Lột xác nhờ… lừa đảo
Các bị can trong vụ án
Chỉ là thợ xây, thợ sơn tự do ở Hà Nội nhưng Quảng đã “lột xác” nhờ… lừa đảo.
Nghề nghiệp chính của Đinh Hùng Quảng (SN 1957), trú tại xã Ninh Nhật, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình là thợ xây, thợ sơn tự do tại Hà Nội. Do sống và làm việc ở đây lâu nên Quảng biết khá nhiều người không chỉ ở các tỉnh mà cả ở Hà Nội đều có nhu cầu đi XKLĐ để cải thiện cuộc sống. Đa số những người này đều hiểu biết hạn chế về các hoạt động XKLĐ nên họ thường thông qua người quen biết giới thiệu. Nhận thấy đây là cơ hội có thể kiếm được tiền, Quảng đã nảy ý định dùng các thủ đoạn gian dối thông qua lĩnh vực XKLĐ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu XKLĐ ở nước ngoài.
Video đang HOT
Thực hiện ý đồ trên, tháng 10-2006, Quảng gọi con trai là Đinh Hồng Giang (SN 1985) đang làm thợ điện nước tự do ở TP Ninh Bình lên Hà Nội bàn kế hoạch tổ chức thực hiện. Tiếp đó, Quảng làm thủ tục xin thành lập công ty và được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 30-10-2006, cho phép thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ mới, có địa chỉ tại thôn Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Theo đó, các ngành nghề kinh doanh gồm: Mua bán, xuất khẩu lâm, thủy sản; Mua bán, xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải; Tư vấn du học; Đào tạo ngoại ngữ; Xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, vận tải; Quảng cáo và các dịch vụ liên quan đến quảng cáo; Mua bán, xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư ngành quảng cáo, văn phòng. Vốn điều lệ là 200 triệu đồng do Quảng là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Để che giấu các hành vi gian dối của bản thân và hoạt động khống của công ty, đồng thời nhằm hạn chế sự chú ý, phát hiện của các cơ quan quản lý nên ngay trong ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Quảng đã giao cho Đinh Hồng Giang làm đại diện, thuê nhà 26 phố Nguyễn Hoàng Tôn, phường Xuân La, quận Tây Hồ để vừa làm nơi sinh hoạt, vừa làm trụ sở hoạt động của công ty trong thời gian từ tháng 10-2006 đến tháng 3-2007.
Cùng với việc thuê trụ sở mới, Quảng, Giang đã thực hiện nhiều cách thức để tiếp thị, quảng cáo với những người quen biết về các mối quan hệ khả năng đưa người đi XKLĐ của công ty như: Có mối quan hệ thân thiết với nhiều quan chức ở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Khuếch trương công ty của mình là một tập đoàn lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh, có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực XKLĐ; Công ty luôn có sẵn các đơn hàng cung cấp LĐXK nên cần tuyển gấp lao động để XKLĐ sang thị trường Hàn Quốc theo chương trình của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Thời gian lao động từ 2-3 năm, lương khởi điểm mỗi tháng từ 800-1.000 USD trở lên, chưa kể tiền làm thêm giờ; Sau khi kết thúc thời gian làm việc tại Hàn Quốc, khi trở về Việt Nam, người lao động có thể được ưu tiên tiếp tục làm việc tại một công ty của Hàn Quốc ở Việt Nam và hưởng lương tương đương như ở Hàn Quốc. Đây có thể coi là những chiêu tiếp thị đặc biệt hấp dẫn khiến nhiều người lao động tin tưởng và không hề hoài nghi gì.
Sau khi biết một số con mồi mắc bẫy, Quảng, Giang đưa ra những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, quyền lợi và nghĩa vụ của người XKLĐ theo chương trình của công ty cũng rất đơn giản, linh hoạt như: trường hợp người có nhu cầu đi XKLĐ được Quảng cho ký dưới hình thức hợp đồng lao động là nhân viên của công ty và phải nộp trước 3.600 USD dưới hình thức đóng “cổ phần” cho công ty, có trường hợp được Quảng ký văn bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và tuyển dụng, có trường hợp được ký cả 2 văn bản trên và cũng có nhiều trường hợp có nhu cầu đi XKLĐ không phải ký vào các văn bản này.
