Lũ đã về, dân miền Tây như… sống lại!
Lũ về muộn và cao hơn cùng kỳ năm trước làm cho dân nghèo ở miền Tây như được “sống lại” sau thời gian dài chờ đợi để mưu sinh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày gần đây, nhờ khu vực ĐBSCL thường xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về nên các đồng thuộc ở trũng của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã mênh mông nước. Đặc biệt, mực nước tại những cánh đồng giáp biên giới với Campuchia thuộc 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp được ghi nhận là đạt mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến người dân miền Tây cảm thấy rất vui.
Anh Huỳnh Văn Giang ở ấp Phú Nhất, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cho biết cách nay không lâu, tại khu vực giáp biên này vẫn còn cảnh đồng khô cỏ cháy. Không thể chờ đợi được nữa nên anh Giang sang các cánh đồng bên Campuchia để hành nghề bẫy chuột với mức thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Trong khi đó, nhiều dân nghèo khác ở đây phải chấp nhận bỏ xứ lên Bình Dương hoặc TP HCM để làm thuê kiếm sống. Tuy nhiên, khoảng 15 ngày trở lại đây, nước từ dòng kênh Vĩnh Tế bất ngờ dâng cao liên tục nên cả cánh đồng này chìm trong biển nước.
Anh Giang cho biết với 250 cái lợp như thế này nhưng mỗi ngày anh chỉ bắt được 10 kg cua đồng
“Hiện cả xóm này chỉ còn lại khoảng hơn chục người chưa đi Bình Dương nên đã chuyển sang nghề đặt lợp cua hoặc giăng lưới cá linh. Với 250 cái lợp, mỗi ngày tôi bắt được khoảng 10 kg cua đồng để bán cho thương lái với giá 14.000 đồng/kg. Nếu trừ đi các khoản phí, thuế cho bên Campuchia thì tôi còn được khoảng 90.000 đồng. Với số tiền như vậy thì cũng coi như gia đình tôi tạm sống được qua ngày chứ không thể có dư”- anh Giang chia sẻ.
Còn anh Đỗ Văn Chí Linh ở xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết dân nghèo nơi đây chỉ mong năm nào cũng có lũ về để đi giăng câu, thả lưới hoặc sang Campuchia đặt lợp bắt cua, ốc kiếm sống. Những người có sức khỏe tốt thì làm nghề khuân vác ở các vựa thu mua thủy sản do người Campuchia mang sang bán lại với mức thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Do nước lũ vừa ngập đồng nên các chủ vựa mới chỉ thu mua cua, ốc để giao lại cho các chủ vựa lớn hơn ở TP Châu Đốc hoặc TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Cũng do lũ về muộn nên có nhiều khả năng đến tận tháng 11 thì các chủ vựa mới mua được các loại cá, tôm, trong đó chủ yếu là cá linh già để làm mắm hoặc nước mắm.
Lượng cá, tôm từ Campuchia về các vựa ở xã Phú Hội hiện chưa nhiều mà chủ yếu là cua, ốc.
Những anh em công nhân trong đội khuân vác của anh Linh được chủ vựa trả công 150.000 đồng/ngày.
Video đang HOT
“Hiện tại thì mỗi ngày chủ vựa ở đây mua vào khoảng 3 tấn cua và ốc. Tất cả những thứ này đều do người Campuchia đem qua đây bán chứ ở bên mình thì đâu còn gì nữa. Ngay cả bông súng đồng bây giờ cũng phải “nhập khẩu” từ bên đó về. Nói chung là dân nghèo như tụi tôi chỉ mong năm nào cũng có lũ về để có công ăn việc làm chứ không thì khổ lắm”- anh Linh lo lắng.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đã có nước lũ về nhưng đa số dân nghèo ở các huyện nguồn sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp lại tỏ ra kém vui vì nguồn lợi thủy sản gần như không có gì. Hình ảnh của mùa lũ hay mùa nước nổi ở tỉnh này vẫn còn đó nhưng chỉ để phục vụ cho nhu cầu du lịch chứ người dân địa phương không được hưởng lợi gì. Không còn nhiều tôm, cá để khai thác như trước nên có người phải chạy xuồng máy sang tận Campuchia mua bông súng đồng để mang về bán lại kiếm tiền chênh lệch.
Dân nghèo ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tỏ ra kém vui vì lũ đã về nhiều nhưng nguồn lợi thủy sản thì không có gì đáng kể.
Cha con anh Nguyễn Văn Tạo ở xã Thường Thới Hậu A chỉ bắt được mớ cua và cá linh sau một buổi thăm dớn.
Ngay cả việc người dân dùng đú 12 cửa ngục cũng không dính được cá.
Trắng tay vì chẳng có cá hay cua, ốc gì vào dớn.
Cũng có người phải sang tận Campuchia để mua bông súng đồng về bán lại kiếm tiền chênh lệch.
