Lòng thả xứ Quảng – ăn và nhớ
“Lòng thả xứ Quảng, cô ăn một tô nhé!” – Bác chủ quán tóc lấm tấm sợi đen sợi trắng đeo cái tạp dề đã ngả màu, nheo nheo mắt nhìn tôi. Ồ! Lòng thả, lâu lắm rồi mới được nghe nhắc đến, nhất là ở nơi vốn rất nổi tiếng với món này…
Cái nắng tháng 3 nơi vùng sơn cước xứ Quảng như xô hết những khoảng lạnh còn sót lại của mấy đợt gió mùa tràn về. Thị trấn bé nhỏ vốn không ồn ào, gấp gáp càng làm cho lòng lữ khách thêm bồn chồn phân vân. Xa xa, một quán nhỏ nhấp nhô, không biển hiệu, không chữ xanh chữ đỏ như ở phố nhưng rõ ràng là một quán ăn ven đường. Vậy là không thể không dừng chân, nhất là thấy quán khá đông lại đúng lúc đói lòng như thế này.
“Một tô nhé?” – Bác chủ quán hỏi lại. Người như tôi lần đầu ghé quán chưa cắt nghĩa sao quán lại đông nghịt, thử một lần rồi mới hiểu thêm vì sao một người bạn từng nói: “Về Quảng Nam không ăn lòng thả coi như tiếc một chuyến đi”. Tôi gật đầu nhanh: “Vâng ạ!”.
Đậm đà lòng thả nấu miến – Ảnh: T.Ly
Lòng thả là món ăn phổ biến ở một vài nơi trong tỉnh Quảng Nam. Một số gia đình dùng lòng gà tươi trụng với ít nước luộc gà, kèm dăm sợi miến là có ngay một món vừa nhanh vừa nhẹ nhàng. Nhưng đúng hơn, lòng thả phải là một kiểu cháo có vị chua, không nấu nhừ như các loại cháo thịt, cá, xương… Nhưng điều quan trọng với tôi nhất là món này thật khoái khẩu, ngon đến lịm cả người.
Video đang HOT
Để cho lòng thả ngon phải chọn loại gà ta khỏe mạnh, chưa già, thịt mềm. Cắt lấy tiết, nhổ lông, rửa sạch sẽ, tách từng bộ phận gan, lòng và lóc những miếng nạc ở lườn và đùi. Bộ lòng làm sạch, cắt miếng nhỏ ướp gia vị. Thịt lườn và đùi xắt thật mỏng cho vào nồi ướp với hành tím, tỏi, nước mắm, tiêu, bột ngọt. Trộn đều tất cả cùng với bánh tráng nướng đã giã hoặc xay nhuyễn, xong đậy kín để tạo vị chua (có thể thay bánh tráng bằng chanh).
Công đoạn tiếp theo là nấu cháo. Gạo đem nấu cháo được rang sơ qua mỡ gà, để lửa cho sôi đến lúc chừng như vừa nở lúp búp là thả lòng gà vào. Đặt thịt gà đã ướp vào chén, múc cháo cùng lòng gà đang sôi chan lên. Như vậy thịt, gan, tim, lòng vừa chín tái, khi ăn, nếu cần rắc thêm tiêu vào.
Khách ăn lòng thả thường không thể thiếu bánh tráng. Hương vị giòn tan của bánh tráng nướng vàng chìm trong vị béo mềm của lòng thả, thêm một ít rau răm nữa là đủ các vị cay, ngọt, bùi. Vừa ấm bụng, vừa thấm cái chất mộc mạc, dân dã lại được trò chuyện vui vẻ bên những người bạn thân thiết đúng là bữa ăn ngon không gì bằng.
Quả thật, cũng chỉ là bát cháo gà thôi mà sao xa rồi vẫn còn thèm thuồng và nhớ…
Theo soha.vn
Món mì Quảng của mẹ tôi
Mẹ tôi nói rằng, bánh tráng mì sẽ ngon hơn nếu được đun bằng gốc củi tre. Nó vừa thơm mùi bánh tráng lại thơm mùi tre, như thấm đậm ân tình của người dân xứ Quảng.
Năm nào cũng vậy, sau ngày hai mươi tháng chạp là nhà tôi lại đúc bánh tráng. Trước khi tráng bánh, mẹ tôi thường dậy sớm để ngâm gạo cho mềm. Sáng ra, khi con đường làng còn mờ mịt khói sương, cha tôi đã gánh gạo, củi, xoong nồi đến nhà có cối xay. Hồi đó chưa có máy xay bột, người ta thường phải xay bằng cối đá. Cối đá có tay quay bằng gỗ, một đầu nối với tai cối, một đầu hình chữ T để nắm mà xay. Thỉnh thoảng, cha tôi ngừng tay để thêm gạo và múc một ca nước đục đã chảy xuống xoong trong quá trình xay, đổ vào họng cối.
Số bột này sẽ được dùng để đúc các loại bánh tráng dày có gia tỏi, đường, gừng, mè, khi nướng sẽ cho mùi thơm; bánh tráng mỏng để gói ram, gói rau sống thịt heo; một số để làm mì khô.
Lá mì để xắt mì khô không quá dày, cũng không mỏng quá. Sau khi phơi hoặc xông lửa cho ráo mặt, dùng dao xắt chuối mài bén, đặt cây thước trên năm lá mì xắt một lần. Sau đó, đem phơi khô, rồi cho vào cất trong bao nylon.
Mì khô dùng để chế biến các món trộn với tôm thịt hay nấu canh với lòng gà, lòng vịt rất ngon. Ngày thường, chúng tôi chẳng bao giờ dám mơ được ăn mì Quảng.
Nhưng vào dịp tết, mẹ thường nấu cho ăn đã đời. Những lá mì được đúc cuối cùng, ra cái nào, mẹ tôi cũng dùng dầu phộng đã khử với củ nén thoa lên bề mặt của bánh. Động tác này làm cho bánh dễ gỡ ra, thơm và béo hơn.
Trước ngày đúc mì, mẹ bắt con gà lớn nhất, nhốt trong giỏ sắt sau nhà để chuẩn bị cho bữa mì Quảng. Nhân mì nấu bằng thịt gà ta thơm ngon đáo để. Rau sống tươi xanh gồm xà lách, tần ô, ngò, cải non mới hái trong vườn. Mì vừa đúc, còn hơi âm ấm, vừa dẻo vừa thơm mùi dầu phộng.
Tô mì nhiều màu sắc, nóng hổi, tỏa hương quê ngào ngạt. Anh em tôi "lùa" mì đến đâu, cái ngon, cái thú vị thấm tới đó.
Giờ đây, tôi có thể bước vào bất kỳ quán ăn sang trọng nào để gọi tô mì Quảng, nhưng không thể bì với bữa ăn đầm ấm cùng gia đình trong mái nhà tranh vách đất năm nào. Và mỗi lần đi trên con đường quê, bất chợt thấy bóng ai đang lom khom phơi mì, tôi cứ tưởng hình ảnh của mẹ ngày tôi còn thơ bé.
Theo: Phunuonline
Những "sát thủ" của làn da mịn màng Một số hành động thường ngày nếu không để ý sẽ gián tiếp gây lão hóa da sớm. Bạn cần thay đổi thói quen để gìn giữ sắc đẹp và sức khỏe của mình. 1. Gối quá cao hoặc quá thấp Gối quá thấp dễ làm máu dồn lên não nhanh và nhiều, gây quầng thâm ở mắt, đau đầu, nặng đầu khi...