Lũ kinh hoàng ở Quảng Trị, hàng trăm mái nhà chìm trong biển nước
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, hàng trăm nhà dân bị ngập hoàn toàn, nhiều vùng bị lũ chia cắt, cảnh tượng xót xa về tình hình mưa lũ đang diễn ra ở Quảng Trị.
Ngập lụt tận mái nhà dân ở khóm Tân Kim, thị trấn biên ải Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị
Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu thông tin, tuyến đường 588 hiện nay bị ngập sâu, chia cắt nhiều điểm ở các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Mò Ó. Đường vào trung tâm xã A Vao (Cầu tràn Tà rụt – A Vao), Ba Nang cũng bị chia cắt nhiều vị trí như cầu Đá Đỏ, Ra Lây, Tà Rẹc. Mưa lũ gây ngập lụt nặng nhất ở xã Ba Lòng và Triệu Nguyên với khoảng 150 nhà dân ngập hoàn toàn. Mực nước ở các đập thuỷ điện trên địa bàn huyện cũng đã vượt ngưỡng tràn từ 1,8-4m.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân, một số tuyến đường liên thôn A Bung (xã A Bung) – thôn A Rồng trên xã A Ngo; đường nội thôn Gia Giã (xã Hướng Hiệp), Húc Nghì (xã Húc Nghì), thôn Ly Tôn (xã Tà Long) của huyện Hướng Hoá bị chia cắt do các đập tràn và ngầm tràn bị ngập sâu 1-2m. Nhiều điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9 bị sạt lở với khối lượng lớn, đặc biệt điểm sạt lở Km 50 150 gây tắc đường, hiện đã thông xe.
“Các xã Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh, Hướng Phùng, Hướng Việt và thị trấn Lao Bảo cũng bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. Đường vào trung tâm xã Hướng Linh bị sạt lở 2 điểm thuộc địa phận xã Hướng Tân, hiện các loại phương tiện không qua lại được. Cùng với đó, cống khe Ta Pang thuộc thôn Ra Ly – Rào xã Hướng Sơn bị nước làm đứt gãy, nguy cơ không đi lại được. Mố cầu bản Làng Vây (xã Tân Lập) bị xói lở hoàn toàn”, ông Vân nói.
Mưa lớn khiến sạt lở nghiêm trọng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị
Video đang HOT
Nguy cơ lũ chồng lũ
Theo ông Lê Thanh Hùng-Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa), trận lụt ngày 8/10 vừa qua, toàn thị trấn Lao Bảo có 673 hộ/3.119 khẩu bị ngập lụt. Các khóm bản dọc sông Sê Pôn như Tân Kim, Ka Túp, Duy Tân, Xuân Phước… bị ngập sâu, có nơi sâu tới 4m. Do công tác chuẩn bị di dời dân từ trước nên Lao Bảo không có thiệt hại về người, hạn chế được mất mát tài sản của nhân dân.
Sau khi nước rút, lực lượng chức năng của Lao Bảo cùng với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hoá, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn bùn một số tuyến đường. Chính quyền thị trấn Lao Bảo đã kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ cho bà con ngập lụt. Trước mắt đã tặng cơm, nước uống cho các hộ dân chịu ảnh hưởng.
“Trưa 8/10, nước sông Sê Pôn đã hạ, song từ đêm qua đến sáng nay, trên địa bàn có mưa vẫn rất to, mực nước sông Sê Pôn đang lên lại, ở mức khá cao, có nguy cơ lũ chồng lũ. Hiện chính quyền đang tiếp tục theo dõi mực nước sông để có kế hoạch chỉ đạo cụ thể. Có nguy cơ lũ chồng lũ”, ông Hùng nói.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, liên tục trong 2 ngày 8 và 9/10, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã có các chuyến kiểm tra tại các điểm ngập lụt, sạt lở nặng. Nhận định tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, nước ở các sông vẫn tiếp tục dâng cao, ông Đồng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan lơ là, chủ động nắm tình hình để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm văn bản chỉ đạo của các cấp các ngành để ứng phó kịp thời. Tạm dừng các hoạt động không cần thiết để tập trung phòng chống mưa lũ.
Miền Trung oằn mình chống chọi lũ dữ
Những ngày này, người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... đang phải oằn mình chống chọi với lũ dữ.
Nước lũ trên sông Hương dâng cao gây ngập lụt. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Mưa lớn, nước lên nhanh khiến nhiều địa phương bị chia cắt, hàng ngàn ngôi nhà, hàng ngàn ha hoa màu bị nhấn chìm trong biển nước, hàng trăm hồ thủy lợi lớn nhỏ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị đe dọa. Theo thống kê sơ bộ (tính đến 12 giờ ngày 9/10), đã có 11 người chết, 9 người mất tích, hơn 11.000 ngôi nhà, hàng nghìn ha hoa màu bị ngập, hơn 3.500 hộ dân phải sơ tán. Ngập lụt, mưa lớn còn gây sạt lở nghiêm trọng 2 tuyến giao thông huyết mạch là quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh thuộc 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị).
