Lũ đánh sập cầu, dân dùng cây cau làm cầu đi tạm
Sáng 31-10, sông Dinh xuất hiện lũ lớn đã đánh sập cầu An Liên, gây cô lập hàng ngàn hộ dân ở 2 xã An Dũng, An Vinh (huyện An Lão, Bình Định), người dân vẫn đang dùng cây cau để làm đường đi tạm rất nguy hiểm…
Chiều 2-11, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão (tỉnh Bình Định) cho biết, địa phương đã huy động lực lượng dựng lại cầu tạm bắt qua sông Dinh, đoạn cầu An Liên (xã An Dũng, huyện An Lão) để đáp ứng nhu cầu đi lại tạm thời của người dân các xã An Dũng, An Vinh.
Người dân huyện An Lão dùng cây cau làm cầu tạm đi qua sông Dinh
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 5, từ rạng sáng 31-10, lũ thượng nguồn đổ về sông Ding với lưu lượng rất lớn đã đánh sập cầu An Liên – gây cô lập hoàn toàn tuyến đường huyết mạch nối các xã An Dũng, An Vinh về trung tâm huyện. Ước tính, có 1.200 hộ dân 2 xã này bị cô lập với bên ngoài.
Lãnh đạo huyện An Lão thông tin thêm, trong năm 2020, địa phương sẽ tiến hành di dời nguyên cả xã An Dũng xuống trung tâm huyện. Dự kiến, sẽ di dời 450 hộ, bố trí tái định cư ở vùng khác theo dự án công trình hồ chứa nước Đồng Mít.
Lũ đánh sập cầu An Liên
Video đang HOT
30 ha cau bị bão bẻ gãy
Ngoài ra, theo UBND huyện An Lão, bão số 5 cũng làm cho khoảng 30ha cau tại huyện này bị thiệt hại, chủ yếu là cau nguyên liệu giấy bị đổ gãy (khoảng 20ha). Theo thống kê, bão số 5 cũng gây thiệt hại cho An Lão khoảng 6,7 tỷ đồng.
Trong khi nước lũ đang dâng cao nhiều người dân ở huyện An Lão đã liều mình ra đánh bắt cá và vớt gỗ củi ở các sông suối có lũ chảy xiết, khá nguy hiểm. Hiện, UBND huyện An Lão đã cảnh báo đến người dân, mưa lũ đang diễn biến phức tạp, cần đề phòng cảnh giác sạt lở núi, lũ lớn bất ngờ ở thượng nguồn.
NGỌC OAI
Theo SGGP
Bão gây thiệt hại 400 tỷ đồng vừa tan, Bình Định lại sắp đón mưa lũ
Theo người dân, bão số 5 tuy không lớn, sóng biển cũng không phải là lớn nhất, nhưng đã xói nền cát dưới chân khay, taluy, kéo cát ra bên ngoài, dẫn đến sập tuyến kè khoảng 600m ở nhiều đoạn.
Khu vực kè biển xã Nhơn Hải đã được Bộ đội Biên phòng Bình Định hỗ trợ chèn bao cát chống xói lở. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN)
Sau khi bão số 5 (tên quốc tế Matmo) đi qua, tỉnh Bình Định là địa phương chịu tổn thất nặng nhất với thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng.
Không những thế, Bình Định còn đang chuẩn bị đón những đợt mưa lũ tiếp theo.
Khu dân cư dọc kè biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn từ tối 30/10 đã bị uy hiếp nghiêm trọng khi có tới 13 căn nhà bị sập. Rất may, người dân đã kịp di chuyển đến nơi an toàn.
Theo người dân, bão số 5 tuy không lớn, sóng biển cũng không phải là lớn nhất, nhưng đã xói nền cát dưới chân khay, taluy, kéo cát ra bên ngoài.
Hiện tượng này làm hỏng nền khay bên dưới dẫn đến sập tuyến kè khoảng 600m ở nhiều đoạn. Móng nhà bị nước xói hút cát gây sập.
Sáng 31/10, thị sát khu vực kè biển xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho khu vực này.
Ngay trong sáng 31/10, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cùng nhiều lực lượng khác đã dùng hàng ngàn báo cát chèn chân móng nhà dân ra bên ngoài chống xói lở. Tạm thời khu vực này đã ổn định.
Ông Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu các ngành chức năng thành phố Quy Nhơn khôi phục hệ thống cấp nước cho người dân khu vực này; đồng thời yêu cầu các lực lượng tiến hành gia cố tuyến kè ngay lập tức. "Nếu không gia cố thì đợt lũ tới đây, nguy cơ toàn bộ 1,2km tuyến kè sẽ bị sập hoàn toàn, 91 hộ dân sống ở đây sẽ nguy hiểm đến tính mạng," ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Tại huyện miền núi An Lão, đến tối 31/10, 2 xã An Dũng và An Vinh vẫn bị cô lập do cây cầu An Dũng bị sập. Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện An Lão cho biết toàn huyện có 22 nhà dân và 1 nhà văn hóa bị tốc mái, hư hỏng. Tuyến đường đi các xã An Toàn, An Nghĩa bị sạt lở khoảng 3.000m3 đất đá; giao thông không thuận lợi; nhiều khu vực bị cắt điện hoàn toàn.
Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã huy động lực lượng từ các tỉnh lân cận hỗ trợ Điện lực Bình Định khắc phục hậu quả cơn bão. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN)
Điện lực cũng là ngành chịu thiệt hại nặng trong cơn bão này. Toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Định đều có khu vực bị cắt điện trong bão số 5. Các địa phương có thiệt hại ban đầu là thành phố Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Bồng Sơn. Cụ thể, có 68 cột điện trung thế, 37 cột điện hạ thế bị gãy, đổ; đứt dây cao thế ở 32 vị trí... Ước tính thiệt hại khoảng trên 3 tỷ đồng.
Đến 17 giờ ngày 31/10, Điện lực Bình Định đã khôi phục cấp điện cho hơn 70% khách hàng trong toàn tỉnh. Tại thành phố Quy Nhơn, đến 21 giờ sẽ khôi phục cấp điện cho khoảng trên 90% tổng số khách hàng sử dụng điện; và hơn 60% khách hàng ở các địa phương khác sẽ có điện sử dụng.
Trong khi đó, Công ty cây xanh và chiếu sáng công trình đô thị Quy Nhơn cũng đã huy động toàn bộ lực lượng để dọn dẹp cây xanh; ngành giao thông đang khẩn trương khắc phục các tuyến đường bị chia cắt. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định vẫn đang bị chia cắt do nước ngập.
Toàn tỉnh Bình Định không chỉ đang gấp rút khắc phục hậu quả bão số 5 mà còn đang chuẩn bị tất cả phương án, nguồn lực tiếp tục ứng phó với những đợt mưa lớn sắp tới, dự kiến sẽ gây lũ và ngập trên diện rộng./.
Theo Phạm Kha-Nguyên Linh (TTXVN/Vietnam )
Cần sớm khắc phục các điểm sạt lở trên đường lên biên giới Sơn Hồng Từ ngày 14-16/10, mưa lớn trên địa bàn kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về đã làm tuyến đường từ trung tâm xã Sơn Hồng lên Đồn Biên phòng Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị sạt lở nhiều điểm. Đường lên biên giới, đoạn cách Đồn Biên phòng Sơn Hồng khoảng 1 km đã bị nước cuốn trôi, hư hỏng...