Lũ bất ngờ ở Bình Dương: Xả lũ như… giỡn chơi
Trong khi cơ quan chức năng cho rằng trận lũ đột ngột khiến hàng ngàn người dân phải tháo chạy thoát thân trong đêm là do “mưa to kết hợp triều cường” thì PV Thanh Niên đã phát hiện việc xả lũ hết sức tùy tiện.
Người dân thị trấn Mỹ Phước chạy lũ lúc rạng sáng 19.10 – Ảnh: C.T.V
Bà Nguyễn Thị Minh T. (52 tuổi, nhà ở sát đập Từ Vân, xã Lai Uyên, H.Bến Cát, Bình Dương) nói với Thanh Niên: “Đêm 18.10, khu vực hồ Từ Vân có mưa rất to, nước tràn bờ đập và gây ngập úng một số nhà xung quanh. Khoảng 21 giờ, có rất nhiều người dân kéo đến khu vực đóng xả lũ gây sức ép phải mở cửa cống xả lũ nếu không thì dân ở đây sẽ ngập hết. Lúc đó, người vận hành cống xả lũ tiếp tục mở cửa cống xả hết mức cho đến rạng sáng hôm sau”.
Ông Võ Tiến Dũng (43 tuổi, nhân viên quản lý và vận hành đập Từ Vân 1 và 2, thuộc Trạm quản lý thủy lợi hồ Từ Vân) thừa nhận, đêm 18.10 chính tay ông thực hiện việc xả lũ. Ông Dũng nói: “Khoảng 16 giờ chiều 18.10, tôi thấy mực nước trong hồ dâng cao hơn so với thường ngày. Lúc này, tôi mở cửa xả lũ đập hồ Từ Vân 2 khoảng từ 20 – 25 cm so với mặt đáy cửa xả và sau đó mở cửa xả đập Từ Vân 1 cũng khoảng từ 20 – 25 cm”. Theo ông Dũng, những ngày bình thường nếu mở cửa xả nước thì cửa xả chỉ mở cao khoảng 5 cm so với mặt đáy cửa xả. Do xả lũ nên nước từ đập Từ Vân 2 chảy ra suối Đồng Sổ, đổ về khu vực Cầu Quan (thị trấn Mỹ Phước) rồi ra sông Thị Tính. Ông Dũng trả lời tiếp: “Đến khoảng 18 giờ (ngày 18.10), trời mỗi lúc một mưa lớn, nước ở khắp nơi đổ về hồ Từ Vân. Mặt nước trong hồ lúc này chỉ cách mặt đập khoảng 50 cm. Thấy vậy, tôi nâng cửa xả cao hơn mặt đáy khoảng từ 50 -60 cm, là mức cao nhất từ khi hồ Từ Vân đi vào vận hành cho đến nay”. Ông Dũng thừa nhận, sau khi xả lũ ở mức cao ông mới điện thoại báo cho ông Nguyễn Văn Khương (Trạm trưởng Trạm quản lý thủy lợi Từ Vân).
Video đang HOT
Trả lời các chất vấn của Thanh Niên, ông Dũng nói: “Tôi cũng không biết dung tích, diện tích và không có quy chuẩn là hồ xả lũ ở mức nào, tương ứng với bao nhiêu m3/giây. Tôi chỉ biết khi trời mưa to nước dâng cao thì tôi mở cửa xả. Khi nước rút thì hạ cửa xả xuống, có khi đóng cửa xả lúc mực nước trong hồ ở mức trung bình”.
Thanh Niên cũng đã có trong tay bản báo cáo nhanh, viết tay xuất phát từ UBND H.Bến Cát gửi trực tiếp cho ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lúc đi kiểm tra hồ Từ Vân và tình hình lũ lụt ở Bến Cát có đoạn: “Vào lúc 0h30 ngày 19.10, do mưa lớn và triều cường dâng cao, kết hợp với việc xả lũ hồ Từ Dân 1, 2 (hồ Từ Vân – PV) đã ảnh hưởng gây ngập úng tại khu vực Bến Cát…”. Tuy nhiên, thông tin này không được UBND H.Bến Cát và Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Bình Dương thông tin rộng rãi để cho người dân đối phó.
Thậm chí đến trưa hôm qua 20.10, ông Nguyễn Khánh Trường, Phó Chi cục Thủy lợi Bình Dương, đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Bình Dương vẫn tiếp tục khẳng định: “Không có việc hồ Từ Vân xả lũ, nguyên nhân gây ngập lụt ở Bến Cát là do mưa lớn và triều cường”.
