Lòng tin là món nợ lớn phải trả nhân dân
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ như vậy trước thềm năm mới 2013.
Theo Chủ tịch nước, 2012 là một năm sôi động trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam với các nước, trên cả bình diện song phương lẫn đa phương.
Điển hình là lập trường trong giải quyết tranh chấp về chủ quyền biển Đông bằng biện pháp hòa bình mà chúng ta luôn theo đuổi cũng chính là xu thế phổ biến của thế giới.
Chúng ta hiện đang quán triệt tinh thần này cùng với thực hiện các giải pháp thích hợp khác để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước.
Về đối nội, Chủ tịch nước cho biết việc củng cố và xây dựng sự trong sạch, vững mạng đội ngũ Đảng là điều rất được quan tâm.
Video đang HOT
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện
với các cử tri tại TP HCM
Sự giám sát của nhân dân đối với cán bộ các cấp, cả cán bộ lãnh đạo cấp cao ngày càng gia tăng là một biểu hiện rất tốt.
Theo Chủ tịch nước, vừa rồi, lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên là Ủy viên TƯ Đảng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chứng minh sự giám sát đã khác hơn trước.
Chủ tịch nước nói thêm: ‘Tới đây hằng năm, cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND) cũng sẽ giám sát chúng tôi thông qua lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra, còn có quy chế giám sát của Mặt trận và các đoàn thể, tức là nhân dân thông qua các tổ chức của mình giám sát chúng tôi nữa.
Quá trình thực hiện các biện pháp trên sẽ góp phần làm rõ bộ phận suy thoái và góp phần sàng lọc bộ phận suy thoái đó ra khỏi đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước’.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh rằng, những khó khăn hiện nay của đất nước làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, thì những người lãnh đạo đất nước biết phải nghĩ gì…
‘Đó là một sự ray rứt ghê gớm khi chưa giải quyết được vấn đề mất lòng dân thế này, chứ không thể yên tâm được. Đây là một món nợ lớn lắm, phải trả với dân’, Chủ tịch nước chia sẻ.
Theo TNO
Philippines vẫn "hoà nhã" trong tranh chấp Biển Đông
Ngoại trưởng Philippines - ông Albert del Rosario hôm nay (24/5) đã tuyên bố trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, nước này sẽ tiếp tục theo đuổi các biện pháp hoà bình nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Ông Rosario cũng nhấn mạnh, Manila vẫn sẽ "trông cậy" vào bên thứ 3 trong nỗ lực giải quyết cuộc tranh chấp này bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Philippines - ông Albert del Rosario
Manila hiện đang "mắc kẹt" trong vụ tranh chấp lãnh hải liên quan đến bãi đá ngầm Scarborough (hay còn gọi là Hoàng Nham) với Trung Quốc từ đầu tháng 4 vừa qua. Cả hai nước đều cáo buộc nhau làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Trong một tuyên bố được đưa ra trước Hội nghị cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với chủ đề "Vai trò Hoà giải của Các nước thành viên", ông Del Rosario cho biết: "Cái giá của xung đột quá cao." "Hoà giải và cơ chế bên thứ 3 có thể làm sân chơi trở nên bình đẳng... Vì thế, chúng tôi đang theo đuổi hướng đi này với hy vọng sẽ giải quyết được cuộc xung đột đang diễn ra ở Biển Đông", Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh.
Ông Del Rosario là một trong 5 vị Ngoại trưởng được mời tới tham dự hội nghị của Liên Hợp Quốc vì Philippines đã tham gia rất tích cực vào sáng kiến hoà giải của tổ chức này.
Chương VI của Hiến chương Liên Hợp Quốc về vấn đề giải quyết tranh chấp hoà bình quy định, các quốc gia có tranh chấp cần tìm những biện pháp giải quyết xung đột một cách hoà bình thông qua con đường đàm phán, thẩm vấn, điều đình, hoà giải...
Sóng gió Biển Đông bắt đầu nổi lên từ hôm 10/4 khi một máy bay do thám của Hải quân Philippines phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Vụ việc này đã dẫn đến một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc. Đây chính là mồi lửa châm ngòi cho cuộc tranh chấp căng thẳng và quyết liệt hiện nay giữa Manila và Bắc Kinh xung quanh bãi đá cạn Scarborough.
Bãi đá cạn Scarborough nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh hải này.
Theo VNMedia