Để tăng thêm lòng tin với người lao động, Quảng còn đặt may mũ, quần áo đồng phục có in tên hãng DEAWOO của Hàn Quốc, phát cho người đã nộp hồ sơ để đi XKLĐ, cam kết là người lao động sau khi nộp hồ sơ và nộp đủ tiền như yêu cầu của công ty thì trong khoảng từ 2-6 tháng, họ sẽ được xuất cảnh sang Hàn Quốc. Nếu quá hạn mà không đi được thì được hoàn trả đầy đủ số tiền và hồ sơ đã nộp. Về kinh phí, thời gian đầu, người có nhu cầu đi XKLĐ phải nộp 3.600 USD/người và được công ty viết phiếu thu, trong đó ở mục lý do trên phiếu, thường được viết là “nộp tiền làm thủ tục” hoặc “đóng cổ phần vào công ty”. Thời gian sau, Quảng, Giang đã nâng dần mức thu đối với người có nhu cầu XKLĐ, lúc cao nhất lên tới 10.500 USD/người.
Với những cách thức, thủ đoạn gian dối trên, từ tháng 8-2006, có những tổ chức, cá nhân, đầu mối đã gặp Quảng, Giang tại “trụ sở” của công ty để nộp tiền, hồ sơ làm thủ tục đi XKLĐ và đã bị Quảng, Giang lừa đảo, chiếm đoạt hết. Cụ thể, số tiền bị chiếm đoạt lên tới 382.300 USD (tương đương 6,13 tỷ đồng) và 764 triệu đồng, tổng cộng là 6,9 tỷ đồng của 68 người có nhu cầu đi XKLĐ. Còn “cánh tay đắc lực” của bố con Quảng là Lê Đăng Lưu (SN 1964), trú tại phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cũng đã chiếm đoạt của họ số tiền 241.400 USD tương đương 3,8 tỷ đồng là số tiền Quảng đã thu của những người đi XKLĐ và chiếm đoạt tiếp 81.500 USD tương đương 1,3 tỷ đồng là số tiền mà hai đầu mối đã dụ 28 con mồi sập bẫy rồi nộp tiền cho Lưu. Tổng số tiền mà Lưu chiếm đoạt là 5,1 tỷ đồng.
Đồng phạm với vụ án đặc biệt nghiêm trọng này là bị can Bùi Trung Kiên, có vai trò giúp sức rất đắc lực cho Quảng và Giang thực hiện hành vi lừa đảo. Bản thân Kiên đã bị TAND tỉnh Hà Tây (cũ) xử phạt 15 tháng tù giam về tội môi giới mại dâm vào tháng 12-1996. Hiện nay, Kiên đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Do đó, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được xử lý sau.
Trong quá trình điều tra, bố con Quảng đã khắc phục được 540 triệu đồng, hiện còn chiếm đoạt 6,38 tỷ đồng. Lê Đăng Lưu khắc phục được 1,2 tỷ đồng, hiện còn chiếm đoạt 3,9 tỷ đồng. Với số tiền kiếm được từ những trò lừa đảo, các bị can ăn chơi, mua sắm những đồ dùng đắt tiền, đi đâu cũng huyênh hoang về sự “phát đạt” của công ty. Thậm chí, tên Lưu còn ghép ảnh chung với các đồng chí lãnh đạo cao cấp để lòe bịp mọi người về thanh danh và uy tín của mình. Chính sự bất minh này là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tố cáo của các bị hại và cơ quan CSĐT – Bộ Công an vào cuộc để làm sáng tỏ mọi hành vi phạm tội của chúng.
Không chịu làm ăn lương thiện mà muốn kiếm tiền bằng những việc làm lừa đảo, đương nhiên các bị can phải trả giá cho những việc làm đó. VKSNDTC đã hoàn thành bản cáo trạng truy tố 3 bị can trên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án sẽ được xử sơ thẩm cuối tháng 8-2010.
Theo An ninh thủ đô