Hình ảnh mùa nước nổi vẫn còn đó với cô gái Đồng Tháp đang hái bông điên điển.
Theo Người Lao Động
Lũ không về, nông dân Tiền Giang lo lắng
Nước lũ không về, việc làm đất, cày trục ngâm lũ chuẩn bị cho sản xuất Đông Xuân đã khó khăn, nan giải. Những làng nghề chỉ làm ăn sung túc trong mùa lũ cũng bị tác động mạnh, coi như mai một hoặc làm ăn cầm chừng.
Theo thông lệ hàng năm, vào những ngày đầu tháng 9 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về kết hợp với mưa to và triều cường từ hạ lưu khiến những cánh đồng mới vừa thu hoạch lúa Hè Thu của tỉnh Tiền Giang ngập sâu dưới làn nước trắng.
Nước lũ ngập đồng ruộng mang theo phù sa bồi bổ đất đai, cuốn trôi mầm dịch bệnh gây hại cho cây trồng, đồng thời mang tới nguồn tôm cá dồi dào và bao nhiêu sinh kế khác cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, hình ảnh đó cơ hồ không còn nữa trên vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền khiến nông dân khu vực này càng thêm lo lắng bởi mất đi nguồn thu nhập từ chính những con lũ từ thượng nguồn...
Từ trên cao, dòng nước lũ chỉ loang loáng mặt ruộng đồng. Với mực nước này thì chẳng có loài cá nào từ phía thượng nguồn theo con nước về đây khiến nguồn thu từ việc khai thác đánh bắt thủy sản suy giảm đáng kể. Ảnh: Thu Trang
Ngóng chờ lũ về
Đầu tháng 10, có dịp theo tuyến đường Kênh 10 nối liền Quốc lộ 1 với lộ Bắc Nguyễn Văn Tiếp (Đường tỉnh 865) đi sâu vào Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) hay theo đường tỉnh 865 về vùng Hậu Mỹ (huyện Cái Bè), qua huyện Tân Phước, đâu đâu cũng thấy đồng ruộng trơ trọi sau khi thu hoạch vụ Hè Thu 2016.
Đi vài đoạn đường lại bắt gặp những con kênh nước ròng cạn kiệt, đục ngầu. Trên đồng lúa, nước chỉ lấp xấp mặt ruộng. Nhiều thửa ruộng, lúa chết, cỏ dại mọc đầy, đồng không mông quạnh, không thấy bóng người lai vãng. Quang cảnh thật khác xa với những mùa lũ lớn trước đây, khi cả cánh đồng bị nhấn chìm dưới làn nước trắng xóa, mênh mông. Khi ấy, người giăng câu, kẻ đặt lờ, đặt lọp bắt tôm cá; người nhổ bông súng, bông sen, rau hẹ nước bán cho thương lái hoặc chở đất về đắp nền nhà, đắp bờ bao ao mương... Thật tấp nập, đông vui và nhộn nhịp cuộc sống người nông dân vào mùa lũ Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm chỉ có một lần.
Ông Trương Văn Hạnh, nông dân cư ngụ tại ấp 5, xã Mỹ Thành Nam cho biết, gia đình ông canh tác gần 1 ha. Trong những ngày qua, sau khi thu hoạch xong vụ Hè Thu, nông dân ngóng chờ nước lũ về để làm đất, cày trục, ngâm lũ chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017. Thế nhưng đến giờ này, nước lũ không về, mưa lại rất ít, nước trên đồng ruộng khan kiệt. Ông Hạnh lo lắng: "Rồi đây, sản xuất trong vụ tới sẽ rất khó khăn. Gay nhất là dịch bệnh bùng phát, chi phí cao, lợi nhuận thấp là viễn cảnh trước mắt". Theo ông Trương Văn Hạnh, với đà này, những năm tới nông dân phải tính kế chuyển đổi sản xuất, cây trồng và mùa vụ thế nào để thích ứng với tình hình lũ không về. Nếu không, công ăn việc làm và đời sống thật khó bảo đảm.
Mong mỏi đó được nhiều bà con chia sẻ, đồng tình như trường hợp ông Lê Văn Quận, canh tác 0,7 ha đất trồng lúa năng suất cao ở xã Mỹ Thành Nam . Ông Quận cho biết, lệ thường cứ vào thời điểm đầu tháng 9 âm lịch, nước lũ trên đồng đã ngập sâu ngang ngực người lớn (độ sâu từ 1 m đến 1,5 m) còn năm nay nước chỉ ngập lấp xấp mặt ruộng. Nếu khai cống giữ nước thì đồng ruộng khô khan không khác chi mùa khô hạn vừa qua.
Với kinh nghiệm bao đời gắn bó đồng ruộng vùng ngập lũ, ông cho biết, chưa năm nào nguồn nước cạn kiệt như năm nay. Hệ lụy mang lại là đất canh tác bạc màu, sâu bệnh tồn lưu trong đất có nhiều cơ hội bùng phát trong vụ sản xuất Đông Xuân tới; chi phí sản xuất tăng cao nhất là các khâu làm đất, phòng trừ sâu bệnh, phân bón, công chăm sóc...
Chưa kể lũ không về làm mất đi những nguồn lợi kinh tế lớn lao khác mà dân Đồng bằng sông Cửu Long thụ hưởng như khai thác thủy sản cùng các nguồn lợi thiên nhiên khác chỉ có trong mùa lũ. Anh Nguyễn Văn Hải, một nông dân cư ngụ tại xã Mỹ Thành Bắc - xã nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (huyện Cai Lậy) cho biết, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam nói riêng và vùng ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang nói chung vào mùa lũ nguồn lợi thiên nhiên rất dồi dào, từ tôm, cá đồng các loại rồi bông súng, bông sen, các loại rau dại có giá trị kinh tế cao...Nhờ khai thác tốt nguồn lợi này mà bà con có công ăn việc làm, có cuộc sống ổn định và an cư lạc nghiệp.
Năm nay, nước lũ không về, việc làm đất, cày trục ngâm lũ chuẩn bị cho sản xuất Đông Xuân đã khó khăn, nan giải còn những nguồn lợi khác coi như không có. Nông dân thiếu công ăn việc làm đã đành, những làng nghề độc đáo chỉ làm ăn sung túc trong mùa lũ: nghề đan lờ, đan lợp, làm lưới cá, rèn lưỡi câu, làm chài lưới... cũng bị tác động mạnh, coi như mai một hoặc làm ăn cầm chừng.
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương có trên 74.000 ha đất trồng lúa 3 vụ/năm; trong đó, riêng vùng ngập lũ phía Tây có diện tích khoảng 38.000 ha tập trung ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và một phần huyện Châu Thành. Biến đổi khí hậu và nước lũ không về là những thách thức rất lớn đối với toàn vùng. Trước tình hình trên, những năm qua, địa phương đã có biện pháp thích ứng như: quy hoạch vùng trồng cây con hợp lý nhằm phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề, giúp nông nghiệp - nông dân - nông thôn vùng ngập lũ thay đổi và phát triển theo hướng hiện đại, đầu tư hình thành các vùng chuyên canh, đẩy mạnh khuyến nông chuyển đổi sản xuất...
Tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch vùng phía Nam Quốc lộ 1 chuyển từ trồng lúa độc canh sang định hình vùng trồng cây ăn quả đặc sản như cây có múi, sầu riêng, chôm chôm..., có hệ thống đê bao, cống đập ngăn lũ lụt và triều cường bảo vệ sản xuất. Đối với vùng phía Bắc Quốc lộ 1 tiếp giáp Đồng Tháp Mười, địa phương khuyến khích bà con chuyển đổi từ trồng lúa độc canh ba vụ sang luân canh lúa - màu theo cơ cấu hai vụ lúa - 1 vụ màu hoặc 2 vụ màu - 1 vụ lúa, chuyên canh màu...
Theo đó, hình thành vùng trồng chuyên canh sầu riêng khoảng 7.000 ha ở phía Nam Quốc lộ 1 thuộc các huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy; trồng dưa hấu Tết có diện tích hàng nghì héc ta ở các xã vùng Đồng Tháp Mười thuộc các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước; chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang ương dưỡng cá giống nước ngọt ở huyện Cái Bè, Cai Lậy... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế - văn hóa xã hội tại những địa bàn ngập lũ tỉnh Tiền Giang.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh, trước thực tế biến đổi khí hậu ngày một gay gắt và nguồn lợi thiên nhiện cạn kiệt trong đó có nguồn lợi từ nước lũ mang lại cho nhân dân các địa bàn đầu nguồn, sắp tới cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với thực tế giúp giải quyết bài toán công ăn việc làm, thu nhập cho nông dân vừa giảm thiểu thiệt hại thiên tai và biến đổi khí hậu.
Trước mắt, tỉnh chủ động tu bổ, sửa chữa và nâng cấp hệ thống thủy lợi, kênh mương nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu trong vụ Đông Xuân tới, đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh trong tình hình thời tiết, thủy văn bất lợi cho sản xuất nông nghiệp... Ngoài ra, chú trọng khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, thu hút đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp để giải quyết bài toán lao động việc làm, tạo điều kiện để nông nghiệp - nông dân - nông thôn phát triển bền vững và hiệu quả.
Theo Tin Tức
Nhọc nhằn mưu sinh khi Đồng bằng sông Cửu Long không còn mùa lũ Hai năm liên tiếp, Đồng bằng sông Cửu Long không có nước lũ. Đất đai bạc màu, môi trường ô nhiễm, nguồn thủy sản tự nhiên cạn kiệt đang khiến cho người dân sống hai bên bờ sông Cửu Long trở nên cơ cực. Sạt lở bờ sông. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN) Đến với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An,...