Lòng trắc ẩn vô tình thành… tội ác!
Tôi thương bà cụ và có phần đồng cảm với chàng trai. Bởi nếu là chàng trai kia, với những tất bật trong công việc hằng ngày, tôi cũng sẽ quên như vậy. Vì đơn giản, tôi không ngờ bà lão lại ngồi chờ và giờ đây tình thương đã vô tình là tội ác…
Bà cụ bán rau bên lề đường nhưng không có ai mua. Một cô gái đến xem, rồi buông một câu đau lòng: “Rau của bà lợn cũng không thèm ăn”. Chờ khi cô gái bỏ đi, chàng trai trẻ cảm thương đã bỏ số tiền nhỏ mua giùm bà cụ toàn bộ số rau đó. Nhưng do công việc bận mải, anh gửi lại bà cụ với lời hẹn chiều về qua lấy.
Rồi bị cuốn vào công việc, anh quên bãng lời hẹn với bà cụ. Trong khi đó, bà cụ kiên nhẫn chờ chàng trai để gửi lại số rau đến tận đêm khuya trong giông gió. Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến cơn nhiễm lạnh. Mấy hôm sau, nhớ lại lời hẹn, chàng trai trở lại tìm thì được biết giờ cụ chỉ còn là nấm mộ…
Bài thơ Một câu chuyện “đẹp hơn nước mắt” được “chuyển thể” từ câu chuyện trên facebook đăng tải ở BLOG Người yêu thơ đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo bạn đọc.
Nhiều và rất nhiều tình cảm kính trọng, thương yêu dành cho bà cụ và cảm động trước việc làm nhân ái, đầy lòng trắc ẩn của chàng trai.
Nhưng trong số đó, không ít người lại có cái nhìn khác. Họ lên án chàng trai bởi chính việc làm vô tâm của anh là nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của bà cụ.
Bạn Nguyễn Khánh Lam viết: “Một bà lão sống trung thực, tự trọng và một chàng trai có lòng trắc ẩn, thương người. Nhưng phải chi chàng trai thực sự để tâm đến bà lão, đến lời nói và việc làm của mình để thực hiện đến cùng thì câu chuyện đâu có kết thúc như thế. Để rồi chính anh và bao người phải day dứt”.
Bạn Lưu Bùi Quốc Bảo triết lý: “Giới hạn giữa cái tốt và cái xấu sao quá mong manh. Nếu ta đọc thoáng qua hành động của hai nhân vật thì sẽ thấy nhân vật nam đại diện cái tốt, nhân vật nữ đại diện cái xấu. Nhưng kết quả thì sao? Hành động xấu của nhân vật nữ không gây ra cái chết cho bà cụ còn hành động nhân vật nam gây ra cái chết cho bà cụ. Do vậy đã giúp thì phải giúp cho đến nơi đến chốn, phải tôn trọng lời nói và phải hành động theo lời nói, đừng để một phút đánh mất chính mình mà hối hận cả đời”.
Bạn Nguyễn Mai đặt câu hỏi: “Tôi đánh giá cao sự tốt bụng của cậu thanh niên mua rau giúp bà cụ. Nhưng tôi không hài lòng về cách giúp đỡ của cậu, giá như sự giúp đỡ của cậu trọn vẹn hơn, chắc chắn bà lão tốt bụng sẽ còn trên cõi đời này”
Bạn Nguyễn Trọng Ngọc có cái nhìn cảm thông với cả hai phía: “Chàng trai không xấu nhưng nhân cách của bà cụ thật là vĩ đại.Tôi xót thương cho bà cụ và có phần đồng cảm với chàng trai. Có thể nếu tôi là chàng trai kia với những tất bật trong công việc hằng ngày, tôi cũng sẽ quên như vậy vì đơn giản tôi không ngờ bà lão lại ngồi chờ và giờ đây tình thương đã vô tình là tội ác. Sẽ không có tòa án và tội trạng nhưng tòa án lương tâm thì sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Xin lỗi cụ! Lời xin lỗi muộn màng nhưng có lẽ là lời xin lỗi ý nghĩa nhất trong cuộc đời”.
Bạn Nguyễn Hương Linh thì tỏ ra phẫn nộ: “Lúc đầu mình thấy hành động của gã trai kia thật đẹp nhưng không ngờ cái kết của câu chuyện làm mình giận hắn đến thế. Mình giận hắn bao nhiêu thì lại càng thương bà cụ bấy nhiêu! Hỡi gã trai công sở ăm mặc lịch sự kia! Hãy xem xét lại hành động của chính minh đi”.
