tổng cộng khoảng 305 vụ lở đất, 23 con sông bị tràn bờ, khoảng 500 con đường bị hư hại hoặc bị phá hủy, ít nhất 100 thành phố, thị trấn bị ngập lụt và hơn 5.000 trang trại chìm trong nước.
Lũ lụt đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 36.600 người phải sơ tán, cùng hàng chục nghìn người không có điện. Tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, người dân phải sống trong tình trạng thiếu nước uống và lương thực.
Thiệt hại vì lũ lụt có thể lên đến nhiều tỷ euro. Tổng liên đoàn Nông nghiệp Italy (Confagricontura) ước tính mức thiệt hại kinh tế của hai đợt mưa lũ lịch sử này có thể cao gấp 3 lần so với thiệt hại kinh tế 13 tỷ euro mà trận động đất kinh hoàng năm 2012 gây ra.
Chủ tịch vùng Emilia Romagna Stefano Bonaccini đã so sánh trận lụt lịch sử vừa qua với một trận động đất. "Chúng ta đã tái xây dựng gần như mọi thứ, nhưng hôm nay chúng ta lại đang hứng chịu một trận động đất khác", Chủ tịch Bonaccini phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây.
"Nhìn từ trên cao, vùng này trông giống như đã bị đánh bom. Ở một số khu vực, chúng tôi sẽ phải xây dựng lại những con đường mới, thay đổi hoàn toàn hình dạng của mạng lưới đường bộ", bà Irene Priolo - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Bảo vệ Dân sự vùng Emilia Romagna - miêu tả. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Bologna, ông Matteo Lepore đánh giá sẽ phải mất "hàng tháng và ở một số nơi có thể hàng năm" để sửa chữa đường sá và cơ sở hạ tầng.
Khẩn trương công tác cứu trợ
Lực lượng cứu hộ triển khai công tác ở Ravenna, Italy, ngày 21/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngay sau khi mưa lớn kéo dài khiến nhiều vùng rơi vào trạng thái bị cô lập, lực lượng cứu hộ khẩn cấp Italy đã lên đường vào những khu vực hiểm nguy, đưa người cao tuổi và người khuyết tật mắc kẹt đến nơi an toàn. Lực lượng cứu hỏa Italy đã thực hiện 2.000 hoạt động cứu hộ trên khắp Emilia Romagna và tại một số khu vực ở trung tâm Marche cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Sáng 23/5, người dân đã bắt đầu nỗ lực khắc phục hậu quả sau khi nước rút, trong đó tập trung khôi phục kết nối Internet cho các bệnh viện, công sở, trường học và những vùng dân cư bị cô lập. Chính quyền khu vực cũng đã phân bổ 100 thiết bị kết nối Internet vệ tinh Starlink, do SpaceX sản xuất, tại các khu vực lân cận Ravenna - vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ lụt.
Cùng ngày, Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết Italy đã phê duyệt gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hơn 2 tỷ euro để giúp đỡ các khu vực bị lũ lụt. Nhà lãnh đạo đã gọi gói cứu trợ này là "phản ứng quan trọng đầu tiên với khu vực bị ảnh hưởng".
Gói cứu trợ sẽ bao gồm việc tạm hoãn nộp thuế, chi phí dịch vụ công cũng như các khoản vay chính phủ; chi trả tới 3.000 euro cho những người không thể làm việc do lũ lụt; và hàng chục triệu euro trợ cấp và cho vay với các doanh nghiệp, cũng như để tái thiết cơ sở hạ tầng, tiến hành kiểm tra giám sát y tế và an toàn tại những khu vực chịu thiệt hại nặng. Đây cũng là một trong những gói cứu trợ lớn nhất sau một thảm họa thiên tai quốc gia ở Italy.
Trong số các biện pháp, chính phủ đã tuyên bố tăng 1 euro đối với vé vào cửa các bảo tàng nhà nước của Italy từ ngày 15/6 đến ngày 15/9. Chính phủ giải thích tiền thu được sẽ được sử dụng để bảo vệ các đồ tạo tác văn hóa trong vùng lũ lụt.
Trong khi đó, một số nhóm tư nhân đã cam kết tài trợ để giúp vùng lũ lụt tái thiết, bao gồm tập đoàn ô tô Italy-Pháp Stellantis với cam kết viện trợ 1 triệu euro, nhà sản xuất ô tô hạng sang Ferrari, tập đoàn các thương hiệu xa xỉ của Pháp LVMH và tập đoàn Kering, chủ quản của nhà mốt Italy Gucci.
Ông Bonaccini đã đệ trình một danh sách các yêu cầu hỗ trợ đối với chính phủ và cho rằng Emilia Romagna cần một kế hoạch toàn diện để tái thiết, duy trì và đảm bảo an toàn trước các rủi ro thiên tai.
Đây là trận lụt nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua và cũng là lần thứ 2 trong tháng này vùng Emilia-Romagna hứng chịu thiên tai.
Vùng Emilia Romagna đặc biệt dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu, do vị trí nằm giữa dãy núi Apennine và biển Adriatic. Viện nghiên cứu và bảo vệ môi trường Italy (ISPRA) đã xác định Emilia-Romagna là một trong những khu vực có nguy cơ lũ lụt cao nhất tại Italy.
Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp của trận lũ lụt lịch sử là hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong điều kiện khí hậu thay đổi, lượng mưa sẽ nhiều hơn, nhưng mưa sẽ rơi vào ít ngày hơn và gây ra những trận mưa như trút nước. Điều này càng nguy hiểm hơn khi mặt đất khô, không thấm nước sau những đợt hạn hán kéo dài.
Các chuyên gia cảnh báo hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở Địa Trung Hải trở thành điều bình thường mới, đòi hỏi Italy phải thích nghi và suy nghĩ lại về các biện pháp phòng chống lũ lụt trên toàn quốc. Theo nhóm môi trường Legambiente, năm 2022, Italy ghi nhận 310 hiện tượng thời tiết cực đoan khiến 29 người thiệt mạng.
Số ca tử vong do thời tiết cực đoan tại Bangladesh cao nhất châu Á trong 51 năm Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố báo cáo cho biết Bangladesh ghi nhận số ca tử vong do thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu cao nhất châu Á, với 520.758 ca liên quan 281 đợt thiên tai trong giai đoạn 1970-2021. Nhiều ngôi nhà bị sập sau cơn bão Mocha ở Shahpori, Bangladesh, ngày 15/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN...