Long Nhật: ‘Người bình thường không phát biểu bất thường”
“Một người bình thường thì không thể có những phát ngôn bất bình thường như Quốc Trung!”, Long Nhật tỏ ra khá bức xúc.
Sau phát ngôn “Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường” của nhạc sĩ Quốc Trung”, không ít nghệ sĩ Việt đã lên tiếng. Và dường như “ Bà tám showbiz Việt” Long Nhật không thể không tham gia được, vì bất cứ sự ồn ào showbiz nào anh cũng góp mặt như một lẽ tất yếu.
“Bà tám showbiz”Long Nhật xin được nghỉ giải lao không tham gia các chuyện ồn ào trong giới nữa, vì bắt đầu từ mùa thu cho đến tết nguyên đán là lịch diễn kín mít, đi hát suốt không kịp thở từ trong nước cho đến nước ngoài. Nhưng lần này, người ta đã đụng chạm đến dòng nhạc trữ tình mà “Bà tám” theo đuổi suốt hơn 20 năm qua thì giờ giải lao của “Bà tám” đã hết!
Long Nhật lên tiếng phản pháo Quốc Trung.
Hôm qua tình cờ đọc được bài báo của Quốc Trung, bỗng dưng thấy lo ngại quá, cả đêm mất ngủ vì sợ mình bị “bất bình thường”. Ngày mai cố gắng xin nghỉ hát một ngày để đi gặp bác sĩ tâm lý tư vấn xem mình có bị “vấn đề” như Quốc Trung nói không? Có bạn nào muốn đi, xin liên hệ với mình đi chung nhé. Showbiz Việt sẽ dấy lên một trận cuồng phong nữa đây.
Đôi khi người sáng tác và người thưởng thức tự cho mình là hàn lâm sang trọng bác học, nhưng tôi nghĩ, nghệ sỹ Việt nam mình ngoài những tên tuổi đạt được đẳng cấp sang trọng nhưng không làm mất đi cái chất trữ tình, đậm đà bản sắc dân tộc như: NSND Lê Dung, NSND Trung Kiên, NSND Thu Hiền, danh ca Bảo Yến, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Hương Lan… thì có một số người trong giới sau này tự phong cho mình những danh xưng, mỹ từ một cách tội nghiệp.
Bằng chứng là những tác phẩm của họ không có người nghe, không có đời sống trong khán giả mộ điệu dù họ cố tình hô hào kêu gọi và tìm đủ mọi cách trên báo chí, tivi, cùng các phương tiện thông tin đại chúng. Và dù họ cố tình vùi dập phủ nhận nhưng những giá trị đích thực luôn luôn trường tồn cùng thời gian. Bởi vậy, những tác phẩm và những giai điệu tuyệt vời đã có đời sống bất tử cùng số phận của dân mình, quê hương mình mà Quốc Trung cho là “sến”, là bất thường. Cùng với những giọng ca vàng đã từng thể hiện nó như: Lệ Thu, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Bảo Yến, Hương Lan,Tuấn Vũ, Chế Linh, Thanh Tuyền… cùng những đêm diễn của họ đầy ắp khán giả.
Hay những ca sĩ như: Chế Linh, Hương Lan, Tuấn Vũ, Quang Lê, Phi Nhung, Long Nhật… các liveshow của họ từ trong nước đến hải ngoại, từ thành thị đến nông thôn luôn cháy vé. Khán giả phải đăng ký cả tháng mới có chỗ ngồi tốt. Bên cạnh đó, có những ca sĩ cố tình gào thét xin tài trợ nhưng chương trình của họ không lo đi bán vé hợp đồng trước cho các doanh nghiệp hay phát vé mời miễn phí thì đêm diễn khó có thể mở màn vì quá vắng khán giả” – Nam ca sĩ chia sẻ.