Riêng quốc lộ 9 có 35 điểm sạt lở, còn đường Hồ Chí Minh có 85 điểm sạt lở, giao thông bị chia cắt.Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều ngôi nhà chỉ còn nhìn thấy chóp mái, nhiều hộ dân phải trắng đêm vật lộn với lũ dữ để giành giật lại tài sản; rất nhiều trường học ở Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế phải cho học sinh nghỉ học vì nước lũ dâng cao...
Bão số 5 vừa dứt, lũ lớn lại đột ngột xuất hiện khiến đồng bào miền miền Trung vốn đã nghèo, nay lại càng kiệt quệ khi phải gồng mình chống chọi với lũ dữ. Chỉ vài tháng trước, nhiều tỉnh miền Trung phải quay quắt với nắng hạn, cây cối chết khô do thiếu nước tưới, giờ bỗng ngập chìm trong nước lũ và phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Dẫu đồng bào cả nước đang từng ngày, từng giờ theo dõi, chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung ruột thịt, nhưng nó chẳng thấm tháp gì so với những thảm họa mà người dân nơi đây phải gánh chịu. Lũ đổ về chôn lấp nhà cửa, ruộng vườn, tài sản mà người dân phải bao năm tích lũy. Rất nhiều gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhiều người không còn nổi một tấm áo lành; những đứa trẻ đào bới trong đống đổ nát với hy vọng vớt vát lại những cuốn vở chưa bị nước thấm; rồi cả nỗi lo mai táng cho người chết do lũ chưa rút... Nhiều người kiệt sức và chưa thể hình dung cuộc sống của họ ngày mai sẽ ra sao?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sau ngày 11/10, mưa lớn ở các tỉnh miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ. Trong đó, tập trung rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối. Tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét. Các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập có nguy cơ mất an toàn cần có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn khi có tình huống.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi thiên tai liên tiếp ập xuống dải đất miền Trung trong vài năm trở lại đây. Có phải do sự bất thường của thời tiết hay chính là hậu quả từ sự tàn phá thiên nhiên của con người? Từ thảm họa của bão lũ, một vấn đề lâu nay được dư luận lên tiếng là sự phát triển quá nóng của các công trình thủy điện và sự xả lũ tràn lan của một số công trình thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Thậm chí có ý kiến gay gắt phải quy trách nhiệm của người phê duyệt, quyết định đầu tư; phải đền bù vật chất cho dân chứ không thể kéo dài mãi tình trạng dân chìm trong lũ thủy điện. Với người dân miền Trung, Tây Nguyên, cụm từ "xả lũ" đang là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với họ.
Trong nhiều năm qua, việc phát triển các công trình thủy điện nói chung thường chỉ tính đến giải quyết việc đảm bảo nguồn điện năng trong quan hệ cung - cầu, ít có đánh giá tác động đến môi trường, có chăng thì chỉ tính đến diện tích ngập nước trong vùng lòng hồ, di dân tái định cư. Tình trạng phát triển nóng và xây dựng thiếu quy hoạch thống nhất các hồ chứa thủy điện của các thành phần kinh tế đang làm hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu nguồn, khoáng sản, đa dạng sinh học và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác... Do tầm nhìn hạn chế, làm lấy được nên lãnh đạo nhiều địa phương đã ký duyệt các dự án thủy điện không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài cho địa phương, mà trái lại, đã trở thành mối hiểm họa cho người dân.
Theo thống kê, tại tỉnh Kon Tum, với 70 dự án thủy điện đã và đang được xây dựng, thì có hàng chục ngàn ha rừng bị phá. Trong khi đó, số diện tích rừng bị mất do làm thủy điện cần phải trồng bù là 36.000 ha, nhưng mới chỉ trồng được khoảng 2.770 ha. Đáng báo động, có gần 55% hồ chứa thủy điện chưa có phương án phòng chống lụt bão. Chưa kể, khi vận hành hồ chứa thủy điện, do chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình, nhiều công trình thủy điện đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Có lẽ chẳng nơi đâu phải chịu nhiều đau thương mất mát do thiên tai như người dân khúc ruột miền Trung, hết nắng hạn lại đến bão gió mưa lũ.
Bao giờ thảm họa này mới chấm dứt, câu hỏi thật không dễ trả lời!
Mưa lớn khiến nhiều nơi ở huyện miền núi Quảng Trị bị chia cắt cục bộ Mưa lớn kéo dài trên diện rộng khiến nhiều khu vực ở huyện miền núi Đakrông và Hướng Hoá (Quảng Trị) bị ngập, giao thông chia cắt. Lực lượng biên phòng Quảng Trị lập tổ chốt chặn, tuyên truyền vận động người dân không di chuyển qua các điểm ngập Ngày 7/10, ông Lê Quang Lam, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN...