Louis Vuitton – từ cửa hàng gói đồ thuê thành thương hiệu xa xỉ nhất thế giới
Năm 1854, Louis Vuitton mở cửa hàng đầu tiên ở số 4 Rue Neuve des Capucines, tấm biển treo ngoài cửa hàng ghi: “Chuyên đóng gói an toàn các mặt hàng mỏng manh dễ vỡ và quần áo.
“Luôn vui tươi” là cách gọi rất dễ thương mà giới trẻ Việt Nam dành riêng cho thương hiệu Louis Vuitton. Ngay cả những ai không quen thuộc với các mặt hàng xa xỉ cũng chắc chắn từng nghe về Louis Vuitton. Louis Vuitton được đánh giá là có giá trị thương hiệu cao nhất trong lĩnh vực thời trang cao cấp thế giới. Đi kèm với danh tiếng này, Louis Vuitton cũng là thương hiệu xa xỉ bị làm nhái nhiều nhất.
Một trong những chiếc túi nổi tiếng nhất của Louis Vuitton là Speedy bag được thiết kế vào những năm 1930. Nó là chiếc túi yêu thích nhất của Audrey Hepburn. Ngay cả trong những bức ảnh đen trắng, thì chiếc túi có logo monogram (chữ lồng) vẫn nổi bật không kém gì vẻ đẹp của nữ minh tinh. Mặc dù đã ra đời cách đây 90 năm nhưng nó không hề bị lỗi thời. Đó cũng có thể gọi là định nghĩa chung của hàng thời trang cao cấp ngoài mức giá.
Thương hiệu Louis Vuitton tiền thân là một xưởng sản xuất rương du lịch. Louis Vuitton sinh ra tại một ngôi làng miền núi nước Pháp, con trai của một thợ mộc và trải qua thời ấu thơ với ước mơ sau này cũng sẽ nối nghiệp cha. Thế nhưng vào năm 14 tuổi, ông lại bị Paris hoa lệ mê hoặc để rồi quyết tâm rời quê hương nhỏ bé đến thủ đô lập nghiệp và quyết định đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời ông.
Năm 1835, giao thông công cộng chưa phát triển và cũng không có tiền, Louis Vuitton đã đến được Paris sau gần… hai năm đi bộ hơn 400 km, vừa đi vừa học hỏi, vừa làm đủ việc lặt vặt để kiếm sống. Công việc chính thức đầu tiên của ông ở Paris là đóng gói hành lý du lịch cho những người giàu có. Louis Vuitton lúc đó rất được lòng khách hàng nhờ vào khả năng gấp quần áo cực phẳng, có thể đặt gọn gàng quần áo vào rương mà không làm nhăn một chút nào.
Tài năng của Louis Vuitton nhanh chóng đến tai Hoàng hậu Eugénie (vị Hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Pháp, vợ của Hoàng đế Napoleon III) và bà đã chọn Louis Vuitton làm chuyên viên sắp xếp hành lý cho Hoàng gia. Hoàng hậu Pháp rất quan tâm đến thời trang và các buổi yến tiệc. Trang phục ưa thích của bà là những bộ váy xếp nếp cầu kỳ với viền váy phủ rộng kết hợp cùng một chiếc mũ đính lông đà điểu. Dĩ nhiên, việc đóng gói hành lý cho Hoàng hậu không phải là chuyện bình thường. Louis Vuitton làm việc cho Hoàng gia đến ngoài 30 tuổi, thì lúc này Hoàng hậu Eugénie đã đánh giá rất cao tài năng và tiềm năng của ông, nên đã quyết định tài trợ cho Louis Vuitton mở một cửa hàng.
Năm 1854, Louis Vuitton mở cửa hàng đóng gói hành lý đầu tiên mang tên mình ở số 4 Rue Neuve des Capucines. Tấm biển được treo ngoài cửa hàng ghi rằng: “Chuyên đóng gói an toàn các mặt hàng mỏng manh dễ vỡ và quần áo, đây chính là thời kỳ đầu của thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton.