Video đang HOT
Bạn Hữu Lợi lại tự rút ra bài học: “Trường hợp này anh không có lỗi cố ý, nhưng anh phải hiểu rằng tiền của anh tuy không nhiều, nhưng sử dụng phải có mục đích và quan điểm cụ thể. Không được dùng kiểu ban ơn, bố thí như vậy đâu. Cụ già đi bán hàng là để kiếm sống chứ không phải để hành khất. Nếu anh thành tâm thì đã cầm luôn mấy mớ rau đi để bà cụ về nghỉ ngơi thì không xảy ra chuyện bi thảm…”
Bạn Trần Văn Huy chia sẻ: “Làm từ thiện cũng phải đúng cách. Một câu chuyện hay về một cảnh đời bình thường và một điển hình của sự vô tâm”.
Trần Trung Thành lại có cái nhìn rất nghiêm khắc: “Xét về mức độ độc ác thì chàng trai kia còn độc ác hơn cô gái nọ vì cô gái ấy dám nói thẳng ý nghĩ của mình còn chàng trai kia dù không cố ý nhưng do sĩ diện nên đã làm chết một mạng người”.
Đó chí là vài trong hàng trăm ý kiến bày tỏ quan điểm của mình xung quanh hành động của chàng trai với cái chết của bà cụ.
Phải chăng, lòng trắc ẩn lại trở thành tội ác?
Theo Dantri
Bi kịch đời bà cụ bỏ mạng trong vụ cháy
Sinh được tất cả 6 người con thì có 3 người xấu số mất sớm vì ung thư, bệnh tật hiểm nghèo. Chồng cũng mất sau đó ít năm. Một thân một mình, tuổi già lại ốm đau bệnh tật liên miên... Hỏa hoạn bất ngờ ập xuống, thiêu rụi căn nhà, không có đường thoát thân, bà cụ đành bất lực bỏ mạng.
Vụ cháy lớn sáng ngày 26/8 tại khu tập thể C8, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ảnh hưởng tới 35 hộ dân và 1 người thiệt mạng.
Nạn nhân xấu số duy nhất trong vụ hỏa hoạn này là cụ Hoàng Thị Dăm (SN 1928) quê ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định đã không kịp chạy ra ngoài thoát thân.
Éo le phận đời
Cái chết thảm của cụ Dăm do hỏa hoạn khiến người dân trong khu vực này ai biết tin cũng vô cùng thương xót, chia sẻ cho hoàn cảnh nhiều đớn đau, bi kịch đời bà.
Cụ Dăm có tất cả 6 người con (4 con trai, 2 con gái) trong đó ông Vũ Văn Tuy (SN 1954) là con trai cả trong gia đình.
Nhưng bệnh tật hiểm nghèo cứ liên tiếp ập đến gia đình khiến 3 người con lần lượt phải ra đi. Chồng cụ cũng mất sau đó ít năm. Một thân một mình, tuổi già hay ốm đau, bệnh tật liên miên cụ ở chung với vợ chồng ông Tuy trong căn nhà cũ kĩ ở khu tập thể tồi tàn.
Thời gian trước đây vài năm, cụ Dăm chán cảnh sống nơi ở chật hẹp, tối tăm lại ồn ã tiếng người nên về quê Nam Định ở cho yên bình. Nhưng con cháu ở quê đều bận đi làm xa, không có ai chăm nom săn sóc nên cụ lại quay lên ở với con trai cả và con dâu tên Cao Thị Hòa (SN 1955), quê ở huyện Bình Lục - Hà Nam.
Vụ hỏa hoạn sáng ngày 26/8 khiến gần 35 hộ dân ở khu phố Hàm Tử Quan, Hà Nội bị thiệt hại ảnh hưởng nặng nề
Hai vợ chồng ông Tuy ở căn nhà P21, gác 2, khu tập thể C8, phố Hàm Tử Quan đã được gần 20 năm nay. Nơi ở cũng tạm gọi là nhà, rộng chừng 25m2 chật hẹp và cũ kĩ do kết cấu xây dựng chủ yếu bằng gỗ từ mấy chục năm rồi.
"Ở đây khổ lắm, bếp than tổ ong đun ngay trong nhà, mỗi khi nấu đều cảm thấy ngạt thở" - ông Tuy cho biết. Nhưng biết làm sao được, không có tiền nên đành phải ở, miễn là có chỗ ăn ngủ qua ngày để kiếm sống trên Hà Nội.
Căn nhà chật hẹp ngột ngạt ấy là nơi chen chúc ở của 4 con người trong một gia đình: 2 vợ chồng, 1 đứa con gái và bà cụ già. Bốn bề căn nhà đều được bịt kín bởi các tấm gỗ nên nhà tối om cả ngày.
