Lớp học nghề giống như đối phó, chỉ để giải ngân
“Đào tạo nghề xong, người lao động không biết dùng để làm gì”, trong khi “nhiều nơi người ta cử thanh niên nông thôn đi học nghề cốt là để nhận tiền ăn rồi về, bởi vậy hiệu quả kém” – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TNTN và nhi đồng của QH Đào Trọng Thi trao đổi về Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Lao động nông thôn cần được đào tạo các ngành nghề là thế mạnh địa phương.
- Sau một năm thực hiện, liệu đã có thể đánh giá ban đầu về “Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020″, thưa ông?
- Mục tiêu của chương trình rất rõ ràng là đào tạo trực tiếp cho thanh niên ở nông thôn và để họ lao động trực tiếp tại địa phương, tức là phải khai thác chính các ngành nghề địa phương và cung cấp cho họ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ phát triển lao động và tạo ra những sản phẩm liên quan đến thế mạnh của làng quê.
Mục tiêu thì rất rõ ràng, cụ thể và thực tế, nhưng chúng ta có những khó khăn. Nhiều khi chúng ta cung cấp chương trình các lớp tập huấn nghề hoàn toàn không bám sát vào thực tiễn với ngành nghề địa phương, cho nên khi đào tạo nghề xong, người lao động không biết dùng để làm gì. Các chương trình nội dung trong đào tạo nghề cũng không được chuẩn bị kỹ, tổ chức lớp học đôi khi còn mang tính chất đối phó, hình thức và mang tính chất để giải ngân mà không được kiểm soát, giám sát và tổ chức một cách nghiêm túc. Nhiều nơi, người ta cử thanh niên nông thôn đi học nghề cốt là để nhận tiền ăn rồi về, bởi vậy hiệu quả kém.
Tôi cho rằng có sự lãng phí, cả tiền của Nhà nước, cả thời gian của người lao động và không khéo tạo ra một môi trường xấu, một cái gọi là cái nền nếp kỷ cương không tốt, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
- Ông nhìn nhận thế nào về mục tiêu sẽ có 40% lao động nông thôn có nghề năm 2015 và 50% vào năm 2020?
Video đang HOT
- Mục tiêu như vậy tôi cho rằng kỳ vọng hơi cao. Tại sao cứ cố đặt một mục tiêu hình thức khi có những khiếm khuyết lớn của chương trình. Hơn nữa, khó nói là lấy tiêu chí gì để đánh giá. Chương trình này khác với chuyện đào tạo một người lao động có một nghề để đi làm việc, vì đây là tập huấn để lao động thành thạo chính cái nghề họ đã có. Câu hỏi đặt ra là tiêu chí nào thể hiện họ được đào tạo nghề và để chứng nhận họ đã qua một chương trình đào tạo?
Hơn nữa, có cách gì để đánh giá một cách nghiêm túc là có bao nhiêu người tìm được việc làm, có khi họ lại làm chính cái việc trước đó họ đã có, thì làm sao có thể biết được là tác động của lớp học này có hay là không. Đặt ra chỉ tiêu nhưng tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức nói tóm lại là không rõ ràng, chỉ tiêu ấy muốn bao nhiêu cũng có thể lý giải được, bởi vậy rất khó đánh giá kết quả thực hiện.
- Theo ông, cần làm phải làm thế nào để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn – đặc biệt là thanh niên nông thôn cũng như đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số – được hiệu quả và họ có thể tìm được việc làm sau khi được đào tạo nghề?
- Tôi nghĩ cần phải tính thật kỹ và không nên chạy theo các chỉ tiêu mang tính số lượng và hình thức, mà phải làm một cách nghiêm túc, hiệu quả. Có thể chậm về thời gian ban đầu, nhưng khi vào nền nếp rồi, khi triển khai sẽ đạt được hiệu quả và quy mô của dự án có thể được nâng lên. Theo tôi, cách đầu tiên là đi chậm nhưng chắc, làm một cách chắc chắn, có hiệu quả thực sự và nghiêm túc.
Đối với việc đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số thì thể hiện rõ nét hơn vì quy mô hẹp hơn, địa bàn cũng vậy, số nghề phù hợp với đời sống của bà con dân tộc thiểu số lại càng ít hơn nữa. Nhưng tôi phải nói thật là khi trình độ phát triển của bà con đang ở mức thấp thì thực ra việc đào tạo nghề là không có nhu cầu, khi người ta còn đang làm theo những kinh nghiệm và thói quen của họ.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Laodong
Cần đề nghị UNESCO vinh danh Tướng Giáp
"Đại tướng là người khiêm nhường, giản dị, không cần và không muốn một sự tôn vinh nào dành cho mình. Tuy nhiên, ở cấp nhà nước, tôi cho rằng rất cần tôn vinh Đại tướng." - ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH nói.
Trao đổi với phong viên Báo Người Lao Động, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH đề nghị Nhà nước trình UNESCO vinh danhĐại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất thế giới.