Vào thời điểm đó, giao thông đã phát triển ít nhiều, vậy là giới thượng lưu bắt đầu rộ lên trào lưu đi du lịch. Qua công việc đóng gói đồ đạc đã làm, ông nhận thấy sự bất tiện của loại rương hiện hành thời đó với phần nắp hình vòng cung nên đã cải tiến thành nắp phẳng, cực kỳ thuận tiện cho việc sắp xếp và di chuyển hành lý. Và đây cũng là chiếc vali đầu tiên trên thế giới.
Hơn nữa, một chiếc rương để mang theo khi đi du lịch đòi hỏi phải thật nhẹ và không thấm nước, khiến cho chất liệu gỗ như thời bấy giờ đang sử dụng trở nên không còn phù hợp. Da cừu hay da heo khi bị ướt thì lại rất mùi và ẩm mốc. Louis Vuitton bỗng nghĩ đến chất liệu canvas mà các họa sĩ thường dùng để vẽ tranh. Thành quả đầu tiên của Louis Vuitton là Gray Trianon Canvas, xuất hiện vào năm 1858, cái tên Trianon được lấy từ tên biệt cung của Hoàng hậu Eugénie trong Cung điện Versailles.
Cửa hàng rương hành lý của Louis Vuitton dần trở thành một địa chỉ tin cậy của tầng lớp giàu có. Vào năm 1859, Louis Vuitton giao lại cửa hàng cho con trai ông là Georges Vuitton. Điều khiến việc kinh doanh của gia đình Vuitton đau đầu nhất là mặt hàng chất lượng của mình bị làm nhái. Năm 1872, Georges Vuitton cho ra mắt họa tiết kẻ sọc với mục đích ngăn chặn hàng giả, thế nhưng những kẻ đạo nhái vẫn cứ bám theo. Dốc hết tâm sức, ông phát triển được mẫu vải canvas họa tiết phức tạp có tên Damier vào năm 1888, để dễ dàng phân biệt với hàng nhái rẻ tiền. Damier có nghĩa là ô bàn cờ trong tiếng Pháp.
Hai mẫu họa tiết Damier.
Video đang HOT
Đến bây giờ, Damier vẫn là một trong những mẫu thiết kế đặc trưng của thương hiệu Louis Vuitton, tuy được tạo ra để chống hàng giả, nhưng cũng bất lực. Thời bấy giờ, do ảnh hưởng văn hóa xa xỉ của giới quý tộc, Louis Vuitton thì quá đắt đỏ nên nhiều người chấp nhận mua hàng nhái rẻ tiền để “được như tầng lớp thượng lưu”. Georges Vuitton cũng chính là người đã vẽ nên logo monogram hai chữ cái L và V viết tắt tên của cha mình là Louis Vuitton, kết hợp hài hòa với hai biểu tượng bông hoa và ngôi sao 4 cánh. Thiết kế này là một mẫu logo tuyệt đẹp của Louis Vuitton.
Georges Vuitton còn sáng tạo ra rất nhiều kiểu rương du lịch mang những ý tưởng đột phá, chẳng hạn như rương có giường gấp gọn bên trong, rương đựng được máy đánh chữ, rương thưởng trà và rương đựng sách… Ông sáng tạo theo nhu cầu của khách hàng, tạo cho khách hàng cảm giác rất hài lòng. Thương hiệu Louis Vuitton còn nổi tiếng về độ bền, khi Georges Vuitton dám mang chiếc rương đi xuyên sa mạc để kiểm tra độ bền thực tế của nó.
Khi vị trí của phụ nữ trong xã hội ngày càng tăng lên, thì mọi nhu cầu liên quan đến phái đẹp dần được quan tâm hơn. Kỷ nguyên của túi xách được mở ra. Georges Vuitton nhanh chóng phát triển một loại vải canvas mới có tính chất mềm hơn để chinh phục dòng sản phẩm túi xách bằng chính loại vải chống thấm nước này. Túi Noé ra mắt vào năm 1932 chính là chiếc túi vải mềm đầu tiên của Louis Vuitton. Noé Bag ra đời dựa trên yêu cầu của một nhà sản xuất rượu sâm panh rằng họ cần một chiếc túi chắc chắn và có thể đựng được 5 chai sâm panh.