Không những tỏ ra bức xúc trước những phát ngôn của nhạc sĩ Quốc Trung, nam ca sĩ Mấy nhịp cầu tre còn diễn giải khá nhiều về những ưu thế của dòng nhạc bị cho là “sến”. Anh cho biết thêm: “Có những chương trình ca nhạc có ý định tổ chức định kỳ hàng tháng ở những nơi mà họ tự cho đây là không gian của những người tổ chức biểu diễn và thưởng thức âm nhạc “sang nhất nước”. Nhưng cuối cùng thì sao? Nó đã bị chết yểu khi tổ chức được vài show. Tôi còn biết rỏ, có ca sĩ tự cho mình là hàn lâm bác học nhưng khi vào diễn ở một phòng trà tại Sài Gòn, trời chỉ có mưa mấy hạt lất phất mà chỉ bán được 3 vé nên chương trình phải bị hủy.
Quốc Trung trở thành địch thủ mới của Long Nhật
Làm liveshow nhiều, album cũng lắm mà không tiêu thụ được vì âm nhạc quá lạ lẫm với tâm hồn người Việt bởi sự vay mượn lai căng một cách tội nghiệp với lối hát phô trương! Cũng bày đặt hát nhạc xưa, nhạc trữ tình lãng mạn bị cho là “sến”. Người ca sĩ này không thành công bởi những nỗi đau và tinh thần của tác phẩm được phô trương ra bên ngoài một cách thái quá, lạm dụng kỹ thuật thanh nhạc làm cho tác phẩm âm nhạc có giá trị trở thành méo mó thảm hại.
Video đang HOT
Hay có những người muốn kêu gọi lòng thương hại của công chúng cộng với scandal rần rần, bài hát cũng được đề cử và được xếp hạng đầu bảng hẳn hoi. Những yếu tố đó cộng lại rỏ ràng là thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhưng đêm diễn vừa rồi tại một phòng trà Sài Thành ế ẩm và vô nghĩa. Nghệ sỹ khách mời đến hát còn đông hơn khán giả ngồi ở dưới xem. Nên mới nói, vàng thật muôn đời vẫn là vàng thật, còn những cái na ná chỉ là vàng mạ thì đến một ngày lớp mạ kia bị bóc ra thì bên trong chỉ là kẽm và chì mà thôi.
Nếu nói trữ tình lãng mạn, đậm đà tình nghĩa là “sến” thì ngoài những tác phẩm được viết từ những nhạc sĩ miền trong như: Lam Phương, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh, Lê Dinh, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Quốc Dũng… đến những bài hát trữ tình của các nhạc sĩ lão thành như: Phan Huỳnh Điểu, Phan Lạc Hoa, Thuận Yến, Giáp Văn Thạch… những tác phẩm để đời da diết sâu nặng tình quê hương, tình đôi lứa ấy thì có bị gọi là “sến” không?
“Bà tám showbiz” đã trở thành thương hiệu của Long Nhật.
Trong từ điển âm nhạc không có thể loại nào gọi là “nhạc sến” cả. Chỉ có nhạc trữ tình lãng mạn, trữ tình cách mạng, nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca 3 miền hay nhạc thính phòng. Người ngoài giới họ nói gì kệ họ, Quốc Trung là người trong giới không nên dùng từ này với ý nghĩa hạ bệ.
Riêng cá nhân “Bá tám” Long Nhật suy nghĩ lạc quan hơn! Từ “sến” chẳng có gì xấu cả, mà đem ra nói với giọng điệu chê bai. Ai sợ thì cứ sợ, còn tôi là ca sĩ hát nhạc trữ tình quê hương hơn 20 năm xin nhận từ “sến” về làm báu vật. Bởi nhờ nó mà tôi chuyển tải được những giai điệu tâm hồn mộc mạc của những tác phẩm để đời đến với khán giả và có sự nghiệp, có chỗ đứng khiêm nhường nhưng rất vững chắc trong lòng công chúng”.
