Lũ không về, miền Tây mất mùa đặc sản cá linh, treo vó mà buồn
Đến hẹn nhưng nước lũ vẫn chưa tràn về vùng hạ lưu châu thổ, nước không về nên loài cá linh được mệnh danh đặc sản của đồng bằng mấy ngày này cũng biến mất tăm mất tích.
Mùa nước nổi, mùa cá linh
Thông thường tháng 7 nước lũ đã tràn về An Giang, Đồng Tháp, có năm lũ nhỏ, có năm lũ lớn nhưng hôm nay còn nước phù sa vẫn biền biệt. Các ngư dân ở đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền than thở, mấy chục năm mưu sinh trên sông nước nhưng chưa bao giờ chứng kiến mùa lũ kỳ quặc như thế này.
Những năm trước, mùa này, nước đã ngập cánh đồng xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang mang theo cuộc sống đa dạng cho cư dân vùng này. Khi đó, buổi chiều tối, người dân ra đồng đặt lợp, giăng lưới bắt ếch, cua đồng, cá đồng rồi về nhà nghỉ ngơi chờ sáng hôm sau ra vỡ lợp, thăm lưới.
Một ngày như vậy trúng mánh dính vài chục ký cua, cá, ếch là kiếm được gần mấy triệu đồng, công việc nhàn hạ nên mùa lũ cánh thanh niên, đàn ông đi làm thuê xa hay trở về quê nhà để thảnh thơi kiếm bộn tiền từ cá tôm.
Năm 2018, thời điểm này ông Dũng đã bắt được nhiều cá linh, còn bây giờ ông đã treo vó vì không có cá.
Lũ về tràn vào cánh đồng mang theo các cá bố mẹ, những đùm trứng cá li ti, trứng cá nở thành cá con, chúng ấn náu trong đồng rộng kiếm ăn rồi khi trưởng thành lại ào ra sông bơi ngược về thượng nguồn. Trong các loài cá xuất hiện trong nước lũ, cá linh đình đám nhất, chiếm nhiều nhất và nó là con cá gắn liền với mùa nước nổi hay còn gọi mùa nước lũ nên mệnh danh đặc sản mùa nước nổi.
Cá linh lạ lắm, chỉ xuất hiện nhiều ở vùng An Giang, Đồng Tháp, còn xuống hạ lưu sông thuộc địa phận TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang có nhưng rất ít. Người dân bắt cá để ủ làm nước mắm, các nhà hàng, hàng quán mua cá chế biến các món ngon phục vụ du khách gần xa cho biết hướng vị đậm đà của đặc sản trời cho chỉ có trong mùa nước lũ.
Nhưng bây giờ cánh đồng xã Nhơn Hưng nói riêng và những cánh đồng An Giang nói chung đang xơ xác ngóng đợi con nước phù sa. Tháng 7, những cánh đồng trơ đất cỏ, trâu bò thong thả đi gặm cỏ không né lũ như trước kia.
Video đang HOT
Những cánh đồng cạn mùa nước lũ trên vùng Tịnh Biên.
Ông Phan Văn Dũng, 55 tuổi, hơn 30 năm bằng nghề kéo vó cá bắt cá linh ở xã Nhơn Hưng hồi tưởng lại, lúc trước mùa này ngư dân vui lắm, một ngày đánh bắt cá linh có thể kiếm được cả chục ký. Ngay thời điểm có giá, cá linh 80.000 đồng/ ký, còn lúc thường giá cá vùng này đem ra chợ Châu Đốc bán từ 30.000 đồng/ký.
Vậy nên, mùa lũ ai cũng sống khỏe từ cá linh, không phải tốn tiền đi chợ như các mùa khác, ngoài cá linh còn bắt được các loài cá khác như cá lóc, cá dãnh, cá heo, cá rô phi, tôm tép… Một mùa lũ trôi qua, ngư dân siêng năng có thể dư giả vài chục triệu đồng từ loài cá trời cho.
Nhưng bây giờ, người đàn ông sống đời hạ bạc này nhìn trời xa xăm, đồng trơ cạn nước lấy đâu cá về. Nước lũ về dâng ngập các cánh đồng, đường quê kéo dài trong ba tháng mới rút hết nước ra sông ra biển lớn để lại phù sa cho đồng ruộng, làm màu mỡ đất. Nước lũ tiêu diệt sâu rầy, chuột bọ nên mùa sau nhà nông bớt vất vả đi diệt cỏ dại, tiền mua phân bón cho đất…
Nhớ lũ
Mùa lũ có hai loài đặc trưng, đó là cây điên điển và cá linh. Mùa này, ra các chợ An Giang có thể mua bông điên điển bất cứ lúc nào. Cây điên điển cũng như cá linh, chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi, khi nước rút đi, chúng héo khô rồi chết dần để đến lũ sau tái sinh cùng cá linh.
