Lũ lên cao đe doạ đê bao, nhà nông thấp thỏm lo mất ăn lúa thu đông
Tại xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, áp lực nước từ thượng nguồn đổ về khu nội Đồng Tháp Mười đã làm vỡ đê bao, khiến gần 150ha lúa bị chìm trong nước, ước tính thiệt hại gần 4 tỷ đồng. Trong khi đó, nước lũ vẫn đang lên, đe dọa hàng loạt tuyến đê bao khác ở các tỉnh miền Tây, khiến nhà nông lo sợ cho sự an toàn của những đồng lúa vụ thu đông.
Thu hoạch lúa chạy lũ
Ông Phan Văn Sóc ở ấp 2 (xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Gia đình có 1,3ha lúa bị nhấn chìm trong dòng nước lũ. Để “vớt được đồng nào đỡ đồng nấy”, gia đình ông đã lặn hụp cắt từng bông lúa đem về nhà. Sự vụ vừa xảy ra khiến cuộc sống gia đình thời gian tới vô cùng khốn khó bởi nguồn thu xem như bế tắc, trong khi đó gia đình có đến 6 nhân khẩu.
Người dân xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thu hoạch lúa vụ thu đông chạy lũ. Ảnh: H.X
Không chỉ có diện tích lúa của ông Sóc bị ngập mà có hơn 100ha khác trong vùng lúa của xã Thạnh Lợi này bị mất trắng. Theo người dân địa phương, tối 12.9, tuyến đê bao dài 25m nơi đây bị vỡ trước áp lực của nước lũ dâng cao và mưa nhiều ngày gây ra. Mặc dù khi phát hiện vụ việc, địa phương đã huy động 4 máy đào và trên 200 người dân cùng dân quân tiến hành gia cố nhưng không thể gia cố, cứu vãn được tình thế.
Theo ông Đoàn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, số diện tích lúa bị thiệt hại còn khoảng 1 tuần nữa là thu hoạch dứt điểm. Do vụ việc việc xảy ra vào ban đêm nên công tác gia cố khó khăn và không thành công. Xã đã đề nghị UBND huyện và tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân khắc phụ hậu quả; đồng thời huy động lực lượng kiểm tra thường xuyên các tuyến đê, để kịp thời xử lý các tình huống không mong muốn.
Được biết, hiện xã Thạnh Lợi còn trên 3.000ha lúa thu đông, trong đó có nhiều khu vực có nguy cơ vỡ đê rất cao. Vì vậy, người dân tranh thủ thu hoạch lúa càng sớm càng tốt, tránh để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc trong thời gian tới.
Không riêng gì Đồng Tháp, nhiều người dân ở An Giang cũng bị thiệt hại nặng những diện tích lúa nằm ngoài đê bao khi nước lũ dâng cao kết hợp với triều cường. “Gia đình tôi bỏ ra 80 triệu đồng để trồng 1,8ha lúa, gần đến ngày thu hoạch thì bị nước nhấn chìm mất trắng chỉ trong một đêm” – ông Cao Văn Tuấn ở ấp Vĩnh Cầu (xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) buồn so nói.
Theo ông Tuấn, lũ năm nay về sớm, chảy nhanh, áp lực nước rất lớn nên ông và người dân địa phương đều không kịp trở tay. Trước mắt, ông sẽ nói các cửa hàng phân bón mà ông mua trước đó cho ghi nợ, thiếu đến vụ sau sẽ trả.
Còn ông Mai Văn Lành (ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) thì bị thiệt hại nặng hơn bởi có đến 15ha bị ngập nước, với vốn đầu tư trên 300 triệu đồng. Theo ông Lành, tưởng lũ nhỏ như những năm trước, năm nay người dân trong ấp tự liên kết lại làm bờ bao để sản xuất lúa thu đông. Không ngờ nước lũ từ phía Campuchia đổ về rất mạnh, nước lên nhanh làm cho bờ bao bị vỡ gây ngập lúa mặc dù trước đó, bà con đã đầu tư gần 130 triệu đồng để thuê cơ giới gia cố đê bao.
Video đang HOT
Túc trực giữ đê bao
Hiện nay, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) có trên 8.000ha diện tích lúa thu đông chưa thu hoạch bị nước lũ đe dọa, tập trung nhiều ở các xã: Hưng Thạnh, Thạnh Lợi và Trường Xuân. Để chủ động phòng chống lũ, huyện Tháp Mười đã thành lập 107 tổ, đội phòng chống và bảo vệ đê với gần 900 người tham gia tại 13/13 xã, thị trấn. Theo đó, những tổ, đội này sẽ thực hiện phần việc gia cố, tôn cao đê bao, phân công tuần tra, kiểm tra…
Theo UBND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), nơi đây còn khoảng 19.200ha lúa thu đông chưa thu hoạch và dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 9. Hiện các điểm xung yếu của nhiều đê bao đã và đang được địa phương khắc phục.
Ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, huyện Tháp Mười và Cao Lãnh là 2 địa phương có nhiều diện tích lúa thu đông có nguy cơ bị nước lũ đe doạ nhất. Vì vậy, mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cùng đại diện các sở, ngành có liên quan đã đến kiểm tra thực tế, đồng thời chỉ đạo lãnh đạo 2 địa phương trên tăng cường gia cố đê bao bảo vệ lúa, nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa đã chín, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, huy động lực lượng tuần tra bảo vệ đê bao.
Tại huyện Tri Tôn (An Giang), hiện nay, mực nước lũ đang ở mức cao, nhiều nơi đã ngấp nghé bờ đê ở một số khu vực thuộc xã Lương An Trà, Lạc Quới, Vĩnh Phước, Vĩnh Gia trong đó có nơi mực nước chỉ cách mặt đê từ 0,3-0,4m. Điều mà người dân nơi đây lo ngại là phía bên trong đê có nhiều ruộng lúa chưa thu hoạch, trong khi các đoạn đê phần lớn mới gia cố nên đất mềm, rất dễ sạt lở trước áp lực nước từ kênh Vĩnh Tế đang lên mạnh và trong trường hợp có mưa lớn kéo dài.
Theo thống kê của UBND huyện Tri Tôn, toàn huyện đã có 887ha lúa thu đông bị thiệt hại do lũ và có 2.070ha khu vực ngoài đê bao xung yếu cần tập trung bảo vệ. Một số nơi, người dân đang thu hoạch chạy lũ (những diện tích lúa chưa chín tới nhưng có nguy cơ bị thiệt hại), cụ thể là 431ha ở xã Lạc Quới, 209ha ở xã Vĩnh Gia…
Được biết, để công tác ứng phó với lũ đạt hiệu quả tốt nhất, các địa phương trên địa bàn huyện Tri Tôn đã tổ chức 61 cuộc họp dân để thông báo diễn biến lũ, đưa ra phương án đặt máy bơm chống úng, gia cố đê bao, cống bọng bảo vệ lúa.
“Mấy ngày nay địa phương huy động trên 700 người (bộ đội, biên phòng, dân quân tự vệ) cùng người dân gia cố đê bao. Năm nay lũ về sớm hơn mọi năm gần cả tháng, đồng thời mực nước lên nhanh và cao hơn cùng kỳ gây khó khăn trong công tác bảo vệ, đặc biệt là khu vực ngoài đê bao” – ông Võ Thanh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Lạc Quới (Tri Tôn) cho biết.
Ông Lương Hoàng Viễn – Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết, vài ngày qua, nhiều người dân và lực lượng chức năng xã cùng nhau gia cố tuyến đê Tây Kênh 8 để bảo vệ khoảng 2.300ha lúa thu đông bên trong. Hiện, mực nước bên trong và ngoài đê đã chênh lệch hơn 1,5m nên không thể lơ là.
Theo Danviet
Sau sự cố vỡ đê, nông dân Đồng Tháp như 'ngồi trên đống lửa'
Sự cố vỡ đê khiến 150 ha lúa ở xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chìm trong biển nước, đã khiến người dân đang canh tác lúa Thu Đông 2018 "đứng ngồi không yên".
Cán bộ xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp kiểm tra các ô bao xung yếu.
Giữa đầu tháng 9, lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường nên mực nước tại Đồng Tháp cao hơn cùng kỳ, do vậy khả năng nước đe doạ đến các vùng xung yếu sản xuất lúa vụ Thu Đông rất cao. Kèm theo đó sự cố vỡ đê ngày 12/9 vừa qua khiến 150 ha lúa ở xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chìm trong biển nước, đã khiến người dân đang canh tác lúa Thu Đông 2018 "đứng ngồi không yên".
