Lớp học đặc biệt – niềm an ủi của những đứa trẻ nhập cư
Chịu đói ăn, mồ côi, lao động sớm, nhiều đứa trẻ nhập cư tại quận 8 tìm thấy niềm an ủi ở những lớp học tại trung tâm phát huy Bình An.
Nguyễn Thị Ngọc Châu, 13 tuổi, đang học lớp ba tại Trung tâm Phát huy Bình An (quận 8) phải đi làm từ 10 tuổi để mua thức ăn cho mình và hai em nhỏ. Châu thường xuyên thức dậy từ 4h30 sáng, chở em đi học, rồi đi làm ở xưởng in tới 12h đêm. Châu cũng giống hàng trăm bạn cùng trường tình thương này: thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng, thiếu giấy tờ hộ khẩu và không mơ ước. “Em hay ngủ để quên đi nỗi buồn”, Châu nói.
Chiếc xe đạp cũ là tài sản duy nhất Châu được cô giáo tặng từ hai năm trước. Có lúc phải nhịn đói vài ngày vì nhà hết thức ăn, Châu vẫn ráng đèo em trai mình, bé Khôi đến lớp. “Không đến trường được, dốt thì tội nghiệp nó”, cô bé lý giải. Gần 10 năm nay, Trung tâm Phát huy Bình An (quận 8) trở thành mái trường nâng đỡ ước mơ của những đứa trẻ nghèo, khát khao học chữ như chị em Châu.
Trường tình thương Bình An bắt đầu tổ chức các lớp học miễn phí từ năm 2010. Thầy cô ở đây đều là giáo viên tình nguyện. Nửa ngày dạy học trò, nửa ngày họ đi làm kiếm sống. Cô Phạm Thị Nhiệm, 58 tuổi, cựu giáo viên trường Tiểu học An Phong (quận 8) vừa nghỉ hưu thì tới dạy ở đây, đến nay đã được 4 năm. Vốn rất tự tin với kinh nghiệm cả đời dạy tiểu học, thời gian đầu ở trung tâm cô vẫn vô cùng hụt hẫng vì “sáng nào học sinh đến lớn cũng ngủ gà ngủ gật, bài tập giao về nhà thì không làm”. Về sau, cô mới biết học trò đi học về phải làm việc giúp gia đình, có em đi bán hàng đến khuya, thức cả đêm ở chợ Bình Điền. “Có bữa học sinh nghỉ học nhiều, hỏi ra thì có em bảo nhà hết gạo, hết xăng, cha mẹ không chở đi được. Vậy nên tôi coi như làm thay phần cha mẹ của tụi nó, dạy từ cái chữ cho đến cách sống”, cô Nhiệm nói.
Ở trường, Châu cũng như một số học sinh trong lớp, 13, 17 tuổi vẫn học lớp ba, lớp bốn. “Em chỉ vui khi viết chính tả”, Châu nói. Các bạn khác cũng “chỉ vui khi tới trường”, bởi ở nhà, mỗi em đóng vai một lao động chính.
Châu có hai chiếc áo trắng do nhà trường tặng, là đồ quyên góp từ các bạn học sinh khác trong thành phố. Đồ đạc đáng kể nhất trong nhà em là một tấm nệm trần. Để tiết kiệm điện và có thời gian đi làm tối, Châu tranh thủ ánh sáng ban ngày để học bài.
Cuộc vật lộn theo đuổi con chữ của những học sinh Bình An không chỉ diễn ra trong không gian trường học. Hầu hết các em đều sống trong những chái nhà tạm và phải tận dụng mọi không gian để học. Gia đình Mỹ Hạnh sống trên một chiếc ghe dưới sông, may mắn hơn nhiều bạn vì tài sản trong nhà ngoài tấm nệm còn có thêm một chiếc bàn nhỏ.
“Học sinh ở đây đến từ nhiều tỉnh, nhiều quận huyện, bươn chải sớm, thường có tính cách mạnh nên ban đầu rất khó bảo. Thời gian đầu, các cô thường xuyên phải can chúng đánh lộn. Mình phải kiên trì, phải vừa cứng rắn vừa mềm mỏng”, cô Nguyễn Thị Thoa, 64 tuổi, giáo viên đứng lớp một đã được 8 năm chia sẻ.
Ngoài 9 giáo viên người Việt, trung tâm có các giáo viên, tình nguyện viên là người nước ngoài. Cô giáo Martin (người Pháp) là một trong những giáo viên dạy tiếng Anh. Các cô còn tổ chức các lớp dạy kỹ năng. Trong ảnh là một buổi học dạy tái chế, tận dụng những món đồ cũ.
Bữa ăn do các thầy cô chuẩn bị. “Những bữa ăn như thế này không phải ngày nào cũng có, mình có gì thì cho tụi nó ăn nấy thôi vì nhiều đứa ở nhà thường bị bỏ đói”, cô Thu Hạnh, quản lý trung tâm nói.
Video đang HOT
Những buổi sinh hoạt ngoại khoá cũng là dịp phát thưởng cho học sinh có thành tích học tập tốt.
Cuối tuần, các tình nguyện viên của Đại học Kinh tế – Tài chính TP HCM đến trung tâm, hướng dẫn các em vui chơi, cân bằng cảm xúc sau những giờ học căng thẳng.
Phụ huynh đón con sau giờ tan học. Những lớp học được duy trì đều đặn từ thứ 2 tới thứ 6 hàng tuần. Cô Thu Hạnh, quản lý trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi chỉ cần gia đình các em quan tâm chút xíu thôi là đã tốt lắm rồi. Bởi với những trẻ này, việc bám lớp bám trường luôn đòi hỏi nỗ lực rất lớn”.
*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Theo Thanh Trần (VnExpress)
Lão nông già 10 năm mở lớp cho trẻ nghèo, không lấy một đồng nào
Hơn 10 năm qua, ông Đoàn Minh Hùng tình nguyện mở lớp học xóa mù chữ cho gần 100 trẻ lang thang, cơ nhỡ mặc dù gia đình ông vẫn còn nhiều khó khăn.
Lão nông nghèo nặng duyên với trẻ em lang thang, cơ nhỡ
Đều đặn 17 giờ 30 mỗi ngày, chị Đặng Thị Tiên (An Giang) lại chở 2 đứa con đến "lớp học tình thương hòa hảo" của ông Đoàn Minh Hùng.
Cuộc sống khó khăn, gia đình chị Tiên phải dắt díu nhau lên Thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống.
Hai vợ chồng làm công nhân, thu nhập không cao nên tiền phòng, tiền ăn uống đã chiếm gần hết tiền lương một tháng.
Lớp học tình thương của ông giáo Hùng với những học sinh là trẻ lang thang, cơ nhỡ (Ảnh:Uông Ngọc)
Cực chẳng đã chị Tiên phải cho 2 đứa con ở nhà để tiết kiệm chi phí cho gia đình.
May sao, có người mách chị đến lớp học tình thương của ông Đoàn Minh Hùng (166 Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh).
Tại lớp học này, hai đứa nhỏ: một 4 tuổi, một 6 tuổi được dạy học miễn phí và còn được ông Hùng mua cho sách vở, tập, viết...Vì thế gia đình chị Tiên biết ơn ông Hùng nhiều lắm!
Chị Tiên chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên tôi cho các con ở nhà, đứa lớn trông đứa nhỏ còn ba má thì đi làm. May sao tôi biết đến lớp học của bác Hùng.
Tại đây các con được dạy văn hóa Gia đình không mất tiền học phí lại còn được bác Hùng cho sách, vở để các con đi học. Gia đình tôi biết ơn bác Hùng nhiều lắm vì có nơi gửi các con đi học".
Không chỉ có 2 đứa nhỏ nhà chị Tiên, lớp học của ông giáo Hùng đang là địa chỉ học tập của gần 100 trẻ em. Tất cả học sinh trong lớp học đặc biệt này đều là trẻ em lang thang, cơ nhỡ, khó khăn.
Chia sẻ về những ngày đầu mở lớp, ông Đoàn Minh Hùng cho biết: Ban đầu sĩ số của lớp chỉ có 2 em theo học. Cả hai em đều là trẻ bán vé số.
Ông giáo Hùng phải bán cả mảnh đất hương hỏa ở quê để có tiền duy trì lớp học (Ảnh:NVCC)
Hiện nay sĩ số của lớp đã lên đến 100 em. Đa phần đều là những em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ không đủ điều kiện cho con đến trường. Ngoài ra lớp học này cũng có một số công nhân chưa biết chữ đến theo học.
Trải qua chặng đường 10 năm mở lớp và duy trì đến nay đều được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức của ông Hùng và gia đình. Ít ai biết mặc dù đứng ra mở lớp tình thương nhưng hoàn cảnh gia đình ông Hùng cũng rất khó khăn.
Ông giáo Hùng vốn xuất thân là một nông dân chính hiệu quê ở Bà rịa Vũng tàu. Hai vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cũng bấp bênh.
Để có tiền mở lớp và duy trì lớp học ông đã quyết định bán mảnh đất hương hỏa của cha mẹ ở quê, lấy tiền thuê nhà cho trẻ nhỏ tiếp tục đến lớp. Tấm lòng của lão nông già - ông giáo Hùng thật đáng quý biết bao!
Ông Hùng tâm sự: "Tôi vốn xuất thân là nông dân và có một tuổi thơ rất gian nan. Tình cờ 10 năm trước đi thuê nhà trên đây (Thành phố Hồ Chí Minh) để hai vợ chồng đi làm thuê.
Trong xóm trọ có 2 đứa nhỏ bán vé số. Hai đứa thích đi học lắm nhưng gia đình nghèo không có tiền nên tôi đứng ra mở lớp dạy cho các cháu. Sau đó lớp học cứ lớn dần đến nay đã được 10 năm và hơn 100 cháu".