Nhưng cây điên điển bây giờ người dân An Giang đã trồng được, còn cá linh thì chưa nuôi thả lồng bè, hầm như bao loài cá khác. Vì bởi chúng là loài cá ngang dọc sông nước ít chịu đùn chân trong một chốn riêng nên có nuôi được hiệu quả kinh tế cũng chưa cao, đó là chưa kể cá linh nuôi hầm có nhược điểm hôi rong nên ăn không ngon như cá tự nhiên.
Mùa này, những năm trước ra các chợ đã thấy cá linh con bằng đầu đũa nhảy xôi xối trong các thau chậu của các bà bán cá. Cá linh đầu mùa giá cao lắm, từ 120.000 đồng đến 170.000 đồng/ký. Đến lúc cao điểm cá nhiều hay cá trưởng thành bằng ngón cái thì giá cá mới giảm dần từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng/kg.
Những lúc cá linh non hút hàng, nhiều người bán cá “gian trá” bán cá trôi Ấn Độ có hình dáng hao hao như cá linh nhưng không ngon bằng. Còn bây giờ, ra chợ tìm mua cá linh đỏ cả mắt, ngay cả cá linh “giả” cũng không có mà bán vì lũ không về cá linh “giả” cũng không về theo.
Cá linh đã giúp người dân vùng lũ có thêm thu nhập.
Mùa lũ năm rồi, anh Nguyễn Văn Ngà, 39 tuổi, ngụ xã Phước Hưng, huyện An Phú tất bật thả lợp bắt cá linh ngày kiếm được cả chục ký nên sống khỏe trong mùa nước lũ. Cá nhiều, lợp cá hút hàng nên anh Ngà làm lợp liên tục để bán cho mối quen với giá từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng cái.
Như bao cảnh đời sống mùa nước lũ, Ngà thích mùa lũ dù lũ gây ngập lụt, lũ dâng ngập các tuyến lộ nên người dân đi lại khó khăn nhưng bù lại trong ba tháng ngập nước, cá tôm rồi rau dại bông súng, điên điển, rau nhút mọc lềnh khênh trên các đồng, mạnh sức mà hái về ăn hay đem ra chợ bán.
Nói về mùa lũ này, ông Nguyễn Văn Kiệt, 51 tuổi sống bằng nghề đáy cá linh trên các dòng sông ở An Giang, Đồng Tháp than, năm nay ông bỏ nghề đáy cá linh dù đã hơn 30 năm sống bằng nghề đánh bắt cá linh. Ông Kiệt nói, chưa năm nào thấy nước lũ quái lạ như năm nay, vào mùa lũ mực nước các dòng sông vẫn thấp như mùa khô nên tôm cá không vào đồng, vào kinh rạch đẻ được.
Dân gian có câu, tháng 7 nước nhảy khỏi bờ, trong đó con nước rằm tháng 7 âm lịch nước luôn nhảy dâng cao. Nhưng hôm nay là ngày mùng 2 âm lịch (ngày 2-8), tức là còn 12 ngày nữa nên ông Kiệt le lói chút hy vọng khi đó nước về mang theo tôm cá. Ông nói: “14 âm lịch này nước không tràn về xem như năm nay mất trắng mùa cá linh, không có cá linh ngư dân khổ thêm vì nguồn lợi từ loài cá này lớn lắm…”.
Cá linh là loài cá trong nhóm cá trắng, con lớn nhất bằng to bằng con chân cái. Ngày xưa cá, tôm nhiều nên ngư dân đánh bắt cá linh chủ yếu ủ làm nước mắm để ăn hay để bán dù cá linh chế biến các món ăn rất ngon.
Ngày trước ít ai ăn cá linh, nhưng từ năm 2004 trở lại đây cá linh được nhiều người biết đến nên chúng trở thành món ăn hấp dẫn. Món ăn từ cá linh chế biến phong phú như cá linh kho tộ, linh kho quẹt, cá linh chiên bột, canh chua cá linh, chả cá linh, lẩu cá linh… Dân thành thị ở TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh thành khách khi đi du lịch An Giang, Đồng Tháp trong mùa nước nổi đều tìm cách đặt ăn phần ăn có cá linh để thưởng thức cho biết hương vị đặc sản chỉ có trong mùa nước nổi tại An Giang và Đồng Tháp.
Theo Thanh Dũng (Báo Nhân Dân)
Nho rừng Bảy Núi ở An Giang-trái dại ghẻ lạnh nay lại bị săn lùng
Nghe người bạn nhắc tới nho rừng Bảy Núi ở An Giang khiến tôi khá tò mò và muốn tận mắt nhìn thấy loại trái đặc sản này. Được sự giúp đỡ của người dân địa phương, chuyến đi tìm nho rừng của tôi khá thú vị.
Những cơn mưa đi qua để lại lớp nước trên những tán lá rừng. Núi Phú Cường (xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) mùa mưa xanh rì màu lá.