Ngột ngạt quá, ông Tuy đã phải khoét trên nóc nhà một lỗ ô vuông nhỏ để cho ánh sáng lọt vào, cho thông thoáng hơn.
Nhưng đớn đau thay, vụ hỏa hoạn ập đến quá nhanh và dữ dội đã cướp đi sinh mạng của cụ già tuổi cao, sức yếu. Tại thời điểm xảy ra cháy, cả 4 người đều ở nhà nhưng không ai kịp trở tay, chậm chân chút nữa là có thêm người phải bỏ mạng.
Trong tình thế cấp bách khi lửa khói đang ập đến căn nhà, ông Tuy đã trèo cả lên mái nhà giật tung cửa gió trên nóc hô gào đến lạc cả giọng để người thân và các hộ dân tháo chạy. Nhưng đau xót nhất, nhìn thấy mẹ bị cuốn vào trong đám khói, lửa cháy đang dữ dội mà ông đành bất lực vì không có đường chạy thoát thân.
"Cả khu nhà tập thể này có hàng chục hộ dân nhưng chỉ có duy nhất một lối đi vào độc đạo, rộng chừng 1m, kéo dài sâu hun hút vào bên trong" - ông Tuy bức xúc.
Đau xót
Biết cụ chẳng thể qua khỏi cơn hoạn nạn, cả sáng đến chiều mấy người thân trong gia đình mắt đỏ hoe vì đau xót. Tai họa bất ngờ đổ xuống dường như quá lớn. Con dâu cụ Dăm - bà Hòa - cứ ngồi thơ thẩn, nét mặt trông bơ phờ vì mệt mỏi.
Cụ Dăm ngoài con trai cả ở cùng còn có 2 người con gái nữa. Hay tin qua điện thoại mẹ mất vì ngạt thở trong đám cháy, cô con gái lớn đi Sài Gòn làm ăn vội bắt xe về. Cả chiều, 2 vợ chồng ông Tuy cùng cô em gái ở ngoài Hà Nội sốt sắng lo đưa người mẹ xấu số về quê an táng, phần lo chỗ ở trong đêm nay vì nhà cửa cháy hết cả rồi.
Ông Tuy, bà Hòa còn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của mẹ mình
Hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn những tài sản đáng giá nhất trong căn nhà ông Tuy gồm 2 ti vi, 1 máy lạnh, 1 tủ lạnh, 1 máy may cũ, 2 điện thoại di động cùng 3 chỉ vàng với mấy chục triệu đồng tiền mặt mà cả đời 2 vợ chồng ông dành dụm chắt chiu tích cóp.
Thời trẻ, ông Tuy có làm ở hợp tác xã trong khu vực nhưng cũng chỉ được vài năm, về nhà không có công ăn việc làm ổn định, đành chuyển sang nghề chạy xe ôm kiếm sống hàng ngày. Ông chủ yếu chở cho khách quen, những người dân sống cùng khu tập thể khi nào cần thì gọi, thu nhập cũng bấp bênh, thất thường.
Còn bà Hòa mưu sinh bằng quán nước ở trong ngõ, có đồng ra đồng vào thêm thắt chi tiêu cuộc sống gia đình. Mỗi tháng cả 2 vợ chồng dành dụm cũng được 1,5 đến 2 triệu đồng.
"Tài sản mất đã đành nhưng đau đớn nhất là mẹ cũng không còn. Tai họa biết làm sao, giờ chỉ lo đưa mẹ về nơi chín suối yên nghỉ cho an lòng" - ông Tuy đau buồn.
Biết chuyện, nhiều người dân sống trong "xóm nghèo" này đã đến chia buồn và động viên đối với hoàn cảnh gia đình ông Tuy.
Cũng trong chiều 26/8, phía UBND phường đã có cuộc họp để hỗ trợ gia đình các hộ dân chịu ảnh hưởng trong vụ hỏa hoạn với số tiền mặt là 6 triệu đồng mỗi hộ và bố trí chỗ ở tạm cho gần 40 hộ dân đã mất nhà mất cửa.
Riêng về gia đình ông Tuy - bà Hòa, có người thiệt mạng nhận được thêm 4,5 triệu đồng tiền hỗ trợ từ phía chính quyền.
Theo VNN
Thang cuốn - những tai nạn bất ngờ Những năm gần đây, trước sự ra đời của hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại thì hệ thống cầu thang cuốn cũng được sử dụng khá phổ biến. Bên cạnh những tiện ích không nhỏ thì loại thiết bị hiện đại trên cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người sử dụng... Tai nạn do thang cuốn xảy ra...