Theo ông, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) có nên dành một phút mặc niệm để bày tỏ sự tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Ông Lê Như Tiến: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tượng đài vĩ đại trong lòng nhân dân. Cả nước biết ơn Đại tướng, người anh cả của lực lượng vũ trang. Để tỏ lòng biết ơn và thương tiếc, theo tôi, QH nên dành phút mặc niệm Đại tướng. Đây là điều hết sức cần thiết. Tại phiên họp vừa rồi, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã dành phút mặc niệm Đại tướng. Đại tướng cũng đã có đóng góp rất lớn cho QH trong liên tục 7 nhiệm kỳ là đai biêu QH, từ khóa đầu tiên tới khóa VII.
Ông Lê Như Tiến
Những ngày qua, hàng triệu người dân và bạn bè quốc tế đã đến viếng và tiễn đưa Đại tướng, ông nghĩ sao về ý kiến cần tôn vinh Đại tướng xứng tầm với danh tướng số 1 của thế giới trong thế kỷ XX?
Đại tướng là người khiêm nhường, giản dị, không cần và không muốn một sự tôn vinh nào dành cho mình. Tuy nhiên, ở cấp nhà nước, tôi cho rằng rất cần tôn vinh Đại tướng. Ngoài những đề xuất như đặt tên đường, mở bảo tàng hay xây dựng tượng đài, nhà nước cần đề nghị Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà quân sự kiệt xuất thế giới. Dân tộc Việt Nam đã có 2 vị từng được UNESCO và quốc tế vinh danh là Anh hùng Giải phóng Dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới là Nguyễn Trãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lớn trong 2 chiến thắng chấn động địa cầu, ghi danh sử sách thế giới là Điện Biên Phủ năm 1954 và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Chắc chắn, với những chiến công lẫy lừng như thế, với quân đội đi từ con số 0, bất cứ ai cũng phải khâm phục ông là nhà quân sự kiệt xuất của thế giới.
Trong dự kiến chương trình nghị sự trước kỳ họp QH lần này không có nội dung thảo luận về đề xuất tôn vinh Đại tướng nhưng theo ông, đại biểu QH có đặt vấn đề này ra trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội?
Khi Đại tướng qua đời, mỗi người dân Việt Nam đều thương tiếc và mỗi người có cách riêng để tưởng nhớ tới vị tướng của mình. Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có đại biểu QH nêu vấn đề vinh danh Đại tướng bởi đó là đề xuất hợp lòng dân.
Như ông nói, việc vinh danh xứng đáng Đại tướng là ý nguyện đại bộ phận người dân Việt Nam?
Đại biểu QH quan tâm đến nhiều vấn đề và cũng có thể nêu ý kiến về bất cứ vấn đề gì mà người dân quan tâm. Đặc biệt, đây là lòng dân, ý nguyện của người dân thì càng nên thảo luận để làm sao đáp ứng nguyện vọng đó.
Tiên đưa Đai tương Vo Nguyên Giap vê nơi an nghi (Anh: Nguyễn Quyết)
Trong hàng dài nối qua nhiều con phố đến viếng và tiễn đưa Đại tướng có không ít thanh niên và họ đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tiếc thương và kính trọng đối với người anh cả của quân đội Việt Nam, ông nhìn nhận việc này như thế nào?
Mỗi người dân Việt Nam đều có tình cảm sâu đậm với Đại tướng, rất nhiều ngành, nhiều giới, từ cụ già tới em bé. Rất nhiều gia đình, mấy thế hệ cùng đến tiễn biệt Đại tướng. Tôi đặc biệt xúc động khi thấy giới trẻ đến với Đại tướng như hướng tới niềm tin. Một đức tin lớn lao cho thấy giới trẻ không phải không có hoài bão. Phải là người tài năng, đức độ, cả đời vì dân, luôn tin tưởng lớp trẻ như Đại tướng mới tạo được niềm tin ấy.
Qua đây, chúng ta cũng có thêm cái nhìn khác về giới trẻ. Khi đất nước có sự kiện lớn, thanh niên luôn hướng về Tổ quốc. Nhiều người cho rằng lớp trẻ bây giờ thực dụng, xa rời lý tưởng, chơi bời, phá phách... nhưng chính ở thời khắc lịch sử như thế, lớp trẻ đã thể hiện mình rất đúng mực.
Vừa rồi, trong suốt tang lễ Đại tướng, an ninh trật tự rất tốt. Mấy chục vạn người dân từ khắp mọi miền đổ về Hà Nội để tưởng nhớ Đại tướng nhưng không xảy ra chuyện gì. Bên cạnh đó, có người nói với tôi là cái xấu cũng không dám xuất hiện trong tang lễ Đại tướng. Rõ ràng, như tôi đã nói, khi đã có đức tin, khi lòng dân cùng về một hướng thì mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Theo Thế Dũng
Chưa đủ sức sát thương giặc "nội xâm" tham nhũng Trò chuyện cùng Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng việc chống tham nhũng (PCTN) vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm vì vậy chưa đủ sức sát thương "giặc nội xâm" - tham nhũng. Ông Lê Như Tiến. Công khai quá trình xử lý án...