Người dân địa phương cho biết, nho rừng chỉ có trái chín khi mưa già, chứ thời điểm này còn khá nhỏ. Được sự hướng dẫn của những người bạn, tôi đến chân núi Phú Cường để tìm cho bằng được trái nho rừng.
Sau thời gian tìm kiếm, tôi cũng thấy được trái nho rừng. Anh Trần Đại Lâm (người dân địa phương) cho biết: "Dây nho rừng có sức sống mãnh liệt: mùa khô nó co mình lại, mùa mưa phát triển tốt tươi và đơm bông kết trái. Hồi trước, nho rừng ở vùng núi này khá nhiều. Đám con nít chăn trâu, chăn bò hay hái nho rừng chín để ăn vì quà vặt hồi ấy hiếm lắm...".
Theo anh Lâm, dù là trái cây hoang dã nhưng nho rừng có vị chua chua, ngọt ngọt rất đặc trưng nên không chỉ con nít, mà người lớn cũng rất thích ăn. Mỗi dây nho rừng có rất nhiều chùm trái. Mỗi chùm có đến hàng trăm trái. Chúng sống theo rừng tre hay đu mình vào những cây lớn để leo lên cao...
Theo chỉ tay của anh Lâm, trước mắt chúng tôi là một dây nho rừng to cỡ ngón tay cái. Từng chùm trái đậu vắt vẻo trên dây nho hầu như không có lá trong mùa mưa này. Những trái nho non màu xanh, có vị chua chua rất lạ.
Lần đầu nhìn thấy trái nho rừng khiến tôi thích thú. Nho rừng không giống nho vườn bởi cuống trái rất chắc. Anh Lâm cho biết, mỗi chùm nho rừng khi trái chín có thể nặng đến 3kg và nhìn rất thích, bởi màu tím đặc trưng rất đẹp của loại trái cây hoang dã này.
Tự tay hái một chùm nho rừng, tôi mới thấy lời anh Lâm chia sẻ chính xác. Dù trái nho còn rất nhỏ nhưng đã khá nặng. Loài cây mọng nước này một khi đã "đeo" vào cây gì thì cây đó sẽ không phát triển tốt được. Do đó, có một thời cây nho rừng bị người dân địa phương "ghẻ lạnh", bởi không mang đến lợi ích về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, khi vị chua ngọt đặc trưng của nho rừng được nhiều người biết đến thì loại trái hoang dại này đã thực sự lên ngôi. Người ta tìm nho rừng về ngâm rượu để tận hưởng vị ngon từ núi rừng. Những trái nho rừng chín có màu tím sẫm nên khi ngâm rượu sẽ lên màu rất đẹp. Do đó, người dân xứ núi bắt đầu "săn" loài cây này để tạo ra loại rượu đặc sản của xứ núi Tịnh Biên.
"Để chế biến rượu nho rừng, trước tiên người ta hái nho đã chín có màu tím trên dây xuống rồi rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, cho nho vào hũ và thêm đường phèn rồi đổ rượu vào ngâm khoảng 1 tháng là sử dụng được. Rượu nho rừng ngon nhất là nước "cốt" đầu tiên nhưng khá mạnh. Do đó, người sử dụng phải pha loãng. Đây là loại đặc sản chỉ dùng để đãi khách phương xa cho biết phong vị núi rừng" - anh Trần Đại Lâm thông tin.
Do hiện nay nho rừng ngày càng hiếm nên nhiều người nảy ra ý tưởng sẽ trồng loại cây hoang dã này. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai thành công với cách làm này, bởi nho rừng vốn đúng với tên gọi của nó chỉ sinh trưởng ở rừng. Tận tay ngắt một trái nho rừng cho vào miệng mang đến cảm giác rất lạ, bởi nó là sự trải nghiệm mới mẻ về loại đặc sản của vùng Bảy Núi.
Thời điểm hiện tại, nho rừng vẫn còn khá non nên những người bạn địa phương hẹn tôi quay lại núi Phú Cường sau 2 tháng nữa để thưởng thức rượu nho rừng. Có lẽ, cảm giác được tận hưởng hương vị của núi rừng sẽ rất đặc biệt nên tôi nhất định sẽ quay lại để tự tay hái những chùm nho chín mọng, cho vào miệng để hiểu hơn cái tình của đất và người Tịnh Biên qua loại trái đặc sản mỗi năm chỉ xuất hiện 1 lần ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.
Theo Thanh Tiến (Báo An Giang)
Lạ đời, sầu riêng Núi Cấm ở An Giang trái xâu xấu vẫn đắt hàng Sầu riêng núi Cấm mang hương vị đặc trưng, ai đến đây tham quan đều muốn thưởng thức 1 lần. Theo anh Đinh Văn Phi Vân (ấp Vồ Bà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang): "Lên núi Cấm mà chưa thưởng thức sầu riêng là coi như chưa đến đây". Mùa mưa đến cũng là thời điểm núi Cấm vào...