Nông dân thấp thỏm vì nhiều diện tích lúa bị đe doạ
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia ngày 14/9, tình hình thuỷ văn sông Cửu Long đang biến đổi chậm, hiện mực nước đang xuống chậm, sau đó lại theo kỳ triều cường. Dự báo, đến ngày 25/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,2m, trên báo động II 0,2m; tại Châu Đốc ở mức 3,8m, dưới báo động III 0,2m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long trên mức báo động I - báo động II và trên báo động II. Nhận định tình hình thủy văn còn diễn biến phức tạp, lũ có khả năng lên cao khi xảy ra các hình thế thời tiết bất lợi trên lưu vực. Do đó nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có Đồng Tháp.
Do diện tích lúa Thu Đông xuống giống tại Đồng Tháp năm 2018 trễ hơn thường kỳ nên nguy cơ các diện tích sản xuất lúa bị lũ đe doạ rất cao. Theo thống kê, vụ Thu Đông năm nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống hơn 110.000/130.000ha theo kế hoạch, đạt tỷ lệ 84,6%. Trong đó, dự báo đến cuối tháng 9, khoảng 15% diện tích, tương ứng 15.000 ha lúa, tập trung tại thị xã Hồng Ngự, huyện Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ.
Qua ghi nhận thực tế, tại một số khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười như xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tính đến ngày 9/9, địa phương gieo sạ hơn 3.600 ha lúa Thu Đông. Các trà lúa sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của xã là tại các đoạn đê xung yếu, mặc dù đã được gia cố nhiều lần nhưng nước đã "ngấp ngé" mặt đê, có nơi mực nước trong và ngoài đê bao có nơi chênh lệch gần 2 mét, nguy cơ vỡ đê cao.
Đang canh tác lúa tại khu ô bao ấp 3, xã Thạnh Lợi, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, không chỉ riêng ông mà tất cả người dân canh tác lúa vụ này đều thấp thỏm lo âu, không biết nguy cơ vỡ đê lúc nào, bao nhiêu vốn liếng (bình quân khoảng 1,8 triệu đồng/1.000m2), nếu vỡ đê là xem như mất trắng.
Nỗi lo của ông Lâm hoàn toàn có cơ sở vì, chiều ngày 12/9, một vụ vỡ đê đã nhấn chìm toàn bộ 150 ha lúa sắp đến ngày thu hoạch ở ấp 2, xã Thạnh Lợi. Ước thiệt gần 4 tỷ đồng. Là một trong những hộ dân mất trắng trong sự cố này, anh Phạm Hồng Linh chia sẻ, không trở tay được vì mực nước lũ quá cao, sức ép của nước quá lớn. Địa phương đã dốc toàn lực phối hợp cùng nông dân huy động các phương tiện để ứng cứu nhưng nhưng diện tích đê vỡ khá nhiều nên đành bất lực nhìn lúa bị lũ nhấn chìm.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Thạnh Lợi thông tin, hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với xã Thạnh Lợi là vấn đề các khu xung yếu rất nhiều, có nơi chênh lệch mực nước trong và ngoài cao. Hầu hết các tuyến đê cũ đều đã bị ngập hết, địa phương phải gia cố nhiều lần theo mực nước lên, để đảm bảo không sạt lở đê, bảo vệ vụ mùa cho bà con.
Còn tại huyện Cao Lãnh, nơi xuống giống gần 28.000 ha, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm trước ngày 30/9. Đa phần các diện tích nằm trong tuyến bảo vệ kiên cố, đảm bảo ăn chắc. Song, 3.800 ha xuống giống ngoài lịch khuyến cáo của huyện và chưa có đê bao khép kín có nguy cơ bị thiệt hại do lũ. Ngoài ra, một số đoạn đê bao thuộc địa bàn 8 xã là Tân Nghĩa, Phương Thịnh, Ba Sao, Nhị Mỹ, Mỹ Hội, Bình Hàng Tây, Bình Hàng Trung và Mỹ Long đã có dấu hiệu xung yếu, nhiều đoạn nước đã mấp mé tràn bờ, tiềm ẩn nguy cơ tràn cục bộ 22 ô bao sản xuất lúa, với diện tích 2.859 ha lúa đang trong thời kỳ chờ thu hoạch, nếu nước lũ lên cao thêm từ 30cm đến 50cm.