Người sáng lập thương hiệu Louis Vuitton tạo ra chiếc rương nắp phẳng đầu tiên trên thế giới, Georges Vuitton thì khai sinh ra họa tiết Damier và chữ lồng đặc trưng của Louis Vuitton vẫn còn lưu hành cho đến ngày nay. Tiếp nối thế hệ thứ nhất và thứ hai, cháu trai của Louis Vuitton là Gaston Louis Vuitton cũng phát triển sản phẩm vải canvas mềm. Sáng tạo của gia đình Louis Vuitton tiếp tục phát triển qua bốn thế hệ, cho đến đời Claude Louis Vuitton, con trai của Gaston Louis Vuitton. Claude Vuitton đã phát triển một loại vải canvas còn mềm hơn loại vải của cha mình. Năm 1959, chiếc túi vải mềm mại như bông được ra mắt.
Vali tủ của Louis Vuitton năm 1875.
Thương hiệu Louis Vuitton không phải lúc nào sải bước trên hoa hồng. Khi trở nên quá nổi tiếng, vô hình trung cái tên Louis Vuitton đối với đa số lại trở thành một cái tên cũ. Trong bối cảnh việc kinh doanh của dòng tộc bị khủng hoảng, Louis Vuitton được tái sinh thành LVMH sau khi hợp nhất với Tập đoàn chuyên về rượu vang nổi tiếng Moet Hennessy do Bernardo Arno lãnh đạo. LVMH là cách viết tắt của Louis Vuitton, Mot & Chandon và Hennessy. LVMH thành lập vào năm 1987, 10 năm sau thì Louis Vuitton chiêu mộ được Marc Jacobs về làm giám đốc nghệ thuật. Kể từ khi Marc Jacobs gia nhập Louis Vuitton, ông đã mang lại sức sống mới và thổi hơi thở của tuổi trẻ vào Louis Vuitton đồng thời vẫn duy trì được bản sắc của thương hiệu, giúp LV nhanh chóng bức tốc trở thành một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ đẳng cấp nhất thế giới như hiện nay.
Thương hiệu Louis Vuitton luôn không ngừng phát minh, sáng tạo ra những cái mới và nỗ lực nghiêm túc với gia nghiệp, và chỉ khi bước vào LVMH thì thương hiệu này mới bùng nổ thành một danh hiệu xa xỉ đẳng cấp thế giới. Nghĩ lại, nếu không có sự kiên trì của vị “cha đẻ” cần mẫn đi bộ từ một ngôi làng nhỏ đến tận Paris vì muốn nhìn thấy một thế giới rộng lớn hơn, sẽ không có một Louis Vuitton tầm cỡ như bây giờ.
Ông chủ tập đoàn xa xỉ LVMH gây dựng đế chế thế nào?
Dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, Bernard Arnault vẫn kiếm được gần 100 tỷ USD trong một năm.
Ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19, Bernard Arnault vẫn kiếm được hàng tỷ USD. Chắc chắn doanh thu của tập đoàn xa xỉ Pháp LVMH đã giảm 17% và lợi nhuận giảm 28% trong năm 2020. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của công ty này lại thể hiện điều khác.
Kiếm được gần 100 tỷ USD/năm
Bernard Arnault - người đứng đầu tập đoàn và là người giàu thứ ba trên thế giới - có tài sản hơn 171 tỷ USD, cao hơn 95 tỷ USD so với thời điểm cách đây hơn một năm (tính đến ngày 13/4). Đây là kết quả của việc giá cổ phiếu tăng 107% kể từ ngày 18/3/2020.
"Có vẻ như các cổ đông đặt cược doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trở lại", Forbes viết. Hiện tài sản của ông ở mức trên 182 tỷ USD.