Đỗ Trường
Theo TNO
Lũ bất ngờ tràn xuống Bình Dương
Hôm qua 19.10, mưa lớn trên diện rộng kéo dài từ đêm 18 đến rạng sáng 19.10 làm nước lũ ở thượng nguồn sông Thị Tính đổ về kết hợp triều cường sông Sài Gòn dâng cao làm trên 600 nhà dân ở H.Bến Cát (Bình Dương) ngập sâu từ 1-2 m.
Cầu Bến Tượng bị sập chia cắt tuyến đường liên xã - Ảnh: Đỗ Trường
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại điểm bị ngập sâu nhất là khu vực thị trấn Mỹ Phước (H.Bến Cát). Hàng ngàn người dân ở khu vực này đã được lực lượng cứu hộ đưa đến Nhà hát Mỹ Phước để tránh lũ từ rạng sáng. Đến 10 giờ, nhà anh Mai Văn Cường (39 tuổi, ngụ KP.1, thị trấn Mỹ Phước) vẫn còn ngập trong nước hơn 1 m. Anh Cường cho biết: "Lũ đổ về quá nhanh, nước chảy xiết, chỉ khoảng hơn một giờ cả khu phố đã bị ngập khiến chúng tôi trở tay không kịp".
Tại khu vực xã An Điền (H.Bến Cát), các ao hồ nuôi cá bị ngập nặng, làm thiệt hại hàng trăm tấn cá. Cây cầu Bến Tượng nối liền 2 xã Lai Hưng và Chánh Phú Hòa đã bị sập mố cầu, chia cắt tuyến đường liên xã.
Ông Nguyễn Hữu Chí - Chủ tịch UBND H.Bến Cát, cho biết nguyên nhân ban đầu là do mưa lớn kết hợp triều cường, nước ở thượng nguồn sông Thị Tính đổ về nhanh. Tuy nhiên, tiếp xúc với PV, người dân cho rằng một trong những nguyên nhân gây ngập lụt là do hồ Từ Vân (xã Lai Uyên, H.Bến Cát) xả lũ đột ngột. Trả lời PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Trường, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Bình Dương, cho biết hiện hồ Dầu Tiếng vẫn chưa thực hiện xả lũ. Hồ Từ Vân 1 và 2 đến 9 giờ ngày 19.10 vẫn còn đầy nước. "Vì đây là hai hồ có đập xả tràn nên khi nước lũ vượt mức cho phép thì sẽ tự tràn qua đập chứ hồ Từ Vân hoàn toàn không xả lũ" - ông Trường nói. Đến chiều 19.10, nước ở các khu vực trên địa bàn H.Bến Cát đang rút rất chậm.
* Sáng 19.10, một đoạn bờ bao sông Sài Gòn bất ngờ bị bể, nước tràn vào ngập sâu hơn 1 m khiến cuộc sống của gần 30 hộ dân P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, bị đảo lộn, nhiều tài sản bị hư hỏng nặng. Khoảng 13 giờ cùng ngày, giữa lúc đỉnh triều cường sông Sài Gòn còn ở mức cao thì một nhóm 7 học sinh Trường THCS Tân Thới (TX.Thuận An, BìnhDương) rủ nhau ra tắm ở khu vực cống nước thuộc hệ thống đê bao sông Sài Gòn (xã Bình Nhâm, TX.Thuận An). Lúc đó, Phạm Hải Kiệt (học sinh lớp 9) do trượt chân, bị nước cuốn. Thấy vậy, Nguyễn Thành Đạt nhảy xuống cứu bạn, nhưng cũng bị nước cuốn. Người dân tìm thấy thi thể 2 em sau đó.
Đỗ Trường - Sỹ Bình
Theo TNO
Vụ ngập bất ngờ ở Bình Dương: Do hồ Từ Vân xả lũ bất thường Ngày 20.10, PV Thanh Niên Online tìm được bằng chứng cho thấy hồ Từ Vân xả lũ bất thường là một trong những nguyên nhân chính gây ra vụ ngập bất ngờ làm 615 hộ dân ở TT.Mỹ Phước (H.Bến Cát, Bình Dương) phải chạy tránh lũ trong đêm. Cửa xả lũ ở đập Từ Vân 1 - Ảnh: Đỗ Trường Hồ Từ...