“Các bạn trẻ khi bước vào tuổi 30 có công việc, có gia đình và trăn trở về tình yêu, về cuộc sống sẽ tìm đến với dòng nhạc này một cách tự nhiên như là người Việt Nam phải ăn cơm với cá kho, canh chua, cà pháo vậy. Bởi suy cho cùng, mình là người Việt thì mãi mãi những giai điệu của người Việt nam luôn luôn trường tồn! Và hiện tượng bé Phương Mỹ Chi là một minh chứng hùng hồn nhất. Mặc dù em không là quán quân trong cuộc thi vừa rồi, nhưng em là quán quân của hàng triệu triệu khán giả yêu dòng nhạc trữ tình dân ca trong nước cũng như hải ngoại.
Thử hỏi Quốc Trung đã có tác phẩm nào sống cùng công chúng chưa mà suốt ngày miệt thị, coi thường các dòng nhạc khác. Ai ở vị trí nào thì làm tốt vị trí đó, đừng có ý kiến đá sân lung tung gây ra hiểu lầm lộn xộn. Tự cho mình là hàn lâm quý phái sao? Suốt ngày Quốc trung leo lên những chương trình mang tính giải trí rồi nói năng vô thưởng vô phạt, âu cũng là trò đời mua vui cũng được một vài trống canh. Mặc chiếc áo không phải là của mình chật quá hay rộng quá cũng đều trở nên kệch cỡm và xấu xí!.
Người Hà Nội được coi là sang trọng nhất nước, “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, nhưng để ý mà xem, nhà nhà xem phim bộ Hồng Kông, Hàn Quốc, người người từ em bé đến cụ già hay các bạn nam nữ thanh niên ai cũng thuộc lòng những bài hát trữ tình lãng mạn, quê hương ngọt ngào. Vậy thì cũng bị gọi là bất bình thường hay sao?
Nói như Quốc Trung, vậy thì bao nhiêu thế hệ từ ông bà, cha mẹ mình, cho đến thế hệ chúng ta và những người trẻ sau này nữa, những ai yêu dòng nhạc mà Quốc Trung cho là “sến” thì đều là bất bình thường hết à? Nói như vậy là phủ nhận, là quá chủ quan. Một người bình thường thì không thể có những phát ngôn bất bình thường như Quốc Trung!” – Long Nhật mổ xẻ thêm về phát ngôn “gây sóng gió” của Quốc Trung.
Theo Trithuctre
Bảo Yến: "Nhạc sến là gì Quốc Trung có hiểu không?"
"Người ngoài không phải là ca sĩ, nhạc sĩ có thể dùng từ đó nhưng Quốc Trung là một nhạc sĩ mà dùng từ này để "hạ bệ" dòng nhạc trữ tình là không nên", danh ca chia sẻ.
Nhạc sĩ Quốc Trung gọi nhạc trữ tình lãng mạn là nhạc sến. Là một ca sĩ lâu năm trong nghề chị nghĩ gì về nhận xét trên?
Mọi người cũng từng biết những bản tình ca nổi tiếng với phần lớn là tiết điệu bolero của các nhạc sĩ Lam Phương, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh, Anh Bằng... đã chinh phục nhiều thế hệ người nghe.
Thực chất, những người nghe nhạc rất tinh tế và công bằng, không nể nang bất kỳ ai. Vì vậy, để chinh phục và bắt họ ngồi bật dậy ra khỏi nhà giữa trời mưa lạnh đến nhà hát, bỏ tiền triệu ra mua vài tấm vé, thưởng thức những bản nhạc trữ tình đó phải là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Bên cạnh đó, những giai điệu chân tình mộc mạc với những ca từ thổn thức, đậm chất văn chương, tình đời, tình người vốn đã đi sâu vào lòng những người yêu nhạc.
Tuy nhiên nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: "Thanh niên mà đắm đuối với nhạc sến là điều bất thường"?
Trong từ điển âm nhạc Việt Nam không có từ nhạc sến, chỉ có dòng nhạc thính phòng, nhạc trữ tình, nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca 3 miền. Nhạc sến là dùng để ngồi nói chuyện với nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Người ngoài không phải là ca sĩ, nhạc sĩ có thể dùng từ đó nhưng Quốc Trung là một nhạc sĩ mà dùng từ này để "hạ bệ" dòng nhạc trữ tình là không nên. Nhạc sến là gì? Vì sao có từ "sến" Quốc Trung có hiểu không? Nó bắt nguồn từ thời Pháp thuộc để chỉ những người phụ nữ không có học hành mà ăn diện lòe loẹt, đỏm dáng nhưng ưa nói chữ nghĩa để ra vẻ ta đây là dân sành điệu. Vì vậy, mọi người mới dùng từ "sến" cũng đồng nghĩa với từ "con sen" (người giúp việc) để ghép với cái tên Mary thành "Mary sến". Từ đó, từ "sến" ra đời và người ta chỉ dùng từ này để nhận xét về thẩm mỹ của một ai đó chứ không phải để nói đến âm nhạc.
Vậy theo chị, dòng nhạc Quốc Trung gọi là sến phải gọi như thế nào mới đúng?
Chính là nhạc trữ tình nhưng nó được phân ra nhiều dòng, ví dụ như nhạc tình được gọi là sang trọng phải kể đến Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn... Còn nhạc tình gần gũi với đời sống quảng đại quần chúng có Lam Phương, Trúc Phương, Minh Kỳ, Anh Bằng... Người thích loại này, người thích kiểu kia.
Tôi là người đã mấy mươi năm trình diễn cả hai dòng nhạc này nên tôi biết rất rõ. Khán giả không phải nghe dòng nhạc sang trọng là có trình độ học vấn cao, hay nghe những ca khúc gần gũi mộc mạc là trình độ văn hóa thấp. Có rất nhiều khán giả là bác sĩ, giáo sư, nhà giáo say mê Bảo Yến với những giai điệu cùng những ca từ mộc mạc và dung dị. Tùy vào tính cách và hoàn cảnh, mỗi người sẽ chọn cho mình một dòng nhạc ưa thích.
Còn chuyện ca sĩ trẻ chuyển qua hát nhạc sến như một trào lưu, chị nghĩ sao?
Thực ra, các ca sĩ chuyển qua hát nhạc sến hay còn gọi là nhạc trữ tình vì thể loại này kiếm tiền nhiều và nhanh hơn nhạc sang. Đa số quần chúng thích nghe những giai điệu nhẹ nhàng gần gũi với gia đình và cuộc sống của họ. Vì vậy, để có thu nhập cao, nhiều ca sĩ sẽ chuyển qua hát nhạc trữ tình. Khi đã dư giả, họ quay lại hát nhạc sang.
Tuy nhiên không ít người cho rằng, hát nhạc sến là để chứng minh đẳng cấp?
Những ca sĩ cho rằng hát nhạc sến để chứng minh đẳng cấp là sai và ảo tưởng. Người ca sĩ chỉ cần hát hay, truyền cảm và có nội lực để dẫn dắt người nghe vào những giai điệu là thành công, dù chỉ hát được một dòng nhạc. Không phải hát nhạc sến là thể hiện đẳng cấp đâu. Theo tôi, hát được nhiều thể loại mà không ra gì, ca sĩ đó chỉ đáng hạng C, hạng D. Vì thế, những người ấy nên chuyển sang nghề khác còn hơn.
Thêm vào đó, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, ca sĩ đua nhau hát nhạc sến là a dua thiếu nhận thức, chị nghĩ sao?
Người ta có quyền thích nhạc sang lẫn nhạc trữ tình và tôi là một điển hình. Còn Huy Tuấn có lẽ chỉ thích một phía và đó là phần khiếm khuyết của anh ấy. Làm sao có thể không mê dòng nhạc nổi tiếng từ bấy lâu nay của Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương... vốn là những tay "phù thủy" của ngôn từ và giai điệu?
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã phát biểu trên truyền hình: "Ca sĩ không đi học thanh nhạc qua trường lớp sẽ kéo theo một lớp khán giả vô học - ngưu tầm ngưu mã tầm mã". Ý kiến của chị thế nào?
Đó là ý kiến quá sức chủ quan. Nhạc sĩ hay ca sĩ cũng vậy, học hành là rất tốt. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ, chưa phải là tất cả.
Một nhạc sĩ tốt nghiệp trường âm nhạc quốc gia chỉ tương đương với người học kẻ nhạc trình bày nốt nhạc và để accord cho một bài nhạc trên nền tảng cơ bản, nhưng điều cơ bản chưa hẳn là một nhạc sĩ tài hoa thật sự. Người viết nhạc tốt, ngoài khả năng trời phú về tư duy, ý tưởng tác phẩm, viết những giai điệu tuyệt vời phải có thêm khả năng văn chương giỏi (ngoài kiến thức được học ở trường), ý nghĩa thâm thúy, melody (giai điệu) độc đáo, sự dàn trải khúc thức bài hát thật cân xứng, khi nó vang lên ngoài những khán giả mộ điệu thì những nhạc sĩ khác cũng phải thán phục.
Nói tóm lại ca sĩ học về lý thuyết và kỹ thuật thanh nhạc cũng như nhạc sĩ học về giáo trình Lý - Sáng - Chỉ (Lý luận, phê bình - Sáng tác - Chỉ huy) là để nắm những điều cơ bản. Ví dụ ca sĩ phải biết mình hát tone gì, quãng giọng của mình cao thấp, phải biết phân biệt giọng nào là alto, tenor, soprano... để biết đâu là nhịp 2/4, 3/4, 4/4, 6/8. Còn để hát được nhạc trữ tình, còn phải tùy vào cái duyên chứ kiến thức trường lớp không quyết định đến sự thành công trên con đường âm nhạc.
Nghĩa là nhiều người cần có bằng cấp để thể hiện đẳng cấp?
Cả ba chị em tôi Bảo Yến, Nhã Phương và em út là nhạc sĩ Kim Tuấn được ba tôi (nhạc sĩ Thủy Triều) dạy nhạc từ nhỏ. Năm 22 tuổi, tôi đã đi tìm một giáo viên thanh nhạc rất nổi tiếng để học thêm chương trình nâng cao kỹ thuật, học được một tuần thì anh Quốc Dũng biết được nói với tôi: "Em dẹp ngay cho anh, đừng học nữa. Vì học kiểu đó nó sẽ bóp chết giọng tự nhiên của em, lúc đó em hát chỉ nghe toàn giọng mái, giọng óc mà chất giọng đó không hấp dẫn người nghe". Tôi tự nghĩ thấy đúng nên nghe theo. Bên cạnh đó, với sự say mê, học hỏi miệt mài, tôi đã chinh phục tất cả thể loại nhạc quốc tế.
Tôi biết có những ca sĩ được đào tạo trường lớp nhưng luôn hát chênh, phô và trật nhịp. Vì vậy, khi tập bài hoặc làm quen với những tác phẩm âm nhạc mới rất chậm. Nhạc lý chỉ có vậy mà đem ra lòe với thiên hạ, người ngoài giới họ dễ bị lầm tưởng là giáo trình dạy và học nhạc khó khăn lắm nhưng đối với người trong nghề mà đem chuyện học hành ra để tự trấn an đó là vũ khí của những người nương tựa nghệ sĩ không bản lĩnh, không tự tin thì chỉ xứng làm trò cười, trò trẻ con.
Theo Đất Việt
Đàm Vĩnh Hưng được Bảo Yến 'giải oan' Nữ danh ca chia sẻ chị là nạn nhân của truyền thông và hoàn toàn yêu quý Mr Đàm. Bảo Yến được xem là một trong những "cây đa cây đề" của làng nhạc Việt Nam cùng với "thế hệ vàng" Nhã Phương, Kim Yến... Một phần tuổi thơ của thế hệ 7X, 8X gắn với những bài hát của chị. Năm ngoái,...