LVMH ghi nhận doanh thu 16,7 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay, tăng gần 1/3 so với cùng kỳ năm 2020. Con số này có được nhờ vào lợi nhuận lớn từ các bộ phận bán đồng hồ, trang sức, thời trang và đồ da của công ty.
Nhà phân tích Thomas Chauvet của Citigroup đã viết trong một bài công bố ngày 26/3: Ông hy vọng doanh số bán hàng của LVMH sẽ tăng trong năm nay "dựa trên các điểm mua hàng xa xỉ mạnh mẽ từ Trung Quốc và Mỹ".
Phần lớn giá trị tài sản ròng của doanh nhân 73 tuổi đến từ 47% cổ phần trong tập đoàn LVMH. Số còn lại đến từ 2% cổ phần của hãng sản xuất đồ da Hermès, 6% cổ phần của tập đoàn bán lẻ khổng lồ Carrefour (Pháp) cùng ước tính 1 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư.
Ông chủ tập đoàn LVMH kiếm được gần 100 tỷ USD trong vòng một năm. Ảnh: WWD .
Trong bối cảnh thị trường đầy biến cố, cổ phiếu của tập đoàn đã giảm 25%, xuống khoảng 343 USD/cổ phiếu trong hai tuần vào đầu tháng 3/2020.
Vào tháng 4/2020, công ty nói với một số nhân viên giờ làm bị giảm, đồng thời đưa họ vào chương trình hỗ trợ việc làm của chính phủ Pháp. Đến tháng 6, cổ phiếu đã bù đắp lại các khoản lỗ. Sang tháng 11, cổ phiếu tăng lên 589 USD, cao hơn 13% so với mức trước dịch.
Tháng 1 năm nay, tập đoàn xa xỉ thắng lớn khi hoàn tất việc mua lại thương hiệu trang sức Tiffany & Co. với giá 15,8 tỷ USD, thấp hơn 400 triệu USD so với thỏa thuận ban đầu vào tháng 11/2019. Đây được coi như thương vụ gay cấn về thỏa thuận nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực xa xỉ.
Đến tháng 2, LVMH ký kết hợp tác với rapper Jay-Z để mua 50% cổ phần thương hiệu rượu champagne Armand de Brignac với giá khoảng 300 triệu USD.
Nếu bạn làm tốt công việc của mình, lợi nhuận sẽ đến.
Bernard Arnault
Tập đoàn xa xỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc đóng cửa các cửa hàng tại thị trường quan trọng như Trung Quốc và châu Âu vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dần khởi sắc trong nửa cuối năm ngoái khi Mỹ và Trung Quốc phục hồi, với lĩnh vực thời trang và hàng da của công ty tăng doanh thu hai con số.
Chiến thắng của ông hoàng xa xỉ không chỉ đến từ tập đoàn LVMH. Văn phòng gia đình của ông - Financière Agache - cũng là đối tác với L Catterton. Nhìn chung, công ty cổ phần tư nhân này đã đầu tư hơn 2,3 tỷ USD vào 20 công ty trong năm 2020 và kiếm được 4 tỷ USD trước thuế từ 12 khoản đầu tư.
Tháng 2 vừa qua, tỷ phú người Pháp bắt kịp xu hướng mới nhất trên thị trường tài chính khi thành lập công ty SPAC của riêng mình có tên Pegasus Europe, hợp tác với nhà quản lý tài sản Tikehau Capital (Pháp). Công ty này sẽ niêm yết tại Amsterdam, Hà Lan.
Chìa khóa đến thành công
Trước khi tạo dựng nên đế chế LVMH, Bernard Arnault đã tốt nghiệp một trường kỹ sư danh tiếng. Ông cùng cha làm việc cho doanh nghiệp xây dựng dân dụng của gia đình.
Nhưng tham vọng của ông còn lớn hơn thế. Arnault muốn mở một doanh nghiệp với nguồn gốc từ Pháp, có thể mở rộng quy mô và vươn tầm quốc tế.
Theo Marco Ops , niềm đam mê với hàng xa xỉ của Arnault bắt nguồn từ mẹ. Bà từng mê mẩn những chai nước hoa Dior. Ông bị ám ảnh bởi Dior cũng như sự công nhận thương hiệu này đã tạo ra.