Cũng kể từ ngày đó, đều đặn cuối chiều, trong gian phòng trọ chật hẹp của gia đình lại ê a tiếng con trẻ học bài.
Học sinh đến lớp tự động tiến xuống bếp chọn lấy một phần cơm dọn sẵn. Ăn uống xong các em nhanh chóng bước vào lớp, học những môn như Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh...
Ông Hùng cười: "Đời tôi đã vất vả chỉ mong sao các cháu sau này sẽ có một cuộc sống tươi sáng hơn".
Dạy con chữ, dạy cách làm người
Đến với "lớp học tình thương hòa hảo" của ông Đoàn Minh Hùng các em không chỉ được học con chữ, học con số mà còn được dạy cách làm người, ứng xử lễ phép với mọi người.
Trong những buổi học, ông giáo Hùng luôn dành nhiều thời gian để dạy các em cách sống giữa người với người, sống phải thật thà, không tham lam và biết yêu thương nhau.
Trẻ được ăn cơm, học hành miễn phí tại lớp học tình thương (Ảnh: Uông Ngọc)
Ông Hùng tâm sự: "Việc dạy các cháu con chữ chỉ là một phần.
Tôi muốn dạy cho các cháu cách sống, cách cư xử, dạy cho các cháu lên người.
Do hoàn cảnh đặc biệt nên hầu hết các cháu ở đây đều là trẻ lang thang, cơ nhỡ, gia đình khó khăn thiếu người uốn nắn.
Từ hoàn cảnh đó nếu như không có người hướng dẫn, chỉ bảo các cháu rất dễ sa đà vào tệ nạn xã hội. Do đó ở đây chúng tôi uốn nắn các cháu, dạy các cháu phải tránh xa những tệ nạn, cám dỗ ở ngoài kia. Cũng may là các cháu theo học ở lớp sau một thời gian rất ngoan và tiến bộ".
Khi được hỏi: Động lực nào khiến một lão nông già quyết định dồn cả sức lực, kinh tế gia đình để mở lớp học tình thương và duy trì đến nay đã hơn 10 năm?
Ông Hùng cười xuề xòa: "Từ một lão nông già tôi trở thành ông giáo già là điều bản thân tôi cũng bất ngờ. Mình làm điều này hoàn toàn xuất phát từ cái tâm và tình yêu thương con trẻ.
Tôi mong muốn các con, các cháu được biết con chữ, biết cách ăn ở để biết đâu sau này thay đổi cuộc đời, số phận của chúng".
Trong những tiếng ê a trẻ con đọc bài, vợ chồng ông Hùng vẫn tất bật chạy ngược xuôi. Khi thì chuẩn bị cơm chay cho học sinh, khi thì chuẩn bị cái bút, tập vở.
Không chỉ được dạy con chữ, các em còn được dạy cách sống, cách làm người (Ảnh:Uông Ngọc)
Toàn bộ chi phí cho các bữa ăn, sách vở, bút viết, tiền thuê nhà...tính sơ sơ 1 tháng gần 30 triệu đồng đều do một tay gia đình ông trang trải.
Cũng may, tiếng lành đồn xa, lớp học của ông được nhiều tổ chức xã hội và các nhóm tình nguyện biết đến.
Họ ủng hộ dụng cụ học tập và một phần kinh phí cho lớp học. Nhiều bạn sinh viên tình nguyện luôn sẵn sàng tham gia giảng dạy, phụ đạo cùng ông.
Trải qua cuộc hành trình tròn 10 năm mở lớp tình thương, đến nay ông Hùng vẫn còn rất hăng hái.
Ông khẳng định: "Ngày nào còn sức khỏe và còn khả năng thì tôi vẫn cố gắng dạy cái chữ cho tụi nhỏ. Thấy tụi nhỏ từ em không biết chữ đến biết chữ trở thành con ngoan trò giỏi là niềm vui vô bờ của tôi.
Dù ít hay nhiều tôi hy vọng rằng những năm tháng ngắn ngủi được học con chữ cũng sẽ giúp các em lên người, góp phần thay đổi cuộc sống của các em sau này, hướng các em đến giá trị tốt đẹp trong cuộc sống mưu sinh vất vả".
Tạm biệt "lớp học tình thương hòa hảo" của ông giáo Hùng, những tiếng í ới, cười đùa của con trẻ vẫn gieo vào trong lòng chúng tôi sự thanh thản và bình yên.
Theo Uông Ngọc - Vũ Ninh (giaoduc.net.vn)
Nam sinh dũng cảm bắt cướp giữa sân trường Nghe tiếng hô cướp giữa sân trường, Huy lập tức đuổi theo và khống chế tên cướp đang phóng xe hòng tẩu thoát. Mới đây, khi các sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang chụp ảnh kỷ yếu ở sân trường, một đối tượng xấu phóng xe máy lao vào ngang nhiên giật túi đồ của một nữ...