Sợ vỡ đê, nông dân thu hoạch lúa chạy lũ
Trước nỗi lo mất trắng vì lũ, người dân đã chủ động liên kết gia cố lại đê bao để ứng phó với lũ đang diễn biến khó lường. Đồng thời, một số hộ dân cũng đã tranh thủ thu hoạch lúa sớm, dù biết thiệt hại là giảm năng suất và giá thành.
Canh tác 5 ha trong khu ô bao tại ấp 3, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười của anh Lê Văn Duyên nói, mặc dù còn 5 ngày nữa mới đến ngày thu hoạch nhưng do tuyến đê bao hiện tại rất mỏng, yếu, mức chênh lệch khá lớn, mực nước tiếp tục ngấp ngé mặt đê, nên để tránh nguy cơ mất trắng gia đình quyết định thu hoạch lúa sớm.
Anh Duyên nói, sản xuất vụ 3 cũng nhiều năm, nhưng năm nay, lũ sớm, bất ngờ sớm hơn 1 tháng, cho nên mặc dù nông dân xuống theo lịch thời vụ của huyện khuyến cáo nhưng cũng không tránh được nước. Thấy tuyến đê bao yếu nên lúa chắc gạo thì thu hoạch, thuê ghe đi sấy để bảo vệ vốn buổi đầu bỏ ra.
Trồng 6 ha lúa IR50404, tuy nhiên phải thu hoạch sớm 5 ngày, bà Nguyễn Thị Nuôi cũng chia sẻ, thu hoạch không đúng ngày, sản lượng hao hụt khoảng 40%, trung bình chỉ 500 kg/1000m2, giảm 300 kg/1000m2 so với vụ Thu Đông năm 2017. Điều đáng nói là chất lượng hạt gạo cũng bằng lúa đúng thời gian sinh trưởng nên giá thương lái thu mua cũng giảm 200 đồng/kg. Hiện tại, giá lúa đã sụt giảm từ 5.200 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg. Bà Nuôi thật tình nói, năm nay phải thu hoạch "giựt giành" với nước, "đợi tới đúng ngày thì bể đê có được ăn đâu".
Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Tháp Mười, hiện địa phương còn gần 3.000 ha lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch; trong đó hàng trăm ha lúa ở xã Thạnh Lợi, Trường Xuân, Hưng Thạnh cần được thu hoạch hoạch sớm trước đỉnh lũ, để đảm bảo ăn chắc. Các địa phương khác như huyện Lấp Vò, huyện Cao Lãnh,... người dân cũng đang khẩn trương chuẩn bị các biện pháp nhằm bảo vệ sản xuất, riêng các trà lúa chín cũng được khẩn trương thu hoạch sớm, trước đỉnh lũ.
Trước tình hình này, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương rà soát các diện tích sản xuất lúa tại các nơi xung yếu, thường xuyên tuần tra, gia cố các đoạn đê xung yếu, sẵn sàng lực lượng và phương tiện ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói, đối với các diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ chín, các địa phương cần "bình tĩnh" theo dõi lịch thời vụ cùng với tình hình thuỷ văn để kiểm tra các đê bao.
"Không bàn đến chuyện sớm - trễ, vấn đề trọng tâm là phải xác định ô bao xung yếu có gia cố thêm được không? Có thể bảo vệ được bao lâu. Trong trường hợp, các ô bao bị nước đã đe doạ rất nguy hiểm thì cần vận động, tuyên truyền người dân khẩn trương thu hoạch, tránh thiệt hại lớn", ông Nguyễn Văn Công nói.
Bài và ảnh: Chương Đài
Theo TTXVN
Vỡ đê bao ở Đồng Tháp, 148ha lúa sắp gặt chìm trong nước lũ Cánh đồng lúa 148ha gần đến ngày thu hoạch ở Đồng Tháp bất ngờ bị nhấn chìm trong nước lũ sau khi tuyến đê bao bị vỡ. Ướt tính thiệt hại trị giá gần 3,3 tỷ đồng. Chiều nay (14.9), thông tin từ UBND xã Thạnh Lợi (huyện Tháp Mười, tỉnh Đông Thap) cho biết, một đoạn đê ở khu vực xã này...