Ông trùm hàng hiệu tin rằng chìa khóa thành công là sự phân quyền. Ảnh: New York Post.
Arnault từng có cuộc trò chuyện với một tài xế taxi ở New York, Mỹ. Ông hỏi liệu anh ta có biết về tổng thống của Pháp? - "Không. Nhưng tôi biết Christian Dior", người lái xe trả lời. Cuộc trao đổi này đã thay đổi suy nghĩ, sự nghiệp và đam mê của Arnault.
Bernard Arnault bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực quần áo sang trọng với việc mua Financière Agache vào năm 1984. Cùng năm đó, khi biết tin Christian Dior được rao bán, ông đã chớp lấy thời cơ. Arnault bỏ ra 15 triệu USD tiền của gia đình mình và Lazard cung cấp phần còn lại cho giá mua 80 triệu USD.
Arnault từng cam kết khôi phục hoạt động và duy trì việc làm tại đây. Nhưng thay vào đó, ông sa thải 9.000 công nhân và bỏ túi 500 triệu USD, bán đi phần lớn hoạt động kinh doanh.
"Các nhà phê bình ngả mũ trước sự trơ trẽn của ông. Truyền thông gọi ông là sói già mặc cashmere", Forbes viết.
Arnault được nhất trí bầu làm chủ tịch LVMH vào năm 1989, với 43,5% cổ phần.
Sau khi chinh phục tập đoàn, ông chi hàng tỷ USD mua lại các công ty hàng đầu châu Âu về thời trang, nước hoa, đồ trang sức và đồng hồ cũng như rượu vang, rượu mạnh.
Louis Vuitton, Christian Dior, Fendi... là những công ty con thuộc LVMH. Ảnh: Welcome Qatar.
Dưới trướng của Arnault, LVMH trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Hiện tập đoàn được ví như "thế lực thống trị trong ngành thời trang", sở hữu hơn 70 thương hiệu cao cấp khác nhau trên thị trường.
Tạp chí New York Times từng ca ngợi Bernard Arnault là "siêu sao vươn lên ngoạn mục để trở thành người đứng đầu công ty hàng hóa xa xỉ lớn nhất thế giới khi mới 40 tuổi".
Doanh nhân 73 tuổi chia sẻ ông tin chìa khóa thành công cho đế chế thương hiệu xa xỉ của mình là sự phân quyền.
Khi trò chuyện với Harvard Business Magazine , mặc dù tập đoàn của Bernard Arnault sở hữu hơn 70 thương hiệu toàn cầu và sử dụng hơn 54.000 nhân viên, trụ sở chính tại Paris (Pháp) chỉ gồm 250 người.
Một bí quyết thành công của LVMH là quyết định để các thương hiệu khác nhau hoạt động độc lập mà không bị can thiệp nhiều. Mỗi nhãn hàng được điều hành bởi giám đốc sáng tạo của chính nó.
Bernard Arnault có niềm tin mạnh mẽ vào sự sáng tạo. Với ông, nếu cư xử như ông chủ điển hình xung quanh những người sáng tạo với loạt quy tắc, chính sách, dữ liệu về sở thích của khách hàng, bạn sẽ nhanh chóng "giết chết" tài năng của họ.
"Toàn bộ hoạt động kinh doanh của chúng tôi dựa trên việc cho phép các nghệ sĩ và nhà thiết kế hoàn toàn tự do sáng tạo mà không có giới hạn", ông vua hàng hiệu xa xỉ nói.
Giày Satan và những thiết kế bị thu hồi Giày chứa máu người, quần áo kém chất lượng... bị thu hồi sau khi nhận được loạt ý kiến trái chiều từ dân mạng. Sự sáng tạo trong ngành thời trang không có giới hạn. Bên cạnh những thiết kế huyền thoại, nhiều sản phẩm bị thu hồi ngay khi vừa bán ra. Ngoài ra, thương hiệu và các công ty sản xuất...